Hoàn thiện quy trình sản xuất chế phẩm sinh học xử lý ao nuôi môi trường thủy sản tại tỉnh Sóc Trăng
Nhằm hoàn thiện quy trình sản xuất chế phẩm sinh học phục vụ nuôi trồng thủy sản, xử lý môi trường nước ao nuôi, giảm dịch bệnh, giá thành cạnh tranh; sản phẩm có chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu kỹ thuật theo quy định, phục vụ nuôi trồng thủy sản được xã hội chấp nhận. Năm 2018-2020, Trung tâm Ứng dụng Tiến bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tỉnh Sóc Trăng đã chủ trì thực hiện dự án “Hoàn thiện quy trình sản xuất chế phẩm sinh học xử lý môi trường ao nuôi thủy sản tại tỉnh Sóc Trăng”. Dự án đã được Hội đồng KH&CN chuyên ngành tư vấn đánh giá, nghiệm thu kết quả thực hiện dự án cấp tỉnh thông qua và xếp loại đạt.

Sóc Trăng là tỉnh nằm ở vùng đồng bằng sông Cửu Long, có bờ biển dài hơn 72 km với 3 cửa sông chính đổ ra biển là Định An, Trần Đề và Mỹ Thanh, rất thích hợp với việc nuôi trồng thủy sản nước lợ và ven biển. Tổng diện tích đất tự nhiên 331.118 ha, đất nông nghiệp 276.958 ha, chiếm 83,64% diện tích tự nhiên; trong đó, đất nuôi trồng thủy sản 54.500 ha. Do điều kiện tự nhiên đã hình thành 3 vùng sinh thái nước lợ, mặn và ngọt, với tiềm năng trên 100.000 ha diện tích có khả năng đưa vào nuôi trồng thủy sản với các loại hình nuôi như nuôi thâm canh, nuôi ghép, mương vườn, nuôi kết hợp trên ruộng lúa, kết hợp trồng rừng… Từ đó, ngành thủy sản được Tỉnh ủy, UBND tỉnh xác định là ngành kinh tế mũi nhọn và ưu tiên tập trung đầu tư phát triển.

Trong thời gian qua, mặc dù ngành thủy sản tỉnh Sóc Trăng đã đạt được những kết quả tương đối khả quan, tuy nhiên vẫn còn những diện tích nuôi tôm bị thiệt hại, nguyên nhân là do dịch bệnh, môi trường nuôi bị biến động, con giống không đảm bảo… Chính vì vậy, giải pháp trong phòng trị bệnh trong nuôi trồng thủy sản và chăn nuôi đã và đang được đặt ra bao gồm việc quản lý bệnh, dịch hại tổng hợp, đặc biệt là việc sử dụng các vi sinh vật hữu ích (Probiotics) nhằm cải thiện môi trường nuôi và tăng năng suất vật nuôi. Đây là một giải pháp tích cực, có nhiều triển vọng để quản lý vi sinh trong môi trường sống của vật nuôi, hạn chế tối đa thuốc kháng sinh để bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, hạn chế đáng kể lượng chất hữu cơ thải ra môi trường góp phần phát triển nền nông nghiệp một cách bền vững.

Xuất phát từ những vấn đề nêu trên, năm 2018, Trung tâm Ứng dụng Tiến bộ KH&CN tỉnh Sóc Trăng đã được UBND tỉnh phê duyệt chủ trì thực hiện dự án “Hoàn thiện quy trình sản xuất chế phẩm sinh học xử lý môi trường ao nuôi thủy sản tại tỉnh Sóc Trăng”. Qua hơn 2 năm triển khai thực hiện, đơn vị chủ trì đã thực hiện cơ bản đầy đủ các nội dung theo thuyết minh của dự án, kết quả đạt được như sau:

Sản phẩm Sta.EM-Pro và Sta.EM-Detox

- Cải tạo 1 nhà xưởng thành xưởng sản xuất chế phẩm sinh học theo đúng với 4 phòng gồm phòng chuẩn bị giống và môi trường, phòng nhân sinh khối, phòng sang chiết, đóng chai và phòng thành phẩm, lưu mẫu.

- Tiếp nhận 2 quy trình sản xuất chế phẩm sinh học: Quy trình sản xuất chế phẩm sinh học Sta.EM-Pro do Trường Đại học Mở TP. Hồ Chí Minh chuyển giao và quy trình sản xuất chế phẩm sinh học Sta.EM-Detox do Viện Sinh học Nhiệt đới chuyển giao.

- Đào tạo, tập huấn 5 người về lý thuyết và thực hành; 4 người được đào tạo thực hành sản xuất tại xưởng sản xuất chế phẩm sinh học - Trại Thực nghiệm Công nghệ sinh học của trung tâm.

- Tổ chức sản xuất thử nghiệm 3 đợt: Đợt 1 sản xuất thử nghiệm 1.000 lít cho mỗi dòng sản phẩm Sta.EM-Pro và Sta.EM-Detox; đợt 2 sản xuất thử nghiệm 5.000 lít cho mỗi dòng sản phẩm và đợt 3 sản xuất 1.000 lít cho mỗi dòng sản phẩm. 

- Hoàn thiện quy trình sản xuất chế phẩm sinh học Sta.EM-Pro và Sta.EM-Detox theo đúng yêu cầu khoa học và phù hợp với điều kiện sản xuất tại Xưởng sản xuất Chế phẩm sinh học - Trại Thực nghiệm Công nghệ sinh học của trung tâm.

- Khảo nghiệm đánh giá chất lượng và hiệu quả của sản phẩm ở quy mô wetlab và thực tế ngoài ao nuôi tôm: Quy mô wetlab được thực hiện tại phòng Thí nghiệm của Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản II và quy mô thực tế ngoài ao nuôi tôm được thực hiện tại khu ao nuôi tôm của Hợp tác xã thủy sản Hưng Phú (ấp An Nghiệp, xã An Thạnh 3, huyện Cù Lao Dung).

- Đăng ký lưu hành sản phẩm: Mã số lưu hành sản phẩm Sta.EM-Pro là 02-023008 và mã số lưu hành sản phẩm Sta.EM-Detox là 02-023768 (truy cập thông tin sản phẩm đã đăng ký Mã số lưu hành tại website: http://csdl.tongcucthuysan.gov.vn/cms.nc).

Kết quả thực hiện dự án đã đào tạo được đội ngũ cán bộ quản lý kỹ thuật và kỹ thuật viên nắm vững quy trình sản xuất chế phẩm sinh học Sta.EM-Pro và Sta.EM-Detox theo quy mô công nghiệp; là nơi cung cấp chế phẩm Sta.EM-Pro và Sta.EM-Detox đến nông dân, góp phần quản lý và kiểm soát môi trường trong nuôi trồng thủy sản theo hướng phát triển bền vững, đảm bảo an toàn cho người tiêu thụ và bảo vệ môi trường sinh thái; giúp giảm chi phí, nâng cao hiệu quả kinh tế cho người sản xuất, góp phần nâng cao thu nhập của nông dân, ổn định an sinh xã hội.

Dương Vĩnh Hảo

 
Thông báo
Báo cáo - thống kê
Videos

 

lượt truy cập
  • Tất cả: 78252149

Cơ quan chủ quản: UBND tỉnh Sóc Trăng - Điện thoại: 0299.3822339 - Fax: 0299.3820473 - Email: phonghanhchinh-soctrang@chinhphu.vn
Đơn vị quản lý: Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Sóc Trăng
Giấy phép số 01/GP-STTTT do Sở Thông tin và Truyền thông cấp ngày 22/9/2021.
Điện thoại Ban biên tập: 02993.626252 - Email: banbientap@soctrang.gov.vn
Địa chỉ: 56 Lê Duẩn - Phường 3 - Tp Sóc Trăng.
@ Ghi rõ nguồn "Cổng thông tin điện tử tỉnh Sóc Trăng" khi phát hành lại thông tin từ Cổng thông tin này.