Thành quả nổi bật qua 4 năm triển khai Đề án Tái cơ cấu nông nghiệp
Qua 4 năm triển khai thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp tỉnh Sóc Trăng theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững đến năm 2020 đã đem lại nhiều thành quả đáng kể trên tất cả các lĩnh vực nông nghiệp. Theo đó, đề án đã góp phần làm tăng giá trị sản xuất của ngành trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản cùng với đó là nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp có hiệu quả được triển khai thành công và nhân rộng, các mô hình sản xuất nông nghiệp hướng hữu cơ, VietGAP, ASC ngày càng tăng… Với những thành công Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp đem lại như trên, chúng tôi có cuộc trao đổi cùng Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) Huỳnh Ngọc Nhã xung quanh các kết quả đề án đem lại và kế hoạch thực hiện đề án trong thời gian tới.

Phóng viên: Đồng chí điểm qua một số kết quả nổi bật của Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp tỉnh theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững trong 4 năm qua trên địa bàn tỉnh?

Đồng chí Huỳnh Ngọc Nhã: Có thể khẳng định rằng, trong 4 năm qua, việc triển khai Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp trên địa bàn tỉnh đã góp phần đổi mới toàn diện các lĩnh vực thuộc ngành Nông nghiệp phụ trách. Theo đó, điểm qua một số thành quả nổi bật về cây lúa như sản lượng lúa đạt trên 2 triệu tấn/năm, trong đó, sản lượng lúa đặc sản chiếm trên 52% diện tích; tổng sản lượng khai thác và nuôi trồng thủy, hải sản ước đạt 317.180 tấn; giá trị sản phẩm thu hoạch trên 1 ha đất trồng trọt và nuôi trồng thủy sản đạt trên 185 triệu đồng/ha/năm; tỷ lệ hộ dân nông thôn sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 99%. Về xây dựng nông thôn mới có 50/80 xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó, TX. Ngã Năm hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới và huyện Mỹ Xuyên đạt chuẩn huyện nông thôn mới; có 99 sản phẩm đã đạt sao OCOP tỉnh, trong đó có 24 sản phẩm 4 sao, 75 sản phẩm 3 sao.

Phóng viên: Xin đồng chí chia sẻ công tác thực hiện việc cơ cấu trong lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi đã đem lại những thành quả nổi bật nào?

Đồng chí Huỳnh Ngọc Nhã: Để tái cơ cấu nông nghiệp trên lĩnh vực trồng trọt và chăn nuôi đạt giá trị sản xuất 185 triệu đồng/ha (năm 2020) (tăng hơn 41 triệu đồng so năm 2016). Theo đó, về trồng trọt trước tiên tập trung vào sản xuất cây lúa bằng cách chọn các giống lúa chất lượng cao, lúa đặc sản (đặc biệt nhóm giống lúa ST) với diện tích gieo trồng cả năm 2020 đạt 353.687 ha, sản lượng lúa trên 2 triệu tấn, trong đó sản lượng lúa đặc sản là 41% (năm 2016) tăng lên trên 52% (năm 2020). Bên cạnh đó, ngành Nông nghiệp tiến hành tổ chức sản xuất lúa hàng hóa theo mô hình cánh đồng lớn với 243 cánh đồng lớn, diện tích gần 53.000 ha và đẩy mạnh sản xuất lúa theo hướng hữu cơ, quy trình VietGAP… và đã có 1.226 ha diện tích lúa sản xuất theo hướng hữu cơ và diện tích lúa được cấp Chứng nhận VietGAP hơn 330 ha. Đồng thời, cây ăn trái đã hình thành các vườn cây ăn trái theo quy trình VietGAP, hướng hữu cơ và hỗ trợ nhà vườn tổ chức lại sản xuất, xây dựng vùng trồng được cấp mã code diện tích hơn 420 ha/420 hộ, hỗ trợ liên kết xuất khẩu sang thị trường châu Âu, Hoa Kỳ đối với các sản phẩm đã được xây dựng chuỗi liên kết (bao gồm vú sữa, xoài, bưởi, nhãn), hỗ trợ sản xuất gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm, xây dựng chuỗi liên kết giá trị sản phẩm trên cây vú sữa, xoài, bưởi, nhãn và sản xuất theo hướng an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP.

Đồng chí Huỳnh Ngọc Nhã - Giám đốc Sở NN-PTNT. Ảnh: THÚY LIỄU

Về lĩnh vực thủy sản, đây được xem là ngành kinh tế mũi nhọn để góp phần vào GRDP của tỉnh, ngành Nông nghiệp rất quan tâm việc mở rộng diện tích nuôi trồng thủy sản nếu như năm 2016 diện tích thả nuôi 69.492 ha thì đến cuối năm 2020 diện tích thả nuôi 76.270 ha. Để nuôi thủy sản đạt năng suất, chất lượng đáp ứng nhu cầu thị trường xuất khẩu, ngành đã hỗ trợ hộ nuôi thực hiện các mô hình như nuôi tôm lót bạt 2 giai đoạn; nuôi tôm kết hợp với cá rô phi, cá chẽm; nuôi ao đất có hố xi phong, ao tròn lót bạt nổi. Ngoài ra, tuyên truyền khuyến cáo hộ nuôi áp dụng các quy phạm thực hành nuôi trồng thủy sản VietGAP, ASC, GlobalGAP, BAP với diện tích hơn 1.188 ha.

Phóng viên: Đồng chí cho biết mục tiêu triển khai Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, giai đoạn 2021-2025 gồm những nội dung nào?

Đồng chí Huỳnh Ngọc Nhã: Rõ ràng Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp qua 4 năm triển khai trên địa bàn tỉnh đã góp làm thay đổi tích cực trên các lĩnh trực nông nghiệp. Chính vì vậy, để tiếp tục phát huy thành quả đề án, tới đây, ngành sẽ tiếp tục cơ cấu lại ngành Nông nghiệp gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và xây dựng nông thôn mới; tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị với các sản phẩm chủ lực; khai thác và tận dụng tốt lợi thế của tỉnh, xây dựng và phát triển vùng sản xuất quy mô lớn, thích ứng với biến đổi khí hậu, tổ chức lại sản xuất theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, nâng cao chất lượng, hiệu quả đầu tư xây dựng nông thôn mới, tiếp tục thúc đẩy phát triển đời sống của nông dân, góp phần xóa đói giảm nghèo, bảo vệ môi trường.

THÚY LIỄU

 
Thông báo
Báo cáo - thống kê
Videos

 

lượt truy cập
  • Tất cả: 77646674

Cơ quan chủ quản: UBND tỉnh Sóc Trăng - Điện thoại: 0299.3822339 - Fax: 0299.3820473 - Email: phonghanhchinh-soctrang@chinhphu.vn
Đơn vị quản lý: Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Sóc Trăng
Giấy phép số 01/GP-STTTT do Sở Thông tin và Truyền thông cấp ngày 22/9/2021.
Điện thoại Ban biên tập: 02993.626252 - Email: banbientap@soctrang.gov.vn
Địa chỉ: 56 Lê Duẩn - Phường 3 - Tp Sóc Trăng.
@ Ghi rõ nguồn "Cổng thông tin điện tử tỉnh Sóc Trăng" khi phát hành lại thông tin từ Cổng thông tin này.