Làng nghề trong phát triển du lịch
Từ rất lâu, ngoài công việc ruộng đồng, bà con nông dân còn tận dụng thời gian nhàn rỗi sản xuất thêm sản phẩm phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày như: Dệt chiếu, đan đát, làm bánh tráng, đóng ghe, se nhang, khắc gỗ, vẽ tranh trên kiếng... trở thành mặt hàng ưa thích được tiêu thụ rộng rãi trong và ngoài nước.
Xác định việc khôi phục, phát triển các nghề, làng nghề tiểu thủ công nghiệp nông thôn của tỉnh nhằm thực hiện chương trình xóa đói giảm nghèo, tạo việc làm tăng thu nhập cho nông dân; giảm dần sự cách biệt giữa thành thị và nông thôn, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động trong nông thôn theo hướng công nghiệp hóa. Đồng thời, nhằm duy trì bảo tồn, phát triển các giá trị văn hóa của địa phương, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành quy định tạm thời về tiêu chí và công nhận làng nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh. Qua đó, đã có hàng trăm nghề và làng nghề truyền thống đang hoạt động, tạo việc làm ổn định cho hàng ngàn lao động nông nhàn, thu nhập bình quân đầu người từ trên 1 – 2 triệu đồng/tháng. Vì vậy, việc củng cố, khôi phục và phát triển các làng nghề là việc làm cần thiết, góp phần xóa đói giảm nghèo, tạo thêm công ăn việc làm, tăng thu nhập, từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động. Tuy nhiên, việc khôi phục và phát triển nghề, làng nghề trong những năm qua tuy có bước phát triển nhưng chưa mạnh, chưa đồng bộ, quy mô và trình độ sản xuất nhỏ, lực lượng lao động tuy dồi dào nhưng chất lượng chưa cao, sức cạnh tranh còn yếu.

Thiết bị của nghề và làng nghề chủ yếu là thủ công nên đã ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng sản phẩm, năng suất và thu nhập; thị trường tiêu thụ sản phẩm còn nhiều hạn chế, chưa ổn định, mẫu mã chậm được cải tiến nên khả năng cạnh tranh còn thấp. Trong các làng nghề, đa số chưa có đăng ký thương hiệu sản phẩm hoặc xuất khẩu hàng hóa; chưa có đối tác mạnh như: Hợp tác xã, doanh nghiệp làm đầu mối xuất khẩu trực tiếp mà phải qua trung gian xuất khẩu nên việc làm và thu nhập chưa ổn định. Nguồn vốn cũng là yếu tố quan trọng cho việc phát triển nghề, làng nghề, nhất là vốn dự trữ nguyên liệu; đầu tư cải tiến công nghệ hiện tại vẫn gặp nhiều khó khăn do cơ chế và thủ tục của các tổ chức tín dụng, việc huy động và tranh thủ sự hỗ trợ các nguồn vốn khác trong làng nghề để đầu tư phát triển sản xuất còn eo hẹp, kinh phí đào tạo và duy trì ngành nghề truyền thống cũng chưa được quan tâm đúng mức.


Làng nghề Phú Tân là một điểm du lịch văn hóa tiềm năng

Để phát huy những tiềm năng, lợi thế của từng địa phương, tỉnh đã quy hoạch và định hướng phát triển nghề, làng nghề theo cơ chế thị trường, bảo đảm phát triển bền vững, giữ gìn tốt vệ sinh môi trường sinh thái, quy hoạch các cơ sở làng nghề gắn với phát triển du lịch, văn hóa địa phương. Bảo hộ quyền lợi hợp pháp, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, tài sản, bí quyết công nghệ của làng nghề; khuyến khích việc thành lập tổ hợp tác, hợp tác xã, doanh nghiệp, công ty trong các làng nghề. Ngành chức năng tuy có tổ chức quảng bá giới thiệu rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng, xây dựng và công nhận điểm dừng chân để giới thiệu với du khách như làng nghề Phú Tân (Châu Thành), doanh nghiệp bánh pía Tân Huê Viên... nhưng xem ra vẫn còn ít.

Các làng nghề truyền thống không chỉ đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế chung mà còn có giá trị lớn về văn hóa – xã hội. Mỗi làng nghề chính là một địa chỉ văn hóa, phản ánh nét văn hóa độc đáo của địa phương. Làng nghề truyền thống được xem là tài nguyên du lịch nhân văn có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Bởi các sản phẩm làng nghề luôn bao gồm trong đó cả nội dung giá trị vật thể và phi vật thể.

Trong xu thế hội nhập và phát triển như hiện nay, làng nghề truyền thống đang dần lấy lại vi trí quan trọng của mình trong đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội. Những lợi ích to lớn của việc phát triển làng nghề không chỉ thể hiện ở những con số tăng trưởng lợi nhuận kinh tế, ở việc giải quyết nguồn lao động địa phương mà còn là một cách thức giữ gìn và bảo tồn những giá trị văn hóa của dân tộc. Phát triển du lịch làng nghề chính là một trong những hướng đi quan trọng của ngành du lịch, góp phần quan trọng vào việc giữ gìn và phát triển nền văn hóa truyền thống của địa phương cũng như tạo ra một sản phẩm du lịch độc đáo, phong phú có sức hấp dẫn và có tính cạnh tranh cao.

Bô Pha

 


Thông báo
Báo cáo - thống kê
Videos

 

lượt truy cập
  • Tất cả: 77648789

Cơ quan chủ quản: UBND tỉnh Sóc Trăng - Điện thoại: 0299.3822339 - Fax: 0299.3820473 - Email: phonghanhchinh-soctrang@chinhphu.vn
Đơn vị quản lý: Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Sóc Trăng
Giấy phép số 01/GP-STTTT do Sở Thông tin và Truyền thông cấp ngày 22/9/2021.
Điện thoại Ban biên tập: 02993.626252 - Email: banbientap@soctrang.gov.vn
Địa chỉ: 56 Lê Duẩn - Phường 3 - Tp Sóc Trăng.
@ Ghi rõ nguồn "Cổng thông tin điện tử tỉnh Sóc Trăng" khi phát hành lại thông tin từ Cổng thông tin này.