Ngành Giáo dục và Đào tạo thành phố Sóc Trăng tích cực hưởng ứng Cuộc vận động “Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”
Hiện nay, toàn ngành Giáo dục và Đào tạo thành phố Sóc Trăng có trên 1.170 cán bộ, giáo viên, nhân viên. Phần lớn các thầy, cô giáo có phẩm chất đạo đức, có trình độ chuyên môn nghiệp vụ vững vàng. Đạo đức của các nhà giáo thể hiện từ lòng yêu nghề, ý thức tổ chức kỷ luật, tinh thần trách nhiệm với công việc, với đồng nghiệp, hết lòng vì học sinh thân yêu, chủ động tự học, tự bồi dưỡng, từng bước nâng cao trình độ chính trị, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm, ngoại ngữ, tin học để phục vụ công tác giáo dục, đáp ứng yêu cầu chuẩn về nghề nghiệp, nâng cao chất lượng giáo dục ở các nhà trường.
Sự nỗ lực rèn luyện để trở thành gương sáng của nhà giáo còn thể hiện rõ nét qua chính những giờ dạy, các thầy, cô giáo không đi theo lối mòn, thụ động, rập khuôn theo kết cấu bài giảng như những năm trước mà luôn tìm tòi đổi mới cách dạy, phương tiện dạy học, sáng tạo trong việc vận dụng tri thức và công nghệ thông tin vào quá trình đổi mới phương pháp giảng dạy. Mặt khác, thầy cô còn tích cực nghiên cứu khoa học, xây dựng các chuyên đề, cùng nhau trao đổi tìm ra cách khai thác kiến thức và tổ chức bài giảng hay, sao cho học sinh dễ hiểu, dễ nhớ, nắm bắt được cốt lõi bài học ngay trên lớp.
Nhiều tập thể, cá nhân tiêu biểu được ngành Giáo dục và Đào tạo thành phố khen thưởng
Tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo của mỗi thầy, cô còn thể hiện ở sự gương mẫu, tích cực tham gia các phong trào giáo dục cũng như các hoạt động xã hội khác. Dù trong điều kiện hoàn cảnh khác nhau nhưng các thầy, cô giáo đều có chung lý tưởng, cống hiến hết mình cho sự nghiệp trồng người. Nhiều thầy, cô đã vượt qua sự thiếu thốn về vật chất, hoàn cảnh gia đình để bám lớp, bám trường. Cô Nguyễn Thị Tuyết Nga, giáo viên Trường Tiểu học Lý Đạo Thành (Phường 8) dù hoàn cảnh đơn chiếc, nhưng lúc nào cũng vì học sinh thân yêu, mỗi ngày hai buổi cô có mặt ở trường vừa làm tốt công tác chủ nhiệm, vừa là một người mẹ thứ hai của biết bao thế hệ học sinh. Không những giỏi về chuyên môn, cô còn đảm trách nhiệm vụ Phó Chủ tịch Công đoàn tổ chức nhiều phong trào thi đua sôi nổi, cổ vũ động viên đồng nghiệp khắc phục khó khăn, phấn đấu đưa nhà trường phát triển.
Nhiều nhà giáo tuổi đời còn trẻ, nhưng đã có nhiều sáng tạo trong phương pháp truyền thụ, được đồng nghiệp và học sinh tin yêu, quý trọng. Điển hình như thầy Dương Kiến Dân, giáo viên bộ môn tiếng Anh, Trường Tiểu học - THCS Lý Thường Kiệt (Phường 1) luôn nghiên cứu, tìm tòi phương pháp dạy phù hợp, tạo hứng thú cho học sinh khám phá, tìm hiểu ngôn ngữ thứ hai. Quá trình tự học và sáng tạo của thầy đã thể hiện qua những đề tài nghiên cứu, những sáng kiến mới được nhà trường và ngành giáo dục đánh giá cao.
Ông Huỳnh Mạnh – Phó trưởng phòng phụ trách Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Sóc Trăng cho biết: Để hỗ trợ cho các thầy, cô nâng cao chất lượng giáo dục, phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố đã tạo điều kiện tốt nhất giúp đội ngũ nhà giáo trau dồi đạo đức, nâng cao bản lĩnh chính trị, bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ, góp phần cùng với ngành hoàn thành các chỉ tiêu đề ra. Cụ thể trong năm học 2019-2020, thành phố Sóc Trăng có 12.250 học sinh hoàn thành chương trình lớp học, đạt tỷ lệ 97,86%, có trên 2.410 học sinh hoàn thành chương trình tiểu học, đạt tỷ lệ 99,88%; tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS đạt 99,66%.
Dù ở bất kỳ giai đoạn nào, vị trí và vai trò của người thầy luôn là yếu tố then chốt để phát triển giáo dục, đặc biệt trong giai đoạn hiện nay khi mà công nghệ thông tin phát triển, xã hội phát triển, đòi hỏi người thầy cần nỗ lực nhiều hơn, tự học, tự bồi dưỡng, từng bước nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ sư phạm, ngoại ngữ, tin học, để học sinh mỗi ngày đến trường thật sự là một ngày vui và đó cũng là điều kiện quan trọng để ngành Giáo dục và Đào tạo thành phố Sóc Trăng phát triển toàn diện.
Lê Vũ