Vị ngọt từ dưa hấu hữu cơ ở huyện Trần Đề
              Là vùng đất nằm dưới chân mặn nên việc trồng màu trở thành sinh kế chủ yếu của nhiều nông dân sinh sống ở khu vực ven dãy rừng phòng hộ thuộc ấp Mỏ Ó, xã Trung Bình, huyện Trần Đề nhằm ứng phó tốt với điều kiện biến đổi khí hậu, nhất là trong mùa hạn, mặn. Giữa rất nhiều loại cây trồng thì nghề trồng dưa hấu là sự lựa chọn của đa số bà con. Nhờ lợi thế về thổ nhưỡng vùng mà dưa hấu tại nơi đây đã tạo được một thương hiệu riêng trên thị trường trong tỉnh và một số tỉnh lân cận. Riêng trong vụ dưa năm nay, cây trồng này lại một lần nữa mang đến “vị ngọt” cho bà con nông dân khi được áp dụng quy trình canh tác theo hướng hữu cơ. 

               Giữa cái nắng gay gắt trong mùa khô hạn tháng 3; trên từng rẫy dưa hấu tại khu vực ấp Mỏ Ó, xã Trung Bình lại nhộn nhịp niềm vui của người nông dân về một vụ dưa trúng mùa, được giá. Hơn 5 năm gắn bó với nghề, nhưng chưa bao giờ ông  Trần Văn Nông phấn khởi như trong vụ dưa năm nay. Lần đầu tiên 1,5 công đất trồng dưa được ông thực hiện canh tác bằng việc bón phân hữu cơ, sử dụng chế phẩm vi sinh để hạn chế rủi ro về sâu bệnh. Nhờ vậy, ruộng dưa của gia đình đạt năng suất cho trái gần 8 tấn/1 công (cao hơn từ 2 đến 3 tấn so với vụ dưa năm trước), lợi nhuận trung bình mỗi công là gần 30 triệu đồng sau khi đã trừ chi phí. Ông Nông cho biết: “Trồng hữu cơ năng suất đạt hơn so với khi trồng truyền thống, trồng theo kiểu lúc trước thì có khi nắng nóng hay mưa dầm nhiều ngày là dưa dễ bị chết dây, trái dưa dễ bị hư thối, còn bón phân hữu cơ độ dinh dưỡng cho đất tăng lên nên trái dưa mình đạt lắm”.

                Đây là lần đầu tiên người nông dân Trần Đề thực hành quy trình canh tác hữu cơ trên dưa hấu. Mô hình này được phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Trần Đề phối hợp Tập đoàn Quế Lâm triển khai từ đầu năm 2020 nhằm nâng cao giá trị trái dưa hấu nơi vùng đất giồng cát ven biển Trần Đề. Tham gia mô hình, 5 công đất trồng dưa của một số thành viên thuộc Hợp tác xã Trồng màu Mỏ Ó phải đảm bảo tuân thủ quy trình canh tác 5 không: Không thuốc diệt cỏ, không thuốc trừ sâu, không chất bảo quản, không chất kích thích tăng trưởng, không dư lượng hóa chất độc hại. Theo tính toán của nông dân, nhờ thay đổi hình thức canh tác từ truyền thống sang hữu cơ mà chi phí đầu tư cho cả vụ dưa năm nay đã giảm gần 1 triệu đồng/1 công. Nông dân Triệu Văn Út, thành viên Hợp tác xã Trồng màu xã Mỏ Ó cho biết thêm: “Trồng hữu cơ mình nhìn trái dưa nó to và màu sắc đến vỏ dưa cũng đẹp hơn, nói chung vụ dưa này rất vui và phấn khởi. Sắp tới sẽ mở rộng diện tích ra thêm để nâng cao thu nhập. Vì gia đình chủ yếu trồng dưa hấu chứ đất nơi đây trồng cây gì cũng khó”.    

Ngành Nông nghiệp tỉnh tham quan mô hình trồng dưa hấu hữu cơ tại huyện Trần Đề.

                Dưa hấu được trồng tại vùng ven biển Trần Đề đã khẳng định được chất lượng trái ngon với độ ngọt đậm đà và màu sắc đặc trưng. Giờ đây, lợi thế thổ nhưỡng vùng kết hợp với quy trình kĩ thuật canh tác theo hướng sạch, an toàn đã giúp lá cây dày, thân dây cứng, vỏ mỏng, trái dưa to và có trọng lượng nặng hơn so với những ruộng dưa lân cận. Hiện toàn bộ số dưa trong mô hình đã được thương lái thu mua với mức giá dao động từ 7 đến 9 nghìn đồng/1 kg, cao hơn gần 2 nghìn đồng so với giá thị trường. Anh Trịnh Thanh Tùng, thương lái thu mua dưa thuộc Công ty Nông sản Đăng Khôi, TP. Hồ Chí Minh cho biết: “Tôi đã thu mua và bán rất nhiều loại dưa hấu rồi, nhưng có thể nói trái dưa được trồng theo hướng hữu cơ này cho chất lượng trái rất là chắc. Hôm nay đến tận rẫy của bà con ở ấp Mỏ Ó để thu mua, khi mình cắt dưa ra để kiểm tra thử thấy ruột dưa rất đặc. Điều đặc biệt là khi bà con sử dụng hoàn toàn phân hữu cơ để bón cho dưa sẽ giúp người bán có thể tồn trữ sau thu hoạch rất là lâu, từ 10 đến 15 ngày vẫn không bị thay đổi kết cấu thịt quả, tròn vị, đậm đà hơn so với những trái dưa khác”.

                Toàn huyện Trần Đề có gần 50 ha trồng dưa hấu, riêng diện tích dưa tại ấp Mỏ Ó, xã Trung Bình chiếm đến 28 ha. Mặc dù đã khẳng định được chất lượng trên thị trường, nhưng sản lượng và giá thành vẫn còn phụ thuộc khá nhiều vào yếu tố sâu bệnh và những biến động về giá cả trên thị trường nên làm sao để nâng cao giá trị trái dưa hấu từ tiềm năng, lợi thế sẵn có  từng là trăn trở lớn của ngành nông nghiệp địa phương. Và với hiệu quả rõ rệt đã mang lại, trồng dưa hấu theo hướng hữu cơ sẽ là phương thức canh tác mà huyện triển khai nhân rộng trong thời gian tới để nâng cao thu nhập cho người nông dân và cung ứng cho thị trường tiêu dùng thêm một mặt hàng nông sản đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Ông Trần Hoàng Dũng - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Trần Đề thông tin: “Mở rộng diện tích trồng dưa hấu hữu cơ chắc chắn là điều chúng tôi sẽ làm trong thời gian tới và làm một cách khẩn trương. Bởi vì trồng dưa hấu vốn là mô hình phù hợp đối với một địa phương thường xuyên chịu tác động của hạn, mặn như Trần Đề này, nên vấn đề quan trọng là làm sao để bà con tiếp tục duy trì mà duy trì như thế nào để có hiệu quả và trồng hữu cơ là giải pháp tốt nhất”.

Ngọc Thơ



Thông báo
Báo cáo - thống kê
Videos

 

lượt truy cập
  • Tất cả: 77702434

Cơ quan chủ quản: UBND tỉnh Sóc Trăng - Điện thoại: 0299.3822339 - Fax: 0299.3820473 - Email: phonghanhchinh-soctrang@chinhphu.vn
Đơn vị quản lý: Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Sóc Trăng
Giấy phép số 01/GP-STTTT do Sở Thông tin và Truyền thông cấp ngày 22/9/2021.
Điện thoại Ban biên tập: 02993.626252 - Email: banbientap@soctrang.gov.vn
Địa chỉ: 56 Lê Duẩn - Phường 3 - Tp Sóc Trăng.
@ Ghi rõ nguồn "Cổng thông tin điện tử tỉnh Sóc Trăng" khi phát hành lại thông tin từ Cổng thông tin này.