Lượt xem: 1416
Quốc hội thảo luận dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục: Sửa đổi Luật Giáo dục phù hợp với xu thế xã hội
(GD&TĐ) - Chiều ngày 30/10, dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch Quốc Hội Tòng Thị Phóng, Quốc hội làm việc tại hội trường, thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục.

Trao quyền là để Bộ trưởng tự chịu trách nhiệm

Trong buổi thảo luận, Quốc hội nhất trí cao lần sửa đổi Luật Giáo dục lần này là rất chính đáng, phù hợp với xu thế phát triển của xã hội. Đa số đại biểu Quốc hội tán thành với những sửa đổi trong dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục.
Đại biểu Võ Thị Thúy Loan (đoàn Tiền Giang) cho rằng, dự thảo tách việc thành lập nhà trường và cho phép hoạt động ra làm 2 khâu là phù hợp. Nhưng phải chặt chẽ hơn nữa. Về thẩm quyền thành lập và cho phép hoạt động trường đại học, tôi đồng ý quan điểm giao quyền thành lập cho Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, chứ không nhất thiết phải giao cho Thủ tướng chính phủ ra quyết định. Thủ tướng có quyết định thành lập một trường đại học cũng phải căn cứ vào tham mưu của Bộ Giáo dục. Nếu giao quyền cho Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ trưởng phải chịu trách nhiệm. Hiện nay, Thủ tướng ra quyết định, nhưng thực chất chỉ là người ký mà thôi! Nếu có vi phạm xảy ra không biết quy trách nhiệm cho ai, vì hiện nay, quy trình thẩm định để thành lập một trường đại học có nhiều bộ tham gia.
Đồng tình với quan điểm trên, đại biểu Phạm Thị Hải (đoàn Đồng Nai) cho rằng, để thành lập trường đại học phải qua hai bước, thành lập trường và cho phép hoạt động. Quy định như thế là chặt chẽ, khắc phục được những hạn chế của Luật Giáo dục hiện hành. Đại biểu Phạm Thị Hải cũng bổ sung thêm, sau 3 năm khi được thành lập, trường đại học không đi vào hoạt động sẽ bị xử lý như trong điều 51 của Luật sửa đổi. Luật cũng phải quy định cụ thể việc chia tách, sáp nhập, giải thể trường, đảm bảo tính nghiêm minh. Hiện nay, có hiện tượng các trường cao đẳng, đại học được thành lập nhiều, nhưng cũng là một yêu cầu của xã hội cần nhân lực để phát triển kinh tế – xã hội, và ngành giáo dục đã làm được điều này. Vì vậy, ở đây, không phải hạn chế sự ra đời của các trường đại học, mà giám sát chất lượng của các trường đó. Chúng ta phải xây dựng một hệ thống kiểm tra chặt chẽ, trước hết trong khâu cấp phép thành lập trường, và cấp phép hoạt động. “Về thẩm quyền thành lập đại học và cho phép hoạt động, theo tôi, giao quyền thành lập trường và cho phép hoạt động, tự chịu trách nhiệm cho Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo là hoàn toàn phù hợp với quy định phân công, phân cấp quản lý giáo dục với chủ trương cải cách hành chính hiện nay, và hoàn toàn phù hợp với xu thế mới trong thời kỳ hội nhập” – đại biểu Phạm Thị Hải nhấn mạnh.

Đại biểu Nguyễn Đức Kiên (đoàn Sóc Trăng) nhấn mạnh: “Tôi đồng ý giao trách nhiệm, thẩm quyền thành lập trường đại học, cấp phép hoạt động cho Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo. Những ngày vừa qua, dự luận báo chí đang nói nhiều về trường đại học Phan Thiết không đủ cơ sở vật chất nhưng vẫn được thành lập. Nhưng quyết định thành lập trường đại học Phan Thiết, theo Luật Giáo dục năm 2005 là do Thủ tướng ký. Tôi chưa thấy ai ở đây chất vấn Thủ tướng chịu trách nhiệm như thế nào về việc này. Vì thế cho nên, cần phải có người cụ thể chịu trách nhiệm. Chính phủ lập chiến lược giáo dục, Thủ tướng duyệt quy hoạch giáo dục, trong đó có quy hoạch lập trường đại học, và Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo phải chịu trách nhiệm trước Chính phủ, trước Quốc hội về việc tổ chức thực hiện quy hoạch, và chiến lược. Như vậy, lúc đó chúng ta mới có thể kiểm điểm được. Lúc ấy, nếu Bộ trưởng sai, Thủ tướng, với tư cách người điều hành cao nhất của cơ quan hành chính nhà nước mới xử lý, khắc phục được…”.
Phố cập GD MN 5 tuổi là bước tiến lớn
Đại biểu Nguyễn Đức Kiên (đoàn Sóc Trăng) cho rằng, trách nhiệm của chúng ta là phải tạo ra những cơ sở hành lang pháp lý cho các thầy, cô làm việc tốt những nhiệm vụ nhà nước giao phó.
Đại biểu Nguyễn Đức Kiên: "Tôi chưa thấy ai chất vấn Thủ tướng chịu trách nhiệm như thế nào"
Tôi đánh giá cao phổ cập giáo dục MN 5 tuổi. Với tư cách là một đại biểu ở địa phương, tôi xin hỏi, khi đưa giáo dục MN vào thì kinh phí lấy ở đâu. Kinh phí bao gồm 2 khoản là xây dựng trường và lương, phụ cấp cho giáo viên được bố trí như thế nào. Hiện nay, chúng ta đều bố trí một phần ngân sách để thực hiện việc kiên cố hóa trường lớp học. Trong lúc đó, đối với giáo dục MN là các cháu không thể đi quá xa khỏi thôn, bản. Các trường phải ngay trong khu vực ấy. Hiện nay, đãi ngộ cho giáo viên MN ở nhiều địa phương rất có vấn đề, nhất là các tỉnh nghèo. Khi Luật ra, các địa phương phải thực hiện, nhưng cơ chế tài chính như thế nào? Đề nghị Ban soạn thảo lưu ý, cùng nữa, phải có lộ trình thực hiện rõ ràng.
Về vấn đề này, đại biểu Phan Thị Mỹ Bình (đoàn Tuyên Quang) cho rằng, Tôi hoàn toàn nhất trí với dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đưa phổ cập GD MN 5 tuổi vào hệ thống giáo dục. Trong khi chưa thể phổ cập bậc học MN ở mọi lứa tuổi thì việc lựa chọn MN 5 tuổi để phổ cập là bước đi quan trọng, xuất phát từ tầm quan trọng và yêu cầu giáo dục ở độ tuổi này, vì đây là năm rất quan trọng đối với trẻ, phải trang bị những kiến thức ban đầu trước khi bước vào lớp 1. Theo số liệu thống kê, lượng trẻ đi học lớp MN bình quân cả nước là 90%. Tuy nhiên trong thực tế có sự khác biệt lớn giữa thành phố, miền xuôi với vùng miền núi, vùng đặc biệt khó khăn và vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Trên thực tế tại Tuyên Quang, việc triển khai cho trẻ 5 tuổi đến lớp MN gặp rất nhiều khó khăn. Đường đi đến lớp xa, cơ sở vật chất của nhà trường quá thiếu thốn, có nơi phải học nhờ. Cùng đó là phụ cấp cho giáo viên, nhất là giáo viên ngoài công lập rất thấp, không đủ trang trải cuộc sống, dẫn tới tình trạng nhiều giáo viên đã bỏ nghề. Kinh tế của các gai đình khó khăn, không đủ chi phí cho trẻ… Được biết, Bộ Giáo dục và Đào tạo dự kiến sẽ tập trung kinh phí xây dựng phòng học, mua sắm trang thiết bị, đồ chơi cho trẻ, và có chính sách tuyển dụng giáo viên đúng chuyên môn cho các vùng núi, vùng dân tộc thiểu số, chúng tôi đề nghị Chính phủ, các bộ ngành quan tâm và đầu tư đồng bộ, tạo điều kiện cho trẻ em vùng núi, vùng dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa được thuận lợi tới trường như trẻ em ở miền xuôi…
Trả lời những khúc mắc của đại biểu Quốc hội, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thiện Nhân (đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang) cho biết, lần này sửa Luật Giáo dục nhằm vào 4 mục tiêu:
Thứ nhất, đưa phổ cập MN 5 tuổi thành nhiệm vụ của đất nước, thành một phần của hệ thống giáo dục.
Thứ hai, nâng cao chất lượng giáo dục.
Thứ ba, nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước.
Thứ tư, chăm sóc tốt hơn cho giáo viên và đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục.
Đây là bốn mục tiêu sửa cấp Luật. Để thực hiện 4 mục tiêu nói trên, dự án lần này có sửa 20 nội dung.
“Về thẩm quyền thành lập trường đại học và cấp phép hoạt động, khi giao thẩm quyền cho Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quyết định thành lập trường là khẳng định trách nhiệm của Bộ trưởng. Nếu có sai sót là Bộ trưởng chịu trách nhiệm. Vừa qua, sai sót là do quy trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo làm chưa tốt, nếu Bộ là chưa tốt mà để Thủ tướng chịu trách nhiệm là không công bằng. Thủ tướng chịu trách nhiệm những vấn đề lớn của quốc gia, riêng một ngành Bộ trưởng phải chịu trách nhiệm” – Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh.
Kết thúc buổi thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng cho biết, có 50 đại biểu Quốc hội đăng ký phát biểu, đây thể hiện trách nhiệm và sự quan tâm sâu sắc của các đại biểu Quốc hội trước sự nghiệp giáo dục của nước nhà.
Qua phát biểu của các đại biểu, đại đa số đã nhất trí cao việc cần sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục để mong muốn nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước đối với lĩnh vực giáo dục, khắc phục những bất cập hiện nay. Các đại biểu Quốc hội cũng yêu cầu Chính phủ và các cơ quan chuyên môn tiếp tục nghiên cứu để tới đây sẽ trình Quốc hội Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục toàn diện hơn.
Quang Anh










CHIẾN LƯỢC, QUY HOẠCH, KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KT-XH
SỐ LƯỢT TRUY CẬP
  • Tất cả: 1666354
Cơ quan chủ quản: Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sóc Trăng
                                Địa chỉ: Số 48 Lê Duẩn, phường 3, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
              Điện thoại: 02993.616042. Fax: 02993.824074. Email: Vanphong.sosoctrang@moet.edu.vn
             Số điện thoại tiếp nhận phản ánh, kiến nghị về quy định hành chính: 02993.616042
             Ghi rõ nguồn "Sở Giáo dục và Đào tạo" khi phát hành lại thông tin từ Website này.