Lượt xem: 938
Hội đồng thẩm định Quy hoạch tổng hợp lưu vực sông Cửu Long thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050
Chiều ngày 22/11, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức họp Hội đồng thẩm định liên ngành Quy hoạch tổng hợp lưu vực sông Cửu Long thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến. Cuộc họp do Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành chủ trì cùng sự tham gia của đại diện một số bộ, ngành Trung Ương và lãnh đạo Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng Sông Cửu Long. Tại điểm cầu tỉnh Sóc Trăng có ông Vương Quốc Nam- Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, bà Nguyễn Thị Thùy Nhi – Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cùng một số lãnh đạo phòng ban chuyên môn cùng dự.

Lưu vực sông Cửu Long có tổng diện tích tự nhiên khoảng 39.945 km2 , bao gồm: 13 tỉnh, thành phố: Long An, Tiền Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Trà Vinh, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bến Tre, An Giang, Kiên Giang, Bạc Liêu, Cà Mau và thành phố Cần Thơ. Hiện nay, lưu vực sông Cửu Long đã và đang đối mặt với nhiều thách thức nghiêm trọng, nhất là các tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH) như nước biển dâng (NBD), hạn hán, gia tăng xâm nhập mặn, xói lở bờ sông, bờ biển, sụt lún đất, các tác động do khai thác, sử dụng tài nguyên nước ở thượng lưu Mê Công… Do đó, việc lập và phê duyệt Quy hoạch tổng hợp lưu vực sông Cửu Long thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050 là rất cần thiết.

Thực hiện nhiệm vụ Chính phủ giao tại Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 08 tháng 01 năm 2022 của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2022, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chỉ đạo các đơn vị chuyên môn phối hợp với các chuyên gia trong và ngoài Bộ tổ chức triển khai xây dựng dự thảo Quy hoạch tổng lợp lưu vực sông Cửu Long thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Mục tiêu tổng quát của Quy hoạch tổng hợp lưu vực sông Cửu Long thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 là bảo đảm an ninh tài nguyên nước, thích ứng với biến đổi khí hậu trên lưu vực sông, điều hòa, phân bổ nguồn nước một cách phù hợp, khai thác, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả gắn với bảo vệ, phát triển bền vững tài nguyên nước, nhằm đáp ứng nhu cầu nước cho dân sinh, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh; bảo vệ tài nguyên nước, phòng, chống và khắc phục hậu quả, tác hại do nước gây ra; phục hồi các nguồn nước, cảnh quan môi trường các dòng sông bị ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt nghiêm trọng. 

Trong đó, mục tiêu đến năm 2030 là điều hòa, phân bổ nguồn nước bảo đảm hài hòa lợi ích cho các địa phương, các đối tượng khai thác, sử dụng nước, đáp ứng nhu cầu nước cho sinh hoạt và các ngành sản xuất công nghiệp; Bảo vệ tài nguyên nước, bảo vệ chức năng nguồn nước, nguồn sinh thủy, sự lưu thông dòng chảy, các hồ, ao có chức năng điều hòa, có giá trị đa dạng sinh học; Bảo đảm lưu thông dòng chảy, phòng, chống sạt lở bờ, bãi sông, giảm thiểu tác hại do nước gây ra, phòng, chống sụt, lún do khai thác nước dưới đất; phục hồi các nguồn nước bị ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt nghiêm trọng, ưu tiên đối với các khu vực trọng điểm phát triểm kinh tế - xã hội; Quản lý, vận hành hệ thống thông tin, dữ liệu giám sát thực hiện quy hoạch, một số chỉ số an ninh tài nguyên nước của lưu vực sông phù hợp. Phấn đấu đạt được một số chỉ tiêu cơ bản như: 100% các nguồn nước sông liên tỉnh được công bố khả năng tiếp nhận nước thải; 100% công trình khai thác, sử dụng nước, xả nước thải vào nguồn nước được giám sát vận hành và kết nối hệ thống theo quy định; 100% hồ, ao có chức năng điều hòa, có giá trị cao về đa dạng sinh học không được san lấp được công bố; 70% nguồn nước phải lập hành lang bảo vệ được cắm mốc hành lang bảo vệ nguồn nước; 50% tổng lượng nước thải tại các đô thị loại II trở lên và 20% từ các đô thị từ loại V trở lên được thu gom, xử lý đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật trước khi xả ra môi trường.

Tầm nhìn đến năm 2050 của Quy hoạch là duy trì, phát triển tài nguyên nước, điều hòa, phân bổ nguồn nước bảo đảm an ninh tài nguyên nước, thích ứng với biến đổi khí hậu và phù hợp với các điều ước quốc tế, hợp tác song phương liên quan đến tài nguyên nước mà Việt Nam đã tham gia; Tăng cường bảo vệ tài nguyên nước, bảo đảm số lượng, chất lượng nước đáp ứng các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và giảm thiểu tối đa tác hại do nước gây ra. Hoạt động quản lý, khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên nước được thực hiện theo phương thức trực tuyến trên cơ sở quản trị thông minh; Bổ sung và nâng cao một số chỉ tiêu của quy hoạch, quản lý tổng hợp tài nguyên nước phù hợp với giai đoạn phát triển của quốc gia, ngang bằng với các quốc gia phát triển trong khu vực; bảo đảm an ninh tài nguyên nước, nâng cao giá trị của nước phù hợp với xu hướng phát triển chung của thế giới.

Tham gia ý kiến tại cuộc họp, các thành viên Hội đồng thẩm định đều đánh giá tính cấp thiết của việc thực hiện nhiệm vụ Quy hoạch tổng hợp lưu vực sông Cửu Long thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đồng thời, các thành viên Hội đồng cũng đã góp ý chi tiết để tiếp tục hoàn thiện nội dung, hồ sơ sản phẩm của Quy hoạch tổng hợp lưu vực sông Cửu Long thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Hội đồng thống nhất thông qua Quy hoạch sau khi đơn vị thực hiện tiếp thu, chỉnh sửa theo các góp ý của các thành viên hội đồng.

Trương Thị Ngọc Châu
1 2 3 4 5 
Thông báo - hướng dẫn

Thống kê truy cập
  • Đang online: 23
  • Hôm nay: 991
  • Trong tuần: 14 505
  • Tất cả: 2550705