Lượt xem: 2554
Hội thảo lượng giá dịch vụ hệ sinh thái rừng ngập mặn tại Đồng bằng sông Cửu Long
Trong khuôn khổ thực hiện dự án ‘‘Tăng cường năng lực thực hiện Công ước Rio do Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF) tài trợ thông qua Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) được triển khai từ năm 2015 đến năm 2017, Bộ Tài nguyên và Môi trường là cơ quan chủ quản, Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường là đơn vị thực hiện dự án.

Ngày 16/5/2018 tại Khách sạn Viễn Đông, Tp Hồ Chí Minh, nhóm chuyên gia trong và quốc tế đã tổ chức Hội thảo tham vấn các bên có liên quan về lượng giá dịch vụ hệ sinh thái rừng ngập mặn tại đồng bằng sông Cửu Long , tập trung vào 06 tỉnh ven biển (Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang) để lấy ý kiến cho kết quả nghiên cứu.

Đến dự Hội thảo có ông Nguyễn Trung Thắng, Phó Viện trưởng, Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường chủ trì Hội thảo và đại diện lãnh đạo các Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn các tỉnh nằm trong dự án và một số chuyên gia đến từ các Viện Trường trong cả nước.

Quang cảnh diễn ra Hội thảo tham vấn về Lượng giá dịch vụ hệ sinh thái rừng ngập mặn tại ĐBSCL

Hội thảo đã nghe nhóm nghiên cứu báo cáo lại các kết quả thực hiện dự án liên quan đến ‘‘Hoạt động Đánh giá vốn tự nhiên tại đồng bằng sông Cửu Long’’ và ‘‘Lồng ghép vốn tự nhiên vào chính sách và hành động về phát triển bền vững – đánh giá nhanh về các dịch vụ hệ sinh thái rừng ngập mặn tại đồng bằng sông Cửu Long’’

Nghiên cứu của dự án tập trung vào các mục tiêu chính như các tác nhân thay đổi hệ sinh thái rừng ngập mặn tại đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL); Giá trị kinh tế của các dịch vụ hệ sinh thái chính của rừng ngập mặn đối với từng xã tại ĐBSCL và các giá trị này thay đổi như thế nào qua các giai đoạn 1997 – 2017; Các Giá trị kinh tế của các dịch vụ hệ sinh thái rừng ngập mặn có thể lồng ghép vào các chính sách và kế hoạch phát triển ĐBSCL

Từ kết quả trên, các đại biểu đã tham gia thảo luận, góp ý cho kết quả đạt được của dự án và đánh giá cao kết quả đạt được của nghiên cứu. Trong đó, hầu hết các ý kiến tập trung vào hiện trạng hệ sinh thái rừng ngập mặn ở ĐBSCL và các yếu tố kinh tế - xã hội quan trọng tác động đến hệ sinh thái rừng và cách ước lượng giá trị kinh tế dịch vụ sinh thái do rừng ngập mặn cung cấp và đưa ra các khuyến nghị chính sách trong đó tích hợp các giá trị kinh tế được ước lượng vào quá trình phát triển và quy hoạch. Kết quả nghiên cứu cũng đã ước lượng giá trị dịch vụ hệ sinh thái rừng ngập mặn của các tỉnh ĐBSCL trong đó đã ước lượng tổng giá trị của rừng ngập mặn của các huyện/thị xã ven biển tỉnh Sóc Trăng (mang tính tham khảo).

Tuy nhiên, qua Hội thảo các đại biểu cũng đã chỉ ra những hạn chế, tồn tại của nghiên cứu như cần xem lại phương pháp tiếp cận và độ chính xác của việc ước lượng, các cơ sở để lượng giá được các dịch vụ hệ sinh thái. Đồng thời, các kết quả nghiên cứu nên được lồng ghép vào các kiến nghị cho các cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực này.

Các Đại biểu tham gia thảo luận và góp ý cho kết quả nghiên của dự án Tăng cường năng lực thực hiện Công ước Rio

Kết thúc Hội thảo, ông Nguyễn Trung Thắng, Phó Viện trưởng, Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường đánh giá cao ý kiến đóng góp của các đại biểu và đề nghị nhóm nghiên cứu tiếp thu, bổ sung và điều chỉnh để hoàn thiện các báo cáo và tiếp tục nghiên cứu sâu hơn liên quan đến lượng giá dịch vụ hệ sinh thái rừng ngập mặn đồng bằng sông Cửu Long trong thời gian tới.

   Nguyễn Trọng Luân

Thông báo - hướng dẫn

Thống kê truy cập
  • Đang online: 55
  • Hôm nay: 313
  • Trong tuần: 10 168
  • Tất cả: 2745629