Lượt xem: 10444
Quy định mới về giao khu vực biển (Theo quy định của Nghị định số 11/2021/NĐ-CP ngày 10/2/2021)
Ngày 10/2/2021, Chính phủ ban hành Nghị định số 11/2021/NĐ-CP quy định việc giao các khu vực biển nhất định cho tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tài nguyên biển. Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 30/3/2021 thay thế Nghị định số 51/2014/NĐ-CP ngày 21/5/2014 của Chính phủ.

Giao khu vực biển

Là việc cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định cho tổ chức, cá nhân được phép sử dụng một hoặc nhiều khu vực biển nhất định (sau đây gọi chung là khu vực biển) trong một khoảng thời gian xác định để thực hiện hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên biển.

Khu vực biển giao cho tổ chức, cá nhân là một phần của vùng biển Việt Nam có vị trí, tọa độ, ranh giới, diện tích, độ sâu cụ thể được xác định bởi một hoặc nhiều thành phần bao gồm mặt biển, khối nước biển, đáy biển, lòng đất dưới đáy biển được xác định và thể hiện trên sơ đồ khu vực biển.

Nghị định quy định việc giao khu vực biển nhất định từ đường mép nước biển thấp nhất trung bình trong nhiều năm ra đến hết các vùng biển Việt Nam cho tổ chức, cá nhân để khai thác, sử dụng tài nguyên biển theo văn bản cho phép khai thác, sử dụng tài nguyên biển của cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp cho tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật đều thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định (trừ việc sử dụng khu vực biển vào mục đích quốc phòng, an ninh không thuộc phạm vi điều chỉnh).

Vùng biển ven bờ của tỉnh Sóc Trăng (nguồn: Chi cục Biển)

Nguyên tắc giao khu vực biển

- Đảm bảo quốc phòng, an ninh, chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán, lợi ích quốc gia trên biển và phù hợp với các điều ước quốc tế liên quan mà Việt Nam là thành viên.

- Đảm bảo phù hợp với quy luật tự nhiên và chức năng sử dụng của khu vực biển theo phương thức quản lý tổng hợp tài nguyên biển dựa trên tiếp cận hệ sinh thái; đáp ứng yêu cầu khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học biển và hải đảo, ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng.

- Đảm bảo phù hợp với Quy hoạch không gian biển quốc gia; Quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ.

- Đảm bảo lợi ích của tổ chức, cá nhân được tiến hành hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên biển hợp pháp; bảo đảm quyền tiếp cận của người dân với biển.

- Trong một vùng biển có thể giao cho một hoặc nhiều tổ chức, cá nhân thực hiện một hoặc nhiều mục đích sử dụng nhưng không được mâu thuẫn với các hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên biển hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác đang được phép tiến hành.

Thời hạn giao khu vực biển

- Thời hạn giao khu vực biển được xem xét, quyết định đối với từng trường hợp cụ thể trên cơ sở đơn đề nghị giao khu vực biển, dự án đầu tư, thời hạn ghi trên văn bản cho phép khai thác, sử dụng tài nguyên biển của cơ quan nhà nước có thẩm quyền nhưng không quá 30 năm, trừ trường hợp quy định dưới đây:

- Đối với dự án đầu tư đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận hoặc quyết định chủ trương đầu tư, cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, Giấy chứng nhận đầu tư mà có thời hạn đầu tư trên 30 năm thì thời hạn giao khu vực biển được xem xét, quyết định trên 30 năm nhưng không vượt quá thời hạn đầu tư ghi trên văn bản chấp thuận hoặc quyết định chủ trương đầu tư, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, Giấy chứng nhận đầu tư (trừ dự án đầu tư nuôi trồng thủy sản trên biển).

- Thời hạn giao khu vực biển có thể được gia hạn nhiều lần nhưng tổng  thời gian của các lần gia hạn không quá 20 năm.

Quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân khi được giao khu vực biển

- Tổ chức, cá nhân được giao khu vực biển có các quyền sau đây:

+ Sử dụng khu vực biển để khai thác, sử dụng tài nguyên biển theo Quyết định giao khu vực biển.

+ Được xem xét gia hạn, sửa đổi, bổ sung Quyết định giao khu vực biển, trả lại khu vực biển.

+ Được sử dụng các thông tin, dữ liệu liên quan đến khu vực biển được giao theo quy định của pháp luật.

+ Được xem xét bồi thường khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền thu hồi khu vực biển để sử dụng phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, công cộng theo quy định của pháp luật.

+ Khiếu nại, khởi kiện khi quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân được giao khu vực biển bị xâm phạm.

+ Các quyền khác theo quy định của pháp luật.

- Tổ chức, cá nhân được giao khu vực biển có nghĩa vụ sau đây:

+ Sử dụng khu vực biển được giao đúng mục đích, ranh giới, diện tích, độ sâu, độ cao, thời hạn được quy định trong Quyết định giao khu vực biển; không lấn, chiếm biển; không vi phạm quy hoạch đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt;

+ Không được tiến hành hoạt động ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh, chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán và lợi ích quốc gia trên biển; không gây ô nhiễm, hủy hoại môi trường biển, hệ sinh thái biển; không làm ảnh hưởng, cản trở các hoạt động giao thông trên biển; không cản trở hoạt động thanh tra, kiểm tra, điều tra cơ bản, nghiên cứu khoa học, khảo sát, thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên, môi trường biển và hoạt động hợp pháp khác được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép trong vùng biển Việt Nam;

+ Bảo vệ môi trường biển; báo cáo tình hình sử dụng khu vực biển được giao định kỳ một năm một lần cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao khu vực biển; không cung cấp thông tin về khu vực biển trái quy định của pháp luật;

+ Thực hiện nộp tiền sử dụng khu vực biển theo quy định của pháp luật; chỉ được sử dụng khu vực biển sau khi đã thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ tài chính theo quy định; trước khi tiến hành sử dụng khu vực biển phải thông báo với cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao khu vực biển để được bàn giao khu vực biển trên thực địa.

+ Không được chuyển nhượng quyền sử dụng khu vực biển được giao trừ trường hợp quy định tại Khoản 3, Điều 7, Nghị định này.

+ Không được khai thác, sử dụng tài nguyên biển ở khu vực biển khi chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao khu vực biển;

+ Chấp hành Quyết định thu hồi khu vực biển đã giao của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;

+ Các nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.

- Tổ chức, cá nhân được giao khu vực biển để nuôi trồng thủy sản có các quyền và nghĩa vụ theo quy định của Luật Thủy sản.

Thẩm quyền giao, công nhận, cho phép trả lại khu vực biển; gia hạn, sửa đổi, bổ sung Quyết định giao khu vực biển; thu hồi khu vực biển

- Thủ tướng Chính phủ quyết định giao khu vực biển cho tổ chức, cá nhân để thực hiện dự án đầu tư khai thác, sử dụng tài nguyên biển thuộc thẩm quyền chấp thuận hoặc quyết định chủ trương đầu tư của Quốc hội, Chính phủ, trừ các trường hợp giao khu vực biển sử dụng để nhận chìm ở biển, nuôi trồng thủy sản.

- Bộ Tài nguyên và Môi trường quyết định giao khu vực biển trong các trường hợp dưới đây, trừ trường hợp thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ.

+ Khu vực biển giao cho tổ chức, cá nhân để thực hiện dự án đầu tư khai thác, sử dụng tài nguyên biển thuộc thẩm quyền chấp thuận hoặc quyết định chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ.

+ Khu vực biển liên vùng; khu vực biển có phạm vi nằm ngoài vùng biển 06 hải lý tính từ đường mép nước biển thấp nhất trung bình trong nhiều năm của đất liền và các đảo.

+ Khu vực biển do nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đề nghị giao để thực hiện các dự án đầu tư khai thác, sử dụng tài nguyên biển.

- UBND cấp tỉnh có biển quyết định giao khu vực biển nằm trong phạm vi vùng biển 06 hải lý tính từ đường mép nước biển thấp nhất trung bình trong nhiều năm của đất liền và các đảo theo quy định.

- UBND cấp huyện có biển quyết định giao khu vực biển cho cá nhân Việt Nam để nuôi trồng thủy sản theo quy định của Luật Thủy sản nằm trong vùng biển 03 hải lý tính từ đường mép nước biển thấp nhất trung bình trong nhiều năm của đất liền và các đảo.

Hạn mức giao khu vực biển để nuôi trồng thủy sản theo quy định tại khoản 4 Điều 8 không quá 01 ha.

- Cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao khu vực biển nào thì có thẩm quyền công nhận, gia hạn; sửa đổi, bổ sung quyết định giao khu vực biển, cho phép trả lại, thu hồi khu vực biển đó.

Trả lại khu vực biển

- Tổ chức, cá nhân được trả lại một phần hoặc toàn bộ khu vực biển đã được giao khi không còn nhu cầu sử dụng.

- Trường hợp tổ chức, cá nhân đề nghị trả lại toàn bộ khu vực biển, việc cho phép trả lại được thể hiện bằng Quyết định cho phép trả lại khu vực biển.

- Trường hợp tổ chức, cá nhân đề nghị trả lại một phần khu vực biển, việc cho phép trả lại được thể hiện bằng Quyết định giao khu vực biển mới đối với phần diện tích khu vực biển còn lại.

- Tổ chức, cá nhân có nhu cầu trả lại khu vực biển phải nộp đủ hồ sơ theo quy định cho cơ quan tiếp nhận hồ sơ khi Quyết định giao khu vực biển còn hiệu lực.

- Tổ chức, cá nhân trả lại khu vực biển phải thực hiện các biện pháp phục hồi môi trường biển tại khu vực biển đã được giao mà trả lại; phải thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính và các nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.

- Tổ chức, cá nhân được giao khu vực biển để khai thác tài nguyên không tái tạo không được trả lại một phần diện tích khu vực biển đã được giao.

Tiền sử dụng khu vực biển

Tổ chức, cá nhân được giao khu vực biển để khai thác, sử dụng tài nguyên biển có nghĩa vụ nộp tiền sử dụng khu vực biển theo quy định của pháp luật (trừ các trường hợp quy định tại Điều 31 Nghị định số 11/2021/NĐ-CP).

Tiền sử dụng khu vực biển đối với hoạt động nhận chìm ở biển được xác định căn cứ vào khối lượng vật, chất nhận chìm được tính theo đơn vị m3 (mét khối). Tiền sử dụng khu vực biển là một khoản thu của ngân sách nhà nước và được quản lý, sử dụng theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.

Khung giá tiền sử dụng khu vực biển và mức thu tiền sử dụng khu vực biển cụ thể:

Các hoạt động sử dụng khu vực biển phải nộp tiền sử dụng khu vực biển được phân thành 6 nhóm theo mục đích sử dụng với khung giá tiền sử dụng khu vực biển như sau:

- Sử dụng khu vực biển để nhận chìm (nhóm 1): từ 15.000 đồng/m3 đến 20.000 đồng/m3.

- Sử dụng khu vực biển để làm cảng biển, cảng nổi, cảng dầu khí ngoài khơi và các cảng, bến khác; làm vùng nước trước cầu cảng, vùng quay trở tàu, khu neo đậu, khu chuyển tải, luồng hàng hải chuyên dùng, các công trình phụ trợ khác; vùng nước phục vụ hoạt động của cơ sở sửa chữa, đóng mới tàu thuyền, xây dựng cảng tàu vận tải hành khách; vùng nước phục vụ hoạt động nhà hàng, khu dịch vụ vui chơi, giải trí, thể thao trên biển; khu neo đậu, trú nghỉ đêm của tàu thuyền du lịch; khai thác dầu khí; khai thác khoáng sản; trục vớt hiện vật, khảo cổ (nhóm 2): từ 6.500.000 đồng/ha/năm đến 7.500.000 đồng/ha/năm.

- Sử dụng khu vực biển để xây dựng cáp treo, các công trình nổi, ngầm, lấn biển, đảo nhân tạo, xây dựng dân dụng và các công trình khác trên biển (nhóm 3): từ 6.000.000 đồng/ha/năm đến 7.500.000 đồng/ha/năm.

- Sử dụng khu vực biển để xây dựng hệ thống đường ống dẫn ngầm, lắp đặt cáp viễn thông, cáp điện (nhóm 4): từ 5.000.000 đồng/ha/năm đến 7.500.000 đồng/ha/năm.

- Sử dụng khu vực biển để nuôi trồng thủy sản, xây dựng cảng cá (nhóm 5): từ 4.000.000 đồng/ha/năm đến 7.500.000 đồng/ha/năm.

- Sử dụng khu vực biển để khai thác năng lượng gió, sóng, thủy triều, dòng hải lưu và các hoạt động sử dụng khu vục biển khác (nhóm 6): từ 3.000.000 đồng/ha/năm đến 7.500.000 đồng/ha/năm.

Căn cứ khung giá nêu trên, 05 năm một lần:

Bộ TN&MT ban hành giá cụ thể với khu vực biển thuộc thẩm quyền giao của Thủ tướng và Bộ TN&MT.

UBND cấp tỉnh ban hành giá cụ thể với khu vực biển thuộc thẩm quyền giao của UBND cấp tỉnh.

File đính kèm: Nghị định số 11/2021/NĐ-CP.

Thanh Diễm - Chi cục Biển
Thông báo - hướng dẫn

Thống kê truy cập
  • Đang online: 171
  • Hôm nay: 451
  • Trong tuần: 10 306
  • Tất cả: 2745767