Lượt xem: 1214
Khung chính sách Tái định cư Việt Nam: Dự án Quản lý thủy lợi phục vụ Phát triển Nông thôn vùng Đồng bằng sông Cửu Long - (MDWRM-RDP)
Tài liệu này là Khung chính sách Tái định cư (RPF) cho Dự án Quản lý thủy lợi phục vụ phát triển Nông thôn vùng Đồng bằng sông Cửu Long – Việt Nam (gọi tắt là Dự án). Tài liệu được chuẩn bị như một tài liệu độc lập nhằm đáp ứng yêu cầu về chính sách an toàn xã hội của Ngân hàng Thế giới về Tái định cư bắt buộc (OP 4.12).  Đồng thời, tài liệu này được liên kết với những công cụ an toàn khác, gồm có Khung quản lý xã hội và môi trường (ESMF), Khung chính sách Dân tộc thiểu số (EMPF), Kế hoạch hành động tái định cư (RAP), Kế hoạch phát triển dân tộc thiểu số (EMDP), và Kế hoạch quản lý môi trường (EMP) của Dự án.  RPF sẽ được áp dụng cho tất cả các tiểu dự án và các khoản đầu tư do Ngân hàng Thế giới (NHTG) tài trợ trong Dự án mà có yêu cầu thu hồi đất, đền bù, và di dời theo định nghĩa trong OP 4.12. Một đánh giá xã hội về đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) và các khu vực Dự án đã được thực hiện như một phần của công tác đánh giá môi trường vùng (REA) của Dự án.

Tóm tắt

 Khung chính sách tái định cư (RPF) này được lập để áp dụng cho tất cả các tiểu dự án thuộc dự án. Kế hoạch hành động tái định cư (RAP) cho từng tiểu dự án, nhất quán với RPF, sẽ được trình nộp Ngân hàng sau khi có thông tin cụ thể. Kế hoạch hành động tái định cư (RAP) cho từng tiểu dự án của dự án này sẽ theo các tiêu chí thiết kế áp dụng cho các tiểu dự án của RPF. Những dự án thuộc giai đoạn đầu tiên sẽ chỉ bao gồm các hợp phần đầu tư không có khả năng gây xung đột tiềm ẩn về sử dụng đất. Tuy nhiên, do sẽ có những hoạt động và địa điểm tiểu dự án chỉ có thể xác định trong quá trình thực hiện dự án, nên Khung chính sách tái định cư được lập nhằm đảm bảo rằng những tác động bất lợi của các tiểu dự án, nếu có xảy ra, sẽ được đánh giá và giảm thiểu một cách thỏa đáng.

 Dự án đề xuất sẽ hướng tới khu vực phía tây của Đồng bằng sông Cửu Long, gồm 6 tỉnh sau: An Giang, Cà Mau, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, và Kiên Giang, cũng như thành phố Cần Thơ trực thuộc trung ương. Mục tiêu phát triển dự án đề xuất (PDO) là nhằm bảo vệ và tăng cường việc sử dụng tài nguyên nước ở vùng ĐBSCL để duy trì sản lượng nông nghiệp, nâng cao mức sống, và góp phần thích ứng với biến đổi khí hâu. Những kết quả đề ra cụ thể của dự án là: (i) sản xuất nông nghiệp/ ngư nghiệp được duy trì/ cải thiện nhờ có nguồn nước phong phú và hiệu quả sử dụng được nâng cao; (ii) Thiết lập một mô hình tăng khả năng sản suất của tài nguyên nước tại ĐBSCL; (iii) quản lý và quy hoạch cơ sở hạ tầng tài nguyên nước một cách hiệu quả hơn về mặt chi phí, kết hợp với biến đổi khí hậu và những tác động bên ngoài khác (ví dụ, phát triển vùng thượng nguồn); và (iv) khoảng 60,000 hộ gia đình được tiếp cận tốt hơn tới nguồn nước uống và vệ sinh an toàn.

 Nguyên tắc và mục tiêu. Luật Việt Nam về thu hồi đất và tái định cư: Hiến pháp của Nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam (1992) khẳng định quyền của công dân về sở hữu và bảo vệ quyền sở hữu nhà ở. Ngoài ra, Chính phủ đã ban hành một số luật, nghị định, và quy định tạo thành khung pháp lý về thu hồi đất, bồi thường, và tái định cư.

 Chính sách về Tái định cư bắt buộc của NHTG: Có hai chính sách an toàn xã hội: Chính sách hoạt động (OP) 4.12: Tái định cư bắt buộc và OP 4.10: Người bản địa (tương đương với người dân tộc thiểu số ở Việt Nam) được áp dụng cho Dự án này. Những chính sách này mô tả mục tiêu và các hướng dẫn cần phải tuân thủ trong những tình huống có thu hồi đất bắt buộc và hạn chế bắt buộc trong việc tiếp cận tới các vườn quốc gia và các khu vực được bảo vệ nghiêm ngặt, và khi có liên quan tới người bản địa hay người dân tộc thiểu số. Mục đích của Chính sách hoạt động OP 4.12 là nhằm tránh tái định cư bắt buộc tới mức có thể, hoặc nhằm giảm thiểu những tác động bất lợi về xã hội và kinh tế do tái định cư bắt buộc gây nên. OP 4.12 khuyến khích sự tham gia của những người phải di dời trong quá trình lập kế hoạch và thực hiện tái định cư, và mục tiêu kinh tế chính của chính sách này là hỗ trợ những người phải di dời trong các nỗ lực cải thiện hoặc ít nhất khôi phục thu nhập và mức sống sau khi di dời. Chính sách quy định việc bồi thường và những biện pháp tái định cư khác để đạt được các mục tiêu mà chính sách đề ra cũng như yêu cầu bên vay chuẩn bị các công cụ tái định cư phù hợp trước khi Ngân hàng Thế giới thẩm định dự án đề xuất. 

 Để chuẩn bị và thực hiện các hoạt động có thu hồi đất, bồi thường, di dời, và hạn chế việc sử dụng các nguồn lực, những chính sách áp dụng yêu cầu thực hiện tham vấn chặt chẽ với người bị ảnh hưởng và về việc giảm thiểu những tác động tiêu cực tiềm tàng, trong đó có chú ý tới các vấn đề về DTTS, giới, và những nhóm dễ bị tổn thương khác. Đồng thời, các chính sách cũng quy định nhu cầu phổ biến thông tin, giám sát và đánh giá, và đảm bảo các đơn vị thực hiện có đủ kinh phí và năng lực.

Bồi thường và quyền lợi: Tính hợp lệ: Tất cả những người bị ảnh hưởng (BAH) bởi dự án, những người được xác định trong các khu vực ảnh hưởng của dự án vào thời điểm ngày khóa sổ kiểm kê, sẽ có quyền được nhận bồi thường cho các tài sản bị ảnh hưởng, và các biện pháp khôi phục đủ để hỗ trợ họ cải thiện hoặc ít nhất khôi phục sinh kế của tất cả những người bị ảnh hưởng như trước khi có dự án; và cải thiện mức sống của người nghèo phải di dời và các nhóm dễ bị tổn thương khác.

Ngày khóa sổ kiểm kê sẽ là ngày cuối cùng của hoạt động kiểm kê chi tiết (DMS) của từng tiểu dự án/ từng hợp phần đầu tư. Khu vực dự án được xác định và hệ thống thông tin về những người BAH được cung cấp và sau đó các thông tin cuối cùng được cung cấp nhằm tránh có thêm thông tin gây nhiễu. Những người lấn chiếm khu vực đầu tư hoặc tạo lập mới (cải tạo, xây mới nhà/công trình, trồng mới cây cối) sau ngày khóa sổ sẽ không có quyền nhận bồi thường hay bất kỳ hỗ trợ nào khác.

 Quyền lợi: Dựa trên các loại hình sở hữu và kết hợp với mức độ nghiêm trọng của ảnh hưởng, dự án sẽ xác định từng nhóm người BAH và quyền lợi của họ một cách thỏa đáng theo ma trận quyền lợi dưới đây. Kiểm kê chi tiết và các đánh giá xã hội sẽ là cơ sở xác định những tác động thực tế, và các cuộc điều tra chi phí thay thế sẽ được thực hiện để xác định các chi phí và đơn giá thay thế thực tế, bao gồm cả thông tin về đất và tài sản gắn trên đất bị ảnh hưởng như mô tả trong ma trận quyền lợi.

 Quá trình thực hiện

 Nghiên cứu xã hội và tài liệu yêu cầu: Một cuộc nghiên cứu xã hội đã được thực hiện cho những tiểu dự án thực hiện trong năm thứ nhất cho kết quả như sau: (a) nhìn chung, các hộ gia đình và cộng đồng mục tiêu sẽ ủng hộ dự án vì dự án sẽ làm tăng năng suất sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản, (b) việc nâng cấp và nạo vét các kênh, mương thủy lợi cũng như giao thông đường thủy cũng sẽ giúp tăng sản lượng sản xuất của cộng đồng dân cư địa phương do có điều kiện thuận lợi trong vận chuyển hàng hóa và cải thiện an toàn giao thông. Đồng thời, kết quả khảo sát cho thấy khoảng 4,700 hộ gia đình sẽ bị ảnh hưởng bởi dự án do bị thu hồi đất vĩnh viễn cũng như tạm thời cho các tiểu dự án thuộc giai đoạn đầu tiên. Trong số các hộ BAH bởi dự án, có 230 hộ dân tộc thiểu số. Một kế hoạch hành động tái định cư (RAP) đã được lập cho mỗi tiểu dự án trong 5 tiểu dự án thực hiện ở giai đoạn thứ nhất của dự án, tương tự, sẽ có một RAP cho các tiểu dự án thuộc giai đoạn thứ hai.

 Tổ chức tái định cư ở cấp nhà nước và cấp dự án: Văn phòng Dự án Trung ương (CPO) thuộc Bộ NN & PTNT chịu trách nhiệm chung về tái định cư và thu hồi đất trong dự án, bao gồm cả đào tạo về các chính sách an toàn và việc thực hiện RPF và RAP cho các PPMU, PRC và DRC, trong đó có hoạt động tuyển chọn đơn vị giám sát độc lập, giám sát, báo cáo về các vấn đề tái định, và quản lý kinh phí tái định cư cho dự án. Ban QLDA 10 (PMU 10) thuộc Bộ NN & PTNT và các PPMU sẽ chịu trách nhiệm phối hợp với CPO, các PRC và DRC và thực hiện giám sát nội bộ việc thực hiện tái định cư. Việc thực hiện RAP sẽ được giám sát một cách thường xuyên bởi PMU 10 và các Ban quản lý Dự án tỉnh (PPMU), những đơn vị chịu trách nhiệm thực hiện các hoạt động đầu tư, trong đó có thu hồi đất và/ hoặc hạn chế tiếp cận các nguồn tài nguyên. Kết quả thực hiện và kiến nghị đưa ra sẽ được lưu lại trong tài liệu dự án để Ngân hàng Thế giới có thể xem xét, nghiên cứu. Văn phòng Dự án Trung ương (CPO) sẽ giám sát quá trình này ít nhất một lần một năm và đưa kết quả giám sát vào các Báo cáo thường niên để đệ trình NHTG.

 Kinh phí đào tạo và giám sát việc thực hiện RAP

 Ước tính sẽ cần khoảng 66.000 đô la Mỹ cho hoạt động đào tạo và 638.000 đô la Mỹ cho hoạt động giám sát việc thực hiện RAP. Những khoản kinh phí này sẽ lấy từ vốn vay hoặc vốn tài trợ.

Tải tập tin đính kèm tại đây.

Thông báo - hướng dẫn

Thống kê truy cập
  • Đang online: 17
  • Hôm nay: 213
  • Trong tuần: 3 324
  • Tất cả: 2297831