Lượt xem: 150
Về nghĩa địa Triều Châu cúng Thanh Minh
 Một trong những lễ hội dân gian đặc sắc của người dân Sóc Trăng, mà nhiều địa phương khác, dân tộc khác không có chính là cúng Thanh Minh (có nơi còn gọi là lễ tảo mộ). Vì vậy, chúng tôi có dịp về Nhị Tỳ Triều Châu thuộc Khóm 1, Phường 5, thành phố Sóc Trăng, du khách và mọi người sẽ cảm nhận được không khí náo nhiệt của mùa lễ hội dân gian này.
         Tục cúng Thanh minh xuất phát từ phong tục cổ truyền của cộng đồng người Hoa. Tuy nhiên, trong quá trình giao lưu văn hóa, phong tục này đã được người Việt tiếp nhận và trở thành cái Tết chung của người dân Sóc Trăng (nói riêng). Tết Thanh minh thường bắt đầu từ cuối tháng 2 hoặc đầu tháng 3 (âm lịch), thời gian diễn ra trong vùng 01 tháng (tùy theo năm). Đây là dịp để con cháu hướng về tổ tiên, cội nguồn và tưởng nhớ những người đã khuất trong gia tộc, bày tỏ lòng thành kính đối với ông bà, tổ tiên. Thanh minh gắn liền với tục tảo mộ, một phong tục phổ biến của người Hoa, người Việt ở khắp mọi miền. Vào ngày Tết Thanh minh, các gia đình thường thăm viếng mộ, cắt tỉa cỏ dại trên mộ người thân. Do vậy, trong tháng này con cháu dù ở xa cũng tụ tập về làm mả (mộ) ông bà, hoặc cha mẹ, người thân đã quá cố sao cho thật đẹp như: Sơn mả, trồng hoa, dán giấy ngũ sắc trên phần mả, … và tổ chức cúng vào một ngày nào đó của dịp Thanh minh, nhưng phần lớn tập trung vào ngày chánh, hoặc ngày cuối tuần để con cháu có điều kiện về đông đủ.

         Năm nay, tôi có dịp cùng bạn về tảo mộ tại Nhị tỳ Triều Châu, thuộc Khóm 1, Phường 5, thành phố Sóc Trăng, những ngày đầu của tháng Tư trời nắng như đổ lửa, nhưng nhìn cảnh tốp người vẫn cần mẫn lau chùi, cuốc đất, làm cỏ vệ sinh, đắp mộ, tưới đất, … Đang đứng trong bóng mát, tình cờ chúng tôi gặp chú Sơn Sâm, người có thâm niên gần 50 năm gắn với nghề truyền thống “tảo mộ” của gia đình, thuộc Khóm 1, Phương 5, chú Sâm tâm sự: Cái nghề này đã bám theo gia đình tôi 03 đời nay rồi, trước đây cha và chú của tôi cũng làm nghề này, giờ đến tôi và các con cháu vẫn tiếp nối nghề truyền thống này. Mỗi năm, cứ qua Tết Nguyên đán, chúng tôi ra nghĩa địa (các phần mộ nằm cặp bên nhà mà gia đình quản lý từ trước đến nay), bắt tay với công việc dọn cây cỏ dại quanh từng ngôi mộ. Một ngày cả gia đình (từ 6 – 8 người) làm từ 6 – 8 ngôi mộ. Thấy vậy, chứ vất vả lắm, đa số các ngôi mộ đều có cỏ dại leo bám chật kín, mọi người phải dọn dẹp, thu gom để một chỗ, lúc cỏ dại khô, thì mới đốt bỏ. Công đoạn này, mỗi ngày chỉ đắp được từ 8 – 10 ngôi mộ lớn nhỏ, với giá từ 500.000đ – 1.000.000đ/ mộ.

          Chú Sơn Sâm, chia sẻ thêm: “Các ngôi mộ ở đây có người thân không chỉ ở Sóc Trăng, mà nhiều con cháu đến từ Thành phố Hồ Chí Minh, Bạc Liêu, Cà Mau, Cần Thơ, Hậu Giang, An Giang, Trà Vinh, Vĩnh Long, … đến cúng. Cả khu vực Nhị tỳ Triều Châu này có khoảng 7 – 8 ngàn ngôi mộ lớn nhỏ, chia ra nhiều tổ, nhóm quản lý, tuy mùa nào cũng cực, nhưng cũng mừng, không cần đi làm thuê ở xa, chủ yếu lo tảo mộ ở gần nhà cũng có thêm thu nhập nuôi sống gia đình”. Cũng theo lời chú Sâm, những dòng tộc lớn thường có những ngày tảo mộ được quy định rất cụ thể, như một truyền thống của dòng tộc để con cháu thực hiện, thắt chặt tình yêu thương, đoàn kết, mỗi năm, các gia đình thường làm lễ cúng Tết Thanh minh tại phần mộ tổ tiên và tại nhà.  
 
         Cái hay của Tết Thanh minh, là ngoài ý nghĩa tưởng nhớ người đã khuất, đề cao đạo hiếu, còn mang đậm tính cộng đồng. Đó chính là không gian của ngày Tết diễn ra ở ngay nghĩa địa và thu hút rất đông người tham gia cúng bái (như Nhị tỳ Triều Châu này). Khi tổ chức cúng không chỉ có sự tham gia của các thành viên trong gia đình, mà còn mời bạn bè và chiêu đãi xóm giềng cùng tham gia ăn uống, vui chơi tại mả. Có gia đình còn thuê cả đội nhạc, người thì mang theo loa (kẹo kéo) kéo điện thắp sáng ra mả để, vui tới khuya. 
 
         Nói về thức ăn cúng bái cũng rất phong phú, ngoài bánh, trái cây và nhiều món ngon khác như: Lẩu, ca ri, đồ hầm, xào, luộc, rượu, bia, nhất định không thể thiếu món heo quay gói bánh hỏi. Chính vì thế mà thị trường hàng hóa phục vụ Tết Thanh minh rất sôi động và náo nhiệt. Một trong những ý nghĩa sâu sắc của Tết Thanh minh, là ngoài giáo dục đạo hiếu, nhắc nhở mọi người không quên nguồn cội, mà còn là chất keo kết dính các thành viên trong gia đình với nhau. Mỗi năm cứ đến dịp Tết Thanh minh là con cháu lại tụ họp về, những người thân trong gia đình cùng nhau chuyện trò, san sẻ vui buồn, giúp đỡ nhau để cùng phát triển. 
 
tin và ảnh: Sóc Ca

 

 

video
  • Ngành Tuyên giáo Sóc Trăng (04/04/2025)
  • Hoa kèn hồng (16/03/2025)
1 
Thống kê truy cập
  • Đang online: 41
  • Hôm nay: 423
  • Trong tuần: 5 119
  • Tất cả: 1386132
Cơ quan chủ quản: Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Sóc Trăng
Địa chỉ liên hệ: 50 Lê Duẩn, TP. Sóc Trăng, Tỉnh Sóc Trăng 
Điện thoại: (02993) 821704 Fax: (02993) 825702 Email: sovhttdl@soctrang.gov.vn
Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp trên internet
Số: 03/GP-TTĐT ngày 13/01/2010 do Cục quản lý Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử Bộ Thông tin và Truyền thông cấp
@ Ghi rõ nguồn "Cổng thông tin điện tử Sở VHTTDL tỉnh Sóc Trăng" khi phát hành lại thông tin từ Cổng thông tin này.