Lượt xem: 2313
Chùa Bốn Mặt
        Sóc Trăng là nơi hội tụ hàng trăm ngôi chùa lớn nhỏ của 3 dân tộc Kinh, Khmer, Hoa. Hành trình tham quan các ngôi chùa là một bất ngờ thú vị, vì ngoài cái chung mỗi ngôi chùa lại mang những nét kiến trúc độc đáo khác nhau. Trong đó Chùa của đồng bào dân tộc Khmer chiếm tỉ lệ nhiều nhất với 92 ngôi chùa. Một trong những ngôi chùa nổi tiếng là chùa Bốn Mặt (hay còn gọi là Chùa Ba Rai), theo tiếng Khmer gọi là Buol – Pres – Phek.  

        Chùa Bốn Mặt thuộc xã Phú Tân, huyện Châu Thành, cách trung tâm TP. Sóc Trăng khoảng 7 km theo hướng đi về huyện Kế Sách. Theo tường truyền, chùa được xây dựng từ năm 1537; với kiến trúc ban đầu bằng tre, lá; dần dần được tu bổ xây dựng kiên cố như hiện nay.

        Chánh điện chùa  được xây dựng với kiến trúc độc đáo, mái tam cấp phía trên nóc có tượng thần Mahaprum quay mặt về bốn hướng. Các đường viền trên mái chùa được trang trí hoa văn mang đậm nét sắc thái truyền thống. Năm 2011, chùa được sơn lại với màu vàng chanh trong rất rực rỡ và sang trọng. Cách mặt đất khoảng 5 bậc thang là mặt nền trước khi vào chánh điện được lót gạch sạch sẽ. Tiếp theo khoảng 10 bậc thang là ngôi chánh điện được trang trí hoa văn rất độc đáo. Chung quanh là các tháp đựng hài cốt của các vị sư đã qua đời và những người dân quanh vùng có tâm nguyện được gởi vào chùa sau khi chết.

        Từ cổng chùa đi vào phía bên tay phải là mô hình luyện tập đội đua ghe ngo của chùa để chuẩn bị cho Lễ hội Ooc – Om – Boc và đua ghe Ngo hàng năm của đồng bào Khmer Nam bộ. Trong những năm gần đây chùa liên tục đạt được giải cao trong các mùa thi đấu được tổ chức trên sông Đinh TP. Sóc Trăng và một số tỉnh bạn.

        Bên trong chánh điện, ngoài tượng Phật Thích Ca như các ngôi chùa Khmer khác, trong chùa còn thờ một tượng Phật bốn mặt. Theo các cụ xưa ở gần chùa kể lại trước đây chỉ là nơi hoang vu, cây cối rậm rạp. Trong khi khai hoang đồng bào Khmer đã đào được một pho tượng Phật vào năm 1537, có bốn mặt quay về bốn hướng, mỗi hướng có 5 vị phật. Người dân cho là tượng Phật vừa đào được là điềm lành cho đồng bào nên thỉnh về và dựng nên ngôi chùa để thờ. Từ đó chùa có tên gọi là Chùa Bốn Mặt. Chung quanh việc phát hiện tượng Phật Bốn mặt, được lưu truyền lại với bao lời kể hết sức huyền bí và hấp dẫn. Hiện nay trong chùa có khoảng 40 sư đang tu, Chủ trì là đại đức Thạch Bonl. Hàng năm, vào ngày chính của lễ Chôl – Chnăm – Thmây nhà chùa làm lễ tắm nước cho tượng Phật rất trang trọng. Trong năm, nhà chùa còn tổ chức các lễ Vu Lan báo hiếu, lễ Dolta, Lễ dâng bông,... Đầu năm 2011 ngôi chánh điện được tiến hành trùng tu lại với kinh phí khoảng 1 tỷ đồng. Đến nay ngôi chánh điện đã trùng tu xong và tổ chức lễ khánh thành vào ngày 7 và 8/01/2012.

        Diện tích của chùa khá rộng, xung quanh chùa trồng nhiều cây xanh nên không khí mát mẻ trong lành, đặc biệt trong khuôn viên chùa trồng trên 100 gốc cây Hồng Nhung được lấy giống từ Campuchia về có cây đã được 100 năm tuổi. Cây này có trái quanh năm và nhất là vào mùa mưa trái rất nhiều, khi trái chín dầm với đá đường ăn rất ngon. Ngoài ra chùa còn là nơi thường xuyên tổ chức các buổi văn nghệ truyền thống do đoàn nghệ thuật Khmer xã Phú Tân biễu diễn, sân tập thể dục dành cho trường cấp I, II Phú Tân B. Kề cận bên Chùa còn có giếng Tiên được kể lại với bao truyền thuyết hấp dẫn.

        Khi đến tham quan chùa du khách sẽ chiêm ngưỡng được kiến trúc độc đáo của ngôi chùa, tận hưởng không khí trong lành khi ngồi dưới những bóng cây Hồng Nhung sum xuê trĩu quả và thả mình say sưa theo lời kể về những truyền thuyết liên quan đến ngôi chùa./.
Trung tâm TTXTDL Sóc Trăng

 

 

video
  • Liên hoan đờn ca tài tử (20/11/2024)
  • VTV đưa tin về lễ Ooc om boc (15/11/2024)
1 
Thống kê truy cập
  • Đang online: 254
  • Hôm nay: 277
  • Trong tuần: 2 615
  • Tất cả: 1144444
Cơ quan chủ quản: Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Sóc Trăng
Địa chỉ liên hệ: 50 Lê Duẩn, TP. Sóc Trăng, Tỉnh Sóc Trăng 
Điện thoại: (02993) 821704 Fax: (02993) 825702 Email: sovhttdl@soctrang.gov.vn
Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp trên internet
Số: 03/GP-TTĐT ngày 13/01/2010 do Cục quản lý Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử Bộ Thông tin và Truyền thông cấp
@ Ghi rõ nguồn "Cổng thông tin điện tử Sở VHTTDL tỉnh Sóc Trăng" khi phát hành lại thông tin từ Cổng thông tin này.