Lượt xem: 19615
Nhạc Ngũ Âm của người Khmer tỉnh Sóc Trăng
Về mặt hình thức nhạc cụ, nhạc Ngũ Âm truyền thống của người Khmer là một dàn nhạc được hợp thành bởi 5 bộ nhạc cụ được làm từ 5 loại chất liệu khác nhau tạo nên 5 âm sắc riêng biệt: bộ đồng, bộ sắt, bộ mộc, bộ hơi và bộ da. Trong đó, mỗi bộ sẽ có một, hai hoặc ba loại nhạc cụ tham gia tạo nên biên chế hoàn chỉnh của dàn nhạc Ngũ Âm truyền thống gồm 9 loại: Kèn Srolay Pinn Peat (Bộ hơi); đàn Rôneat Ek, Rôneat Thung (Bộ mộc); Rôneat Đek (Bộ sắt); Kuông Vông Tôch, Kuông Vông Thum, Chhưng (Bộ đồng); Trống Samphô, Trống Skô Thum (Bộ da).

         Nhạc Ngũ Âm của người Khmer tỉnh Sóc Trăng, thuộc loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian, được cộng đồng người Khmer vùng đồng bằng sông Cửu Long gọi với tên Khmer quen thuộc là Pinn Peat. 

         Theo nhà nghiên cứu âm nhạc Khmer, Tiến sĩ Sơn Ngọc Hoàng và những nhà nghiên cứu văn hóa Khmer khác, về mặt truyền thống, nhạc Ngũ âm là loại hình âm nhạc hòa tấu mang tính chất nghi lễ và tôn giáo, gắn bó chặt chẽ với các nghi lễ và đời sống sinh hoạt Phật giáo Tiểu thừa Theravada trong các ngôi chùa và phum, sóc của người Khmer. Loại hình âm nhạc này được xác định có ảnh hưởng xa xưa từ cung đình và tôn giáo của Ấn Độ cùng một số quốc gia trong khu vực Đông Nam Á như Campuchia, Thái Lan,... Sau đó, nhạc Ngũ Âm được truyền vào nền văn hóa Khmer ngay từ thời tiền sử và tồn tại cho đến ngày nay. Trải qua thời gian, bên cạnh những yếu tố ngoại sinh được tiếp thu và duy trì, người Khmer ở vùng đồng bằng sông Cửu Long nói chung và ở Sóc Trăng nói riêng cũng đã có sự dung hòa, tiếp biến cho phù hợp với tính cách ứng xử và phong tục tập quán của mình. Một mặt tạo nên tính tương đồng trên nhiều khía cạnh của loại hình nhạc Ngũ Âm với đặc điểm âm nhạc của một số quốc gia láng giềng, một số dân tộc anh em. Nhưng mặt khác, cũng luôn khẳng định được những nét văn hóa đặc trưng, riêng biệt của con người và vùng đất này.

         Về mặt hình thức nhạc cụ, nhạc Ngũ Âm truyền thống của người Khmer là một dàn nhạc được hợp thành bởi 5 bộ nhạc cụ được làm từ 5 loại chất liệu khác nhau tạo nên 5 âm sắc riêng biệt: bộ đồng, bộ sắt, bộ mộc, bộ hơi và bộ da. Trong đó, mỗi bộ sẽ có một, hai hoặc ba loại nhạc cụ tham gia tạo nên biên chế hoàn chỉnh của dàn nhạc Ngũ Âm truyền thống gồm 9 loại: Kèn Srolay Pinn Peat (Bộ hơi); đàn Rôneat Ek, Rôneat Thung (Bộ mộc); Rôneat Đek (Bộ sắt); Kuông Vông Tôch, Kuông Vông Thum, Chhưng (Bộ đồng); Trống Samphô, Trống Skô Thum (Bộ da).

         Nhạc Ngũ Âm là loại hình âm nhạc cổ truyền mang tính phổ biến và lâu đời của người Khmer Nam Bộ nói chung. Trải qua quá trình hình thành, tồn tại và phát triển, loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian này đã lưu giữ và thấm đẫm trong đó nhiều giá trị và ý nghĩa to lớn và hết sức đặc biệt.

         Giá trị lịch sử - văn hóa: Như đã biết, ngôi chùa luôn được xem là thiết chế văn hóa quan trọng và gắn bó nhất đối với đời sống và sinh hoạt của mỗi người dân Khmer. Đây là nơi tập trung và diễn ra hầu hết những hoạt động tôn giáo và văn hóa cả cộng đồng. Với việc có mặt trong thiết chế tôn giáo và tham gia trình tấu tất cả các đại lễ và nghi lễ Phật giáo ở chùa cũng như tang lễ của người dân trong cộng đồng, thì nhạc Ngũ âm đã trở thành một nét văn hóa gắn bó mật thiết và in dấu sâu đậm trong tâm thức và đời sống sinh hoạt của mỗi người dân Khmer từ thuở nhỏ đến lúc rời xa cuộc đời. Đó là những âm thanh và giai điệu mang tính ký hiệu vừa thiêng liêng nhưng cũng rất đỗi quen thuộc, thân thiết và giàu cảm xúc đối với từng cá nhân và cả cộng đồng trong suốt cuộc đời của họ. Khi nghe tiếng trống (Skô Voth) cùng với tiếng nhạc Ngũ Âm vang lên tại các ngôi chùa Khmer thì người dân trong phum, sóc biết được đã đến ngày tổ chức các nghi lễ tôn giáo. Còn tiếng trống lễ tang vang lên ba hồi cùng tiếng nhạc Pinn Peat réo rắt sẽ là lời thông báo cho sự qua đời của một ai đó trong cộng đồng. Thông qua âm nhạc này, mọi người được cùng hòa nguyện tâm hồn mình và tạo ra sự kết nối cộng đồng với nhau một cách tự nhiên, nhẹ nhàng nhưng lại hết sức bền chặt, sâu đậm. 

         Nhạc Ngũ Âm còn là một minh chứng mang tính tiêu biểu về mối quan hệ giao lưu và ảnh hưởng văn hóa giữa người Khmer với các quốc gia và dân tộc xung quanh trong suốt quá trình lịch sử tồn tại và phát triển lâu đời của mình. Những yếu tố nguyên gốc, cổ truyền còn được bảo tồn, duy trì trong kho tàng âm nhạc Ngũ Âm cho thấy được sự liên quan, gần gũi về văn hóa nói chung và âm nhạc nói riêng của người Khmer với văn hóa Ấn Độ và các nền văn hóa Đông Nam Á. Điều đó tạo nên những màu sắc rất quan trọng, nổi bật đóng góp vào bức tranh văn hóa chung phong phú, đa dạng và đặc sắc của tộc người Khmer nói chung và văn hóa của cộng đồng người Khmer tỉnh Sóc Trăng nói riêng.

         Đặc biệt, không chỉ thể hiện sự tiếp thu, du nhập các yếu tố và giá trị văn hóa từ bên ngoài vào, mà nhạc Ngũ âm của người Khmer còn phản ánh rất rõ sự tiếp biến và dung hòa cho phù hợp với môi trường và tính cách của tộc người. Điều này có thể thấy rất rõ ở sự linh hoạt và ngẫu hứng trong phong cách trình diễn của các nhạc công trong dàn nhạc Ngũ âm của người Khmer ở Sóc Trăng so với ở các địa phương khác cũng như các nước xung quanh, mà điển hình là so với sự chặt chẽ, chuẩn mực, khuôn mẫu của nhạc Ngũ Âm ở Campuchia. Các nhạc cụ trong dàn nhạc ở nơi đây dù cơ bản vẫn giữ được hình dạng cấu tạo và chức năng chính so với nguyên gốc, nhưng cũng không thể phủ nhận chúng ít nhiều có sự cải tiến và điều chỉnh so với trước. Thậm chí, người nghệ nhân Khmer ở Sóc Trăng còn thực hiện việc chỉnh lý cấu tạo các nhạc cụ để chúng phối hợp hòa tấu với các loại nhạc cụ mới, hiện đại của phương Tây khi tham gia vào một số sinh hoạt mới của đời sống hiện đại. Chính điều đó đã tạo nên nét riêng, mang tính đặc trưng văn hóa của loại hình nhạc Ngũ Âm truyền thống của người Khmer ở Sóc Trăng trong cái nhìn so sánh với nhạc Ngũ Âm của người Khmer ở các tỉnh thành Nam Bộ và ở cả Campuchia. 

         Giá trị tâm linh, đạo đức: Được sử dụng trong tất cả những nghi lễ quan trọng của tôn giáo và đời sống tộc người, nhạc Ngũ Âm được xem như là mối dây tinh thần hay chất xúc tác kết nối giữa Đạo và Đời, giữa Phật tử, con người trần tục với thế giới tâm linh, thiêng liêng của Đức Phật, là cây cầu và lời tiễn đưa để giúp con người về với thế giới bên kia. Âm thanh của dàn nhạc Ngũ Âm là thứ ngôn ngữ để giao tiếp với thần linh và các đấng siêu nhiên, là tiếng nói giữa người sống với người chết và cả tổ tiên ngàn đời của mình đang ở phía bên kia thế giới của cõi Phật. Vượt ra khỏi lớp vỏ của âm nhạc, những bài bản, giai điệu và âm thanh của dàn nhạc Ngũ âm vang lên trong các nghi lễ tôn giáo và lễ tang truyền thống. Vừa là cánh tay nâng đỡ, thúc đẩy tâm hồn hướng Phật của con người, vừa là lời an ủi, xoa dịu nỗi buồn của những người ở lại khi đưa tiễn người quá cố. Bởi vậy, người dân Khmer luôn xem các nhạc khí trong dàn nhạc Ngũ Âm là “các vật thiêng” được kết tinh bởi trời đất theo quy luật âm dương và tồn tại trong mối quan hệ của thuyết ngũ hành, ngũ phương, ngũ âm, ngũ sắc. 

         Cũng như thế, nội dung và ý nghĩa của những bài bản sử dụng trong dàn nhạc Ngũ âm vốn được xuất phát từ Phật giáo nên luôn mang tinh thần giáo dục, khuyên răn con người hướng đến những điều thánh thiện, tốt đẹp. Điều đó góp phần nhất định tạo nên sự hướng thiện trong tâm hồn và tính cách của những người dân Khmer khi được đắm mình trong âm hưởng và giai điệu của loại hình âm nhạc này từ khi còn bé thơ cho đến lúc trưởng thành và về già.

         Giá trị nghệ thuật - thẩm mỹ: Về mặt thẩm mỹ, cách cấu tạo của mỗi nhạc cụ và sự hợp thành của cả dàn nhạc Ngũ Âm mang yếu tố độc đáo, đặc trưng và thẩm mỹ rất cao. Những chiếc đàn Rôneat Ek, Rôneat Thung mang hình dáng của những chiếc thuyền được trang trí các đường nét hoa văn truyền thống Khmer tạo nên sự bắt mắt và liên tưởng văn hóa rất lớn. Trong khi đó, dàn Kuông Vông Tôch và Kuông Vông Thum lại như là sự thu gọn một cách tinh tế của những dàn cồng chiêng trong các vòng tròn lễ hội đầy biến ảo. Tất cả những điều đó cộng với vỏ âm thanh mạnh mẽ, đa âm sắc nhưng được phối hợp một cách uyển chuyển, hài hòa, có lớp lang, đã thực sự mang đến cho nhạc Ngũ Âm một sức hấp dẫn và thu hút phi thường.

         Về mặt nghệ thuật, trình tấu âm nhạc Ngũ Âm truyền thống của người Khmer nói chung được xác định mang tính chất hòa tấu giao hưởng. Điều này đồng nghĩa với sự chuẩn mực và những yêu cầu chất lượng nghệ thuật rất cao của loại hình âm nhạc này so với những loại hình âm nhạc khác. Và thực tế có thể khẳng định, đây chính là dòng nhạc cao cấp và được tổ chức chặt chẽ nhất trong đời sống âm nhạc của người Khmer Nam Bộ. Mặt khác, đây cũng được xem là dàn nhạc dân tộc duy nhất của người Khmer được hoàn chỉnh và định âm, định tính. Định âm trong từng nhạc cụ và cả hòa âm của dàn nhạc, bài bản đều được soạn sẵn cho từng nghi lễ. Và trong chừng mực nhất định, nhạc Ngũ Âm truyền thống của người Khmer ở Sóc Trăng cũng như Nam Bộ hoàn toàn có thể sánh ngang về chức năng và ý nghĩa với các loại hình âm nhạc truyền thống tiêu biểu của các cộng đồng cư dân khác ở Việt Nam như Nhã Nhạc Cung Đình Huế, Cồng Chiêng Tây Nguyên, Đờn ca Tài tử Nam Bộ,…

         Ngày nay, dù đời sống xã hội có nhiều thay đổi, nhưng sức sống của nhạc Ngũ Âm không vì thế mà dễ dàng mất đi, mà luôn thích nghi để tồn tại và phát triển. Bên cạnh những nỗ lực bảo lưu, duy trì các đặc điểm và giá trị nguyên bản, truyền thống, loại hình nhạc Ngũ Âm của người Khmer ở Sóc Trăng cũng đã có không ít những biến đổi khác trước:

         - Nghệ thuật trình diễn nhạc Ngũ Âm truyền thống của người Khmer ở Sóc Trăng ngày càng có sự mở rộng về phạm vi và tính chất: Loại hình âm nhạc này không còn giới hạn độc quyền của nhà chùa và trong các sinh hoạt nghi lễ tôn giáo và tang ma nữa. Thay vào đó, nó đã được tổ chức lưu giữ, trình tấu và truyền dạy ở nhiều tổ chức, cá nhân, đơn vị cả trong và ngoài cộng đồng như tại các phum, sóc, Đoàn Nghệ thuật Khmer tỉnh, Trường Trung cấp Văn hóa nghệ thuật hay tại hầu hết các trường THCS, THPT Dân tộc nội trú trên địa bàn tỉnh,… Đồng thời, dàn nhạc và các giai điệu của nhạc Ngũ âm đã xuất hiện và tham gia phục vụ trong các chương trình biểu diễn ca – múa – nhạc, biểu diễn các vở diễn của nghệ thuật sân khấu Dù Kê, các lễ hội truyền thống dân tộc hay là những sinh hoạt văn hóa – nghệ thuật khác. Thậm chí, từ tính chất hòa tấu giao hưởng, giờ đây dàn nhạc Ngũ âm truyền thống còn có thể tham gia đánh nhạc đệm cho những bài hát dân gian và hiện đại. Tất cả những thay đổi như trên cho thấy rõ xu hướng thế tục hóa, dân gian hóa ngày càng mạnh mẽ của loại hình nghệ thuật trình diễn nhạc Ngũ Âm Khmer ở Sóc Trăng. Và đây có thể được xem là những yếu tố tích cực trong việc bảo tồn và phát huy giá trị của di sản văn hóa phi vật thể trong thời hội nhập và phát triển.

         - Số lượng và chất lượng nhạc cụ và dàn nhạc Ngũ Âm trong các ngôi chùa Khmer ở Sóc Trăng có sự suy giảm, xuống cấp: Một số chùa Khmer trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng không còn lưu giữ được dàn nhạc Ngũ Âm để phục vụ các nghi lễ tôn giáo tại chùa cũng như lễ tang trong cộng đồng. Một số ít ngôi chùa dù còn giữ được dàn nhạc nhưng lại không còn đầy đủ biên chế hoặc lâm vào tình trạng các nhạc cụ bị hư hỏng nặng. Nguyên nhân là do tác động của thời gian dẫn đến việc hư hỏng, mất mát. Việc giá thành các nhạc cụ cao trong khi khả năng của các chùa và đời sống của người dân còn nhiều khó khăn, các cơ sở và nghệ nhân sản xuất nhạc cụ ngày càng ít dần, thậm chí một số địa phương phải sang tận Campuchia để tìm mua. Riêng câu chuyện kèn Srolay thì vấn đề nằm ở chỗ nhạc cụ này rất khó học, khó thổi nên không có người muốn học, dẫn đến không còn người biết sử dụng. Bên cạnh đó, cũng không loại trừ là do phong tục tập quán và các nghi lễ truyền thống của người Khmer đã và đang ngày càng có sự biến đổi đáng kể cả về hình thức lẫn nội dung.

         - Các bài bản âm nhạc cổ điển dành cho dàn nhạc Ngũ Âm truyền thống đang ngày càng mai một và có sự sai lệch so với nguyên gốc: Những bài bản nhạc cổ Khmer chủ yếu được truyền lại từ đời này sang đời khác bằng phương pháp truyền miệng, truyền ngón mà ít được ghi chép nên đến nay đã bị mai một, thất truyền đi rất nhiều, không còn ai nhớ hết được và hầu như cũng không còn biết được tác giả. 

         Theo số liệu thống kê sau quá trình nghiên cứu, trước kia người Khmer có khoảng 230 bài bản âm nhạc cổ truyền dành cho các nghi lễ tôn giáo, thì hiện nay, ở Sóc Trăng chỉ còn lưu truyền và sử dụng phổ biến khoảng 21 bài bản và trật tự sắp xếp các bài bản trong mỗi nghi lễ của dàn nhạc Ngũ Âm đôi khi không đúng theo các quy định cổ truyền trước đây và không thống nhất giữa các dàn nhạc, các địa phương khác nhau. Nội dung các bài bản âm nhạc cổ truyền trình tấu bởi các dàn nhạc Ngũ Âm trong nghi lễ tôn giáo, tang ma có tình trạng bị sai lệch, dị bản so với nguyên gốc giữa các nơi. Nguyên nhân là do đặc tính truyền miệng cộng với tính linh hoạt và phóng tác của người nhạc công trong quá trình diễn tấu đã làm cho các bản nhạc ngày càng trở nên đa dạng, biến thể. 

         - Thiếu đội ngũ nhạc công có chuyên môn để tiếp nối và thay thế những thế hệ đi trước: Nhạc Ngũ Âm là loại hình âm nhạc mang nhiều tính chuẩn mực, cao cấp nên có độ khó cao và đòi hỏi phải có thời gian học và luyện tập lâu dài. Chính vì vậy, trong bối cảnh đời sống kinh tế - xã hội có nhiều thay đổi, nó ít nhận được sự quan tâm, yêu thích và tham gia theo học của nhiều trẻ em và thanh niên Khmer tại Sóc Trăng cũng như các tỉnh thành khác. Nhiều năm gần đây, với việc đưa nhạc Ngũ Âm vào đào tạo tại nhiều cơ sở giáo dục chuyên nghiệp và giáo dục phổ thông, số lượng người theo học và biết về nhạc Ngũ Âm có sự tăng lên, nhưng lực lượng này chủ yếu còn trẻ, chưa có đủ độ chín nên chưa thể đáp ứng được nhu cầu của các dàn nhạc Ngũ Âm tại các chùa Khmer và các phum, sóc. 

         Nhận thức được giá trị và ý nghĩa to lớn của loại hình nghệ thuật trình diễn âm nhạc Ngũ âm truyền thống, nhiều năm qua, các cấp chính quyền, các cơ quan chuyên môn cùng cộng đồng người Khmer tại tỉnh Sóc Trăng đã có nhiều hành động cụ thể và nỗ lực cao để bảo tồn, phát huy giá trị loại hình âm nhạc này:

         - Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với các ngành liên quan xây dựng hồ sơ khoa học trình các cấp thẩm quyền xem xét và đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành Quyết định số 4602/QĐ-BVHTTDL, ngày 20/12/2019 công nhận và đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia: Nghệ thuật trình diễn dân gian "Nhạc Ngũ Âm của người Khmer tỉnh Sóc Trăng"; đồng thời chỉ đạo các đơn vị chuyên môn tham mưu xây dựng Đề án bảo tồn và phát huy giá trị loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian này.  

         - Tài trợ, trao tặng dàn nhạc, nhạc cụ Ngũ Âm cho các ngôi chùa Khmer và vận động mở lớp, hỗ trợ kinh phí cho việc truyền dạy nhạc Ngũ Âm tại các chùa Khmer trong tỉnh. Bản thân các chùa cũng tiếp tục thực hiện việc tu sửa, sưu tầm, bổ sung thêm nhạc cụ thuộc dàn nhạc Ngũ Âm và tổ chức tuyển chọn, truyền dạy cho các em học sinh, thanh niên người Khmer.

         - Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức định kỳ Liên hoan nhạc Ngũ Âm và múa dân gian Khmer với sự tham gia của nhạc công, diễn viên múa không chuyên đến từ 11 đơn vị huyện thị, thành phố trong tỉnh. Tăng cường giới thiệu hình ảnh và giá trị của loại hình nghệ thuật trình diễn nhạc Ngũ Âm đến với cộng đồng và xã hội thông qua chương trình biểu diễn của các Đoàn nghệ thuật, các phương tiện truyền thông, các liên hoan văn hóa nghệ thuật dân tộc,… nhân dịp tổ chức Lễ hội Oóc Om Bóc - Đua ghe Ngo tỉnh Sóc Trăng hàng năm.

         - Trường Trung cấp Văn hóa nghệ thuật tỉnh và hệ thống các trường THCS và THPT Dân tộc nội trú trong tỉnh đưa chương trình đào tạo trung cấp, sơ cấp và bồi dưỡng thường xuyên về loại hình nhạc Ngũ Âm. Hiện nay, các trường Dân tộc nội trú trong tỉnh đều có trang bị dàn nhạc và tổ chức các tiết học về nhạc Ngũ Âm dành cho các đối tượng học sinh người Khmer.

         - Tổ chức các cuộc thi trình diễn nhạc cụ, âm nhạc Ngũ Âm ở nhiều cấp độ, lứa tuổi và hình thức khác nhau để tìm kiếm tài năng, tuyển chọn và khuyến khích học và chơi nhạc Ngũ Âm.

         Trong thời kỳ hội nhập hiện nay, loại hình nghệ thuật trình diễn dân gia nhạc Ngũ âm vẫn đóng vai trò rất quan trọng trong đời sống sinh hoạt tôn giáo và cộng đồng người Khmer Nam Bộ nói chung và tỉnh Sóc Trăng nói riêng. Những âm thanh của dàn nhạc tiếp tục vang lên tại các ngôi chùa, trong những nghi lễ Phật giáo quan trọng và trong nghi lễ tang ma của người dân cộng đồng như là một phần linh hồn của sự kiện không thể thiếu. Dẫu có những khó khăn và nhiều điều mới mẻ của đời sống xã hội chi phối, nhưng với người dân vốn đã quen với những giá trị văn hóa truyền thống, thì nhạc Ngũ Âm không đơn thuần chỉ là âm nhạc, mà còn là một điều gì đó vừa mang tính gần gũi, thân thuộc, vừa rất thiêng liêng, cao quý không thể thay thế trong đời sống sinh hoạt văn hóa hàng ngày của cộng đồng người Khmer./.

* Tài liệu tham khảo
1. Sơn Ngọc Hoàng, Đào Huy Quyền, Ngô Khị (2005), Nhạc khí dân tộc Khmer Nam bộ, Nxb. Khoa học Xã hội.
2. Đào Huy Quyền, Sơn Ngọc Hoàng, Ngô Khị (2007), Nhạc khí dân tộc Khmer Sóc Trăng, Nxb. Tổng hợp TPHCM.
3. Sơn Ngọc Hoàng (2016), Âm nhạc nghi lễ dân gian trong văn hóa của người Khmer ở Sóc Trăng, Luận án Tiến sĩ ngành Văn hóa học, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam.
4. Tài liệu tham khảo: Lý lịch di sản văn hóa phi vật thể quốc gia: nghệ thuật trình diễn nhạc Ngũ Âm của người Khmer ở Sóc Trăng - Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch - 2019.
5. Tài liệu tham khảo: Đề án bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể quốc gia: Nghệ thuật trình diễn dân gian nhạc Ngũ Âm của người Khmer tỉnh Sóc Trăng - Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch - 2021.

Nguyễn Văn Dũng

 

 

video
  • Phỏng vấn Trưởng tiểu ban Nội dung Ooc-om-boc 2024 (12/11/2024)
  • Phân bảng, phương thức thi đấu giải đua ghe Ngo 2024 (11/11/2024)
1 
Thống kê truy cập
  • Đang online: 190
  • Hôm nay: 710
  • Trong tuần: 6 553
  • Tất cả: 1113586
Cơ quan chủ quản: Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Sóc Trăng
Địa chỉ liên hệ: 50 Lê Duẩn, TP. Sóc Trăng, Tỉnh Sóc Trăng 
Điện thoại: (02993) 821704 Fax: (02993) 825702 Email: sovhttdl@soctrang.gov.vn
Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp trên internet
Số: 03/GP-TTĐT ngày 13/01/2010 do Cục quản lý Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử Bộ Thông tin và Truyền thông cấp
@ Ghi rõ nguồn "Cổng thông tin điện tử Sở VHTTDL tỉnh Sóc Trăng" khi phát hành lại thông tin từ Cổng thông tin này.