Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử: Hội nghị trực tuyến với các Ban Chỉ đạo xây dựng Chính phủ điện tử, chính quyền điện tử bộ, ngành, địa phương
         Chiều ngày 26/8, tại Hà Nội, Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử tổ chức phiên họp thường kỳ theo hình thức trực tuyến với các Ban Chỉ đạo xây dựng Chính phủ điện tử, chính quyền điện tử bộ, ngành, địa phương. Dự Hội nghị tại điểm cầu trung tâm có Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cùng lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương. Tại điểm cầu Sóc Trăng, dự Hội nghị có đồng chí Ngô Hùng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng các thành viên, tổ giúp việc Ban Chỉ đạo chính quyền điện tử tỉnh.

         Theo báo cáo tiến trình phát triển Chính phủ điện tử của Bộ Thông tin và Truyền thông, Việt Nam tăng 2 bậc, xếp hạng 86/193 quốc gia, 24/47 châu Á và 6/11 Đông Nam Á. Chỉ số tổng hợp của Việt Nam là 0,6667, cao hơn chỉ số trung bình thế giới và khu vực, thuộc nhóm quốc gia ở mức cao về xếp hạng Chính phủ điện tử do Liên hợp Quốc đánh giá. Trong các chỉ số thành phần, Việt Nam có cải thiện vượt bậc ở chỉ số hạ tầng viễn thông (tăng 31 bậc), chỉ số nhân lực (tăng 3 bậc) và tụt đáng kể ở chỉ số dịch vụ trực tuyến (giảm 22 bậc). Ngoài ra, Việt Nam được đánh giá cao ở những nỗ lực của ngành Thuế khi thực hiện kê khai thuế điện tử, thanh toán điện tử và hải quan điện tử.

           Đối với xếp hạng Chính phủ điện tử của các bộ, ngành, địa phương do Bộ Thông tin và Truyền thông đánh giá. Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Y tế, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các tỉnh: Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Ninh, Bình Dương và TP. Hồ Chí Minh là những đơn vị dẫn đầu cả nước về mức độ ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) và đứng cuối trong danh sách này có Bộ Xây dựng, Bộ Nội vụ và tỉnh Cao Bằng, Kom Tum; riêng tỉnh Sóc Trăng xếp hạng 53/63 tỉnh, thành phố về mức độ ứng dụng CNTT trong năm 2019.

Các đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Sóc Trăng. Ảnh: H.Lan

           Bên cạnh đó, thực hiện Nghị quyết số 17/NQ-CP của Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019-2020, định hướng đến năm 2025, đến nay, mạng truyền số liệu chuyên dùng của các cơ quan Đảng, Nhà nước đã kết nối đến 100% các bộ, ngành, địa phương, tỉnh, thành phố thuộc Trung ương; 96% quận, huyện, thị xã. 21 bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, 55 tỉnh/thành phố có nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu, đạt tỷ lệ 82,61%, trung bình 1 ngày có hơn 7,6 nghìn giao dịch. Ước tính chi phí, thời gian tiết kiệm được cho người dân, doanh nghiệp khi thực hiện 1 thủ tục hành chính thông qua nền tảng này là 30.500 đồng. Hàng năm chỉ riêng dịch vụ liên thông khai sinh và cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ dưới 6 tuổi thông qua nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu có thể giúp tiết kiệm cho xã hội khoảng 48,8 tỉ đồng. Tỷ lệ trao đổi văn bản dưới dạng điện tử trên toàn quốc đạt 88,53%. Tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 trung bình cả nước đạt khoảng 15,91%. Có 9 bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và 11 tỉnh, thành phố đạt tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 trên 30%, trong đó Bộ Y tế và Bộ Thông tin và Truyền thông có tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 đạt 100%…

           Tại Hội nghị, các bộ, ngành, địa phương chia sẻ kinh nghiệm, cách làm hay để đẩy nhanh chỉ tiêu cung cấp dịch vụ công mức độ 4, thúc đẩy chuyển đổi số; kinh nghiệm thúc đẩy, cải thiện mức độ ứng dụng CNTT, phát triển Chính phủ điện tử; tiến độ xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia…

            Phát biểu kết luận Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao và ghi nhận sự đóng góp của các tập đoàn, công ty, doanh nghiệp công nghệ trong tham gia phát triển Chính phủ điện tử, chính quyền điện tử, nhất là trong công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Thủ tướng Chính phủ biểu dương nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương trong xây dựng Chính phủ điện tử. Qua đó, người đứng đầu Chính phủ đề nghị trong thời gian tới, các bộ có liên quan tham mưu Chính phủ ban hành các nghị định về định danh và xác thực điện tử, nghị định về bảo vệ dữ liệu cá nhân nhằm hoàn thiện thể chế phát triển Chính phủ điện tử. Các bộ, ngành, địa phương đẩy nhanh tiến độ cung cấp dịch vụ công trực tuyến ít nhất là 30% mức độ 4 trong năm 2020, phấn đấu đưa 100% dịch vụ công trực tuyến lên mức độ 4 năm 2020-2021. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu, kết nối nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia, hoàn thiện trong thời gian sớm nhất. Khẩn trương triển khai “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” theo lộ trình đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng và sớm trình phê duyệt chiến lược phát triển Chính phủ số giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 đảm bảo phù hợp với xu thế phát triển của thế giới…

H.Lan



Thông báo
Báo cáo - thống kê
Videos

 

lượt truy cập
  • Tất cả: 80369314

Cơ quan chủ quản: UBND tỉnh Sóc Trăng - Điện thoại: 0299.3822339 - Fax: 0299.3820473 - Email: phonghanhchinh-soctrang@chinhphu.vn
Đơn vị quản lý: Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Sóc Trăng
Giấy phép số 01/GP-STTTT do Sở Thông tin và Truyền thông cấp ngày 22/9/2021.
Điện thoại Ban biên tập: 02993.626252 - Email: banbientap@soctrang.gov.vn
Địa chỉ: 56 Lê Duẩn - Phường 3 - Tp Sóc Trăng.
@ Ghi rõ nguồn "Cổng thông tin điện tử tỉnh Sóc Trăng" khi phát hành lại thông tin từ Cổng thông tin này.