Thủ tướng phê duyệt Đề án phát triển kinh tế ban đêm Ở Việt Nam
     Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án phát triển kinh tế ban đêm Ở Việt Nam tại Quyết định số 1129/QĐ-TTg ngày 27/72020 với mục tiêu nhằm khai thác tiềm năng phát triển kinh tế ban đêm nhằm tận dụng tối đa cơ hội phát triển kinh tế mới, nâng cao thu nhập và đời sống của người dân; đồng thời hạn chế những rủi ro, tác động tiêu cực đối với công tác đảm bảo an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội.

     Theo đó,  cho phép phát triển kinh tế ban đêm phải dựa trên cơ sở tôn trọng và hài hòa cả cung và cầu trên thị trường, không áp đặt tư duy chủ quan của cơ quan quản lý. Đẩy nhanh thí điểm hướng đến nền kinh tế 24h đối với những thành phố/đô thị có nhiều tiềm năng phát triển kinh tế ban đêm; đồng thời nâng cao nhận thức và năng lực của địa phương, doanh nghiệp và người dân về kinh tế ban đêm, trên cơ sở đó thúc đẩy sự tham gia của cộng đồng dân cư và doanh nghiệp.

     Không khuyến khích phát triển hoạt động kinh tế ban đêm sau 10 giờ tối một cách đại trà mà phát triển có trọng tâm, trọng điểm. Trước mắt, cho phép một số thành phố, một số trung tâm du lịch lớn của cả nước có tính biểu tượng, theo không gian và thời gian riêng biệt, chủ động lựa chọn những dịch vụ mới và/hoặc có nhu cầu cao về ban đêm ở những địa bàn đông khách du lịch. Phải đầu tư bài bản trên cơ sở quy hoạch, kế hoạch phát triển cẩn thận, đồng bộ, dài hạn, có lộ trình phát triển và nguồn lực thực thi phù hợp.

     Đề án đưa ra một số giải pháp chủ động phát triển kinh tế ban đêm

     Đối với nhóm giải pháp nâng cao nhận thức về lợi ích và rủi ro phát triển kinh tế ban đêm: Nâng cao nhận thức về phạm vi và vai trò của kinh tế ban đêm, đồng thời giảm dần, tiến tới xóa bỏ định kiến về những tiêu cực của kinh tế ban đêm, định kiến về các loại hình, hoạt động và các điểm vui chơi giải trí về đêm.

     Nâng cao nhận thức của bộ máy quản lý nhà nước hướng tới tư duy mở hơn, nhìn nhận và đánh giá đủ đa chiều về vai trò, cơ hội và rủi ro của kinh tế ban đêm. Phát triển kinh tế ban đêm nhất thiết phải vượt qua được rào cản tư duy “không quản được thì cấm” trong các cơ quan quản lý nhà nước. Nhìn nhận đầy đủ, song không e ngại quá mức vào rủi ro bất ổn an ninh trật tự để bỏ qua các cơ hội để phát triển kinh tế ban đêm. cần nhìn nhận kinh tế ban đêm nếu được quản lý tốt sẽ có những đóng góp quan trọng vào táng trưởng kinh tế, khai thác tiềm năng các hoạt động du lịch, dịch vụ, mua sắm, quảng bá văn hóa và nền ẩm thực Việt Nam ra thế giới.

     Nâng cao nhận thức về vai trò của chính quyền địa phương trong việc chủ động nghiên cứu, xây dựng chính sách phát triển các loại hình, hoạt động kinh tế ban đêm phù hợp trên địa bàn. Chính phủ chỉ giữ vai trò định hướng, tạo môi trường chính sách, pháp lý phù hợp, thuận lợi và xem xét, tháo gõ khó khăn cho địa phương.

     Tăng cường truyền thông đa phương tiện qua báo, đài, truyền hình, qua các tổ chức xã hội, tổ chức tại cơ sở, phường xã, các tổ dân phố, các hiệp hội về những lợi ích, cơ hội, chủ trương phát triển kinh tế ban đêm, các chính sách hỗ trợ các chủ thể tham gia hoạt động kinh tế ban đêm. Chú trọng truyền thông về tác hại của ma túy và các chất gây nghiện đối với sức khỏe và tương lai của mỗi người, đặc biệt chú trọng truyền thông tới các cơ sở kinh doanh đêm ý thức tuân thủ đạo đức kinh doanh.

     Về nhóm giải pháp tiếp tục hoàn thiện chính sách, khung pháp lý nhằm tạo điều kiện thuận lợi phát triển kinh tế ban đêm và kiểm soát rủi ro, chủ động rà soát chính sách và khung pháp lý liên quan đến phát triển kinh tế ban đêm, trong đó tập trung vào các quy định về: khu vực hoạt động; sản phẩm ưu tiên phát triển ban đêm; thời gian hoạt động; giấy phép hoạt động; tiêu chuẩn hoạt động của doanh nghiệp, hộ kinh doanh cá thể tham gia kinh tế ban đêm.

     Phân định rõ trách nhiệm và thẩm quyền giữa các cơ quan quản lý nhà nước trong quản lý hoạt động kinh tế ban đêm, trên cơ sở tăng cường phân cấp, phân quyền cho địa phương trong việc quản lý và phát triển kinh tế ban đêm; Nghiên cứu, đánh giá tương tác giữa chính sách phát triển kinh tế ban đêm và các mô hình, hoạt động kinh tế mới/hiện đại khác (như kinh tế chia sẻ, thương mại điện tử,...) để có những giải pháp đủ toàn diện, đồng bộ; Nghiên cứu, đề xuất mô hình thí điểm thành lập lực lượng cảnh sát du lịch tại các địa phương có tiềm năng phát triển kinh tế ban đêm để xử lý các vấn đề liên quan đến an ninh, an toàn của du khách; Nghiên cứu, xây dựng cơ chế thu thập thông tin đi lại của người dân và du khách nhằm đáp ứng yêu cầu kiểm soát rủi ro, trên cơ sở nhất quán với các quy định hiện hành về bảo vệ dữ liệu và quyền riêng tư.

     Đối với nhóm giải pháp sử dụng quy hoạch để quản lý các hoạt động kinh tế ban đêm:

     Chủ động lồng ghép nội dung phát triển kinh tế ban đêm vào trong nội dung quy hoạch tỉnh, trong đó, cần dự kiến các khu vực, địa bàn, tuyến được tập trung phát triển kinh tế ban đêm, các khu vực trung tâm và vệ tinh, các loại hình dịch vụ kinh tế ban đêm chủ yếu để có cơ sở triển khai trong tương lai (khi hội tụ các điều kiện cho phép).

     Quy hoạch các khu vực phát triển kinh tế ban đêm cần gắn với phát triển cơ sở hạ tầng (điện, nước, giao thông,...), đảm bảo điều kiện vệ sinh môi trường, hạn chế tác động của ô nhiễm tiếng ồn, rác thải sinh hoạt,...; Có phương án di dời dân cư ra khỏi khu vực tập trung phát triển kinh tế ban đêm, có quy hoạch cụ thể khu vực sinh sống của người dân sau khi di dời, tránh ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt của người dân vào ban đêm.

     Chủ động lồng ghép nội dung phát triển kinh tế ban đêm vào nội dung quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng và quy hoạch ngành. Nội dung phát triển kinh tế ban đêm cần gắn chặt với quy hoạch phát triển du lịch và các hoạt động dịch vụ, ăn uống, mua sắm. Phát triển mạng lưới các cơ sở dịch vụ gắn với các khu, điểm du lịch.

     Nhóm giải pháp thí điểm kéo dài thời gian tổ chức hoạt động dịch vụ ban đêm tại một số thành phố và một số khu du lịch lớn trên cả nước, cho phép thí điểm kéo dài thời gian tổ chức các hoạt động dịch vụ ban đêm đến 06 giờ sáng hôm sau tại một số điểm, khu du lịch hấp dẫn và có điều kiện thuận lợi để quản lý rủi ro hoạt động dịch vụ ban đêm ở một số thành phố/trung tâm lớn nơi có đông lượng khách du lịch như: Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng, thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hội An, Thừa Thiên Huế, Cần Thơ, Đà Lạt, Phú Quốc. Trên cơ sở đó, đánh giá hiệu quả hoạt động và công tác quản lý hoạt động kinh tế ban đêm ở những nơi đã lựa chọn để xây dựng, hoàn thiện mô hình hoạt động kinh tế ban đêm và sau đó sẽ nhân rộng ra các địa phương khác.

     Bên cạnh đó, nghiên cứu, đề xuất ưu tiên đầu tư xây dựng một số khu vực tổ hợp giải trí ban đêm riêng biệt ở thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng giai đoạn 2021 - 2025…

     Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký 27/7/2020

T.Linh



Thông báo
Báo cáo - thống kê
Videos

 

lượt truy cập
  • Tất cả: 80394119

Cơ quan chủ quản: UBND tỉnh Sóc Trăng - Điện thoại: 0299.3822339 - Fax: 0299.3820473 - Email: phonghanhchinh-soctrang@chinhphu.vn
Đơn vị quản lý: Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Sóc Trăng
Giấy phép số 01/GP-STTTT do Sở Thông tin và Truyền thông cấp ngày 22/9/2021.
Điện thoại Ban biên tập: 02993.626252 - Email: banbientap@soctrang.gov.vn
Địa chỉ: 56 Lê Duẩn - Phường 3 - Tp Sóc Trăng.
@ Ghi rõ nguồn "Cổng thông tin điện tử tỉnh Sóc Trăng" khi phát hành lại thông tin từ Cổng thông tin này.