Kế hoạch cải thiện Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng giai đoạn 2020 – 2022
     Ngày 26/8/2020, UBND tỉnh Sóc Trăng đã ban hành Kế hoạch số 101 /KH-UBND cải thiện Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng giai đoạn 2020 – 2022.  

     Kế hoạch nêu rõ thực trạng: Thời gian qua, tỉnh đã có nhiều nỗ lực trong cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh. Các giải pháp cải thiện Chỉ số PCI của tỉnh đã đạt được những thành quả bước đầu khi điểm số PCI đã tăng liên tiếp từ năm 2015, điều này phản ánh kết quả những nỗ lực kiên trì trong chỉ đạo, điều hành thực hiện các giải pháp về cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh.

     Tuy nhiên, theo kết quả xếp hạng PCI năm 2019 của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Sóc Trăng đạt 63,7 điểm; tăng 1,88 điểm nhưng lại giảm 8 bậc so với xếp hạng PCI năm 2018; trong đó có 5 chỉ số tăng điểm, 5 chỉ số giảm điểm. Kết quả xếp hạng cũng cho thấy Tỉnh tuy có cải thiện nhưng chậm hơn các tỉnh, thành phố khác; đặc biệt vẫn còn những hạn chế nhất định, dẫn đến một số chỉ số thành phần giảm điểm so với năm 2019 hoặc vẫn còn điếm số ở mức thấp.

     Từ từ thực trạng trên, Kế hoạch đã đề ra các nhiệm vụ, giải pháp cần thực hiện để cải thiện tích cực vị trí xếp hạng PCI của Tỉnh trong năm 2020 và những năm tiếp theo. Theo đó, chú trọng thực hiện các nội dung sau:

     Thứ nhất, về việc tích cực xây dựng, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh theo tinh thần Nghị quyết số 02/NQ-CP của Chính phủ. Theo đó, chủ động, tăng cường tính minh bạch, công khai, bình đẳng về thông tin, thủ tục hành chính, các chủ trương, chính sách, thủ tục đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp, dịch vụ sự nghiệp công, đặc biệt áp dụng thực hiện công nghệ thông tin qua cổng thông tin điện tử, website các sở, ban, ngành tỉnh, rút ngắn thời gian hoàn thành các thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp .

     Cùng với đó, hỗ trợ về thông tin, môi trường pháp lý kinh doanh, tư vấn doanh nghiệp. Tổ chức các diễn đàn, tọa đàm để tạo cơ hội giao lưu cho doanh nghiệp để giúp doanh nghiệp nâng cao kiến thức pháp luật, kỹ năng áp dụng pháp luật, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc.

     Đầu tư đúng mức, tập trung vào trường, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, khuyến khích đầu tư tư nhân trong lĩnh vực đào tạo nghề nghiệp gắn với chuyển dịch cơ cấu kinh tế của địa phương, phục vụ cho nhu cầu của doanh nghiệp; Nâng cao vai trò đại diện và hỗ trợ doanh nghiệp của Hiệp hội Doanh nghiệp. Hiệp hội cần chủ động hơn trong công tác phối hợp với các đơn vị, đồng thời đổi mới phương thức hoạt động.

     Bên cạnh đó, đồng hành cùng doanh nghiệp, linh hoạt, sáng tạo trong quá trình giải quyết các khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp; Triển khai thực hiện bộ chỉ số DDCI (đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành và UBND cấp huyện), kịp thời chỉ đạo chấn chỉnh, khắc phục những tồn tại, yếu kém của các sở, ngành và địa phương trong việc phục vụ Nhân dân.

     Thứ hai, về việc thực hiện các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, hỗ trợ đầu tư của Trung ương, tỉnh đã ban hành. Cụ thể, thực hiện kịp thời, hiệu quả các chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa theo quy định tại Nghị định số 39/2018/NĐ-CP ngày 11/3/2018 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; Thông tư số 32/2018/TT-BLDTBXH ngày 26/12/2018 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn việc hỗ trợ đào tạo nghề nghiệp đối với lao động đang làm việc trong doanh nghiệp nhỏ và vừa; Thông tư số 49/2019/TT-BTC ngày 08/8/2019 của Bộ Tài chính hướng dẫn quản lý và sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực cho doanh nghiệp nhỏ và vừa và các chính sách của tỉnh như: Nghị quyết 03/2018/NQ-HĐND ngày 10/7/2018 của Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành Quy định chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng và Nghị quyết 07/2018/NQ-HĐND ngày 10/7/2018 của Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành Quy định chính sách hỗ trợ đầu tư trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng trong đó tập trung vào các chính sách hỗ trợ tập huấn, đào tạo, áp dụng công nghệ trong doanh nghiệp, xúc tiến thương mại, du lịch, cải tiến công tác truyền thông, thực hiện hiệu quả chương trình ươm tạo khởi nghiệp và chương trình tài trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa sáng tạo, khuyến khích phát triển doanh nghiệp cung cấp các dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp; thực hiện tốt Nghị quyêt sô 05/2019/NQ-HĐND ngày 10/7/2019 của Hội đồng nhân dân tỉnh về cơ chế, chính sách thúc đẩy tập trung đất đai, tạo quỹ đất để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng.

     Thứ ba, nâng cao chất lượng đội ngũ thực thi công vụ.  Trong đó, chuẩn hóa đội ngũ cán bộ công chức về trình độ, nhận thức và kỹ năng để đáp ứng nhu cầu công việc trong hướng dẫn, xử lý hồ sơ cho người dân. Xử lý nghiêm đối với cán bộ, công chức có hành vi giải quyết thủ tục hành chính không đúng quy định, có hành vi kéo dài thời gian giải quyết hồ sơ, gây phiền hà, nhũng nhiễu, có thái độ cửa quyền, hách dịch đối với nhân dân và doanh nghiệp.

     UBND tỉnh giao các sở, ban ngành và địa phương có trách nhiệm thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cải thiện Chỉ số PCI tỉnh Sóc Trăng giai đoạn 2020 – 2022.

T.Pha



Thông báo
Báo cáo - thống kê
Videos

 

lượt truy cập
  • Tất cả: 80364802

Cơ quan chủ quản: UBND tỉnh Sóc Trăng - Điện thoại: 0299.3822339 - Fax: 0299.3820473 - Email: phonghanhchinh-soctrang@chinhphu.vn
Đơn vị quản lý: Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Sóc Trăng
Giấy phép số 01/GP-STTTT do Sở Thông tin và Truyền thông cấp ngày 22/9/2021.
Điện thoại Ban biên tập: 02993.626252 - Email: banbientap@soctrang.gov.vn
Địa chỉ: 56 Lê Duẩn - Phường 3 - Tp Sóc Trăng.
@ Ghi rõ nguồn "Cổng thông tin điện tử tỉnh Sóc Trăng" khi phát hành lại thông tin từ Cổng thông tin này.