Phê duyệt Chương trình hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã giai đoạn 2021-2025
     Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã giai đoạn 2021-2025 tại Quyết định số 1804/QĐ-TTg ngày 13/11/2020.

     Mục tiêu tổng quát nhằm hỗ trợ, phát triển khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã cả chiều rộng và chiều sâu, trong đó đặc biệt chú trọng đến nâng cao chất lượng hoạt động, hỗ trợ thành viên thông qua việc nâng cao nhận thức của toàn dân về kinh tế tập thể, hợp tác xã; đồng thời, tăng cường năng lực của các tổ chức kinh tế tập thể, hợp tác xã nhằm phát huy hơn nữa vai trò liên kết, hợp tác, hỗ trợ thành viên và cộng đồng khu vực; tăng cường năng lực cạnh tranh của kinh tế hộ gia đình, đặc biệt là kinh tế hộ nông dân trong điều kiện cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.

     Mục tiêu cụ thể đến năm 2025: Thành lập mới 10.000 tổ chức kinh tế tập thể (bao gồm: Hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, tổ hợp tác); thu hút khoảng 8 triệu thành viên tham gia vào các tổ chức kinh tế tập thể; 100% số hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã tổ chức, hoạt động theo quy định của Luật Hợp tác xã; 60% tổng số hợp tác xã hoạt động từ loại khá trở lên; 20% cán bộ quản lý hợp tác xã tốt nghiệp đại học, cao đẳng trở lên trong tất cả các ngành, lĩnh vực; Xây dựng 3.000 mô hình tổ chức kinh tế tập thể ứng dụng công nghệ cao, có sản phẩm gắn với chuỗi giá trị, phát triển bền vững; 50% tổng số tổ chức kinh tế tập thể, hợp tác xã có liên kết với doanh nghiệp, tổ chức kinh tế tập thể khác.

     Nội dung chương trình gồm:

     Thứ nhất, thành lập mới, củng cố tổ chức kinh tế tập thể, hợp tác xã với các nội dung hỗ trợ như: Cung cấp thông tin, tư vấn, tập huấn, phổ biến quy định pháp luật về kinh tế tập thể, hợp tác xã; hỗ trợ, tư vấn xây dựng hoặc sửa đổi điều lệ; hướng dẫn và thực hiện các thủ tục sắp xếp, củng cố lại tổ chức, hoạt động của tổ chức kinh tế tập thể, hợp tác xã cho phù hợp với các quy định hiện hành.

     Nguồn kinh phí và mức hỗ trợ: Ngân sách địa phương đảm bảo 100%.

     Thứ hai, nâng cao năng lực, nhận thức cho khu vực kinh tế tập thể. Cụ thể:

     Đào tạo: Đối với thành viên, người lao động của tổ chức kinh tế tập thể: Học phí theo mức quy định của cơ sở đào tạo; kinh phí mua giáo trình của khóa học; chi phí ăn, ở.

     Đối với công chức, viên chức của các cơ quan quản lý nhà nước về kinh tế tập thể, Liên minh hợp tác xã, các hiệp hội, đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội, giảng viên: Cấp học bổng đào tạo, nghiên cứu dài hạn trong nước và nước ngoài về hợp tác xã và các chuyên ngành hỗ trợ trực tiếp cho công tác quản lý nhà nước về kinh tế tập thể. Học bổng bao gồm: toàn bộ kinh phí đi lại, tài liệu, giáo trình, học phí, bảo hiểm, chi phí ăn ở và sinh hoạt theo quy định.

     Xây dựng hệ thống đào tạo trực tuyến về kinh tế tệp thể, bao gồm: Xây dựng khung, nội dung chương trình đào tạo trực tuyến; triển khai thực hiện đào tạo trực tuyến về kinh tế tập thể; xây dựng, vận hành và duy trì trang thông tin điện tử về đào tạo trực tuyến.

     Bồi dưỡng: Đối với thành viên, người lao động của tổ chức kinh tế tập thể: Chi phí đi lại từ trụ sở đến cơ sở bồi dưỡng (trừ vé máy bay); kinh phí mua tài liệu của chương trình khóa học; các khoản chi phí tổ chức, quản lý lớp học; thuê hội trường; thù lao giảng viên; tham quan, khảo sát; chi phí ăn, ở theo định mức được áp dụng tương tự như đối với công chức nhà nước.

     Đối với công chức, viên chức của các cơ quan quản lý nhà nước về kinh tế tập thể, Liên minh Hợp tác xã, các hiệp hội, đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội, giảng viên: Cấp học bổng bồi dưỡng ngắn hạn ở nước ngoài (bao gồm: toàn bộ kinh phí đi lại, tài liệu, giáo trình, học phí, bảo hiểm, chi phí ăn ở và sinh hoạt theo quy định của chế độ tài chính hiện hành) và tổ chức các khóa bồi dưỡng, tập huấn ngắn hạn trong nước.

     Hỗ trợ đưa lao động trẻ về làm việc tại tổ chức kinh tế tập thể: Hỗ trợ lương cho người lao động tốt nghiệp cao đẳng, đại học, sau đại học về làm việc tại các tổ chức kinh tế tập thể.

     Thứ ba, xây dựng hệ thống thông tin dữ liệu, tuyên truyền, hỗ trợ về kinh tế tập thể. Theo đó:
Xây dựng và vận hành Trung tâm Hỗ trợ phát triển Hợp tác xã thuộc Cục Phát triển Hợp tác xã, Bộ Kế hoạch và Đầu tư theo quy định tại Nghị quyết số 134/NQ-CP ngày 25 tháng 9 năm 2020 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Kết luận số 70-KL/TW ngày 09 tháng 3 năm 2020 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương khóa IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể.

     Xây dựng, vận hành và duy trì trang tin điện tử (Website) về kinh tế tập thể, trong đó có: Thông tin về thị trường, khoa học công nghệ; trao đổi - tư vấn pháp luật, chính sách; quan hệ thông tin với các nước, các tổ chức quốc tế liên quan; kết nối với các trang tin về đăng ký hợp tác xã, đào tạo trực tuyến, sàn giao dịch điện tử.

     Xây dựng và quản lý cơ sở dữ liệu về kinh tế tập thể kết nối với hệ thống đăng ký kinh doanh, báo cáo tài chính về báo cáo kiểm toán (nếu có).

     Thứ tư, xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường. Nội dung hỗ trợ gồm: Kinh phí tham gia các hội chợ, triển lãm, diễn đàn trong và ngoài nước; chứng nhận chất lượng, xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, xuất xứ hàng hóa, truy xuất nguồn gốc;  Xây dựng một số trung tâm xúc tiến thương mại (bán và giới thiệu sản phẩm); hỗ trợ chi phí thuê địa điểm và vận hành một số điểm giới thiệu, bán sản phẩm cho các tổ chức kinh tế tập thể tại các địa phương; Xây dựng và triển khai sàn giao dịch thương mại điện tử cho các tổ chức kinh tế tập thể.

     Thứ năm, hỗ trợ đầu tư kết cấu hạ tầng và chế biến sản phẩm. Nội dung hỗ trợ:

     Xây dựng nhà kho, xưởng phân loại và đóng gói sản phẩm, xưởng sơ chế - chế biến và mua sắm trang thiết bị phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh nhằm mang lại lợi ích cho cộng đồng thành viên.

     Xây dựng công trình thủy lợi, giao thông nội đồng trong lĩnh vực trồng trọt, lâm nghiệp, diêm nghiệp (bao gồm: Cống, trạm bơm, giếng, đường ống dẫn nước, đập dâng, kênh, bể chứa nước, công trình trên kênh và bờ bao các loại, hệ thống cấp nước đầu mối phục vụ tưới tiết kiệm; đường trục chính giao thông nội đồng, đường ranh cản lửa, đường lâm nghiệp).

     Xây dựng công trình kết cấu hạ tầng vùng nuôi trồng thủy, hải sản bao gồm: Hệ thống cấp thoát nước đầu mối (ao, bể chứa, cống, kênh, đường ống cấp, tiêu nước, trạm bơm), đê bao, kè, đường giao thông, công trình xử lý nước thải chung đối với vùng nuôi trồng thủy sản; hệ thống phao tiêu, đèn báo ranh giới khu vực nuôi, hệ thống neo lồng bè; nâng cấp và phát triển lồng bè nuôi trồng hải sản tập trung của hợp tác xã nông nghiệp trên biển.

     Thứ sáu, các hỗ trợ khác đối với khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã thực hiện theo quy định hiện hành.

     Kinh phí thực hiện Chương trình từ: Ngân sách trung ương, ngân sách địa phương bố trí vốn đầu tư phát triển trong kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn và kinh phí sự nghiệp giai đoạn 2021 - 2025 để thực hiện Chương trình; Kinh phí lồng ghép trong các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 – 2025; Kinh phí vận động, huy động từ các nhà tài trợ nước ngoài, các tổ chức quốc tế và kinh phí hợp pháp khác; Kinh phí huy động, đóng góp từ các tổ chức kinh tế tập thể.

Đ.N



Thông báo
Báo cáo - thống kê
Videos

 

lượt truy cập
  • Tất cả: 80284151

Cơ quan chủ quản: UBND tỉnh Sóc Trăng - Điện thoại: 0299.3822339 - Fax: 0299.3820473 - Email: phonghanhchinh-soctrang@chinhphu.vn
Đơn vị quản lý: Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Sóc Trăng
Giấy phép số 01/GP-STTTT do Sở Thông tin và Truyền thông cấp ngày 22/9/2021.
Điện thoại Ban biên tập: 02993.626252 - Email: banbientap@soctrang.gov.vn
Địa chỉ: 56 Lê Duẩn - Phường 3 - Tp Sóc Trăng.
@ Ghi rõ nguồn "Cổng thông tin điện tử tỉnh Sóc Trăng" khi phát hành lại thông tin từ Cổng thông tin này.