Sóc Trăng củng cố và nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP và sản phẩm tiềm năng OCOP
              Kết thúc giai đoạn 2019 - 2020, toàn tỉnh Sóc Trăng có 99 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP, bao gồm 75 sản phẩm 3 sao và 24 sản phẩm 4 sao. Sóc Trăng hiện cũng là tỉnh có số lượng sản phẩm OCOP nhiều nhất trong khu vực. Để có bước chuẩn bị chu đáo cho giai đoạn tiếp theo, Hội đồng đánh giá, xếp hạng OCOP cấp tỉnh phối hợp cùng các huyện, thị, thành phố đã và đang triển khai rất nhiều giải pháp góp phần củng cố và nâng cao chất lượng các sản phẩm OCOP và sản phẩm tiềm năng OCOP nhằm đưa Chương trình OCOP thật sự phát triển xứng tầm với tiềm năng, thế mạnh sản phẩm nông nghiệp, nông thôn tại từng địa phương, gia tăng thu nhập cho người nông dân.

             Hiện nay, các sản phẩm OCOP của tỉnh được đánh giá xếp hạng đã có bước tiến về chất lượng, đa dạng về mẫu mã, bao bì, đảm bảo điều kiện, quy định về tem, nhãn mác, truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Đồng thời, các sản phẩm này được các đơn vị phân phối, bán lẻ, sàn giao dịch thương mại điện tử  ký kết hợp đồng tiêu thụ với số lượng lớn, nhờ vậy doanh thu sản xuất của các chủ thể tăng từ 20-30%. Với quyết tâm cao của lãnh đạo địa phương cùng sự hưởng ứng tích cực từ các công ty, doanh nghiệp, hộ kinh doanh, Chương trình OCOP Sóc Trăng đã từng bước khẳng định thương hiệu riêng của địa phương, tăng cường sức cạnh tranh cho các mặt hàng đặc sản của tỉnh trên thị trường; góp phần giải quyết việc làm cho lao động ở vùng nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân. Đây là yếu tố quan trọng để thực hiện thành công Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Đạt được những thành tựu quan trọng nói trên là nhờ việc ban hành các chính sách đúng đắn, hiệu quả của Đảng và Nhà nước; sự quyết tâm, nỗ lực của Chính phủ, các thiết chế thuộc khu vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn; việc áp dụng các loại hình tổ chức sản xuất trong nông nghiệp như: Doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại, mô hình kinh tế hộ; trong đó, các doanh nghiệp có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa quy mô lớn, ứng dụng khoa học công nghệ, nâng cao hiệu quả, năng lực cạnh tranh và phát triển thương hiệu nông sản địa phương.

               Với quan điểm Nhà nước đóng vai trò kiến tạo, ban hành khung pháp lý và chính sách để hỗ trợ chủ thể phát triển sản phẩm OCOP, do vậy các chủ thể đóng vai trò chủ động trong phát triển sản phẩm, tự cải tiến, thiết kế lại bao bì nhãn mác cho phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng. Đối với cơ sở sản xuất mứt me và mắm tép không vỏ Mai Anh ở xã Mỹ Thuận, huyện Mỹ Tú; mặc dù đã cơ bản khẳng định được thương hiệu sản phẩm tại các điểm dừng chân và một số cửa hàng bán lẻ cả trong và ngoài tỉnh, nhưng với mong muốn thăng hạn sản phẩm lên OCOP 4 sao, phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng phòng Kinh tế Hạ tầng huyện đã hỗ trợ cơ sở một số trang thiết bị phục vụ nhu cầu sản xuất như: Máy sấy nhiệt, máy đóng màn nhôm. Nhờ vậy, từng sản phẩm OCOP được phát triển từ thấp đến cao và từng bước hoàn thiện về bao bì, mẫu mã, đảm bảo đáp ứng tốt các điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm; giúp người tiêu dùng có cơ hội tiếp cận tốt hơn về một sản phẩm OCOP thật sự chất lượng và đảm bảo truy xuất được nguồn gốc. Chị Lê Thùy Trang - Chủ cơ sở Mai Anh chia sẻ: “Từ khi được huyện hỗ trợ các trang thiết bị thì sản phẩm làm ra cũng đạt chất lượng hơn, mẫu mã đẹp hơn so với lúc mình làm thủ công. Hướng tới mình cũng sẽ đầu tư thêm trang thiết bị phục vụ sản xuất, từng bước nâng tầm lên sản phẩm OCOP 4 sao”.

              Riêng hộ kinh doanh Trần Thị Sành ở thị trấn Phú Lộc, huyện Thạnh Trị cũng đã không ngừng cải thiện chất lượng sản phẩm khô trâu - 1 trong những sản phẩm tiêu biểu đạt OCOP 3 sao cấp tỉnh. Theo đó, nguồn nguyên liệu thịt trâu được dùng để chế biến đảm bảo là nguồn thịt sạch, có nguồn gốc rõ ràng; mọi công đoạn hình thành sản phẩm đều đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Ngoài mặt hàng khô trâu quen thuộc, qua công đoạn sấy bằng trang thiết bị hiện đại, cơ sở còn cho ra thị trường sản phẩm khô trâu dạng sấy chín ăn liền với nhiều trọng lượng khác nhau. Mới đây được sự hỗ trợ của Chi cục Quản lí chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản; cửa hàng kinh doanh thực phẩm an toàn Sáu Sành cũng vừa được khai trương. Ngoài sản phẩm chính là mặt hàng khô trâu do cơ sở tự sản xuất theo quy trình an toàn thực phẩm; cửa hang còn trưng bày trên 20 loại sản phẩm nông lâm thủy sản đạt chứng nhận OCOP 3 soa và 4 sao cấp tỉnh. Tất cả các sản phẩm được bày bán đều đảm bảo yêu cầu về chất lượng, xuất xứ rõ ràng. Bà Sành cho biết thêm: “Khi mà sản phẩm đạt OCOP rồi thì mình suy nghĩ phải làm sao để nâng cao chất lượng lên thì mới đủ sức cạnh tranh với những mặt hàng có cùng chủng loại trên thị trường. Sản phẩm sấy chín ăn liền nó tiện ở chỗ là được sấy bằng máy móc nên đảm bảo vệ sinh, mình cũng có làm nhiều trọng lượng khác nhau phù hợp với túi tiền người khách hàng như là loại khô trâu sấy chín ăn liền 100 gram, 200 gram và 500 gram”.

Nhiều chủ cơ sở không ngừng cải tiến bao bì, nhãn mác để nâng cao chất lượng sản phẩm

              Là 1 trong những sản phẩm tiềm năng được phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mỹ Tú giới thiệu tham gia chương trình OCOP trong năm nay, để đáp ứng tất cả các điều kiện theo tiêu chuẩn đặt ra, cơ sở sản xuất mứt mận của hộ kinh doanh Huỳnh Thị Ngọc Hạnh ở ấp Tam Sóc 2, xã Mỹ Thuận, huyện Mỹ Tú đã rất chú trọng trong việc kiểm soát nguồn nguyên liệu đầu vào, quan tâm thăm dò ý kiến khách hàng để khắc phục những hạn chế về màu sắc, mùi vị của mứt. Nếu như thời gian trước, việc sản xuất mứt còn phụ thuộc nhiều vào yếu tố thời tiết khi được phơi hoàn toàn tự nhiên thì từ giữa năm 2019, nhờ được hỗ trợ  đầu tư nhà kín từ phòng Kinh tế Hạ tầng mà năng suất làm ra sản phẩm làm ra tăng từ 20-30%, đáp ứng kịp thời nhu cầu tiêu dùng trong tỉnh cũng như các đơn đặt hàng với số lượng lớn từ tỉnh bạn. Hiện nay cơ sở cũng đang hoàn tất hồ sơ để Hội đồng đánh giá xếp hạng sản phẩm OCOP cấp huyện xét duyệt, trình Hội đồng cấp tỉnh đề nghị đánh giá, phân hạng, công nhận sản phẩm OCOP. Bà Huỳnh Thị Ngọc Hạnh - chủ cơ sở sản xuất mứt mận tâm sự: “Mình làm sản phẩm cũng có thăm dò ý kiến của người tiêu dùng. Theo khảo sát chung thì nhiều người đánh giá sản phẩm hơi ngọt nên mình thay việc sử dụng đường cát bằng đường phen để độ ngọt của mứt được dịu lại. Mình có đi tham quan nhiều nơi, cũng có biết đến lợi ích của việc tham gia chương trình OCOP nên cố gắng hoàn thiện về chất lượng để sản phẩm đủ tiêu chuẩn đạt chứng nhận OCOP”.

               Mặc dù chương trình OCOP mang lại những tín hiệu tích cực giúp phát triển kinh tế khu vực nông thôn; nhưng hiện nay, một số địa phương vẫn chưa xác định được dòng sản phẩm chủ lực, có lợi thế cạnh tranh trên thị trường: Công tác xúc tiến thương mại còn hạn chế; mô hình sản xuất kinh tế hộ vẫn chiếm tỷ lệ cao; chế biến sản phẩm còn ở dạng thô, thiếu sự liên kết, còn một bộ phận người dân chưa phát triển sản phẩm truyền thống theo hướng hàng hóa; việc chuẩn hóa sản phẩm để đáp ứng yêu cầu của người tiêu dùng, thị trường chưa được coi trọng... Để đạt được mục tiêu phát triển các sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh, Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng sẽ tiếp tục tăng cường tuyên truyền mục đích, ý nghĩa của OCOP đến chủ thể và cộng đồng, từ đó kích thích tiêu thụ, thúc đẩy sản xuất, tạo điều kiện và động lực cho người sản xuất mạnh dạn đầu tư, phát triển các sản phẩm lợi thế của mỗi địa phương; tăng cường hỗ trợ các chủ thể trong cải tiến quy trình sản xuất nâng cao chất lượng sản phẩm, cải tiến mẫu mã, bao bì nhãn mác cho sản phẩm tạo sức hấp dẫn riêng cho từng sản phẩm đặc trưng gắn với lợi thế của từng địa phương; nghiên cứu, đề xuất các giải pháp mới, nhất là các giải pháp tăng cường năng lực tiếp cận của nông nghiệp với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, nhận diện rõ “Nông nghiệp 4.0”, “Nông nghiệp bền vững, công nghệ cao”, “Nông nghiệp hữu cơ” và bước đi, giải pháp khoa học thực hiện trong bối cảnh mới. Thực hiện xúc tiến thương mại đối với các sản phẩm đã được tiêu chuẩn hóa đạt từ 3 sao trở lên; tạo điều kiện hỗ trợ để doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế tập thể, hộ sản xuất có sản phẩm OCOP tham gia các hội chợ trong và ngoài tỉnh; xây dựng các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP, liên kết với các tua tuyến du lịch, lễ hội trên địa bàn tỉnh. Ông Trần Hoàng Dũng - Phó Chi cục trưởng, Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng thông tin thêm: “Đặc biệt là chúng tôi sẽ quan tâm, nâng chất các sản phẩm đã đạt chứng nhận trong giai đoạn 2019 – 2020, giúp chp các chủ cơ sở nhận thức rõ tầm quan trọng của chất lượng sản phẩm đối với việc phát triển sản phẩm ra ngoài thị trường bằng các chương trình hỗ trợ về nhãn mác, hàng hóa, các thiết bị phục vụ quá trình sản xuất. Còn đối với các sản phẩm tiềm năng tham gia OCOP trong giai đoạn tiếp theo thì chúng tôi cũng đặt ra một số giải pháp trọng tâm như: Tăng cường công tác tuyên truyền cho các chủ cơ sở, nhà sản xuất nhận biết rõ điều kiện tham gia OCOP, những lợi thế của sản phẩm khi đạt chứng nhận OCO. Bên cạnh đó, chúng tôi sẽ tổ chức tập huấn cho chủ cơ sở những cái kiến thức, kĩ năng liên quan đến việc xây dựng thương hiệu, xây dựng câu chuyện sản phẩm và cải tiế chất lượng để đáp ứng yêu cầu, mục tiêu mà chương trình OCOP đã đề ra”. 

Ngọc Thơ



Thông báo
Báo cáo - thống kê
Videos

 

lượt truy cập
  • Tất cả: 81205784

Cơ quan chủ quản: UBND tỉnh Sóc Trăng - Điện thoại: 0299.3822339 - Fax: 0299.3820473 - Email: phonghanhchinh-soctrang@chinhphu.vn
Đơn vị quản lý: Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Sóc Trăng
Giấy phép số 01/GP-STTTT do Sở Thông tin và Truyền thông cấp ngày 22/9/2021.
Điện thoại Ban biên tập: 02993.626252 - Email: banbientap@soctrang.gov.vn
Địa chỉ: 56 Lê Duẩn - Phường 3 - Tp Sóc Trăng.
@ Ghi rõ nguồn "Cổng thông tin điện tử tỉnh Sóc Trăng" khi phát hành lại thông tin từ Cổng thông tin này.