Sóc Trăng: Kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2021 – 2030
Ngày 24/02/2021, UBND tỉnh Sóc Trăng đã ban hành Kế hoạch số 28/KH-UBND thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2021 – 2030.
Mục tiêu tổng quát nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế gắn với giải quyết tốt các vấn đề xã hội; giảm nghèo nhanh, bền vững, thu hẹp dần khoảng cách về mức sống, thu nhập của vùng đồng bào dân tộc thiểu số so với bình quân chung của cả nước; giảm dần số xã, ấp đặc biệt khó khăn; quy hoạch, sắp xếp ổn định dân cư, xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, liên vùng, kết nối với các vùng phát triển; phát triển toàn diện giáo dục, đào tạo, y tế, văn hóa; cải thiện rõ rệt đời sống Nhân dân; nâng cao số lượng, chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động là người dân tộc thiểu số; giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của các dân tộc thiểu số đi đôi với xóa bỏ phong tục, tập quán lạc hậu; thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em; xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh, giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội; củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc, nâng cao niềm tin của đồng bào các dân tộc đối với Đảng và Nhà nước.
 
Mục tiêu cụ thể:
 
Mục tiêu cụ thể đến năm 2025, tập trung thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2021 - 2025 cùng với các chương trình, dự án và nguồn lực khác, nỗ lực phấn đấu đạt được các mục tiêu sau: Phấn đấu mức thu nhập bình quân của người dân tộc thiểu số tăng trên 02 lần so với năm 2020; Tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số mỗi năm giảm từ 3 - 4%; 100% xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số có đường ô tô đến trung tâm xã được trải nhựa hoặc bê tông hóa; 70% ấp vùng đồng bào dân tộc thiểu số có đường ô tô đến trung tâm được cứng hóa; 100% trường dân tộc nội trú và trạm y tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số được xây dựng kiên cố; 99% số hộ vùng đồng bào dân tộc thiểu số được sử dụng điện lưới quốc gia và các nguồn điện phù hợp khác; 90% đồng bào dân tộc thiểu số được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; 100% đồng bào dân tộc thiểu số được xem truyền hình và nghe đài phát thanh; Hoàn thành cơ bản công tác định canh, định cư; sắp xếp, bố trí ổn định 90% số hộ dân tộc thiểu số di cư không theo quy hoạch. Quy hoạch, sắp xếp, di dời, bố trí 60% số hộ dân tộc thiểu số đang cư trú phân tán, nơi có nguy cơ sạt lở; Giải quyết cơ bản tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số; Tỷ lệ học sinh dân tộc thiểu số mẫu giáo 5 tuổi đến trường trên 95%, học sinh dân tộc thiểu số trong độ tuổi học tiểu học trên 97%, học trung học cơ sở trên 95%, học trung học phổ thông trên 60%; người dân tộc thiểu số từ 15 tuổi trở lên đọc thông, viết thạo tiếng phổ thông trên 90%; Tăng cường công tác y tế để đồng bào dân tộc thiểu số được tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe hiện đại; tiếp tục khống chế, tiến tới loại bỏ dịch bệnh ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số; trên 98% đồng bào dân tộc thiểu số tham gia bảo hiểm y tế. Trên 95% phụ nữ dân tộc thiểu số có thai được khám định kỳ, sinh con ở cơ sở y tế; giảm tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân trong đồng bào dân tộc thiểu số xuống dưới 15%; trên 95% trẻ em dưới 1 tuổi hằng năm được tiêm chủng mở rộng đầy đủ…
 
Mục tiêu cụ thể đến năm 2030: Thu nhập bình quân của người dân tộc thiểu số bằng 1/2 bình quân chung của cả nước; Giảm hộ nghèo dân tộc thiểu số xuống dưới 10%, cơ bản không còn các xã, ấp đặc biệt khó khăn; 70% số xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số đạt chuẩn nông thôn mới; Chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số, hằng năm thu hút 3% lao động sang làm các ngành nghề: Công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ, du lịch. Đến năm 2030, có 40% lao động người dân tộc thiểu số biết làm các ngành nghề: Công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ, du lịch; Phấn đấu có 80% số hộ nông dân người dân tộc thiểu số làm kinh tế nông, lâm nghiệp hàng hóa; Trên 85% số xã, ấp vùng đồng bào dân tộc thiểu số có đủ cơ sở hạ tầng đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và đời sống của người dân…
 
Kế hoạch được triển khai thực hiện ở địa bàn các xã, ấp vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2030. Trong đó, tập trung ưu tiên đầu tư cho địa bàn đặc biệt khó khăn trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
 
Để đảm bảo thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2021 - 2030 của tỉnh đạt hiệu quả, trong thời gian tới cần triển khai đồng bộ các nhiệm vụ và giải pháp cơ bản sau:
 
- Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức trong toàn hệ thống chính trị, cộng đồng và người dân về ý nghĩa và tầm quan trọng của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2021 - 2030, nhằm giúp cho hộ nghèo dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo bền vững; vận động hộ nghèo, cận nghèo dân tộc thiểu số chủ động, nỗ lực phấn đấu trong lao động, sản xuất để tự vươn lên thoát nghèo, tránh tư tưởng trông chờ vào sự giúp đỡ, hỗ trợ của Nhà nước và xã hội; đồng thời, các cấp ủy, chính quyền phải xem công tác giảm nghèo là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, là một trong những tiêu chí đánh giá hoàn thành nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị, địa phương mình.
 
- Việc triển khai, thực hiện Chương trình phải có trọng tâm, trọng điểm và bền vững, tập trung cho các xã, ấp đặc biệt khó khăn; hỗ trợ trực tiếp đến hộ dân tộc thiểu số nghèo; hộ nghèo dân tộc Kinh sinh sống ở xã, ấp đặc biệt khó khăn; bảo đảm công khai, dân chủ, phát huy quyền làm chủ, sự tham gia tích cực, chủ động của cộng đồng, người dân; các hộ được hỗ trợ phải sử dụng vốn đúng mục đích; phát huy tinh thần nỗ lực vươn lên của đồng bào dân tộc thiểu số.
 
- Đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng hiệu quả và sức cạnh tranh phù hợp với từng địa phương nhằm khai thác tiềm năng lợi thế theo hướng chuyển đổi cây trồng, vật nuôi có hiệu quả kinh tế, chú trọng phát triển những sản phẩm có giá trị kinh tế cao. Bên cạnh đó, tập trung nâng cao chất lượng và hiệu quả chương trình giải quyết việc làm và đào tạo nghề; đào tạo nghề phải gắn kết chặt chẽ với giải quyết việc làm và nhu cầu lao động, bảo đảm duy trì ổn định việc làm cho người lao động đang làm việc và tạo việc làm mới; khuyến khích các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh tạo việc làm tại địa phương cho các đối tượng thuộc hộ nghèo, cận nghèo góp phần giảm nghèo bền vững.
 
- Quan tâm chăm lo phát triển giáo dục và đào tạo, nâng cao trình độ dân trí; đầu tư, nâng cấp, mở rộng trường dân tộc nội trú đạt chuẩn quốc gia, nâng cao chất lượng dạy và học; duy trì, nâng cao chất lượng công tác chống mù chữ, phổ cập tiểu học, giáo dục trung học cơ sở.
 
- Đầu tư xây dựng, sửa chữa và bổ sung các trang thiết bị y tế cần thiết phục vụ công tác khám, điều trị bệnh cho người dân ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là ở xã đặc biệt khó khăn nhằm tăng khả năng tiếp cận của người nghèo, cận nghèo đối với các dịch vụ y tế có chất lượng, hiện đại gần nơi mình sinh sống; triển khai thực hiện có hiệu quả công tác chăm sóc sức khỏe, dinh dưỡng bà mẹ - trẻ em nhằm giảm tỷ lệ tử vong bà mẹ, tử vong trẻ em, nâng cao tầm vóc, thể lực người dân tộc thiểu số…
 
Đ.N
 
Thông báo
Báo cáo - thống kê
Videos

 

lượt truy cập
  • Tất cả: 81211874

Cơ quan chủ quản: UBND tỉnh Sóc Trăng - Điện thoại: 0299.3822339 - Fax: 0299.3820473 - Email: phonghanhchinh-soctrang@chinhphu.vn
Đơn vị quản lý: Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Sóc Trăng
Giấy phép số 01/GP-STTTT do Sở Thông tin và Truyền thông cấp ngày 22/9/2021.
Điện thoại Ban biên tập: 02993.626252 - Email: banbientap@soctrang.gov.vn
Địa chỉ: 56 Lê Duẩn - Phường 3 - Tp Sóc Trăng.
@ Ghi rõ nguồn "Cổng thông tin điện tử tỉnh Sóc Trăng" khi phát hành lại thông tin từ Cổng thông tin này.