Sóc Trăng: Dự kiến 15.800 triệu đồng thực hiện Kế hoạch phát triển giáo dục nghề nghiệp năm 2021
Ủy ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng vừa ban hành Kế hoạch số 30/KH-UBND Phát triển giáo dục nghề nghiệp năm 2021.
Mục tiêu chung nhằm cụ thể hóa các chủ trương, định hướng phát triển nguồn nhân lực nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh. Củng cố, phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập; đầu tư nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp của cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập đủ điều kiện đào tạo nguồn nhân lực chất lượng theo nhu cầu của thị trường lao động. Tăng dần tỷ lệ tự chủ loại hai của đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp. Ưu tiên thành lập cơ sở giáo dục nghề nghiệp ngoài công lập; khuyến khích doanh nghiệp tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp. Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu lao động; tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, đảm bảo an sinh xã hội và giảm nghèo bền vững; góp phần thực hiện hoàn thành các mục tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Sóc Trăng lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020 - 2025.
 
Chỉ tiêu cụ thể: Hỗ trợ phát triển, hoàn thiện các điều kiện đảm bảo hoạt động giáo dục nghề nghiệp cho 02 trường cao đẳng và các Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên công lập trên địa bàn tỉnh cơ bản đạt chuẩn theo quy định tại Nghị định số 143/2016/NĐ-CP của Chính phủ và Nghị định số 140/2018/NĐ-CP của Chính phủ; Tuyển sinh, đào tạo, bồi dưỡng nghề nghiệp cho 13.000 người; trong đó: Đào tạo trình độ cao đẳng 910 người, trung cấp là 790 người, sơ cấp 5.573 người và dưới 3 tháng 4.877 người, đào tạo thường xuyên (kèm cặp - truyền nghề - tập nghề) là 850 người; Tỷ lệ có việc làm sau đào tạo nghề trên 85%; Phấn đấu đến cuối năm 2021, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 61%; trong đó: tỷ lệ lao động qua đào tạo có văn bằng, chứng chỉ đạt 28%; tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề nghiệp đạt 56%; tỷ lệ lao động nữ
qua đào tạo đạt 60%.
 
Đối tượng đào tạo gồm: 
 
- Người trong độ tuổi lao động, có trình độ học vấn và sức khỏe phù hợp với nghề cần học; trong đó, ưu tiên hỗ trợ đào tạo nghề nghiệp cho người thuộc diện hưởng chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, người dân tộc thiểu số, người khuyết tật, người thuộc hộ nghèo, cận nghèo, người thuộc hộ bị thu hồi đất nông nghiệp, thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an, thanh niên tình nguyện hoàn thành nhiệm vụ thực hiện chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội, người lao động nữ, ngư dân, người đang thi hành án phạt tù, người thi hành xong án phạt tù, người sau cai nghiện ma túy; người lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp nhỏ và vừa; người lao động theo nhu cầu của người sử dụng lao động.
 
- Các cơ quan, đơn vị, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, các tổ chức, cá nhân có thực hiện chức năng quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp và đào tạo nghề cho người lao động.
 
Ngành, nghề đào tạo được xác định căn cứ vào nhu cầu chuyển dịch lao động theo quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và các văn bản có liên quan đến giáo dục nghề nghiệp. Xuất phát từ nhu cầu, yêu cầu thực tế sử dụng lao động của công ty, doanh nghiệp, người lao động để tổ chức đào tạo nghề trình độ cao đẳng, trung cấp, sơ cấp và đào tạo ngắn hạn; đào tạo nâng cao tay nghề cho lao động đã qua đào tạo nghề nhưng chưa đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động.
 
Kế hoạch đề ra 05 nội dung cần thực hiện:
 
Thứ nhất, truyền thông trong giáo dục nghề nghiệp. Theo đó, tổ chức tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong giáo dục nghề nghiệp, đặc biệt là các chính sách như: Khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư vào giáo dục nghề nghiệp; chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí đào tạo trình độ sơ cấp và dưới 3 tháng, hỗ trợ chi phí học tập cho người lao động.
 
Thứ hai, phát triển chương trình, giáo trình, ngành, nghề đào tạo. Cụ thể, bổ sung, hoàn chỉnh chương trình, giáo trình đào tạo của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp theo hướng đáp ứng chất lượng đầu ra theo yêu cầu vị trí việc làm của đơn vị sử dụng lao động.
 
Xây dựng, thẩm định và ban hành chương trình, giáo trình đào tạo của các ngành, nghề đào tạo mới theo nhu cầu, yêu cầu thực tế sử dụng lao động của xã hội, đặc biệt là nhu cầu, yêu cầu sử dụng nguồn nhân lực qua đào tạo nghề nghiệp phục vụ chuyển đổi nghề nghiệp cho người lao động và quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh…
 
Thứ ba, nâng cấp, sửa chữa cơ sở vật chất; mua sắm, sửa chữa trang thiết bị, máy móc, dụng cụ phục vụ đào tạo tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp _ công lập. Rà soát, đánh giá thực trạng cơ sở vật chất, trang thiết bị, máy móc phục vụ đào tạo của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập; làm cơ sở đề xuất nâng cấp, sửa chữa, mua sắm cơ sở vật chất, trang thiết bị, máy móc, dụng cụ phục vụ đào tạo tại các đơn vị, đây là một giải pháp quan trọng góp phần đảm bảo, nâng cao chất lượng đào tạo nghề nghiệp.
 
Thứ tư, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp các cấp (tỉnh, huyện, xã); nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ quản lý cơ sở giáo dục nghề nghiệp và đội ngũ nhà giáo giáo dục nghề nghiệp trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh
 
Thứ năm, tổ chức tuyển sinh, đào tạo nghề nghiệp và giải quyết việc làm sau đào tạo. Tổ chức tuyển sinh, đào tạo theo đúng quy mô tuyển sinh của các ngành, nghề đào tạo được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp. Liên kết với các công ty, doanh nghiệp đào tạo theo địa chỉ nhằm giải quyết việc làm cho lao động sau đào tạo.
 
Liên kết, phối hợp với các trường đại học, các trường cao đẳng danh tiếng trong cả nước để tổ chức tuyển sinh, đào tạo các ngành, nghề, trình độ theo nhu cầu xã hội mà các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong tỉnh chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp.
 
Dự kiến kinh phí thực hiện Kế hoạch phát triển giáo dục nghề nghiệp năm 2021 từ ngân sách Trung ương là 10.000 triệu đồng; ngân sách tỉnh là 5.800 triệu đồng.
 
Ngoài nguồn kinh phí nêu trên, việc hỗ trợ miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập cho học sinh, sinh viên học trình độ trung cấp, cao đẳng sẽ do ngân sách nhà nước thực hiện cấp bù học phí theo dự toán thực tế của các trường cao đẳng, các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh và huy động từ các nguồn hợp pháp khác; kinh phí chi thường xuyên thuộc lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.
 
H.M
 
Thông báo
Báo cáo - thống kê
Videos

 

lượt truy cập
  • Tất cả: 81211822

Cơ quan chủ quản: UBND tỉnh Sóc Trăng - Điện thoại: 0299.3822339 - Fax: 0299.3820473 - Email: phonghanhchinh-soctrang@chinhphu.vn
Đơn vị quản lý: Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Sóc Trăng
Giấy phép số 01/GP-STTTT do Sở Thông tin và Truyền thông cấp ngày 22/9/2021.
Điện thoại Ban biên tập: 02993.626252 - Email: banbientap@soctrang.gov.vn
Địa chỉ: 56 Lê Duẩn - Phường 3 - Tp Sóc Trăng.
@ Ghi rõ nguồn "Cổng thông tin điện tử tỉnh Sóc Trăng" khi phát hành lại thông tin từ Cổng thông tin này.