Sóc Trăng: Nhập học phải an toàn, an toàn mới nhập học
Nhằm mục đích chủ động, tăng cường công tác phòng, chống dịch Covid-19 trong toàn ngành, đáp ứng yêu cầu tổ chức khai giảng năm học mới và thực hiện nhiệm vụ năm học 2021-2022 với phương châm “nhập học phải an toàn, an toàn mới nhập học”, đó là yêu cầu của ngành Giáo dục và Đào tạo Sóc Trăng cho năm học 2021-2022.
Để chuẩn bị cho năm học mới 2021-2022, Sở GD&ĐT Sóc Trăng yêu cầu toàn thể công chức, viên chức, người lao động trong ngành thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trong việc chuẩn bị, tổ chức khai giảng và hoàn thành được nhiệm vụ năm học. Xác định công tác phòng chống dịch là nhiệm vụ quan trọng và lâu dài, được triển khai thực hiện thường xuyên, liên tục tại cơ quan, đơn vị. Thực thi các biện pháp phòng chống dịch phải “thực chất - chặt chẽ - kỹ lưỡng - chu đáo”, đồng thời phải “quyết liệt - nhanh chóng - chính xác - cương quyết”. Chỉ khi nào đảm bảo các điều kiện quy định an toàn mới tổ chức cho học sinh đến trường.
 
Phối hợp với cơ quan y tế của địa phương trong việc phun khử thuốc diệt khuẩn; tổ chức xét nghiệm cho tất cả cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, người lao động và học sinh theo định kỳ nhằm đảm bảo an toàn khi đến trường; tổ chức tiêm ngừa cho tất cả giáo viên ngay từ đầu năm học, đề xuất và chuẩn bị điều kiện tổ chức tiêm ngừa cho học sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông để phòng, chống dịch cho các em. Tiếp tục tuyên truyền, thực hiện đúng quy định về các biện pháp phòng chống dịch Covid-19, thực hiện tốt yêu cầu “5K”, trong đó lưu ý đến việc giữ khoảng cách an toàn (1,5m - 2m) trong và ngoài lớp học, hạn chế việc học sinh tiếp xúc nhau. 
 
Trong điều kiện tình hình dịch bệnh Covid-19 chưa chấm dứt, nhà trường cần lắp đặt đầy đủ hệ thống vòi nước rửa tay, dung dịch sát khuẩn để phòng chống dịch ngay từ cổng trường, trang bị đầy đủ dụng cụ kiểm tra thân nhiệt đảm bảo đúng yêu cầu theo khuyến cáo của ngành y tế. Hướng dẫn và khuyến khích học sinh đo thân nhiệt tại nhà trước khi đến lớp, tự trang bị các dụng cụ cần thiết để phòng chống dịch như: Khẩu trang, dung dịch sát khuẩn, nước muối súc họng (dung dịch nước muối natri clorid 0,9%). Hướng dẫn và tổ chức cho trẻ mầm non, học sinh phổ thông súc họng bằng dung dịch nước muối natri clorid 0,9% mỗi buổi học ít nhất 2 lần vào đầu giờ và giờ giải lao. 
 
Phối hợp với chính quyền địa phương để hỗ trợ triển khai các giải pháp bảo đảm an ninh, an toàn trường học, an toàn giao thông, phòng chống bạo lực học đường, tai nạn đuối nước, đặc biệt lưu ý các giải pháp bảo đảm an toàn tuyệt đối trong việc đưa đón học sinh; phân luồng giao thông ngay tại cổng trường, tránh ùn tắc cục bộ; không để mua bán tụ tập trước cổng trường; phụ huynh đưa đón học sinh phải đảm bảo nguyên tắc “một cung đường hai điểm đến”; nhà trường phải nắm được địa chỉ thường trú, số điện thoại người học, đăng ký họ tên, số điện thoại người đưa đón, giáo viên chủ nhiệm tạo nhóm Zalo với học sinh, cha mẹ học sinh từng lớp học để thuận tiện trao đổi, liên hệ khi cần thiết. 
 
Nhà trường tổ chức, bố trí việc đưa đón học sinh ngay tại khu vực cổng trường, tuyệt đối không để phụ huynh đưa đón tại lớp học; nghiên cứu, sắp xếp lối đi riêng cho từng khối lớp, theo từng dãy phòng học, bố trí giờ ra về lệch nhau nhằm tránh tập trung đông người cùng một thời điểm. Mỗi trường chuẩn bị tối thiểu 1 phòng dự phòng với diện tích rộng, thoáng mát, đảm bảo vệ sinh sạch sẽ để bố trí chỗ nghỉ kịp thời khi học sinh có biểu hiện nghi ngờ hoặc bất thường về sức khỏe. 
 
Các cơ sở giáo dục bảo đảm học sinh có đủ sách giáo khoa để học, đặc biệt là học sinh lớp 1, lớp 2, lớp 6 thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018; phối hợp tốt với Ban Đại diện cha mẹ học sinh và các tổ chức đoàn thể liên quan trong việc vận động học sinh ra lớp; cần nắm bắt cụ thể các trường hợp học sinh nghèo, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn để có kế hoạch hỗ trợ thiết thực. Không để xảy ra tình trạng học sinh thiếu sách vở, quần áo, tập viết, vì điều kiện khó khăn… mà không đi học. 
 
Các trường chủ động rà soát đối tượng trên địa bàn, tổ chức sắp xếp quy mô trường lớp và thông báo đến gia đình học sinh biết để chuẩn bị cho năm học mới. Ổn định công tác tổ chức, sắp xếp lớp, phân công giáo viên, xây dựng và triển khai các kế hoạch hoạt động của nhà trường trong năm học theo tiến độ. Đối với các cơ sở giáo dục đang được trưng dụng làm khu cách ly tại khu vực vùng xanh, vùng vàng, các trường lân cận liên kết với nhau sắp xếp bố trí lại quy mô lớp, số lượng học sinh/lớp, học 1 buổi/ ngày (ca sáng, ca chiều)… để có đủ phòng học tổ chức dạy học trực tiếp (đối với vùng vàng thì giảm, giãn số lượng học sinh, bố trí lệch giờ học). Ngoài ra có thể tổ chức dạy học trực tiếp kết hợp với trực tuyến và các hình thức phù hợp khác, tùy theo tình hình và điều kiện của từng đơn vị, nhưng phải đảm bảo các biện pháp phòng, chống dịch. Đối với các trường phổ thông dân tộc nội trú nếu còn khó khăn về ký túc xá hoặc về điều kiện sinh hoạt nội trú thì trước mắt tổ chức dạy học 1 buổi/ngày. Nếu đơn vị nào tổ chức nội trú cho học sinh đảm bảo 100% thì xây dựng phương án để thực hiện, đồng thời báo cáo với cơ quan chủ quản để được phê duyệt. 
 
Căn cứ diễn biến tình hình dịch Covid-19 theo từng thời điểm trên cơ sở cập nhật và công bố của ngành y tế, các đơn vị áp dụng và phân loại theo cấp độ nguy cơ cho phù hợp với từng vùng, từng địa phương, tổ chức thực hiện theo từng phương án. Cụ thể, đối với “vùng xanh” (vùng bình thường mới), ngày khai giảng ở cấp tiểu học chọn học sinh khối 4, 5; cấp trung học cơ sở chọn học sinh khối 8, 9; cấp trung học phổ thông chọn học sinh cả 3 khối 10, 11, 12 (đối với cơ sở giáo dục mầm non, ngày 10/9 nhà trường tổ chức khai giảng bằng hình thức tuyên truyền “Ngày hội đến trường của bé” để nhân dân biết (không tập trung các cháu đến trường). 
 
Quy mô không quá 50% số học sinh của trường và không quá 200 em; lãnh đạo đơn vị chủ động xin ý kiến của lãnh đạo địa phương nhằm bảo đảm yêu cầu công tác phòng chống dịch Covid-19 ở từng địa bàn và tuân thủ thực hiện theo khuyến cáo 5K (lưu ý bố trí khoảng cách chỗ ngồi giữa các học sinh và đại biểu là 2m).
 
 
Thời gian tổ chức khai giảng năm học mới thống nhất chung cả tỉnh, đồng loạt tổ chức khai giảng vào lúc 7 giờ ngày 10/9/2021 (không kéo dài quá 60 phút). Sở GD&ĐT Sóc Trăng yêu cầu chương trình lễ khai giảng ngắn gọn, chu đáo, tiết kiệm, chặt chẽ nhưng đảm bảo trang trọng với các nội dung thiết thực không kéo dài, đảm bảo an toàn sức khỏe cho học sinh (không tổ chức các hoạt động tập trung đông người sau buổi lễ).
 
Một trường ở huyện Mỹ Xuyên đang làm khu cách ly tập trung.
 
Với “vùng vàng” (vùng có nguy cơ), cấp tiểu học chỉ chọn học sinh lớp 4, 5; cấp trung học cơ sở chọn học sinh khối 8, 9; cấp trung học phổ thông chọn học sinh cả 3 khối 10, 11, 12. Quy mô không quá 50 học sinh (lãnh đạo đơn vị chủ động xin ý kiến của lãnh đạo địa phương nhằm bảo đảm yêu cầu công tác phòng, chống dịch Covid-19 ở từng địa bàn và tuân thủ thực hiện theo khuyến cáo 5K (lưu ý bố trí khoảng cách chỗ ngồi giữa các học sinh và đại biểu là 2m).
 
Còn các trường ở “vùng cam” (nguy cơ cao) và “vùng đỏ” (nguy cơ rất cao) không tổ chức khai giảng. Các trường đang được trưng dụng làm khu cách ly, khu điều trị không tổ chức khai giảng.
 
Từ ngày 11/9 đến 14/9 các trường ổn định nền nếp, sắp xếp tổ chức lớp, tạo điều kiện cho học sinh đầu cấp làm quen với trường lớp, nhất là trẻ mầm non và học sinh lớp 1. Mỗi ngày chỉ phân chia cho 1 hoặc 2 khối lớp đến trường để làm công tác tổ chức; hướng dẫn cho học sinh biết cách phòng, chống dịch bệnh, tham gia giao thông an toàn; hướng dẫn những nội dung cần thiết trong sinh hoạt, học tập tại trường và hình thức học tập tại nhà. Cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên nhà trường chủ động tổ chức thực hiện việc sắp xếp trường lớp và các vấn đề có liên quan để chuẩn bị thực hiện chương trình theo kế hoạch thời gian năm học đã được Chủ tịch UBND tỉnh ban hành (lưu ý không để học sinh dọn dẹp vệ sinh và không yêu cầu học sinh phải vào trường liên tục trong thời gian này). 
 
Căn cứ diễn biến tình hình dịch Covid-19 theo từng thời điểm trên cơ sở cập nhật và công bố của ngành y tế, các cơ sở giáo dục áp dụng phù hợp phương án với từng vùng, từng địa phương. Cụ thể, tất cả các vùng đều trong trạng thái “bình thường mới” (vùng xanh) thì tổ chức thực hiện chương trình từ ngày 15/9/2021 theo kế hoạch bằng hình thức trực tiếp (trong thời gian đầu các trường chỉ tổ chức học 1 buổi, không tổ chức học bán trú và học 2 buổi/ngày, trừ các trường hợp đặc biệt khác được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận). 
 
Trên địa bàn tỉnh chỉ còn “vùng xanh”, “vùng vàng”, các trường trong “vùng xanh” tổ chức thực hiện chương trình từ ngày 15/9/2021 theo kế hoạch bằng hình thức trực tiếp; các trường trong “vùng vàng” tổ chức thực hiện chương trình từ ngày 15/9/2021 theo kế hoạch, tổ chức chia lớp thành 2 nhóm luân phiên học trực tiếp, trực tuyến và các hình thức phù hợp khác. 
 
Trường hợp trên địa bàn tỉnh có “vùng xanh”, “vùng vàng”, “vùng cam”, “vùng đỏ” thì các trường trong “vùng xanh” tổ chức thực hiện chương trình từ ngày 15/9/2021 theo kế hoạch bằng hình thức trực tiếp; các trường trong “vùng vàng” tổ chức thực hiện chương trình từ ngày 15/9/2021 theo kế hoạch, tổ chức chia lớp thành 2 nhóm luân phiên học trực tiếp, trực tuyến và các hình thức phù hợp khác; các trường trong “vùng cam”, “vùng đỏ” tổ chức thực hiện chương trình từ ngày 15/9/2021 theo kế hoạch, không dạy trực tiếp, tổ chức dạy học trực tuyến và các hình thức phù hợp khác. 
 
Ngoài ra, tùy hình hình diễn biến, Sở GDĐT phối hợp với UBND các huyện thông qua phòng GDĐT sẽ điều chỉnh thời gian và cách thức tổ chức thực hiện chương trình một cách phù hợp nhất nhưng không trễ hơn 15 ngày so với quy định của Bộ GDĐT. Trong thời gian này, các trường chủ động triển khai chương trình bằng các hình thức phù hợp để học sinh có thể học tập tạm thời; sau khi học sinh được trở lại trường, giáo viên sẽ tiếp tục bổ sung kiến thức cho học sinh kịp thời, đầy đủ, đảm bảo chương trình và chất lượng theo quy định. Việc tổ chức dạy học gián tiếp đề nghị các đơn vị cần lưu ý thực hiện như sau: Đối với giáo dục mầm non, học sinh lớp 1, lớp 2 không tổ chức dạy học trực tuyến; đối với học sinh lớp 3, lớp 4, lớp 5 hạn chế tổ chức dạy học trực tuyến; giáo viên chủ nhiệm chủ động kết nối với phụ huynh để phối hợp, hướng dẫn, hỗ trợ nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ mầm non tại nhà, hướng dẫn tự học và giao nhiệm vụ học tập cho học sinh tại nhà chủ yếu là môn Toán và Tiếng Việt. 
 
Trong điều kiện dịch bệnh quá phức tạp, không thể đến trường, các cơ sở giáo dục hướng dẫn cho phụ huynh việc học trên truyền hình đối với học sinh lớp 1 theo chương trình trên kênh VTV7 của Đài Truyền hình Việt Nam.
 
Việc di chuyển của học sinh đang ở vùng có nguy cơ cao hơn sang học ở vùng có nguy cơ thấp hơn (trừ vùng đỏ) và ngược lại thì thực hiện “1 cung đường 2 điểm đến” khi đi học (từ nhà đến trường và từ trường về nhà). Đối với học sinh cư trú ở vùng đỏ thì không di chuyển sang vùng khác để học. Nhà trường có các biện pháp tổ chức học theo nhóm, học trực tuyến, học có hỗ trợ… hoặc bằng hình thức phù hợp khác; sau khi các em trở lại trường học bình thường thì giáo viên có kế hoạch bồi dưỡng, bổ sung thêm kiến thức đầy đủ theo chương trình dạy.
 
Đối với giáo viên thường trú và giảng dạy trong cùng một vùng (trừ vùng đỏ) thì thực hiện “một cung đường hai điểm đến”. Đồng thời cần chia sẻ khó khăn với tuyến đầu chống dịch như thực hiện nghiêm các quy định về phòng chống dịch trong nhà trường; giáo dục học sinh chấp hành nghiêm và tuyên truyền đến người thân trong gia đình về công tác phòng, chống dịch. Tổ chức dạy tăng giờ khi có yêu cầu phải chia nhỏ số lượng học sinh trên lớp; hỗ trợ đồng nghiệp trong trường hợp không thể đi lại giữa các vùng với nhau. 
 
Trường hợp giáo viên đang ở vùng có nguy cơ cao hơn sang công tác ở vùng có nguy cơ thấp hơn (trừ vùng đỏ) và ngược lại, các trường phải chủ động phương án riêng, bố trí đổi giờ tạm thời, cho dạy thay hoặc có thể sắp xếp tổ chức theo phương án “3 tại chỗ” cho giáo viên.
 
Hàng ngày, nhà trường phải theo dõi nắm thông tin về diễn biến tình hình dịch bệnh để chủ động ứng phó kịp thời. Trong trường hợp phát hiện học sinh có dấu hiệu bất thường (thân nhiệt cao, khó thở, hắt hơi…) kịp thời đưa ngay học sinh lên phòng dự phòng để theo dõi và phối hợp nhanh với cơ quan y tế để xử lý tình huống. Khi phát hiện có học sinh ở vùng “nguy cơ rất cao” thì nhà trường phải thông tin kịp thời đến gia đình và học sinh thông qua nhóm Zalo để học sinh biết mà tạm dừng đến trường. 
 
Cao Xuân Lương
 
Thông báo
Báo cáo - thống kê
Videos

 

lượt truy cập
  • Tất cả: 78260644

Cơ quan chủ quản: UBND tỉnh Sóc Trăng - Điện thoại: 0299.3822339 - Fax: 0299.3820473 - Email: phonghanhchinh-soctrang@chinhphu.vn
Đơn vị quản lý: Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Sóc Trăng
Giấy phép số 01/GP-STTTT do Sở Thông tin và Truyền thông cấp ngày 22/9/2021.
Điện thoại Ban biên tập: 02993.626252 - Email: banbientap@soctrang.gov.vn
Địa chỉ: 56 Lê Duẩn - Phường 3 - Tp Sóc Trăng.
@ Ghi rõ nguồn "Cổng thông tin điện tử tỉnh Sóc Trăng" khi phát hành lại thông tin từ Cổng thông tin này.