Kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng
Ngày 10/9/2021, UBND tỉnh Sóc Trăng đã ban hành Kế hoạch số 140/KH-UBND thực hiện Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng.
 
Mục tiêu chung đến năm 2030:
 
- Triển khai nghiêm túc, có chất lượng nhằm nâng cao công tác quản lý, điều hành và thực hiện có hiệu quả các quan điểm, mục tiêu, định hướng, giải pháp Chiến lược đề ra.
 
- Việc triển khai, thực hiện Kế hoạch phải đảm bảo đầy đủ nội dung, cụ thể hóa các nhiệm vụ và giải pháp của Chiến lược đến các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh nhằm tạo sự đồng thuận và quyết tâm cao.
 
 - Xác định rõ nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm, đảm bảo tích hợp đồng bộ, lồng ghép, không trùng lặp, kế thừa kết quả thực hiện trong giai đoạn trước. Ưu tiên tập trung nguồn lực để thực hiện các nhiệm vụ trong giai đoạn 2021 - 2025 và 2026 - 2030; xác định một số nhiệm vụ cụ thể có tầm nhìn đến năm 2045 mang tính định hướng lâu dài theo đúng tinh thần của Chiến lược.
 
- Phát triển thủy sản thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh, sản xuất hàng hóa lớn gắn với công nghiệp hóa - hiện đại hóa, phát triển bền vững và chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu; xác lập cơ cấu và hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, đảm bảo đạt năng suất, chất lượng, hiệu quả cao; xây dựng thương hiệu uy tín, khả năng cạnh tranh và hội nhập quốc tế; không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân, bảo đảm an sinh xã hội; góp phần bảo đảm an ninh quốc phòng, giữ vững độc lập, chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.
 
Mục tiêu trọng tâm đến năm 2030:
 
- Phấn đấu đến năm 2025, tổng sản lượng thủy sản đạt 417.000 tấn; trong đó, sản lượng thủy sản nuôi đạt 342.300 tấn (tôm nước lợ 233.800 tấn, thủy sản khác 108.500 tấn), sản lượng thủy sản khai thác đạt 74.700 tấn (khai thác biển 66.000 tấn, khai thác nội địa 8.700, sản lượng tôm 7.360 tấn, cá các loại 67.340 tấn); tổng số lượng tàu thuyền trong toàn tỉnh đạt 924 phương tiện (tổng công suất 210.200 CV), tàu khai thác xa bờ 374 phương tiện.
 
- Đến năm 2030, tổ chức lại hoạt động khai thác hải sản theo hướng giảm khai thác gần bờ, đẩy mạnh khai thác xa bờ. Thúc đẩy các hoạt động nuôi trồng, khai thác hải sản bền vững, tăng cường bảo vệ, tái tạo nguồn lợi thủy, hải sản, nghiêm cấm các hoạt động khai thác mang tính hủy diệt, ứng dụng công nghệ cao và tiết kiệm năng lượng trong khai thác thủy sản, tận dụng các phụ phẩm thủy sản để nâng cao hiệu quả kinh tế, tăng thu nhập cho cộng đồng ngư dân. Hỗ trợ, tạo điều kiện để cộng đồng ngư dân ven biển chuyển đổi nghề từ các nghề cấm hoặc hạn chế sang các nghề khai thác thân thiện với môi trường, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, củng cố an ninh, quốc phòng.
 
- Đầu tư các công trình hạ tầng thủy sản phục vụ phát triển kinh tế biển (khai thác thủy sản, nuôi trồng trên biển, ngư trường) để khuyến khích, thu hút đầu tư trong lĩnh vực thủy sản (nuôi trồng, khai thác, chế biến, bảo quản, xuất khẩu hải sản, hiện đại hóa hệ thống hậu cần nghề cá). Hệ thống cơ sở hạ tầng tại các cảng cá, các khu vực bãi ngang phục vụ khai thác hải sản được hỗ trợ đầu tư đồng bộ, dịch vụ hậu cần nghề cá được nâng cao; quan tâm việc hỗ trợ hạ tầng và trang thiết bị cho các vùng nuôi trồng thủy sản, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đảm bảo vệ sinh môi trường, giảm tổn thất sau thu hoạch, hiệu quả, bền vững, thích ứng biến đổi khí hậu.
 
- Tăng cường công tác quản lý và thực thi nghiêm pháp luật về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU), hoàn thành việc lắp đặt giám sát hành trình trên tàu cá (VMS). Đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông, vận động ngư dân thay đổi thói quen cũ, nhận thức rõ các hành vi vi phạm và tự giác tuân thủ các quy định về chống khai thác hải sản bất hợp pháp.
 
Tầm nhìn đến năm 2045, thủy sản là ngành kinh tế thương mại hiện đại, bền vững, có trình độ quản lý, khoa học công nghệ tiên tiến; giữ vị trí mũi nhọn, chủ lực, góp phần đảm bảo an ninh thực phẩm, an sinh xã hội, xây dựng các làng cá xanh, sạch, đẹp, văn minh; lao động thủy sản có mức thu nhập ngang bằng mức bình quân chung của cả nước; góp phần bảo đảm an ninh quốc phòng, giữ vững độc lập, chủ quyền biển đảo Tổ quốc.
 
Để thực hiện đạt các mục tiêu nêu trên, Kế hoạch đưa ra 05 giải pháp: Bố trí, huy động các nguồn lực đầu tư phát triển ngành thủy sản; Tổ chức sản xuất thủy sản; Phát triển, ứng dụng khoa học công nghệ; Tăng cường năng lực quản lý và đào tạo nguồn nhân lực; Phát triển thị trường, xúc tiến thương mại và hội nhập quốc tế.
 
C.Bình
 
Thông báo
Báo cáo - thống kê
Videos

 

lượt truy cập
  • Tất cả: 77492638

Cơ quan chủ quản: UBND tỉnh Sóc Trăng - Điện thoại: 0299.3822339 - Fax: 0299.3820473 - Email: phonghanhchinh-soctrang@chinhphu.vn
Đơn vị quản lý: Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Sóc Trăng
Giấy phép số 01/GP-STTTT do Sở Thông tin và Truyền thông cấp ngày 22/9/2021.
Điện thoại Ban biên tập: 02993.626252 - Email: banbientap@soctrang.gov.vn
Địa chỉ: 56 Lê Duẩn - Phường 3 - Tp Sóc Trăng.
@ Ghi rõ nguồn "Cổng thông tin điện tử tỉnh Sóc Trăng" khi phát hành lại thông tin từ Cổng thông tin này.