Cuộc sống ấm no của bà con phum, sóc
       Sóc Trăng được biết đến là một trong những tỉnh có số hộ dân tộc Khmer sinh sống khá cao so với cả nước. Chính vì vậy, Sóc Trăng có nền văn hóa phong phú nhờ sự giao thoa giữa 3 dân tộc anh em cùng sinh sống trong cộng đồng (Kinh - Khmer – Hoa) đã tạo nên nét đặc trưng riêng của vùng đất, con người nơi đây.

       Nói đến bà con Khmer, mọi người sẽ nhớ ngay đến các lễ hội văn hóa truyền thống đậm đà bản sắc dân tộc, trong đó có thể kể đến một môn thể thao mà du khách trong, ngoài nước đều biết đến là môn Đua ghe Ngo thường được tổ chức vào dịp tháng 10 hàng năm thu hút hàng chục ngàn người đến xem và cổ vũ. Cùng với việc chăm lo đời sống tinh thần cho bà con Khmer trong các dịp lễ, tết truyền thống hàng năm, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Sóc Trăng luôn quan tâm chăm lo đến đời sống của hộ dân tại các địa phương trên toàn tỉnh và đồng hành cùng bà con trong việc hỗ trợ hộ vươn lên thoát nghèo bền vững bằng các chương trình dự án của Trung ương, bộ, ban ngành… để giúp hộ dân tại các phum, sóc có đời sống ấm no, sung túc.

       Niềm vui lớn sau thoát nghèo…

       Đến ấp Phú Tức, xã Phú Mỹ (Mỹ Tú), chúng tôi đi một vòng quanh để tận mắt nhìn sự đổi thay của ấp khó khăn ngày nào, giờ đây đã phát triển sung túc với các tuyến đường bê tông liên ấp, nối liền xã và những ngôi nhà được xây tường khang trang; từng cánh đồng lúa rộng lớn tươi tốt nằm cạnh các dòng kênh lớn, đi đến đâu cũng bắt gặp hình ảnh bà con tất bật với công việc thường nhật, ai cũng hăng say lao động. Chính nhờ sự lao động cần cù mà hộ dân ở ấp đã thoát nghèo vươn lên khấm khá.

       Chúng tôi được cán bộ địa phương dẫn đến nhà cô Lê Kim Phượng tại ấp Phú Tức, xã Phú Mỹ và được giới thiệu đây là “gương chí thú làm ăn thoát nghèo”. Cô Phượng cho chúng tôi xem rất nhiều loại hoa khác nhau được cấm trong những chiếc bình rất đẹp làm chúng tôi khá ngạc nhiên bởi hoa y như thật. Nở nụ cười tươi khi thấy khách cứ trầm trồ khen hoa đẹp, cô Phượng bộc bạch: “Tạo ra những bông hoa bằng đất sét là một trong các mô hình sinh kế giúp tôi có thêm thu nhập hàng ngày, còn số tiền làm ruộng, rẫy tôi để dành tích lũy dần…”. Thấy khách ngạc nhiên khi thấy các sản phẩm trái cây, hoa, lá y như thật được làm từ đất sét, cô Phượng nhanh tay lấy miếng đất nhỏ nặn thử cho chúng tôi xem trái dâu tây, sản phẩm làm xong trong nháy mắt y như thật, cô Phượng tiếp lời: “Ngày trước gia đình tôi không có đất sản xuất, vợ chồng quanh năm đi làm thuê làm mướn để dành được chút đỉnh tiền mua ít đường, bột ngọt, nước mắm bán kiếm đồng lời. Đến năm 1997 được Nhà nước hỗ trợ vay vốn ưu đãi số tiền 01 triệu đồng, tôi mua ngay 2 con heo nái nuôi sinh sản và gom góp tiền lời từ nuôi heo mua bò cái sinh sản về nuôi, mua 5 công đất để canh tác lúa, cho đến nay vẫn duy trì nuôi bò, làm lúa 2 vụ/năm kèm 1 vụ màu. Riêng với mô hình làm hoa đất sét tôi cũng học hỏi làm nghề hơn chục năm nay, mỗi tháng cho thu nhập 4 triệu đồng, sau khi trừ chi phí và thuê thêm 2 lao động làm phụ, tiền công trả 3 triệu - 4 triệu/người/tháng. Thật sự mà nói, nếu như ban đầu không có số tiền được Nhà nước hỗ trợ cho vay chăn nuôi heo, chắc đời sống còn nhiều vất vả bởi không định hướng cách làm ăn hợp lý. Giờ đây gia đình tôi đã có thu nhập gần 200.000 đồng/ngày nhờ bán tạp hóa và làm hoa đất sét, còn tiền trồng màu và lúa cho lợi nhuận hơn 40 triệu/vụ/năm… Tới đây tôi vẫn duy trì chăn nuôi 2 con bò cái sinh sản, tăng số lượng làm hoa đất sét cung ứng thị trường và theo nhu cầu khách đặt để tăng thu nhập tại hộ…”.

Cô Phượng khoe thành phẩm là những bông lúa làm bằng đất sét y như thật

       Cách nhà cô Phượng không xa, bà Mai Thị Sóc Kha ở ấp Phú Tức, xã Phú Mỹ (Mỹ Tú) cũng từng là hộ nghèo giờ vươn lên khá giàu, bà Kha tâm tình: “Tôi không có ruộng đất sản xuất, quanh năm đi làm thuê kiếm sống, mảnh đất nhỏ được gia đình cho, tôi làm tạm căn chòi nhỏ để ở, hàng ngày đi làm thuê quanh xóm, ai thuê gì làm nấy miễn là công việc chân chính kiếm tiền nuôi các con. Năm 2004 được Nhà nước hỗ trợ cho hộ nghèo vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội số tiền 10 triệu đồng tôi mua ngay 1 con bò cái sinh sản, từ 1 con bò cái tôi tăng đàn bò cái lên 3 con. Tính đến nay, số bò bán ra hàng chục con, nhờ tiền bán bò tôi xây dựng ngôi nhà tươm tất, mua đầy đủ các tiện nghi và thoát nghèo vào năm 2018. Để cuộc sống ngày càng phát triển hơn, tôi sẽ tiếp tục chăn nuôi đàn bò cái sinh sản. Qua đây, tôi cảm ơn các cấp chính quyền đã hỗ trợ gia đình tôi có cuộc sống sung túc như ngày hôm nay và mong chính quyền tiếp tục triển khai các mô hình giảm nghèo cho hộ nghèo, giúp hộ có hướng đi đúng trong lựa chọn mô hình thoát nghèo bền vững…”.

       Hộ dân thấy rõ sự đổi mới nơi xóm ấp…

       Là người đầu tàu của Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Phước An, ông Kim Sa Huil, ấp Phước An, xã Phú Tân (Châu Thành) chia sẻ: “Tôi sống ở tại địa phương đã mấy mươi năm nay, tôi biết rõ sự đổi mới từng ngày của làng quê nơi tôi đang sống, có thể sơ nét về đời sống bà con ngày một đi lên bởi được sự chăm lo của các cấp ban ngành, đoàn thể dành cho hộ dân tộc, trẻ em đến trường được hỗ trợ, người nghèo được cấp thẻ y tế khám chữa bệnh, từng con đường giao thông nông thôn được bê tông hóa thuận tiện cho người dân đi lại hai mùa mưa nắng, kèm theo đó giúp việc vận chuyển lưu thông hàng hóa của người dân dễ dàng hơn, đặc biệt là các công trình thủy lợi được dầu tư rộng khắp, tạo điều kiện cho người dân phát triển trồng trọt, chăn nuôi. Với tôi, tâm đắc nhất là việc tham gia vào HTX, bà con nông dân liên kết sản xuất tạo ra hạt lúa cùng giống chất lượng được doanh nghiệp bao tiêu đầu ra, giúp tăng thu nhập cho bà con nông dân, thêm vào đó HTX được các ngành hỗ trợ tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật trong sản xuất lúa, được Dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững tại Sóc Trăng hỗ trợ nhà kho, đường dẫn, cầu giao thông vào cánh đồng HTX nên thành viên an tâm sản xuất vì có đầy đủ trang thiết bị cần thiết phục vụ cho quá trình sản xuất lúa…”.

Ông Sa Huil (đứng thứ 3 từ phải sang) cùng các thành viên HTX Nông nghiệp Phước An đi thăm cánh đồng lúa của HTX

       Nói về sự đổi thay của làng quê mình đang sống, ông Danh Khol, ấp Xóm Tro 1, thị trấn Hưng Lợi (Thạnh Trị) chia sẻ: “Khoảng 10 năm trở lại đây, bà con nông dân xóm tôi rất sung túc. Hơn 10 năm trước có nhiều nhà tranh vách lá, khi đi chợ phải cuốc bộ vài km, người nào có điều kiện mới có xuồng ghe đi. Thương nhất là mấy đứa con nít đi học vất vả, lội sìn bùn những tháng mùa mưa, việc sản xuất của nông dân gặp nhiều khó khăn vì thường vào tháng mùa khô nước mặn xâm nhập nên việc trồng màu hay làm lúa không được. Đời sống bà con khởi sắc kể từ năm 2006 cho đến nay, vì Nhà nước đầu tư các tuyến đường giao thông, đào kênh thủy lợi rộng khắp, có cả trạm bơm điện và đặc biệt là việc quy hoạch làm mô hình cánh đồng mẫu tập trung, người dân được hưởng các chính sách ưu đãi cùng như việc hỗ trợ cây, con, giống từ các chương trình dự án nên việc trồng trọt, chăn nuôi thuận lợi hơn trước về mọi mặt. Từ đó, thu nhập của nông dân tăng dần theo từng năm, năm sau cao hơn năm trước…”.

THÚY LIỄU

Thông báo
Báo cáo - thống kê
Videos

 

lượt truy cập
  • Tất cả: 77410838

Cơ quan chủ quản: UBND tỉnh Sóc Trăng - Điện thoại: 0299.3822339 - Fax: 0299.3820473 - Email: phonghanhchinh-soctrang@chinhphu.vn
Đơn vị quản lý: Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Sóc Trăng
Giấy phép số 01/GP-STTTT do Sở Thông tin và Truyền thông cấp ngày 22/9/2021.
Điện thoại Ban biên tập: 02993.626252 - Email: banbientap@soctrang.gov.vn
Địa chỉ: 56 Lê Duẩn - Phường 3 - Tp Sóc Trăng.
@ Ghi rõ nguồn "Cổng thông tin điện tử tỉnh Sóc Trăng" khi phát hành lại thông tin từ Cổng thông tin này.