Mỹ Xuyên sẵn sàng cho vụ màu mới
         Mỹ Xuyên ngoài cây lúa, con tôm nổi tiếng trong và ngoài tỉnh thì cây màu tại Mỹ Xuyên cũng được nhiều người biết đến với nhiều loại màu đặc trưng như: Hẹ bông, hành lá, bắp cải, bông cải, các loại rau ăn lá kể cả dưa hấu… và một số xã chuyên canh cây màu nhiều nhất phải kể đến như: Đại Tâm, Tham Đôn, Thạnh Phú, Thạnh Qưới, thông qua cây màu, đời sống của người dân trên địa bàn các xã ngày một khởi sắc, góp phần giúp huyện sớm đạt các tiêu chí huyện nông thôn mới, hiện tại, một số xã đang bắt đầu cho vụ màu mới sau tết vô cùng tất bật.

        Đến xã Thạnh Qưới trong cái nắng gay gắt, chúng tôi lội băng qua cánh đồng lúa vừa mới thu hoạch cách đó vài tuần trên ruộng lúa thấp thoáng bóng dáng những hộ dân đang loay hoay tưới nước cho ruộng màu của gia đình, nếu như xã Đại Tâm, Tham Đôn nhiều nông dân trồng màu chuyên canh trên đất rẫy thì tại Thạnh Qưới bà con lại chọn đưa cây màu xuống chân ruộng thay thế cây lúa vụ 3 trong thời tiết hạn hán, xâm nhập mặn nhằm đảm bảo tốt lượng nước tưới cho cây màu và vẫn đảm bảo năng suất vụ màu. Nếu như hộ chuyên canh màu đất rẫy đều áp dụng biện pháp dùng máy bơm nước kéo ống cho ruộng màu nhằm tiết kiệm được thời gian tưới nước cũng như đỡ cực công thì bà con nông dân Thạnh Qưới đưa màu xuống chân ruộng phải áp dụng việc tưới nước cho màu bằng thủ công nghĩa là phải gánh từng đôi nước để tưới màu, tuy cực, nhưng theo các hộ dân bỏ công nhiều lợi nhuận sẽ tăng cao hơn sau vụ thu hoạch. 


         Anh Trịnh Tú, ấp Đay Sô, xã Thạnh Qưới (Mỹ Xuyên) tâm tình: “Tính đến nay, đã 6 năm tôi áp dụng canh tác màu dưới chân ruộng, trước đó làm lúa 2 vụ tới tháng mùa khô (tháng hạn) bỏ ruộng trống không thấy cũng tiếc mà làm lúa thì không được bởi sẽ không đủ lượng nước tưới, có lần được địa phương dẫn đi tham thực tế các mô hình đưa màu xuống chân ruộng tại một số nơi và nhận thấy đây là mô hình phù hợp điều kiện thực tế tại gia đình nên thay vì đất ruộng bỏ trống, tôi xuống dưa hấu trong tháng mùa khô, với 6 công dưa hấu, thời gian xuống giống đến thu hoạch chỉ 60 ngày, năng suất dưa sau thu hoạch tầm 3 tấn/công. Như vậy, tổng sản lượng dưa 18 tấn/6 công/vụ, trừ chi phí lợi nhuận 60 tiệu đồng, cao gấp nhiều lần so với trồng lúa. Dù trồng màu có cực hơn so lúa nhưng tính ra lợi nhuận tốt thì việc bỏ công ra làm cũng là đều cần thiết. Tới đây, tôi vẫn tiếp tục duy trì diện tích xuống màu dưới chân ruộng hàng năm để nâng cao thu nhập, ổn định đời sống gia đình…”.


Anh Trịnh Tú bên ruộng dưa hấu xuống giống được 15 ngày tuổi. Ảnh Thúy Liễu

         Nếu anh Tú chọn đưa cây dưa hấu xuống chân ruộng thì cách đó không xa, anh Trần Ma Rương, ấp Đay Sô, xã Thạnh Qưới (Mỹ Xuyên) chọn trồng cây dưa leo, anh Rương bộc bạch: “Dưa leo thị trường lúc nào cũng cần dùng cho việc ăn sống, chế biến các món canh, món xào, giá lên xuống vẫn tiêu thụ tốt trên thị trường nên tôi quyết định trồng các loại màu thuộc thân dây leo, nếu như vụ màu cùng kỳ năm trước tôi trồng khổ qua thì vụ màu 2020 tôi chuyển sang dưa leo, thời gian trồng cây dưa leo chỉ 35 ngày đã cho thu hoạch trái, 1 công thu được hơn 3 tấn trái/vụ, trừ chi phí nhân công lao động, phân thuốc, hạt giống với 1 công dưa leo lãi hơn 5 triệu đồng/vụ…”.

           “Hơn 4 năm trồng màu tôi nhận thấy trồng màu dưới chân ruộng nhẹ công chăm sóc, bởi ruộng lúa sau thu hoạch chỉ cần khoét lỗ nhỏ bỏ hạt giống dưa leo vào, tưới nước khi dưa bắt đầu đâm chồi nảy lộc, cái hay nữa là màu ít bị dịch bệnh hơn so với trồng cùng giống màu trên đất rẫy, trồng dưa leo sợ nhất là bệnh vàng dây nhưng trồng dưới chân ruộng thì tuyệt nhiên không gặp vấn đề cây bị bệnh vàng dây, sâu hại cũng ít tấn công trên màu hơn nên hạn chế phần nào việc phun thuốc bảo vệ thực vật. Riêng nước tưới, do đây là tháng mùa khô nên thường sẽ tạo nhiều rãnh nhỏ để dẫn nước tưới cho cây màu nhằm đảm bảo việc cung cấp nước đầy đủ cho cây. Nếu so với cây lúa thì cây màu cho thu nhập tốt hơn và đôi so cây lúa, nhờ đó mà cuộc sống gia đình tôi ổn định hơn…”, anh Rương chia sẻ thêm.

           Trưởng Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Ngô Thanh Liêm cho biết: “Tổng diện tích màu của huyện Mỹ Xuyên hơn 1.000 ha, bao gồm màu chuyên canh, màu bờ bao và riêng màu dưới chân ruộng hơn 300 ha được bà con nông dân xuống giống theo từng năm nên diện tích tăng giảm khác nhau. Với cây màu chuyên canh được trồng tập trung phần lớn tại hai xã Tham Đôn và Đại Tâm, có đủ chủng loại màu phục vụ cho thị trường trên địa bàn huyện và tỉnh kể cả bán đi các tỉnh khác. Theo đó, huyện cũng có 11 nhà lưới trồng màu quanh năm để cung cấp cho thị trường, còn đối với màu dưới chân ruộng được trồng nhiều nhất tại xã Thạnh Phú, Thạnh Qưới, bà con nông dân chủ yếu trồng dưa hấu vì đây được xem là một trong những loại trái cây thị trường ưa chuộng, đặc biệt vào tiết trời nắng nóng như hiện tại và thời gian sinh trưởng của dưa ngắn tầm 60 ngày thu hoạch sẽ thuận tiện cho việc cải tạo đất sản xuất vụ lúa tiếp theo…”.
THÚY LIỄU

Thông báo
Báo cáo - thống kê
Videos

 

lượt truy cập
  • Tất cả: 81696300

Cơ quan chủ quản: UBND tỉnh Sóc Trăng - Điện thoại: 0299.3822339 - Fax: 0299.3820473 - Email: phonghanhchinh-soctrang@chinhphu.vn
Đơn vị quản lý: Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Sóc Trăng
Giấy phép số 01/GP-STTTT do Sở Thông tin và Truyền thông cấp ngày 22/9/2021.
Điện thoại Ban biên tập: 02993.626252 - Email: banbientap@soctrang.gov.vn
Địa chỉ: 56 Lê Duẩn - Phường 3 - Tp Sóc Trăng.
@ Ghi rõ nguồn "Cổng thông tin điện tử tỉnh Sóc Trăng" khi phát hành lại thông tin từ Cổng thông tin này.