Trần Đề: Thạnh Thới An thực hiện nhiều giải pháp giảm nghèo
         Nhiều năm qua, Thạnh Thới An, huyện Trần Đề luôn xác định giảm nghèo là vấn đề quan trọng và cấp thiết, đòi hỏi Đảng bộ, chính quyền, đoàn thể và nhân dân trong xã chú trọng tổ chức thực hiện. Để nâng cao thu nhập, đưa tỉ lệ hộ nghèo xuống dưới 3% vào cuối năm nay, từ đầu năm, địa phương đã triển khai thực hiện nhiều giải pháp nhằm nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống của người dân.

         Theo lãnh đạo xã Thạnh Thới An, việc nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống của người dân là vấn đề cốt lõi trong quá trình xây dựng NTM. Vì thế, thời gian qua, địa phương đã triển khai nhiều giải pháp nhằm đạt được mục tiêu này.Trước hết chúng tôi tiếp tục thực hiện đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp, phát triển các mô hình kinh tế hiệu quả như mô hình nuôi trâu, nuôi bò thịt, bò sinh sản, trồng rau màu dưới chân ruộng lúa. Thứ hai là chuyển dịch cơ cấu lao động, phát triển công tác thương mại dịch vụ. Thứ ba, tiếp cận nhiều nguồn lực để cho người dân vay vốn, phát triển sản xuất, từ đó giúp bà con có điều kiện vươn lên thoát nghèo bền vững, ông Nguyễn Hải Quân - Phó Chủ tịch UBND xã Thạnh Thới An cho biết.

           Với lợi thế là vùng chuyên canh trồng lúa, trong tổng số trên 4.000 ha đất nông nghiệp thì có 3.500 ha diện tích đất trồng lúa. Bên cạnh xây dựng các cánh đồng lúa mẫu lớn, trồng lúa đặc sản, chất lượng cao thì việc thực hiện nhiều mô hình hiệu quả như đưa cây màu xuống ruộng, trồng màu trên đất lúa cũng mang lại hiệu quả khả quan. Như hộ của ông Trần Uộn ở ấp Tắc Bướm, nhiều năm  nay ông quyết định thay lúa vụ 3 bằng cách đưa dưa hấu xuống chân ruộng trong vụ hè thu. Nhờ chủ động chuyển đổi cây trồng phù hợp trong bối cảnh khô hạn và mặn xâm nhập như hiện nay mà mô hình trồng dưa mùa hạn của ông đã mang lại kết quả khả quan. Vụ dưa này với 4 công cho năng suất 20 tấn trái, thu nhập gần 100 triệu đồng.

Mô hình trồng màu dưới ruộng lúa mang lại nguồn thu giúp nhiều hộ khó khăn vươn lên thoát nghèo. Ảnh: Phương Anh

            Ngoài ra, Thạnh Thới An còn chú trọng phát triển chăn nuôi, nhất là nuôi bò sữa, bò thịt. Hơn 5 năm qua, tại xã Thạnh Thới An cũng đã có hàng chục hộ thoát nghèo nhờ mô hình này, đến nay nó vẫn còn phát huy tác dụng tốt. Trong thời gian tới đây không chỉ là mô hình xóa nghèo đơn thuần nữa, mà còn là điều kiện hấp dẫn để nhiều hộ vươn lên khá giàu. Ngoài chăn nuôi bò sữa, bò thịt thì hiện nay mô hình nuôi trâu sinh sản cũng được rất nhiều hộ dân tại Thạnh Thới An thực hiện. Nhận thấy triển vọng của mô hình, địa phương cũng đã tổ chức nhiều lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật để bà con áp dụng vào sản xuất, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống vươn lên khá giàu. Hiện tổng đàn trâu của xã gần 100 con và trong tương lai sẽ còn tăng đàn.

            Hiện nay toàn xã có hơn 150 hộ nghèo, chiếm tỉ lệ trên 5%, theo kế hoạch từ đây đến cuối năm sẽ có 65 hộ thoát nghèo chiếm tỉ lệ 2,8%. Từ kết quả này cho thấy, công tác giảm nghèo bền vững trên địa bàn xã Thạnh Thới An tiếp tục được sự quan tâm chỉ đạo chặt chẽ của các cấp ủy, chính quyền, sự phối hợp của các ban ngành, đoàn thể bằng những việc làm cụ thể, thiết thực, giúp hộ nghèo cố gắng phấn đấu vươn lên thoát nghèo. Tin chắc rằng với quyết tâm, nỗ lực của chính quyền cùng sự chung sức đồng lòng của nhân dân, xã sẽ đạt tiêu chí hộ nghèo trong xây dựng NTM vào cuối năm nay.

Phương Anh



Thông báo
Báo cáo - thống kê
Videos

 

lượt truy cập
  • Tất cả: 81566947

Cơ quan chủ quản: UBND tỉnh Sóc Trăng - Điện thoại: 0299.3822339 - Fax: 0299.3820473 - Email: phonghanhchinh-soctrang@chinhphu.vn
Đơn vị quản lý: Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Sóc Trăng
Giấy phép số 01/GP-STTTT do Sở Thông tin và Truyền thông cấp ngày 22/9/2021.
Điện thoại Ban biên tập: 02993.626252 - Email: banbientap@soctrang.gov.vn
Địa chỉ: 56 Lê Duẩn - Phường 3 - Tp Sóc Trăng.
@ Ghi rõ nguồn "Cổng thông tin điện tử tỉnh Sóc Trăng" khi phát hành lại thông tin từ Cổng thông tin này.