Tác động của Dự án phát triển chăn nuôi bò đến quá trình chuyển đổi đất mía trên địa bàn huyện Cù Lao Dung
       Từng là vùng mía nguyên liệu lớn nhất tỉnh với diện tích canh tác mía hằng năm khoảng 6.000 ha, nhưng sau nhiều năm dài phải đối mặt với tình trạng “thất mùa, mất giá”, người dân Cù Lao Dung đã không còn mặn mà với loại cây trồng đã từng giúp nhiều hộ vươn lên khá giàu. Bên cạnh sự chủ động chuyển đổi sản xuất của nhiều nông dân, nhiều chương trình, dự án hỗ trợ đã được triển khai nhanh chóng nhằm giúp bà con Cù Lao tiếp cận được những mô hình cho lợi nhuận kinh tế ổn định hơn. Một trong những dự án có tác động tích cực cần phải kể đến là Dự án phát triển chăn nuôi bò thịt của tỉnh.

       Sau nhiều năm cố gắng bám trụ, đến khi cây mía đã thật sự không thể quay trở lại “thời hoàng kim” như nhiều năm về trước, anh Sơn Văn Thăng ở ấp Bình Danh B, xã An Thạnh Nhì, huyện Cù Lao Dung quyết định chuyển hẳn 6 công đất trồng mía sang trồng cỏ để nuôi bò. Nếu như thời gian đầu còn khá hồi hộp khi chuyển sang nuôi bò, thì nay anh Thăng đã trở thành một trong những hộ nuôi dày dặn kinh nghiệm ở xứ Cù Lao. Nhờ chịu khó học hỏi và áp dụng tốt những quy trình kỹ thuật thông qua các lớp tập huấn do Dự án phát triển chăn nuôi bò của tỉnh triển khai và được kỹ thuật viên dự án hỗ trợ thụ tinh nhân tạo trên bò mà từ 02 con bò cái ban đầu, đến nay chuồng bò của gia đình anh đã phát triển lên đến 10 con. Nhờ đầu tư nuôi bò sinh sản mà trung bình mỗi năm, gia đình lại có thể xuất bán từ 2 đến 3 con bò cao sản. Nguồn thu ổn định không chỉ giúp vợ chồng anh Thăng nhẹ lo chuyện học hành cho con cái mà còn có thể xây dựng ngôi nhà mới khang trang, kiên cố hơn. Anh Thăng phấn khởi chia sẻ: “Trồng mía đầu tư nhiều mà không có đồng lời nên mới quyết định trồng cỏ để nuôi bò. Nuôi bò mặc dù hơi chậm, nhưng cho thu nhập ổn định hơn. Vì nếu năm nay bò không có giá thì mình neo đến năm sau bán vẫn được, không còn phải sợ cảnh thua lỗ như cây mía”.

       Cũng ngán ngẫm sau nhiều năm dài thất bát vì cây mía; ngoài chuyển đổi đất mía để trồng cỏ nuôi bò, gia đình ông Thạch Ri ở ấp Võ Thành Văn, xã An Thạnh Nam còn mạnh dạn đầu tư thêm máy băm cắt cỏ, xây dựng hầm ủ biogas và sửa chữa chuồng trại kiên cố hơn để phát triển mô hình. Đúng như cách nói vui của ông Ri, chăn nuôi bò đã thật sự đã trở thành một mô hình “làm chơi ăn thật” khi từ vài con bò ban đầu, đến nay chuồng trại của gia đình đã phát triển lên đến 28 con. Hiện nay gia đình ông còn đang được dự án xem xét, hỗ trợ thực hiện nuôi vỗ béo để tăng thêm thu nhập. Ông Ri cho biết: “Nuôi con bò này mặc dù có hơi cực, nhưng kinh tế ổn định hơn so với lúc trồng mía, được dự án trang bị thêm kỹ thuật phòng bệnh rồi cách chăm sóc,... nên mình cũng có thêm kinh nghiệm để chăn nuôi cho hiệu quả hơn”.

Nhiều diện tích mía kém hiệu quả đã được nông dân Cù Lao Dung tận dụng để trồng cỏ nuôi bò

       Được triển khai từ năm 2018, Dự án phát triển chăn nuôi bò thịt đã thực hiện hỗ trợ được 40 con bò cái giống lai Sind cho những hộ có nhu cầu chuyển đổi tại các xã: An Thạnh Nhì, An Thạnh Ba, An Thạnh Nam, An Thạnh Đông. Hỗ trợ 368 kí hạt cỏ sả, 5 máy băm thái cỏ, 5 mô hình ủ phân compost, hỗ trợ thực hiện mô hình vỗ béo 11 con bò thịt, tổ chức 62 lớp tập huấn kĩ thuật và hỗ trợ duy trì phát triển 2 tổ hợp tác, 1 hợp tác xã (kinh phí mỗi tổ hợp tác, hợp tác xã là 20 triệu đồng). Dự án phát triển chăn nuôi bò đã tác động tích cực đến lĩnh vực chăn nuôi, đặc biệt là chăn nuôi bò của huyện. Nếu như trước khi triển khai dự án, tổng đàn bò trên toàn huyện là 1.450 con thì đến nay đã phát triển lên đến 1.910 con. Đàn bò đã có sự tăng trưởng cả về số lượng và chất lượng.

       Ông Đồ Văn Thừa – Phó trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cù Lao Dung thông tin thêm: “Bên cạnh Dự án phát triển chăn nuôi bò thịt của tỉnh, huyện cũng đã xây dựng chuỗi giá trị phát triển chăn nuôi bò sinh sản trên địa bàn huyện. Thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của huyện thì ngoài lĩnh vực trồng trọt hay nuôi trồng thủy sản, thì chăn nuôi bò thịt cũng là mô hình chuyển đổi mà huyện sẽ lựa chọn để giúp bà con xóa đói, giảm nghèo, giúp các hộ có điều kiện phát triển chăn nuôi bò theo hình thức gia trại, trang trại”.

       Toàn huyện Cù Lao Dung hiện có khoảng 40 ha diện tích trồng cỏ, trong đó có đến 15 ha được chuyển từ đất mía. Nếu như việc phá bỏ đất mía để trồng cỏ từng được xem là một cuộc đánh cược khi từ bỏ sinh kế vốn đã từng gắn bó hàng chục năm nay; thì chỉ sau 02 năm, cùng với sự hỗ trợ tích cực từ Dự án phát triển chăn nuôi bò thịt, người dân Cù Lao Dung đã khẳng định được quá trình chuyển đổi này là một “công cuộc cách mạng về nông nghiệp” với những hiệu quả đang được minh chứng một cách rõ rệt qua sự cải thiện về kinh tế của những nông dân đã từng phải lao đao vì cây mía. Không đơn thuần là tạo việc làm ổn định, tăng thêm thu nhập cho bà con nông dân; tác động quan trọng nhất từ dự án đến quá trình chuyển đổi đất mía là sự thay đổi về ý thức lao động của người dân.

Ngọc Thơ

Thông báo
Báo cáo - thống kê
Videos

 

lượt truy cập
  • Tất cả: 81399136

Cơ quan chủ quản: UBND tỉnh Sóc Trăng - Điện thoại: 0299.3822339 - Fax: 0299.3820473 - Email: phonghanhchinh-soctrang@chinhphu.vn
Đơn vị quản lý: Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Sóc Trăng
Giấy phép số 01/GP-STTTT do Sở Thông tin và Truyền thông cấp ngày 22/9/2021.
Điện thoại Ban biên tập: 02993.626252 - Email: banbientap@soctrang.gov.vn
Địa chỉ: 56 Lê Duẩn - Phường 3 - Tp Sóc Trăng.
@ Ghi rõ nguồn "Cổng thông tin điện tử tỉnh Sóc Trăng" khi phát hành lại thông tin từ Cổng thông tin này.