Đang thu hoạch cá thả nuôi trong mùa nước nổi, ông Nguyễn Văn Mùng, Khóm 3, Phường 2, thị xã Ngã Năm không giấu được sự phấn khởi. Trên diện tích 04 ha thả nuôi, ông thu về khoảng 2 tấn cá, cao hơn gần phân nửa so với năm ngoái. Trừ chi phí xong, gia đình thu nhập từ 40 – 50 triệu đồng. Ông Mùng đánh giá, năng suất cá năm nay thậm chí cao nhất trong hơn 10 năm ông làm nghề nuôi cá đăng quầng, cá lúa trong mùa nước nổi. “Năm nay nhờ con nước lớn, lượng thức ăn dồi dào nên cá lớn nhanh. Đến thời điểm này, mặc dù chưa bơm tát hết nhưng đã thu hoạch hơn 1,4 tấn cá các loại, cao hơn so với toàn vụ năm rồi 400kg” - ông Nguyễn Văn Mùng cho biết thêm.
Nghề nuôi cá đăng quầng được nhiều nông dân thị xã Ngã Năm thả nuôi vào mùa nước nổi hàng năm. Giống cá chủ yếu là cá chép, cá mè. Đây là mô hình chi phí đầu tư thấp, bởi thức ăn chủ yếu phụ thuộc vào môi trường tự nhiên, nhưng mang lại hiệu quả cao. Theo tính toán của nông dân, trung bình 1 ha thả nuôi, với chi phí cá giống và lưới đăng xung quanh ruộng chỉ khoảng 3 triệu đồng, sau 2 - 3 tháng mùa nước nổi, bà con có thể thu về từ 5 - 6 triệu đồng/ha sau khi trừ đi chi phí. Ngoài nguồn cá thả nuôi, người dân còn có nguồn thu từ cá tự nhiên như: cá lóc, cá trê vàng và nhiều loại cá đồng khác... Tổng chi phí cho một vụ thả nuôi mà nông dân thu về có thể lên đến trên 15 triệu đồng/ha.
Hiện thị xã Ngã Năm có hơn 2.250 ha đất thả nuôi cá lúa và cá đăng quầng trong mùa nước nổi. Mùa thu hoạch năm nay, nhờ cá lớn nhanh và lượng cá đồng tự nhiên nhiều nên thu nhập tăng hơn so với năm trước ước từ 20% trở lên. Tuy nhiên, thường thì vào thời điểm thu hoạch nhiều như hiện nay, giá cá đồng tương đối thấp nên nông dân chỉ bán khoảng 40% lượng cá. Số còn lại, bà con dự trữ trong ao chứa, sẽ thu hoạch những ngày gần Tết Nguyên đán bán với lợi nhuận cao hơn.
Ngành chuyên môn cùng chính quyền địa phương khảo sát diện tích thả nuôi cá lúa
Ngoài các loại cá đồng có giá trị kinh tế cao, một số loại cá có giá trị thấp hơn được bà con tận dụng làm khô hay làm cá mắm đem lại lợi nhuận rất khá. Đánh giá của ngành chức năng cho thấy, mô hình giúp nông dân giảm được mầm bệnh từ sản xuất lúa vụ trước và tăng độ phì nhiêu cho đất, giúp tiết kiệm chi phí sản xuất lúa cho vụ tiếp theo. Để mô hình mang lại hiệu quả cao nhất, ngành chức năng cũng khuyến cáo bà con nông dân khi thả nuôi cần chú ý một số giải pháp kỹ thuật như: ao chứa, bờ bao, thời gian thả cá và chọn giống cá phù hợp với nhu cầu thị trường.
Ông Nguyễn Văn Điện - Phó trưởng trạm phụ trách Trạm Khuyến nông thị xã Ngã Năm cho biết: “Để nuôi cá đăng quầng, cá lúa đạt hiệu quả, trước hết nông dân cần phải chọn giống cá thả nuôi có giá trị kinh tế, kế tiếp bà con khi nuôi phải có ao chứa cá và bờ bao vững chắc, thường xuyên bảo quản. Để phát triển mô hình trong thời gian tới, Trạm Khuyến nông tiếp tục tham mưu Phòng Kinh tế xây dựng mô hình tập trung ở những cánh đồng khép kín, trạm bơm điện và tăng cường các biện pháp hướng dẫn kỹ thuật nuôi cho bà con. Đồng thời, xây dựng một số sản phẩm từ cá đồng gắn với vùng nguyên liệu nuôi, giúp bà con tăng thu nhập”.
Với lợi thế là vùng trũng, Ngã Năm rất thích hợp với việc phát triển diện tích nuôi cá lúa và cá đăng quầng trên ruộng lúa. Chính quyền địa phương đang rất quan tâm quy hoạch phát triển mô hình, đồng thời hướng tới xây dựng một số sản phẩm đặc trưng gắn với thương hiệu cá đồng như: khô cá lóc đồng, cá sặc một nắng, chả cá mè… Từ đó, giúp nâng cao giá trị gia tăng trong sản xuất, đem lại thu nhập cao cho nông hộ.
Tuấn Phi