Ngồi chờ đến giờ lên tàu xuất phát đi Côn Đảo, anh Nguyễn Văn Nông ở xã Minh Diệu, huyện Hòa Bình (Bạc Liêu) chia sẻ với chúng tôi: Cha của anh là chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày và hy sinh ở nhà tù Côn Đảo. Trước đây muốn đi ra thăm và thắp hương lên phần mộ rất khó khăn, 3 đến 4 năm mới đi được 1 lần; giờ đây nhờ có chuyến tàu cao tốc Superdong, Express đi từ Trần Đề đến Côn Đảo chỉ mất gần 2 giờ là đến nơi. Vì vậy mỗi năm một lần, gia đình anh đều đi Côn Đảo một lần để tảo mộ và du lịch. Anh Nông tâm sự: “Gia đình tôi trước đây cũng thuê vuông nuôi tôm ở khu vực Mỏ Ó. Khi ấy, nơi này còn hoang vu lắm. Chỉ hơn 10 năm mà Trần Đề đã phát triển đến không ngờ. Hạ tầng giao thông, thương mại, dịch vụ phát triển không thua gì ở thành phố”. Còn theo một chủ doanh nghiệp có trụ sở tại TP. HCM chia sẻ: “Doanh nghiệp của chúng tôi nhận thấy tiềm năng phát triển của vùng biển Trần Đề nên đã đầu tư một xưởng sửa chữa, đóng tàu tại thị trấn Trần Đề để đóng tàu cho ngư dân đánh bắt xa bờ và phục vụ cho các công trình, dự án phát triển kinh tế biển”.
Theo đồng chí Nguyễn Hữu Đại - Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy Trần Đề: Thời điểm thành lập huyện, đời sống của người dân nơi đây chủ yếu là sản xuất nông nghiệp, khai thác đánh bắt và nuôi trồng thủy, hải sản. Sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, đời sống người dân gặp nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao, cơ sở hạ tầng yếu kém. Vượt qua những khó khăn của một huyện mới thành lập, được sự quan tâm hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh, Đảng bộ, chính quyền huyện Trần Đề đã bắt tay vào thực hiện ngay các nhiệm vụ trước mắt như hoạch định các chủ trương, kế hoạch phát triển kinh tế, nâng cao mức sống cho người dân. 10 năm qua, Đảng bộ, chính quyền huyện Trần Đề đã nỗ lực đưa kinh tế phát triển toàn diện với nhịp độ tăng trưởng nhanh, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Giá trị sản phẩm thu hoạch trên 01 ha đất trồng trọt và nuôi trồng thủy sản đạt 196 triệu đồng (tăng 56 triệu đồng so năm 2010). Kinh tế nông thôn phát triển theo hướng đa dạng hóa ngành nghề và chuyển dần từ thuần nông sang mở rộng ngành nghề phi nông nghiệp. Giá trị sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp đạt 3.500 tỷ đồng. Tỷ lệ hộ dân có điện sử dụng chiếm 99,7%, tỷ lệ hộ dân thành thị sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 100%, tỷ lệ hộ dân nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 97,8% (có 64,86% hộ sử dụng nước sạch).
Đặc biệt, sau 10 năm thành lập huyện, hạ tầng đô thị, nông thôn từng bước được cải thiện; hệ thống giao thông của Trần Đề phát triển toàn diện với 01 tuyến Quốc lộ Nam sông Hậu, 04 tuyến đường tỉnh: 933B, 934, 935, 936B đi qua, nối liền các huyện Long Phú, Mỹ Xuyên và thị xã Vĩnh Châu; 08 tuyến đường huyện, tổng chiều dài 93,4km; đường đô thị thuộc thị trấn Trần Đề, thị trấn Lịch Hội Thượng và 275 tuyến đường giao thông nông thôn xã liền xã, ấp liền ấp với tổng chiều dài 446,7km. Hệ thống thủy lợi, đê bao, kè ngăn mặn, chống sạt lở, phục vụ sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản. Đến cuối năm 2020, huyện Trần Đề có 05 xã đạt chuẩn nông thôn mới, thị trấn Trần Đề và thị trấn Lịch Hội Thượng đạt chuẩn văn minh đô thị. Lĩnh vực văn hóa, xã hội cũng đạt được nhiều tiến bộ mới, an sinh xã hội được đảm bảo, chất lượng cuộc sống của cộng đồng dân cư được tăng lên.
Trần Đề sẽ tiếp tục khai thác có hiệu quả tiềm năng, thế mạnh vùng ven biển
Định hướng phát triển trong thời gian tới, theo đồng chí Lưu Hữu Danh - Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Trần Đề: Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Trần Đề, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã xác định mục tiêu phát triển trong 5 năm tới là: Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của cấp ủy và các tổ chức Đảng, hiệu lực, hiệu quả của các cấp chính quyền. Tranh thủ tối đa cơ hội và điều kiện thuận lợi, chủ động khắc phục khó khăn; đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới, văn minh đô thị gắn với thực hiện có hiệu quả tái cơ cấu ngành nông nghiệp; đột phá về ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ; tích cực thu hút đầu tư, đẩy mạnh phát triển công nghiệp, dịch vụ, tăng thu ngân sách; nâng cao chất lượng lĩnh vực văn hóa, xã hội; tăng cường công tác bảo vệ môi trường; giữ vững ổn định chính trị, đảm bảo quốc phòng - an ninh. Phấn đấu xây dựng Trần Đề sớm trở thành huyện nông thôn mới và là đô thị loại IV.
Là huyện ven biển, hướng đến, Trần Đề sẽ tiếp tục khai thác có hiệu quả tiềm năng, thế mạnh vùng ven biển, thực hiện tốt chính sách hỗ trợ ngư dân đánh bắt xa bờ có hiệu quả và an toàn, góp phần bảo vệ, phát triển nguồn lợi thuỷ sản và đảm bảo an ninh, an toàn chủ quyền vùng biển; đầu tư mở rộng Cảng cá Trần Đề (giai đoạn 2); phát triển nuôi thuỷ, hải sản theo hướng công nghiệp, ứng dụng công nghệ cao gắn với chế biến, xuất khẩu; đẩy mạnh phát triển năng lượng tái tạo, thương mại, dịch vụ và du lịch, góp phần chuyển dịch cơ cấu, phát triển kinh tế - xã hội. Bên cạnh phát triển nuôi trồng thủy sản, với lợi thế có 12km bờ biển, hàng loạt các dự án trọng điểm của quốc gia đang được dự tính đầu tư trên địa bàn huyện Trần Đề như: Cảng biển nước sâu Trần Đề, điểm cuối đường cao tốc, đường quốc phòng, đường ven biển cùng với hàng loạt dự án điện gió, điện mặt trời sẽ là cơ hội để huyện Trần Đề tăng tốc phát triển trong tương lai gần.
Một mùa xuân mới đã về, hòa trong không khí hân hoan của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân mừng Đảng, mừng Xuân, tự hào với những thành tựu đạt được qua 10 năm hình thành và phát triển; Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân huyện Trần Đề tự tin bước vào giai đoạn mới, đoàn kết một lòng, quyết tâm vượt qua khó khăn và thách thức, tiếp tục phát huy nội lực, khai thác mọi tiềm năng lợi thế để xây dựng quê hương Trần Đề phát triển nhanh, bền vững.
QUỐC KIÊN