Lượt xem: 96
Độc đáo Lễ Sen Đôl ta, bản sắc văn hóa báo hiếu của đồng bào Khmer
 Theo truyền thống hàng năm, cứ đến cuối tháng 8 (âm lịch), hầu hết gia đình đồng bào dân tộc Khmer rộn ràng tổ chức lễ Sene Đôl Ta, lễ hội mang đậm nét bản sắc văn hóa của dân tộc mình.
         Theo tiếng Khmer, từ “Sene” có nghĩa là cúng; còn “Đôl” có nghĩa là bà; “Ta” nghĩa là ông. Lễ Sene Đôl Ta của đồng bào Khmer có ý nghĩa như lễ Vu lan báo hiếu, thể hiện tấm lòng thành kính với ông bà, tổ tiên đã khuất. Dịp lễ này luôn được bà con chuẩn bị hết sức chu đáo. Thông thường, mỗi gia đình sẽ cử 1 hoặc 2 thành viên đến hỗ trợ nhà chùa làm những công việc để chuẩn bị cho ngày lễ. Các gia đình cũng tranh thủ dọn dẹp nhà cửa, bàn thờ và chuẩn bị nhiều món ăn truyền thống để dâng cúng ông bà, tổ tiên; tùy theo điều kiện kinh tế của từng gia đình, mỗi người sẽ có cách chuẩn bị khác nhau, nhưng lễ vật thường có điểm chung, đều là những món ăn bình dị, gần gũi mang đặc trưng của bà con Khmer trong từng phum sóc. Theo lễ nghi truyền thống, lễ Sene Đôl Ta thường được tổ chức trong thời gian nữa tháng, với 04 nghi thức chính: Lễ Đặt cơm vắt, người Khmer gọi là “Bos bay Banh”; lễ cúng ông bà “Sene Đôl Ta”; lễ rước ông bà “Phchum Banh” và lễ đưa tiễn ông bà “Chuôl Đôl Ta”. Tuy nhiên ngày nay, lễ hội được diễn ra trong 03 ngày (từ 29/8 đến mùng 1/9 ÂL), với nhiều thay đổi để phù hợp với cuộc sống hiện đại, nhưng vẫn giữ được nét truyền thống vốn có.
           Lễ Sene Đôl Ta, đã từ lâu được xem là một trong những lễ hội truyền thống mang đậm bản sắc văn hóa của người Khmer Nam bộ nói chung, đồng bào Khmer huyện Long Phú (Sóc Trăng) nói riêng, được lưu giữ qua nhiều thế hệ. Lễ Sene Đôl Ta, được bắt nguồn từ tín ngưỡng xa xưa của đồng bào tại các phum, sóc Khmer, trước khi Phật giáo Nam tông du nhập Miền nam Việt Nam. Long Phú, xưa kia cũng là vùng đất ngập nước, cư dân thường di chuyển bằng ghe, xuồng và sinh sống chủ yếu bằng nghề nông, trồng lúa nước. Trong truyền thống canh tác lúa mùa trước đây, bà con bắt đầu xuống giống từ đầu năm, khi bắt đầu mùa mưa (theo Khmer lịch) cho đến khi mùa Đôl Ta đến, cũng là lúc hoàn thành mùa gieo cấy. Rảnh tay khỏi việc đồng áng; đồng bào Khmer thường xuyên gặp gỡ, thăm hỏi ông bà, cha mẹ ở xa và dâng tặng những món quà quê (cây nhà, lá vườn) như, bánh trái, hoa quả, …. Theo vị Achar Thạch Thương, người có uy tín trong đồng bào Khmer xã Tân Hưng, huyện Long Phú, lễ Sene Đôl Ta năm nay, diễn ra vào ngày 29, 30 tháng 8 và mùng 1 tháng 9 (ÂL), tức là vào các ngày 1, 2, 3 tháng 10 năm 2024. Với 03 lễ chính gồm: Cúng rước ông bà; đưa ông bà vào chùa và tiễn ông bà. Các lễ vật cúng gồm các món ăn mặn, bánh trái sẵn có theo mùa ở địa phương. Trong đó, đặc biệt là mâm cỗ Sene Đôl Ta của hộ đồng bào Khmer. Dù giàu hay nghèo, đều không thể thiếu được nhang đèn, hoa quả, trầu cau, ly nước lạnh, tách trà, ly rượu, …

Đồng bào Khmer thực hiện nghị thức lễ Sene Đôl Ta tại gia đình

          Ở Long Phú, theo thông lệ hằng năm, cứ mỗi dịp lễ Sene Đôl Ta cổ truyền của đồng bào Khmer, Huyện ủy, Hội đồng nhân dân, UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện, tổ chức họp mặt mừng lễ Sene Đôl Ta của đồng bào Khmer, nhằm gặp gỡ, trao đổi, chia sẻ, chúc mừng cán bộ, công chức, viên chức, chức sắc, sư sãi, gia đình chính sách, cán bộ hưu trí, người có uy tín là đồng bào dân tộc Khmer về họp mặt nhân dịp này. Đồng thời còn tổ chức nhiều đoàn đến thăm hỏi, tặng quà cho các điểm chùa; đến chúc mừng, thăm hỏi, chung vui cùng gia đình cán bộ hưu trí, chức sắc, người có uy tín và tặng quà cho hộ nghèo là đồng bào Khmer trên địa bàn huyện. Cũng trong dịp lễ Sene Đôl Ta cổ truyền, Trung tâm Văn hóa – Thể thao – Truyền thanh huyện Long Phú, tổ chức hội thi tiếng hát Khmer, tổ chức giải thi đấu bi sắt (chào mừng lễ Sene Đôl Ta”, phối hợp cùng chính quyền địa phương, các vị trụ trì, Ban quản trị các điểm chùa, tổ chức các trò chơi dân gian, thi đấu thể thao, tổ chức đêm giao lưu văn hóa, văn nghệ, tạo sinh khí vui tươi, phấn khởi trong 03 ngày diễn ra lễ Sene Đôl Ta của đồng bào. Được biết, những ngày này, hầu hết các địa phương có đông đồng bào Khmer sinh sống như: Thị trấn Long Phú, xã Long Phú, xã Tân Hưng, xã Trường Khánh, không khí rộn ràng đến tận các phum sóc; đồng bào Khmer tổ chức lễ Sene Đôl Ta, với tinh thần phấn khởi, đoàn kết, tiết kiệm và an toàn.
          Nét độc đáo trong 03 ngày lễ Sene Đôl Ta của đồng bào Khmer Long Phú, ngoài cúng ở nhà, mọi nghi thức quan trọng đều diễn ra tại chùa. Dưới mái chùa chung của cả phum, sóc, mọi người đều hướng lòng thành kính về Đức Phật; tưởng nhớ đến ông bà, tổ tiên và đặt hy vọng vào những điều tốt đẹp. Điều đặc biệt hơn, trong 03 ngày lễ, không kể người đó là cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, hay chức sắc, phật tử, tôn giáo, dân tộc, … đều đến khuôn viên chùa tham dự và cùng chung vui với nhiều tiết mục văn nghệ, trò chơi dân gian, tạo nên một không khí vui tươi, phấn khởi, đoàn kết, mang đậm bản sắc văn hóa vốn có của địa phương.
tin và ảnh: Sóc Ca

 

 

video
  • 10 SỰ KIỆN VĂN HÓA, THỂ THAO VÀ DU LỊCH TIÊU BIỂU NĂM 2023 (15/01/2024)
  • Biểu diễn giao lưu nhạc Qawwali Ấn Độ tại Sóc Trăng (14/08/2023)
1 
Thống kê truy cập
  • Đang online: 52
  • Hôm nay: 1547
  • Trong tuần: 14 173
  • Tất cả: 1023999
Cơ quan chủ quản: Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Sóc Trăng
Địa chỉ liên hệ: 50 Lê Duẩn, TP. Sóc Trăng, Tỉnh Sóc Trăng 
Điện thoại: (02993) 821704 Fax: (02993) 825702 Email: sovhttdl@soctrang.gov.vn
Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp trên internet
Số: 03/GP-TTĐT ngày 13/01/2010 do Cục quản lý Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử Bộ Thông tin và Truyền thông cấp
@ Ghi rõ nguồn "Cổng thông tin điện tử Sở VHTTDL tỉnh Sóc Trăng" khi phát hành lại thông tin từ Cổng thông tin này.