Nâng cao giá trị sản phẩm chủ lực của tỉnh
      Tại kỳ họp thứ 12, có 72 lượt ý kiến, kiến nghị của cử tri trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa - xã hội, quốc phòng - an ninh, lãnh đạo UBND tỉnh và các sở ngành liên quan đã trực tiếp trả lời tại phiên chất vấn về trách nhiệm lãnh đạo, quản lý, điều hành và triển khai thực hiện.

      Liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn, đồng chí Lê Văn Hiểu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, để có giải pháp chủ động giúp nông dân, tổ hợp tác, hợp tác xã liên kết với doanh nghiệp trong sản xuất và tiêu thụ nông sản, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các sở ngành, địa phương thực hiện tốt đề án cho các sản phẩm chủ lực của tỉnh như lúa, tôm, hành tím, cây ăn trái…, nhằm nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Đặc biệt, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã và đang triển khai thực hiện nhiều chương trình, dự án, đề án như: Đề án phát triển lúa đặc sản; đề án đổi mới, phát triển các hình thức tổ chức kinh tế hợp tác trong nông nghiệp, giai đoạn 2015 - 2020; dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững (VnSAT); dự án phát triển cây ăn trái đặc sản; dự án phát triển đàn bò thịt, bò sữa…


      Đối với kiến nghị hỗ trợ tập huấn kỹ thuật, lựa chọn vật nuôi, cây trồng thay thế hành tím, thông báo lịch thời vụ để nông dân chủ động sản xuất, đồng chí Lê Văn Hiểu cho biết, Vĩnh Châu là thị xã ven biển phát triển nông nghiệp chủ yếu là nuôi trồng thủy sản và rau màu; trong đó, diện tích hành tím khoảng 6.000 ha, đây là loại cây truyền thống và là đặc sản của tỉnh được nhiều người tiêu dùng trong, ngoài nước biết đến. Để đa dạng hóa sản phẩm từ hành tím, thị xã Vĩnh Châu đã phối hợp với Trường Đại học Cần Thơ thực hiện dự án nghiên cứu sản xuất các sản phẩm, hành tím có thể được chế biến thành 7 loại sản phẩm: Hành tím tươi lột sẵn, hành tím sấy, hành phi, bột hành tím, mứt hành tím, hành tím muối chua, nước uống hành tím (kết hợp với chanh dây hoặc trà xanh, táo). Vĩnh Châu là vùng đất phù hợp để trồng hành tím nên cần duy trì diện tích trồng, UBND tỉnh sẽ tập trung chỉ đạo để ổn định đầu ra, hạn chế thấp nhất thiệt hại cho nông dân.


      Trả lời kiến nghị của cử tri liên quan đến công tác thiếu giáo viên mầm non, đồng chí Nguyễn Thị Tuyết Hà - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết, hiện tại toàn tỉnh có hơn 1.400 lớp mầm non (kể cả 1 buổi và 2 buổi), nhu cầu tối thiểu giáo viên để đứng lớp là 2.658 người nhưng số giáo viên hiện có chỉ 2.379 người. Tuy còn thiếu biên chế nhưng Sở Giáo dục và Đào tạo luôn cố gắng điều phối để đảm bảo được số lượng giáo viên đứng lớp. Nghề giáo viên mầm non là một trong những ngành nghề vất vả nhưng thu nhập không cao nên về lâu dài cần có giải pháp để đảm bảo đủ số lượng giáo viên cho bậc học này. Đối với công tác quản lý dạy thêm và học thêm, đồng chí Nguyễn Thị Tuyết Hà thừa nhận chậm khắc phục nhưng sở đã cố gắng kiểm soát bằng nhiều hình thức. Sở đã ban hành ít nhất 5 văn bản để chấn chỉnh, xử lý tình trạng dạy thêm trong giáo viên, trong đó nhiều nhất là địa bàn thành phố Sóc Trăng. 


Đồng chí Trần Văn Chuyện - Chủ tịch UBND tỉnh trả lời kiến nghị của cử tri và trả lời chất vấn của đại biểu HĐND tỉnh.

      Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn, đồng chí Trần Quốc Thống - Giám đốc Sở Giao thông và Vận tải đã trả lời những vấn đề liên quan đến công tác đảm bảo an toàn giao thông tuyến Quốc lộ 1A, tình trạng lấn chiếm lộ giới, mua bán lấn chiếm hai bên đường, trên cầu làm mất mỹ quan, an ninh trật tự. Hướng khắc phục tuyến đường 931, 933B, 937B, 939B bị hư hỏng, sạt lở, xuống cấp…

      Đồng chí Huỳnh Minh Hải - Giám đốc Công ty Điện lực Sóc Trăng cũng trả lời kiến nghị cử tri về đầu tư đường dây trung thế các ấp Trà Do, ấp Kiết Lợi, ấp Kiết Thắng của xã Lâm Kiết (Thạnh Trị) chiều dài khoảng 4 km để phục vụ vùng chuyên canh màu. Giải quyết tình trạng các đơn vị cung cấp điện và các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông kéo dây chằng chịt, gây mất an toàn. Tiếp tục đầu tư nâng cấp hạ tầng lưới điện, phục vụ cho sản xuất và sinh hoạt của nhân dân và cung cấp, hỗ trợ điện 3 pha phục vụ nuôi tôm trên địa bàn thị xã Vĩnh Châu.

      Đối với kiến nghị của cử tri và đại biểu HĐND tỉnh về việc bố trí vốn đầu tư các công trình, đồng chí Trần Văn Chuyện - Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, thời gian qua, tỉnh đã cân đối nhiều nguồn lực và đã bố trí vốn để triển khai đầu tư hoàn thành một số công trình bức xúc, quan trọng như: Mở rộng đường Lê Hồng Phong; cải tạo và nâng cấp hệ thống thủy lợi phục vụ nuôi trồng thủy sản (Cù Lao Dung); xây dựng đê bao chống ngập úng vùng trũng thị xã Ngã Năm; xây dựng Trường THPT Dân tộc Nội trú Trần Đề và các trường tiểu học, mẫu giáo trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố... Bên cạnh đó, một số dự án quan trọng cũng đang triển khai như: Bệnh viện Chuyên khoa Sản Nhi; tuyến đê bao ngăn mặn và đường phục vụ an ninh - quốc phòng, ứng cứu tàu thuyền vùng biển huyện Trần Đề; Bệnh viện Đa khoa huyện Châu Thành; Bệnh viện Đa khoa huyện Cù Lao Dung; tuyến đường trục phát triển kinh tế từ thành phố Sóc Trăng qua cầu Dù Tho đến vùng kinh tế trọng điểm tôm - lúa... Khi các dự án này hoàn thành sẽ góp phần quan trọng trong phục vụ sản xuất, kêu gọi đầu tư, đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao đời sống của người dân và tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

      Ngoài ra, UBND tỉnh đã kiến nghị Trung ương phân bổ vốn dự phòng trung hạn của ngân sách Trung ương để đầu tư một số dự án bức xúc. Đồng thời, tại kỳ họp này, UBND tỉnh đã trình HĐND tỉnh phân bổ dự phòng trung hạn thuộc nguồn vốn ngân sách địa phương quản lý với tổng số vốn là 660,886 tỉ đồng. Phần vốn này chủ yếu tập trung đầu tư các dự án trường học, đường giao thông nông thôn, trạm y tế... để phấn đấu đến năm 2020 có 40 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Đối với các công trình, dự án bức xúc khác mà đại biểu và bà con cử tri kiến nghị, UBND tỉnh xin ghi nhận và giao cơ quan tham mưu, tổng hợp nhu cầu để khi có điều kiện về vốn sẽ bố trí thực hiện.

      Năm 2019 có ý nghĩa rất quan trọng, đây là năm phải tăng tốc để chuẩn bị hoàn thành kế hoạch 5 năm và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh. Do đó, UBND tỉnh sẽ tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp để đẩy mạnh phát triển nông nghiệp, nông thôn theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững; tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, thúc đẩy sản xuất kinh doanh; tăng cường quản lý ngân sách nhà nước, đẩy nhanh tiến độ giải ngân và nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công; quan tâm phát triển văn hóa, giáo dục, chủ động phòng chống dịch bệnh; bảo đảm an sinh xã hội, cải thiện đời sống nhân dân; tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường; giữ vững an ninh chính trị, đảm bảo trật tự an toàn xã hội và nâng cao hiệu quả cải cách hành chính.

      Đồng chí Trần Văn Chuyện nhấn mạnh, UBND tỉnh sẽ nỗ lực hết sức mình, hành động khẩn trương, quyết liệt cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân phấn đấu đạt kết quả cao nhất trong năm 2019. Rất mong đại biểu HĐND tỉnh tiếp tục ủng hộ, giám sát chặt chẽ, tạo điều kiện thuận lợi để UBND tỉnh chỉ đạo, điều hành thắng lợi, đạt và vượt chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2019, góp phần thực hiện thắng lợi kế hoạch 5 năm và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh.
Ngọc Diễm

Thông báo
Báo cáo - thống kê
Videos

 

lượt truy cập
  • Tất cả: 81252378

Cơ quan chủ quản: UBND tỉnh Sóc Trăng - Điện thoại: 0299.3822339 - Fax: 0299.3820473 - Email: phonghanhchinh-soctrang@chinhphu.vn
Đơn vị quản lý: Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Sóc Trăng
Giấy phép số 01/GP-STTTT do Sở Thông tin và Truyền thông cấp ngày 22/9/2021.
Điện thoại Ban biên tập: 02993.626252 - Email: banbientap@soctrang.gov.vn
Địa chỉ: 56 Lê Duẩn - Phường 3 - Tp Sóc Trăng.
@ Ghi rõ nguồn "Cổng thông tin điện tử tỉnh Sóc Trăng" khi phát hành lại thông tin từ Cổng thông tin này.