Sóc Trăng: Triển khai thực hiện Chỉ thị 44 của Ban Bí thư về công tác nhân quyền qua 08 năm nhìn lại
      Quyền con người là thành quả phát triển lâu dài của lịch sử nhân loại, là giá trị chung của các dân tộc, được ghi nhận và bảo vệ bằng luật pháp quốc tế như Hiến chương Liên Hợp quốc năm1945, Tuyên ngôn Nhân quyền năm 1948 và hai Công ước về quyền con người năm 1966 (Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, văn hóa, xã hội và Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị). Đối với vấn đề này, quan điểm và chính sách nhất quán của Đảng và Nhà nước ta trong suốt các thời kỳ lịch sử là tôn trọng và bảo đảm quyền con người; quyền con người là quan điểm, nội dung xuyên suốt trong toàn bộ Hiến pháp năm 2013. Tại Điều 2 Hiến pháp khẳng định “Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam do nhân dân làm chủ, tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân…”. Đặc biệt, Hiến pháp đã dành riêng Chương II để quy định về “quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân”. 
      Để đảm bảo tốt hơn quyền con người, ngày 20/7/2010, Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị 44-CT/TW về công tác nhân quyền trong tình hình mới là cơ sở quan trọng bảo đảm thực hiện quyền con người ở nước ta. Quán triệt Chỉ thị số 44-CT/TW, ngày 20/7/2010 của Ban Bí thư về công tác nhân quyền trong tình hình mới, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã ban hành Chương trình hành động, Kế hoạch triển khai thực hiện. Đồng thời, thành lập Ban Chỉ đạo nhân quyền tỉnh do đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng Ban, thành viên là lãnh đạo 09 Sở, ban ngành; Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo được đặt tại Công an tỉnh.

      Qua 08 năm thực hiện Chỉ thị 44 của Ban Bí thư, công tác nhân quyền đã đạt được những kết quả quan trọng. Các quyền cơ bản của công dân được đảm bảo và phát huy; dân chủ trong xã hội được mở rộng; đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân ngày càng được cải thiện, nâng cao. Tỉnh ủy, UBND tỉnh quan tâm lãnh đạo thực hiện tốt các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước về phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, kêu gọi, thu hút đầu tư nhằm huy động các nguồn lực phát triển kinh tế tại địa phương (từ năm 2010 đến nay, bình quân mỗi năm tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt khoảng 9,5%, riêng 09 tháng đầu năm 2018 đạt 9,72%). Ngoài ra, công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm luôn được các ngành, các cấp quan tâm thực hiện, trong 08 năm tỉnh đã tuyển mới dạy nghề và giải quyết việc làm cho hơn 100 nghìn lao động, trong đó quan tâm đào tạo nguồn để xuất khẩu lao động sang các thị trường nước ngoài…. góp phần từng bước cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, cũng như đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân, tạo nền tảng cơ bản, vững chắc cho công tác đấu tranh về nhân quyền.

      Trên lĩnh vực dân tộc, hàng năm tỉnh đã phê duyệt kinh phí đầu tư trên 100 tỷ đồng để triển khai thực hiện các chương trình đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, hỗ trợ phát triển sản xuất cho các xã, ấp đặc biệt khó khăn, tạo cơ hội và điều kiện thuận lợi để các dân tộc thiếu số ngày càng phát triển ngang tầm với các dân tộc khác trên địa bàn. Các lễ hội được tổ chức long trọng, quy mô hơn, đặc biệt Lễ hội Oóc Om Bóc - Đua ghe Ngo được công nhận là di sản văn hóa cấp quốc gia, tổ chức 02 năm một lần Festival cấp khu vực; các dịp lễ, tết của đồng bào Khmer được tổ chức truyền hình trực tiếp tại một số điểm chùa tạo sinh khí phấn khởi chung trong toàn tỉnh.




Các hoạt động kêu gọi, xúc tiến đầu tư, đảm bảo quyền con người trên lĩnh vực văn hóa, xã hội, an ninh trật tự

      Trên lĩnh vực tôn giáo, các hoạt động, lễ hội tôn giáo, tín ngưỡng dân gian đều được tổ chức ngày càng quy mô và long trọng hơn, thu hút đông đảo quần chúng tín đồ tham gia. Các tổ chức tôn giáo tập trung củng cố tổ chức, mở các lớp giáo lý, thuyết pháp, bồi dưỡng trụ trì, hợp thức hoá giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, xây dựng, tu sửa cơ sở thờ tự ..., đời sống vật chất, tinh thần của số đông đồng bào có đạo được nâng lên, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội vùng đồng bào tôn giáo được tăng cường, lòng tin của chức sắc, tín đồ được củng cố, tạo được sự đồng thuận, nhất trí với chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

      Đối với nhóm đối tượng dễ bị tổn thương, UBND tỉnh đã chỉ đạo các Sở ngành chức năng triển khai thực hiện tốt các chính sách theo quy định, nhất là triển khai các hoạt động vì sự tiến bộ của phụ nữ và bình đẳng giới; các hoạt động vì sự phát triển của trẻ em, xem đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng để thực hiện công tác bảo vệ nhân quyền của tỉnh. Ngoài ra, công tác chăm lo đời sống cho gia đình chính sách và xóa đói giảm nghèo luôn được các cấp, các ngành quan tâm thực hiện, từng bước nâng cao chất lượng đời sống vật chất, tinh thần cho người dân. 

      Trên lĩnh vực xây dựng và hoàn thiện pháp luật, Sở Tư pháp tham mưu thực hiện tốt chức năng hướng dẫn, thẩm định, góp ý dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, góp phần hoàn thiện hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật, khắc phục kịp thời các sơ hở, thiếu sót không để các thế lực thù địch lợi dụng vu cáo ta vi phạm dân chủ, nhân quyền. Ngoài ra, công tác cải cách thủ tục hành chính cũng được các Sở, ban ngành tăng cường triển khai thực hiện. Riêng đối với Công an tỉnh, trong năm 2018 đã nỗ lực rút ngắn thời gian giải quyết các thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền so với quy định của pháp luật trên lĩnh vực quản lý hành chính nhà nước về trật tự xã hội và phòng cháy chữa cháy (có thủ tục rút ngắn thời gian giải quyết trong vòng 01 ngày như đổi, cấp lại giấy chứng nhận đăng ký mẫu dấu...); góp phần đảm bảo ngày càng tốt hơn các quyền, lợi ích hợp pháp của người dân trên lĩnh vực an ninh trật tự.

      Bên cạnh đó, xác định công tác tuyên truyền là một trong những nhiệm vụ quan trọng để định hướng dư luận, phản bác các luận điệu sai trái của các thế lực thù địch, ngày 11/10/2013 Ban Chỉ đạo về nhân quyền tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 07/KH.BCĐ-UBND triển khai thực hiện công tác thông tin tuyên truyền thành tựu bảo đảm quyền con người trên địa bàn tỉnh. Từ đó, công tác tuyên truyền về nhân quyền được tăng cường, đẩy mạnh hơn với vai trò nòng cốt của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Sở Thông tin - Truyền thông; tập trung tuyên truyền về thành tựu phát triển kinh tế, xã hội, chính sách bảo đảm thực hiện quyền con người…, đấu tranh, phản bác các luận điệu xuyên tạc về dân chủ nhân quyền. Đặc biệt, đối với các vụ việc phức tạp, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã phối hợp các ban ngành tổ chức nhiều cuộc tuyên truyền cho hàng nghìn lượt người dân nhằm vạch rõ những sai phạm của số đối tượng chống đối, giúp quần chúng nhân dân, đặc biệt là sư sãi, BQT, bà con phật tử hiểu, ủng hộ chủ trương xử lý của ta.

      Bên cạnh công tác bảo đảm quyền con người, công tác đấu tranh về nhân quyền cũng được thực hiện hiệu quả. Xác định quyền con người là một trong những vấn đề quan trọng được các thế lực thù địch triệt để lợi dụng để tiến hành các hoạt động chống phá, nằm trong chiến lược “diễn biến hòa bình” nhằm mục đích phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc, kích động gây mất an ninh chính trị, tiến tới xoá bỏ chế độ XHCN ở nước ta. Để phòng ngừa, đấu tranh làm thất bại âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch trên lĩnh vực này, thời gian qua, Công an tỉnh đã chủ động nắm tình hình, đảm bảo an ninh trên tất cả các lĩnh vực, nhất là trên lĩnh vực tôn giáo, dân tộc, tranh chấp khiếu kiện, an ninh thông tin... kịp thời phát hiện, tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương giải quyết hiệu quả các vụ việc phức tạp ngay tại cơ sở. Triển khai các biện pháp quản lý chặt địa bàn, đối tượng trọng điểm; mở các đợt tấn công trấn áp tội phạm, tăng cường tuần tra đảm bảo trật tự an toàn giao thông; xây dựng và phát động phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ, góp phần phòng ngừa, đấu tranh với hoạt động chống phá trên lĩnh vực dân chủ, nhân quyền, giữ vững an ninh - trật tự, tạo môi trường thuận lợi cho việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và đảm bảo ngày càng tốt hơn các quyền cơ bản của người dân. 

      Nhìn lại 08 năm triển khai thực hiện Chỉ thị 44 của Ban Bí thư, công tác nhân quyền của Sóc Trăng đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Những kết quả nêu trên thể hiện sự quan tâm chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương đối với công tác bảo vệ và đấu tranh nhân quyền. Thời gian tới, với truyền thống đoàn kết dân tộc, Đảng bộ, quân và dân tỉnh nhà tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, huy động mọi nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, đảm bảo các quyền cơ bản của người dân, góp phần xây dựng một nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh./.
                                                                                                                         Việt Triều

Thông báo
Báo cáo - thống kê
Videos

 

lượt truy cập
  • Tất cả: 81256266

Cơ quan chủ quản: UBND tỉnh Sóc Trăng - Điện thoại: 0299.3822339 - Fax: 0299.3820473 - Email: phonghanhchinh-soctrang@chinhphu.vn
Đơn vị quản lý: Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Sóc Trăng
Giấy phép số 01/GP-STTTT do Sở Thông tin và Truyền thông cấp ngày 22/9/2021.
Điện thoại Ban biên tập: 02993.626252 - Email: banbientap@soctrang.gov.vn
Địa chỉ: 56 Lê Duẩn - Phường 3 - Tp Sóc Trăng.
@ Ghi rõ nguồn "Cổng thông tin điện tử tỉnh Sóc Trăng" khi phát hành lại thông tin từ Cổng thông tin này.