Sóc Trăng nỗ lực phòng chống thiên tai
        Được xác định là 1 trong 7 tỉnh dễ bị tác động bởi biến đổi khí hậu, nên bên cạnh những ảnh hưởng từ hạn hán, xâm nhập mặn, Sóc Trăng còn là địa phương thường xuyên phải gánh chịu  những ảnh hưởng trực tiếp đối với các tình huống thiên tai khác nhau như sạt lở bờ sông hay đê biển. Cũng chính vì bất lợi này, trong những năm qua tỉnh đã có nhiều nỗ lực trong công tác phòng chống thiên tai nhằm hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại về người và tài sản.

       Là tỉnh tiếp giáp với biển Đông, Sóc Trăng có chiều dài bờ biển hơn 72 km với 3 cửa sông lớn thông ra biển là Mỹ Thanh, Trần Đề và Định An. Đây là lợi thế để phát triển kinh tế biển, nhưng cũng là một áp lực lớn đối với tỉnh trong vấn đề phòng chống thiên tai. Ảnh hưởng từ biến đổi khí hậu và những tác động từ thượng nguồn sông Mê Kông thường xuyên gây thiếu hụt lượng phù sa bồi lắng cuối nguồn, cùng với hiện tượng biến đổi dòng chảy xảy ra khiến tình hình sạt lở bờ sông, bờ biển trên địa bàn tỉnh trở nên phức tạp hơn theo từng năm.

       Tại Sóc Trăng, tuyến đê biển thuộc TX.Vĩnh Châu với chiều dài gần 50 km có đến 8 điểm thường xuyên bị xói mòn, tác động đến thân đê tạo thành nhiều điểm xung yếu gây ra hiện tượng sạt lở. Sự thay đổi dòng chảy, gió chuyển hướng theo mùa sẽ tạo sóng tác động trực tiếp đến đê biển nên công tác bảo vệ, gia cố rất được tỉnh quan tâm. Từ năm 2019, tỉnh Sóc Trăng cũng đã triển khai Dự án đầu tư xây dựng công trình nâng cấp đê biển kết hợp xây dựng hệ thống ngăn mặn từ cầu Mỹ Thanh 2 đến ranh tỉnh Bạc Liêu với tổng kinh phí hơn 263 nghìn tỷ đồng. Dự án khi hoàn thành sẽ góp phần cứng hóa thân đê, ngăn triều cường, nước biển dâng; bảo vệ khoảng 85.000 người dân sinh sống ven biển cùng hàng nghìn ha đất sản xuất nông nghiệp. Anh Trần Văn Hồng - Công ty cổ phần Xây dựng công trình Hồng Lâm là đơn vị thi công dự án, thông tin thêm: “Đây là các đoạn kè rất xung yếu và hay bị sạt lở, mỗi khi con nước lớn trong tháng thường gây sạt lở sâu vào bờ và nhà thầu nhiều lần phải gia cố bằng các biện pháp như đóng cửa trạm hoặc đổ đất ra để gia cố. Hiện nay nhà thầu đã hoàn thành đoạn kè số 8 giáp ranh Bạc Liêu và hiện đang gấp rút triển khai các đoạn kè số 6 và số 7”.

Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn khảo sát tiến độ thi công Dự án đê biển Vĩnh Châu.

        Ngoài ra, tỉnh Sóc Trăng còn ghi nhận gần 30.000 mét đê xung yếu, dễ bị sạt lở ở các huyện: Long Phú, Trần Đề, Cù Lao Dung và Kế Sách. Nhiều dự án khắc phục khẩn cấp tại những địa phương này cũng đã được triển khai như: Dự án khắc phục sạt lở bờ sông trên địa bàn huyện Cù Lao Dung; Dự án khắc phục sạt lở bờ sông trên địa bàn huyện Kế Sách; khắc phục sạt lở bờ sông Rạch Vọp (đoạn qua khu vực chợ Cầu Lộ, xã Thới An Hội, huyện Kế Sách); Dự án xử lí khẩn cấp sạt lở bờ sông đặc biệt nguy hiểm đoạn Sông Hậu, đoạn sông Saintard (thị trấn Đại Ngãi) và đoạn Rạch Mọp, xã Song Phụng thuộc huyện Long Phú). Hiện nay ngành Nông nghiệp cùng với các ban ngành trong tỉnh đang thực hiện duy tu, bảo dưỡng các tuyến đê còn lại, đảm bảo không bị động trong mùa mưa bão sắp tới. Làm sao để tất cả các tuyến đê biển trên địa bàn tỉnh đều có đủ khả năng đối phó với các tình huống thiên tai có thể xảy ra. Ông Phạm Tấn Đạo - Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Sóc Trăng cho biết: “Chúng tôi chỉ đạo các đơn vị thi công khẩn trương đẩy nhanh tiến độ hoàn thành và đưa vào sử dụng các công trình trước mùa mưa bão cũng như có giải pháp bảo vệ an toàn các công trình phòng chống thiên tai vẫn đang được thi công. Bằng mọi giải pháp, cố gắng giảm thiểu những tác động khi có mưa bão bất ngờ đổ bộ”.

        Bên cạnh đó, với trên 1.600 tàu khai thác biển, trong đó có gần 350 tàu đánh bắt xa bờ nên công tác tìm kiếm cứu nạn cũng là vấn đề được tỉnh đặc biệt chú trọng trong công tác phòng  chống lụt bão, giảm nhẹ thiên tai. Công tác tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn trên biển thông qua đội tàu tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn không ngừng được củng cố. Công tác kiểm tra an toàn tàu thuyền khi ra khơi, trang thiết bị bảo hộ, phao cứu sinh, phương tiện liên lạc được Chi cục Thủy sản, Trạm kiểm soát biên phòng tiến hành kiểm tra chặt chẽ ngay từ đầu mùa mưa.

         Theo nhận định của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, thiên tai năm 2020 còn diễn biến phức tạp với khoảng 11 đến 13 cơn bão trên biển Đông, trong đó có từ 5 đến 6 cơn bão trực tiếp ảnh hưởng đến đất liền. Đặc biệt nhiều khả năng xảy ra mưa, lũ lớn sau đợt khô hạn kéo dài. Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai các cấp trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng luôn chủ động mọi phương án, xây dựng kịch bản ứng phó trước mọi tình huống có thể xảy ra. Ông Lương Minh Quyết - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Sóc Trăng khẳng định: “Với vai trò là thường trực Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai cấp tỉnh, chúng tôi tham mưu cho UBND tỉnh cũng như Ban Chỉ đạo kiện toàn lại bộ máy của Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn từ tỉnh đến xã; phát huy vai trò của các tổ thanh niên xung kích tại các địa phương; vận động các tàu thuyền thường xuyên cập nhật diễn biến thời tiết khi đi biển; đặc biệt về phía ngành Nông nghiệp cũng phải có sự chủ động chuyển đổi cơ cấu sản xuất, xem cây trồng nào cần ít nước hoặc cây trồng nào bất lợi khi mưa xuống…”.

Ngọc Thơ



Thông báo
Báo cáo - thống kê
Videos

 

lượt truy cập
  • Tất cả: 80423667

Cơ quan chủ quản: UBND tỉnh Sóc Trăng - Điện thoại: 0299.3822339 - Fax: 0299.3820473 - Email: phonghanhchinh-soctrang@chinhphu.vn
Đơn vị quản lý: Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Sóc Trăng
Giấy phép số 01/GP-STTTT do Sở Thông tin và Truyền thông cấp ngày 22/9/2021.
Điện thoại Ban biên tập: 02993.626252 - Email: banbientap@soctrang.gov.vn
Địa chỉ: 56 Lê Duẩn - Phường 3 - Tp Sóc Trăng.
@ Ghi rõ nguồn "Cổng thông tin điện tử tỉnh Sóc Trăng" khi phát hành lại thông tin từ Cổng thông tin này.