Tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn sử dụng phụ gia, hóa chất trong chế biến thực phẩm
       Phụ gia là chất được bổ sung vào thực phẩm trong quá trình bảo quản hoặc dùng trong chế biến thức ăn để món ăn thêm ngon miệng, hấp dẫn hơn. Tuy nhiên, nếu sử dụng phụ gia một cách thiếu kiểm soát hay lạm dụng quá nhiều sẽ gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người tiêu dùng. Nhằm hạn chế những tình trạng đáng tiếc về nguy cơ gây mất an toàn vệ sinh thực phẩm từ phụ gia, hóa chất; nhiều năm nay, Chi cục Quản lí chất lượng Nông Lâm sản và Thủy sản tỉnh Sóc Trăng luôn chú trọng tuyên truyền, hướng dẫn các cơ sở, hộ kinh doanh sử dụng phụ gia, hóa chất một cách đúng cách, đúng quy định trong quá trình chế biến thực phẩm.

       Từ lâu, người ta đã biết sử dụng một số phụ gia để chế biến thực phẩm như bảo quản bằng cách làm chua với dấm (dưa chua) hoặc làm mặn với ướp muối (thịt, cá muối)…. Cùng với sự phát triển nhanh chóng của khoa học kỹ thuật, công nghiệp thực phẩm cũng phát triển theo để đáp ứng nhu cầu của con người, tạo ra những sản phẩm chất lượng cao, hấp dẫn. Theo Thông tư 24/2019/TT-BYT, hiện nay đang cho phép sử dụng 23 nhóm phụ gia thực phẩm, bao gồm 337 chất. Trên thị trường hương liệu, phụ gia rất đa dạng về chủng loại, tồn tại dưới dạng bột, viên hoặc nước. Chỉ cần có nhu cầu, người tiêu dùng có thể dễ dàng tìm mua các chất phụ gia tại cửa hàng, sạp chợ. Nếu sử dụng các phụ gia này đúng loại, đúng liều lượng sẽ có nhiều tác dụng tích cực, tạo được nhiều sản phẩm phù hợp với sở thích và khẩu vị của người tiêu dùng. Mặt khác, phụ gia cũng giúp giữ được chất lượng của thực phẩm cho tới khi sử dụng, tạo sự dễ dàng trong sản xuất, chế biến thực phẩm và làm tăng giá trị thương phẩm hấp dẫn cho sản phẩm.

       Trên thị trường vẫn đang tồn tại nhiều loại phụ gia thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ nhưng vẫn được người tiêu dùng sử dụng. Bên cạnh đó, trên các phương tiện thông tin đại chúng thường xuất hiện các tin về việc phát hiện thực phẩm có chứa phụ gia không thuộc danh mục được phép sử dụng và vượt quá giới hạn quy định, điều này làm ảnh hưởng đến sức khỏe của người tiêu dùng, đồng thời còn có thể gây ra ngộ độc thực phẩm cấp tính và mạn tính.

       Kĩ sư Bùi Văn Thanh - chuyên viên Phòng Quản lý chất lượng, Chi cục Quản lý chất lượng Nông Lâm sản và Thủy sản tỉnh cho biết: “Về nguyên tắc sử dụng phụ gia thực phẩm, tại Điều 7, Thông tư số 24/2019/TT-BYT quy định rõ: Sử dụng phụ gia trong chế biến thực phẩm phải đảm bảo phụ gia thực phẩm được phép sử dụng và đúng đối tượng thực phẩm; không vượt quá mức sử dụng tối đa đối với một loại thực phẩm hoặc nhóm thực phẩm; hạn chế đến mức thấp nhất lượng phụ gia thực phẩm cần thiết để đạt được hiệu quả kỹ thuật mong muốn. Chỉ sử dụng phụ gia thực phẩm nếu việc sử dụng này đạt được hiệu quả mong muốn nhưng không có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe con người, không lừa dối người tiêu dùng”.

Kiểm tra kho bảo quản phụ gia tại Cơ sở sản xuất Lạp xưởng Mỹ Anh

       Hàng năm, Chi cục Quản lý chất lượng Nông Lâm sản và Thủy sản thường xuyên có những đợt thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch, đột xuất và hậu kiểm tại các cơ sở sản xuất mặt hàng thực phẩm theo phân cấp quản lý tại Phụ lục III của Nghị định 15/2018/NĐ-CP về danh mục các sản phẩm và nhóm sản phẩm thực phẩm, hàng hóa thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Cùng với đó, tăng cường tuyên truyền, phổ biến kiến thức về an toàn thực phẩm cho các cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn để cơ sở tự nhận thức được vai trò, trách nhiệm của mình trong việc sản xuất thực phẩm, đặc biệt trong quản lý và sử dụng phụ gia thực phẩm. Tích cực tuyên truyền cho cơ sở về cách nhận biết phụ gia được phép dùng trong thực phẩm, sử dụng phụ gia thực phẩm đảm bảo chất lượng, an toàn và những tác hại của việc dùng sai phụ gia thực phẩm. Bà Huỳnh Thị Kiều - Phó trưởng Phòng Quản lý chất lượng, Chi cục Quản lý chất lượng Nông Lâm sản và Thủy sản tỉnh Sóc Trăng cho biết thêm: “Các đối tượng chủ yếu để thanh kiểm tra là các cơ sở thuộc phạm vi quản lí nhà nước của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, như: Cơ sở sản xuất, chế biến ngũ cốc, thủy sản và sản phẩm từ thủy sản, thịt và sản phẩm từ thịt, rau củ quả và sản phẩm từ rau củ quả, trứng và sản phẩm từ trứng, sữa tươi nguyên liệu, mật ong và các sản phẩm từ mật ong, muối, gia vị, đường, chè, cà phê, ca cao, hạt tiêu, điều…”.

       Nhờ được tuyên truyền thường xuyên mà ý thức sử dụng phụ gia, hóa chất của chủ cơ sở, hộ kinh doanh được nâng lên rõ rệt. Bên cạnh đảm bảo điều kiện vệ sinh nhà xưởng, trang thiết bị, cơ sở sử dụng phụ gia luôn cập nhật và tuân thủ các quy định hiện hành của pháp luật về đảm bảo an toàn trong chế biến thực phẩm. Phụ gia sử dụng phải là phụ gia được phép sử dụng trong thực phẩm, tuân thủ các hướng dẫn của nhà sản xuất phụ gia và khuyến cáo của cơ quan quản lý. Phụ gia sử dụng có đầy đủ hồ sơ công bố chất lượng sản phẩm. Ông Thái Khánh Quốc - chủ Cơ sở sản xuất Lạp xưởng Mỹ Anh, huyện Châu Thành chia sẻ: “Trong quá trình sản xuất thì sản phẩm phụ gia cơ sở nhập về đều có giấy tờ đầy đủ, được cơ quan chức năng kiểm tra kỹ. Bên cạnh đó, cơ sở cũng có xây dựng nhà kho riêng để bảo quản các phụ gia, hóa chất”.

       Việc lựa chọn và sử dụng sản phẩm an toàn là yêu cầu và quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng. Bên cạnh việc tạo điều kiện thúc đẩy phát triển sản xuất, các cơ quan chức năng cần đẩy mạnh hơn nữa trong việc quản lý các cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm nhằm tạo ra các sản phẩm chất lượng, an toàn, bảo vệ sức khỏe và quyền lợi cho người tiêu dùng.

Ngọc Thơ

Thông báo
Báo cáo - thống kê
Videos

 

lượt truy cập
  • Tất cả: 80373783

Cơ quan chủ quản: UBND tỉnh Sóc Trăng - Điện thoại: 0299.3822339 - Fax: 0299.3820473 - Email: phonghanhchinh-soctrang@chinhphu.vn
Đơn vị quản lý: Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Sóc Trăng
Giấy phép số 01/GP-STTTT do Sở Thông tin và Truyền thông cấp ngày 22/9/2021.
Điện thoại Ban biên tập: 02993.626252 - Email: banbientap@soctrang.gov.vn
Địa chỉ: 56 Lê Duẩn - Phường 3 - Tp Sóc Trăng.
@ Ghi rõ nguồn "Cổng thông tin điện tử tỉnh Sóc Trăng" khi phát hành lại thông tin từ Cổng thông tin này.