Các tầng lớp nhân dân phản biện và đóng góp dự thảo văn kiện trình Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020 – 2025 (kỳ 2)
       Dự thảo Báo cáo của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIII trình Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020 - 2025 (dự thảo lần thứ 7) được đăng tải trên các phương tiện truyền thông để xin ý kiến đóng góp của các tầng lớp Nhân dân trong tỉnh. Thời gian qua, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã tổ chức 2 hội nghị phản biện và lấy ý kiến đóng góp dự thảo văn kiện Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020 - 2025; Ban Thường trực Ủy ban MTTQ các cấp tổ chức 120 cuộc hội nghị đóng góp ý kiến, có 3.126 đại biểu tham dự.

       Về dự báo tình hình trong những năm tới, các ý kiến đều thống nhất cao việc đánh giá về dự báo tình hình trong những năm tới. Có ý kiến đề nghị bổ sung: Tình hình dịch bệnh trên phạm vi toàn cầu ngày càng diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng của hầu hết các quốc gia; dự báo trước tình hình diễn biến, nhất là các dịch bệnh trên người và trên gia súc, gia cầm, vật nuôi khác để từ đó có giải pháp ứng phó kịp thời. 100% ý kiến đại biểu thống nhất cao việc đánh giá về mục tiêu tổng quát và phương châm chỉ đạo trong nhiệm kỳ tới.

       Về các chỉ tiêu cụ thể, hầu hết ý kiến thống nhất cao với các chỉ tiêu cụ thể. Tuy nhiên ở chỉ tiêu số 2: GRDP bình quân đầu người theo giá hiện hành đạt 75 triệu đồng/năm trở lên là phù hợp với tình hình sản xuất thu nhập của người dân trong điều kiện ảnh hưởng của hạn, mặn, biến đổi khí hậu. Nhưng không phù hợp với tiêu đề Đại hội đã đề ra là phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân của tỉnh cao hơn tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân của cả nước. Chỉ tiêu bình quân thu nhập trên đầu người cơ sở để tính là tốc độ tăng trưởng kinh tế để bình quân trên đầu người. Chỉ tiêu của tỉnh là 75 triệu đồng/người/năm, chỉ tiêu của Trung ương đề ra 5.000 USD/người quy đổi tiền Việt Nam đồng tương đương 120 triệu đồng/người, cần xem lại chỉ tiêu này cho phù hợp.

       Chỉ tiêu số 3: Các chỉ tiêu nhiệm vụ trong thời gian 5 năm tới đã đề ra đều được tính toán có cơ sở. Tuy nhiên cần xem xét lại nội dung ghi“Thu thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm trên 4%”, nêu như vậy thì người dân không hiểu.

       Chỉ tiêu số 4: Về sản lượng lúa đặc sản, chất lượng cao đến cuối nhiệm kỳ chiếm trên 80% sản lượng lúa toàn tỉnh. Để đạt được mục tiêu trên, về nhiệm vụ, giải pháp cần nêu rõ và cụ thể hơn để tổ chức thực hiện, trong đó cần chú trọng hệ thống thủy lợi hoàn chỉnh, khép kín, đảm bảo tốt nhất cho phục vụ sản xuất; quy hoạch vùng, tổ chức thực hiện cánh đồng mẫu, cánh đồng chuyên canh lúa đặc sản, chất lượng cao; hệ thống lúa giống, đạt chuẩn và cung ứng đầy đủ; địa phương nên cơ cấu một kỹ sư hoặc một công chức chuyên ngành về lĩnh vực nông nghiệp.

       Chỉ tiêu số 5: Về nuôi trồng thuỷ sản Sóc Trăng chủ yếu nuôi tôm thẻ, tôm sú. Còn diện tích nuôi cá da trơn, cua không nhiều, qua thực tế nuôi trồng thuỷ sản nhiều năm, tỷ lệ hộ nuôi có lãi rất thấp, chủ yếu hòa vốn và lỗ, nguyên nhân do chất lượng con giống, môi trường nước, thời tiết khí hậu không ổn định gây khó khăn cho người dân nuôi trồng thuỷ sản. Về sản lượng thủy sản trong văn kiện chỉ nêu sản lượng khai thác đánh bắt, chưa đề ra nuôi trồng thủy hải sản trên biển vì Sóc Trăng có bờ biển dài 72km. Như nuôi tôm hùm, cá lồng bè, nghêu, sò, nên xây dựng một đề án, dự án khoa học để phát triển mạnh kinh tế biển, du lịch biển, kết hợp với nuôi trồng thủy hải sản trên biển.

       Chỉ tiêu số 6: Giá trị sản phẩm thu hoạch trên 1 ha đất trồng trọt và nuôi trồng thủy sản cuối nhiệm kỳ là trên 250 triệu đồng/ha, chỉ tiêu này phấn đấu để đạt được rất khó, bởi vì đất trồng trọt, diện tích chuyên canh lúa, màu, cây ăn trái bị bạc màu do thâm canh tăng vụ năng suất thấp hơn, những năm gần đây Sóc Trăng cũng là tỉnh bị ảnh hưởng nặng do biến đổi khí hậu gây ra. Hạn hán, xâm nhập mặn, sâu bệnh ảnh hưởng lớn đến năng suất sản xuất cây trồng vật nuôi. Và dự báo những năm tới tình trạng hạn, mặn sẽ gây gắt hơn. Đề nghị giá trị sản phẩm thu hoạch trên 1 ha đất trồng trọt và nuôi trồng thủy sản đến cuối nhiệm kỳ là 220 triệu đồng/ha.

       Chỉ tiêu số 10: Thu ngân sách hiện nay 3.173.8 tỷ đến 2025 là 6.500 tỷ, tăng hơn gấp đôi, khá cao, khó thực hiện. Khi thực hiện cần phải có những giải pháp đồng bộ thì mới có khả năng đạt theo chỉ tiêu.

Nhân sĩ trí thức phản biện và đóng góp ý kiến dự thảo văn kiện Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020-2025. Ảnh: Mỹ Linh

       Chỉ tiêu số 11: Đến cuối nhiệm kỳ… mẫu giáo đạt 95%, tỷ lệ này khó đạt vì những lý do sau: Mạng lưới trường lớp mẫu giáo chưa rộng khắp, chưa đủ khả năng huy động hết trẻ em mầm non ra lớp; phần hạn chế, yếu kém có đánh giá: “Đặc biệt là thiếu giáo viên mầm non”; phần nhiệm vụ giải pháp có ghi: “Tinh giản biên chế giáo viên”. Như vậy, giáo viên mầm non không tăng thì khó đạt tỷ lệ 95%; thiếu các chỉ tiêu về đào tạo nghề trung cấp, cao đẳng…

       Chỉ tiêu số 13: Đến cuối nhiệm kỳ, tỷ lệ xã, phường, thị trấn đạt tiêu chí quốc gia về y tế 100% ; đạt 30/10.000 dân, 10 bác sĩ/10.000 dân. Để đạt chỉ tiêu trên, về nhiệm vụ, giải pháp cần chú trọng và bổ sung thêm một số nội dung như: Quan tâm đào tạo nguồn nhân lực đội ngũ y, bác sĩ có chất lượng cao về nghiệp vụ chuyên môn; có chính sách thu hút, ưu đãi y bác sĩ về công tác tuyến cơ sở; đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị chuyên dùng, thuốc điều trị như tuyến trên.

       Chỉ tiêu thứ 14: Đến cuối nhiệm kỳ, tỷ lệ người tham gia BHYT đạt 95,5% dân số, tỷ lệ này còn thấp, đề nghị nâng lên 100%.

       Chỉ tiêu số 15: “….tỷ lệ lao động đang làm việc so với tổng số lao động trong độ tuổi là 85%”. Như vậy, có thể xem người lao động trong độ tuổi còn thất nghiệp là 15% (rất cao).

       Chỉ tiêu số 16: Về giảm nghèo bình quân 2,6-3%/năm, chỉ tiêu này phấn đấu rất khó khăn vì hiện nay tỷ lệ hộ nghèo còn lại đa số là những hộ không có tư liệu sản xuất. Trình độ văn hóa thấp hoặc là không biết chữ, không có việc làm thường xuyên, ốm đau bệnh tật nhiều, cần xem xét lại chỉ tiêu này. Nên có đề án đầu tư hỗ trợ giảm nghèo bền vững trong thời gian tới. Trong thực tế công tác bình chọn hộ nghèo, hộ cận nghèo một số địa phương thực hiện chưa đúng quy trình còn mang tính gượng ép và động viên ra khỏi hộ nghèo gây thắc mắc, so bì trong Nhân dân. Đề nghị cần xác thực làm rõ thêm về số liệu xóa đói giảm nghèo, đặc biệt là giảm nghèo trong đồng bào dân tộc Khmer. Nếu mỗi năm giảm được 4% hộ người nghèo thì hầu như trong nhiệm kỳ qua đã giảm hết số hộ nghèo và chỉ tiêu các nhiệm kỳ tới vẫn giảm 3-4%/năm. Đề nghị xem lại số liệu giảm nghèo. Công tác giảm nghèo còn chạy theo thành tích, muốn bền vững phải quan tâm công tác dạy nghề, giải quyết việc làm…

       Chỉ tiêu cụ thể số 17: Hằng năm, tỷ lệ dân số đô thị được cung cấp nước sạch qua hệ thống cấp nước tập trung là 93%, tỷ lệ hộ dân nông thôn sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh là 99% (quá cao). Hiện nay, các huyện, thị xã ven biển như: Cù Lao Dung, Vĩnh Châu, Long Phú, Trần Đề, Kế Sách số hộ dân thiếu nước sinh hoạt còn rất nhiều, có nhiều xã không có cây nước tập trung, một số hộ sử dụng cây nước khoan lại không có nước do thiếu nước của mạch nước ngầm, vì thế nên xem lại chỉ tiêu này cho phù hợp.

       Chỉ tiêu số 18: Hằng năm, tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt đô thị, công nghiệp, dịch vụ được thu gom và xử lý đạt tiêu chuẩn môi trường là 95%; tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt khu dân cư nông thôn, làng nghề được thu gom và xử lý đạt tiêu chuẩn môi trường là 65%, đề nghị nâng lên từ 75 - 80%. Về chỉ tiêu môi trường cần quan tâm đến ô nhiễm môi trường nước, môi trường không khí, nên xử lý triệt để hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường.

       Chỉ tiêu số 19: Phấn đấu đến cuối nhiệm kỳ 2020 - 2025, tổng số đảng viên trong toàn Đảng bộ tỉnh đạt 53.000 đồng chí là cao, nên xem xét lại.

       Chỉ tiêu số 21: Về tiêu chí phân loại đảng viên nêu như vậy không phù hợp với thực tế, vì số đảng viên nghỉ hưu hầu như chỉ được phân loại là đảng viên hoàn thành nhiệm vụ, chứ không phải là hoàn thành tốt. Nên chỉ tiêu cần phải điều chỉnh lại là “90% đảng viên hoàn thành và hoàn thành tốt nhiệm vụ”.

Q.K (Tổng hợp)

Thông báo
Báo cáo - thống kê
Videos

 

lượt truy cập
  • Tất cả: 80349859

Cơ quan chủ quản: UBND tỉnh Sóc Trăng - Điện thoại: 0299.3822339 - Fax: 0299.3820473 - Email: phonghanhchinh-soctrang@chinhphu.vn
Đơn vị quản lý: Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Sóc Trăng
Giấy phép số 01/GP-STTTT do Sở Thông tin và Truyền thông cấp ngày 22/9/2021.
Điện thoại Ban biên tập: 02993.626252 - Email: banbientap@soctrang.gov.vn
Địa chỉ: 56 Lê Duẩn - Phường 3 - Tp Sóc Trăng.
@ Ghi rõ nguồn "Cổng thông tin điện tử tỉnh Sóc Trăng" khi phát hành lại thông tin từ Cổng thông tin này.