Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, hình thành những vùng chuyên canh trái cây đặc sản
       Trong bối cảnh thị trường tiêu thụ trái cây đang có xu hướng rộng mở, nhu cầu trái cây tăng nhưng tính cạnh tranh về chất lượng đang diễn ra gay gắt, việc phát triển các vùng cây ăn trái phù hợp cho từng vùng với sản lượng hàng hóa đủ lớn để đầu tư phát triển và xây dựng thương hiệu cho mỗi vùng là cần thiết. Do vậy, việc lựa chọn loại cây ăn trái phù hợp cho từng địa phương để phát triển thành vùng chuyên canh có diện tích lớn “cây ăn trái đặc sản” là yêu cầu đòi hỏi đang được đặt ra trong định hướng phát triển cây ăn trái của tỉnh.

       Với nhận định thực tế thị trường trên, Tỉnh ủy đã chỉ đạo ngành chuyên môn phối hợp các viện, trường nghiên cứu lập dự án phát triển vùng cây ăn trái đặc sản tỉnh. Để thông tin về Dự án phát triển cây ăn trái đặc sản tỉnh, chúng tôi đã có cuộc trao đổi cùng ông Huỳnh Ngọc Nhã - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, Giám đốc Dự án phát triển cây ăn trái đặc sản tỉnh xoay quanh một số nội dung dự án.

       Phóng viên: Ông có thể đánh giá về thực trạng sản xuất cây ăn trái trên địa bàn tỉnh hiện nay?

       Ông Huỳnh Ngọc Nhã: Hiện diện tích cây ăn trái toàn tỉnh là 31.370 ha, trong đó diện tích cây ăn trái đặc sản hơn 13.414 ha và nhóm cây có múi chiếm diện tích cao nhất, kế đến là nhãn, xoài. Tuy nhiên, vườn cây ăn trái của tỉnh phân bố rải rác, nhỏ lẻ ở nhiều nơi. Chỉ có một phần tại các huyện Kế Sách, Long Phú, Cù Lao Dung, Mỹ Tú, diện tích cây ăn trái tương đối tập trung nhưng vẫn là dạng vườn trồng xen. Bên cạnh đó, năng suất bình quân còn thấp, lợi nhuận đem lại cho nhà vườn bấp bênh, không ổn định và một số nguyên nhân năng suất, lợi nhuận chưa đạt theo tiềm năng sẵn có của cây ăn trái là do cây giống chất lượng không cao dẫn đến năng suất không cao, người dân chưa áp dụng biện pháp kỹ thuật thâm canh, công tác tổ chức sản xuất còn mang tính tự phát chưa đồng bộ, nông dân còn thiếu vốn để đầu tư thâm canh để nâng cao năng suất, khâu bảo quản sau thu hoạch còn yếu kém về kỹ thuật và cơ sở vật chất còn hạn chế, tình hình tiêu thụ một số trái cây đặc sản của tỉnh vẫn còn gặp nhiều khó khăn, giá bán các sản phẩm thường xuyên biến động, không ổn định, chưa có nhà máy chế biến các sản phẩm trái cây tươi, không có sản phẩm nào thông qua chế biến các sản phẩm trái cây phục vụ thị trường nội địa và xuất khẩu, 100% sản phẩm tươi, không có sản phẩm nào thông qua chế biến để nâng cao giá trị gia tăng và chưa có loại trái cây đặc sản nào của tỉnh được cho xuất khẩu chính thức từ tỉnh mà chỉ thông qua liên kết xuất khẩu với các tỉnh bạn.

Ông Huỳnh Ngọc Nhã – Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, Giám đốc Dự án phát triển cây ăn trái đặc sản tỉnh

       Phóng viên: Cùng với thực trạng cây ăn trái đã nêu trên, xin ông cho biết về quan điểm phát triển Dự án cây ăn trái đặc sản của tỉnh?

       Ông Huỳnh Ngọc Nhã: Để đồng hành cùng bà con nông dân trong việc nâng cao thu nhập nhà vườn, quan điểm chung của dự án là chuyển đổi cơ cấu cây trồng, gia tăng thu nhập kinh tế vườn, bao gồm phát triển diện tích trồng cây ăn trái, cải tạo đất vườn, đất trồng cây lâu năm khác nhằm nâng cao hiệu quả đất vườn hiện có, hình thành những vùng chuyên canh trái cây đặc sản. Song song đó, khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế của các vùng sinh thái trên cơ sở tiềm năng thích nghi đất đai, hình thành các tiểu vùng sản xuất đặc trưng phục vụ vùng cây ăn trái đặc sản và kết hợp với du lịch cũng như phát triển nhanh quy mô sản xuất hàng hóa hướng vào xuất khẩu và cung ứng nguyên liệu công nghiệp chế biến.

       Phóng viên: Xin ông cho biết thêm một số nội dung triển khai Dự án phát triển cây ăn trái đặc sản của tỉnh ta.

       Ông Huỳnh Ngọc Nhã: Để dự án đạt được thành quả tốt nhất, trước tiên đơn vị sẽ thực hiện các phần việc cụ thể cải tạo vườn tạp bằng cách xác định vườn cây cần cải tạo là những cây trồng nhiều năm không ra trái hoặc ra ít trái, những cây thường xuyên ra trái nhỏ, chất lượng trái kém, mẫu mã xấu, nhiều hạt hoặc hạt to, cây bị nhiễm bệnh, bị sâu hại không có khả năng phục hồi, cây già cõi không còn hiệu quả kinh tế rồi tiến hành cải tạo từ từ bằng việc chặt bỏ dần những cây ăn trái cũ kém hiệu quả và trồng xen giống cây ăn trái mới vào vườn cũ, kể cả cải tạo mới như chặt bỏ tất cả các cây ăn trái không có hiệu quả kinh tế trong vườn cũ, đào bỏ hết rễ, sửa chữa mương liếp vườn theo yêu cầu thiết kế vườn quy định. Đồng thời, tiến hành lập vườn mới, nâng cấp vườn, cải tạo giống và đầu tư cơ sở hạ tầng trong vùng dự án như nạo vét kênh mương, gia cố bờ bao, kênh thủy lợi, cống nhằm đảm bảo cấp thoát nước trong mùa lũ, ngăn mặn xâm nhập vào mùa khô và hỗ trợ cây giống chất lượng cho nhà vườn…

Thúy Liễu (thực hiện)

Thông báo
Báo cáo - thống kê
Videos

 

lượt truy cập
  • Tất cả: 80349988

Cơ quan chủ quản: UBND tỉnh Sóc Trăng - Điện thoại: 0299.3822339 - Fax: 0299.3820473 - Email: phonghanhchinh-soctrang@chinhphu.vn
Đơn vị quản lý: Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Sóc Trăng
Giấy phép số 01/GP-STTTT do Sở Thông tin và Truyền thông cấp ngày 22/9/2021.
Điện thoại Ban biên tập: 02993.626252 - Email: banbientap@soctrang.gov.vn
Địa chỉ: 56 Lê Duẩn - Phường 3 - Tp Sóc Trăng.
@ Ghi rõ nguồn "Cổng thông tin điện tử tỉnh Sóc Trăng" khi phát hành lại thông tin từ Cổng thông tin này.