Mở rộng hướng tiêu thụ và nâng cao chất lượng các sản phẩm OCOP
       Qua 2 năm triển khai thực hiện Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) giai đoạn 2018 - 2020, Sóc Trăng đã công nhận 99 sản phẩm của 52 doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh; trong đó có 24 sản phẩm đạt 4 sao và 75 sản phẩm đạt 3 sao, đang đề nghị Trung ương xem xét công nhận 08 sản phẩm đạt 5 sao. Nhiều sản phẩm OCOP của Sóc Trăng được khách hàng trong và ngoài tỉnh biết đến ngày càng rộng rãi hơn. Các doanh nghiệp tham gia OCOP đã mở rộng được thị trường, doanh thu ngày càng phát triển.

       Để có được những bước tiến đáng kể trong việc hình thành và quảng bá, nâng tầm các sản phẩm OCOP, được thị trường đón nhận thì ngoài việc hỗ trợ tích cực, nhanh chóng, hiệu quả từ các cấp chính quyền để các sản phẩm OCOP của tỉnh được nâng “sao” ngày càng nhiều hơn thì phải kể đến sự tham gia tích cực, không ngại gian khó từ phía các doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cá nhân trong tỉnh; nhất là những sản phẩm OCOP đậm chất thương hiệu dân dã.

       Những con người dám vượt dòng “rào cản”

       Nhắc đến Sóc Trăng thì cây lúa, con tôm luôn được mọi người biết đến nhiều hơn. Bởi, Sóc Trăng là một trong những địa phương có diện tích và sản lượng cả lúa lẫn tôm lớn và đứng đầu vùng đồng bằng sông Cửu Long. Chưa kể gạo ST25 được vinh danh “Gạo Ngon nhất thế giới” năm 2019 tại Philippines càng cho thấy những tiềm năng và thế mạnh đáng kể của tỉnh về cây lúa.

       Cũng là một trong những người xuất thân từ nông dân, lại đam mê trồng lúa. Nhưng cái mà anh Tạ Minh Bé, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Gạo Hữu cơ Nông trường Cá Bờ Đập ở ấp Trà Đức, xã Viên An (huyện Trần Đề) thực hiện đã khiến nhiều người bất ngờ.

       Cũng dễ hiểu vì trong khi nhiều người đang canh tác lúa theo cách cũ, sử dụng phân thuốc vô cơ thì một mình anh tiên phong “ngược hướng” làm lúa hữu cơ. Vượt qua những khó khăn, thách thức, thất bại để theo đuổi đam mê và khi những sản phẩm lúa hữu cơ đầu tiên của anh Tạ Minh Bé đạt chuẩn theo yêu cầu và các thửa ruộng của anh thực hiện bắt đầu cho năng suất ngang ngửa với các thửa ruộng canh tác theo cách cũ thì nhiều người đã dần thay đổi cách nhìn. Để rồi, nhiều hộ dân trước đây từng chê trách anh giờ đang tích cực chung tay cùng anh Tạ Minh Bé duy trì và mở rộng sản phẩm “Gạo Hữu cơ Nông trường Cá Bờ Đập” ngày càng phát triển, sản phẩm ngày càng được người tiêu dùng biết đến rộng rãi hơn. Giờ đây, thương hiệu “Gạo Hữu cơ Nông trường Cá Bờ Đập” đã đạt hạng 3 sao sản phẩm OCOP của tỉnh Sóc Trăng. Sản phẩm này cũng đạt giải Nhì tại cuộc thi “Gạo Ngon thương hiệu Việt” năm 2019 tại Vĩnh Long.

       Anh Tạ Minh Bé trải lòng: “Tôi làm là tôi muốn giúp ích cho địa phương và quê hương mình, vì mình phải là người tiên phong đi đầu. Nếu chúng ta làm tốt, có thành quả và lợi nhuận thì chắc chắn sẽ có nhiều nông dân theo. Tôi làm nông nghiệp hữu cơ là vì cái tâm, vì lợi ích của tương lai sau này. Nếu ai ai cũng có ý thức bảo vệ môi trường, làm nông nghiệp sạch và tử tế thì chắc chắn thế hệ sau chúng ta sẽ được hưởng lợi; nền nông nghiệp Việt Nam cũng được hưởng lợi, nông sản Việt Nam cũng có chỗ đứng trên thị trường thế giới”.

       Cũng vấp phải sự phản đối của gia đình, bạn bè từ những ngày đầu bắt tay vào việc thực hiện ước mơ sản phẩm Ba Khía, một món ăn dân dã của người dân miền Tây, chị Phạm Thị Mới - chủ cơ sở chế biến sản xuất Ba Khía Cô Mới, Phường 3, thành phố Sóc Trăng nghĩ rằng sẽ khó vượt qua được, khó vươn đến thành công như hôm nay.

       Chị Phạm Thị Mới chia sẻ: “Lúc đầu gia đình ai cũng nói tôi “khùng”, họ hàng thì lời ra tiếng vào bảo đầu óc tôi có vấn đề vì ăn học cho nhiều vào mà không kiếm việc làm cho tử tế, lại đi làm cái món mắm ba khía “đậm mùi” như này… Nhưng nếu mình đã sợ thì không làm, làm thì không sợ, mà làm phải thành công”.

       Nhờ sự động viên, hỗ trợ của chồng, chị Phạm Thị Mới có thêm động lực để thực hiện ước mơ của mình. Dù vậy, để sản phẩm được thị trường chấp nhận, trở thành sản phẩm đạt 3 sao OCOP của tỉnh, phải trải qua rất nhiều lần thất bại, rồi dần rút kinh nghiệm… Vì tất cả vốn liếng, hai vợ chồng đều dồn vào cho việc thực hiện sản phẩm Ba Khía này.

       Chị Phạm Thị Mới thông tin, hiện cơ sở đã có trên 30 đại lý cả trong và ngoài tỉnh, sản phẩm tiêu thụ cũng tốt cho sản phẩm đạt OCOP, mình cũng tạo được uy tín ở nhiều khách hàng hơn. Tôi cũng hy vọng sắp tới sẽ có nhiều đơn vị, cá nhân trong tỉnh tham gia vào chương trình OCOP này để có được nhiều sản phẩm tốt, góp phần quảng bá đặc sản vùng miền của tỉnh Sóc Trăng.

99 sản phẩm OCOP của tỉnh Sóc Trăng

        Sự hỗ trợ tích cực của địa phương

       Có thể nói, ngoài sự nỗ lực, không ngại khó, ngại khổ của các doanh nghiệp, đơn vị, cá nhân trong việc tạo thương hiệu, khẳng định giá trị và nâng dần chất lượng từng sản phẩm OCOP thì sự hỗ trợ tích cực, quyết liệt, sâu sát của lãnh đạo Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh, các sở, ngành tỉnh Sóc Trăng trong việc định hướng phát triển các sản phẩm OCOP tại các địa phương trong tỉnh cũng là một trong những yếu tố then chốt, quyết định cho việc chắp cánh và nâng tầm các sản phẩm OCOP của tỉnh Sóc Trăng.

       Theo ông Võ Văn Chiêu - Giám đốc Sở Công Thương, Chương trình OCOP được Ủy ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng phê duyệt tại Quyết định số 1397/QĐ-UBND ngày 20/5/2019, mục tiêu đề ra đến năm 2030 là tiêu chuẩn hóa ít nhất 100 sản phẩm OCOP, trong đó có 12 sản phẩm đạt hạng 5 sao. Kết quả, qua 2 năm triển khai thực hiện, chương trình đã nhận được sự quan tâm tích cực của các cấp ủy, chính quyền, cùng sự quan tâm tham gia của các doanh nghiệp, hợp tác xã, các hộ kinh doanh… Đến nay, tỉnh Sóc Trăng đã công nhận 99 sản phẩm của 52 doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh; trong đó có 24 sản phẩm đạt 4 sao và 75 sản phẩm đạt 3 sao, đang đề nghị Trung ương xem xét công nhận 08 sản phẩm đạt 5 sao. Dù vậy, nhiều sản phẩm OCOP có chất lượng sản phẩm tốt, đặc trưng nhưng lại chưa được tiêu thụ rộng rãi trên cả nước, chưa thu hút được nhiều sự quan tâm của du khách nước ngoài. Vì thế, để góp phần thúc đẩy chương trình OCOP, Ủy ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng đã có nhiều định hướng phát triển thương mại, dịch vụ gắn kết chặt chẽ giữa sản xuất và tiêu thụ sản phẩm như: Đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại; thúc đẩy liên kết, phát triển sản xuất gắn với tìm kiếm và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, kích cầu tiêu dùng sản phẩm, nhất là các sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng, thế mạnh của tỉnh.

       Mới đây, tỉnh Sóc Trăng vừa tổ chức Hội nghị “Kết nối cung cầu, liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm OCOP và đặc sản vùng miền tỉnh Sóc Trăng năm 2020”. Hội  nghị có đại diện của trên 20 tỉnh, thành phố, đại diện các hiệp hội ngành hàng và hơn 150 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng, đặc sản của các vùng miền trên cả nước. Đặc biệt là sự có mặt của các doanh nghiệp, hệ thống phân phối lớn như: Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại thành phố Hồ Chí Minh (Saigon Co.op), Tập đoàn Central Retail Việt Nam (Siêu thị Big C)…

        Tại hội nghị, các đại biểu đã chia sẻ những bài học kinh nghiệm, định hướng quý giá về cơ chế chính sách đẩy mạnh xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu, phối hợp liên kết sản xuất, tiêu thụ các sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng, đặc sản, thế mạnh, chủ lực của các địa phương, vùng miền; chia sẻ về nhu cầu kết nối sản phẩm hàng hóa vào các hệ thống siêu thị, chuỗi cửa hàng bán lẻ và các hệ thống phân phối của các tỉnh, thành trên cả nước.

       Theo ông Võ Văn Chiêu, thông qua hội nghị, nhiều biên bản ghi nhớ hợp tác kết nối cung cầu, liên kết sản xuất đã được ký kết như biên bản ghi nhớ hợp tác giữa tỉnh Sóc Trăng và các hệ thống siêu thị, chuỗi cửa hàng bán lẻ, các hệ thống phân phối của các tỉnh, thành trên cả nước; giữa các doanh nghiệp, nhà sản xuất với hệ thống phân phối, doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm đặc sản, đặc trưng vùng miền…

       Đồng chí Lâm Hoàng Nghiệp - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng cho biết, hiện nay tỉnh Sóc Trăng đã có 99 sản phẩm được công nhận OCOP. Mục tiêu chung của tỉnh Sóc Trăng là tiếp tục tăng cường chất lượng sản phẩm, hướng đến việc nâng hạng cho các sản phẩm OCOP; quan trọng là việc tăng cường kết nối để sản phẩm OCOP của tỉnh Sóc Trăng ngày càng mở rộng thị trường, được người tiêu dùng biết đến ngày càng rộng rãi. Kết nối cung cầu, liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm OCOP và đặc sản vùng miền tỉnh Sóc Trăng năm 2020 sẽ là một trong những tiền đề quan trọng góp phần đẩy mạnh kết nối các sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng, đặc sản vùng miền vào các siêu thị, chuỗi cửa hàng bán lẻ, các hệ thống phân phối lớn trên cả nước và hướng đến xuất khẩu.

Chanh Đa

Thông báo
Báo cáo - thống kê
Videos

 

lượt truy cập
  • Tất cả: 80278908

Cơ quan chủ quản: UBND tỉnh Sóc Trăng - Điện thoại: 0299.3822339 - Fax: 0299.3820473 - Email: phonghanhchinh-soctrang@chinhphu.vn
Đơn vị quản lý: Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Sóc Trăng
Giấy phép số 01/GP-STTTT do Sở Thông tin và Truyền thông cấp ngày 22/9/2021.
Điện thoại Ban biên tập: 02993.626252 - Email: banbientap@soctrang.gov.vn
Địa chỉ: 56 Lê Duẩn - Phường 3 - Tp Sóc Trăng.
@ Ghi rõ nguồn "Cổng thông tin điện tử tỉnh Sóc Trăng" khi phát hành lại thông tin từ Cổng thông tin này.