Hiệu quả từ Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững trên địa bàn tỉnh
           Vượt qua những khó khăn và thách thức của tình hình hạn hán, xâm nhập mặn và biến đổi khí hậu, từ thực tiễn của địa phương, tỉnh Sóc Trăng đã tiến hành xây dựng Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững; trong đó đặt ra các mục tiêu và giải pháp nhằm phát huy các lợi thế, thế mạnh của từng địa phương. Từ đó, nhiều mô hình sản xuất hiệu quả được nhân rộng và thích ứng trong điều kiện biến đổi khí hậu, cơ sở hạ tầng được đầu tư nâng cấp, đời sống người dân vùng nông thôn ngày càng được cải thiện.

            Cụ thể, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2015-2020 có bước tăng trưởng tốt, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 2,8%/năm, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm thu hoạch trên 1 ha đất trồng trọt và nuôi trồng thủy sản, từ 140 triệu đồng/ha năm 2015 tăng lên 185 triệu đồng/ha năm 2020.   

             Tại huyện Cù Lao Dung, cây mía trước đây vốn là cây trồng chủ lực của người dân xứ cù lao này, tuy nhiên, trải qua nhiều năm mất mùa, mất giá, tiêu thụ khó khăn, cây mía đã giảm nhanh về diện tích từ trên 6.000 ha xuống còn khoảng 3.200 ha trong niên vụ 2020 này. Nhiều hộ dân xứ cù lao đã chủ động chuyển đổi sang các loại cây trồng khác, hứa hẹn mang lại nguồn thu nhập ổn định và có được đầu ra đảm bảo. Sau hơn 3 năm rưỡi tập trung chuyển đổi từ cây mía sang trồng bưởi, ông Huỳnh Văn Thủ ở ấp Phú Hòa A, thị trấn Cù Lao Dung (huyện Cù Lao Dung) đang chờ vụ thu hoạch lứa bưởi đầu tiên của gia đình. Theo ông Thủ, gia đình đã trồng mía trên 20 năm, nhưng càng về sau giá cả càng giảm, năng suất càng thấp, tiêu thụ bấp bênh, chi phí đầu tư ngày càng cao, khiến cho người trồng mía ngày càng lao đao. Do vậy, gia đình đã sớm chuyển đổi sang trồng bưởi. Ngoài trồng bưởi, ông Thủ còn tranh thủ trồng xen gần 300 gốc ổi, cho thu nhập mỗi tháng cũng hơn 6 triệu đồng. 

            Nhìn gần 400 gốc bưởi trồng trên diện tích 1 ha dự kiến sẽ được thu hoạch trong dịp Tết Nguyên đán 2021 tới, ông Thủ không khỏi phấn khởi vì sự chuyển đổi của gia đình gần cho quả ngọt. Theo ông Thủ, nếu so sánh về giá trị kinh tế thì cây bưởi mang lại lợi nhuận cao gấp nhiều lần cây mía, thị trường cũng ổn định hơn. 

             Ông Nguyễn Văn Đắc-Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cù Lao Dung cho biết, sau gần 6 năm thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới, huyện đã chuyển hàng nghìn diện tích đất sản xuất không hiệu quả sang trồng các loại cây có giá trị kinh tế hơn. Từ đó, đề án này giúp sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện ngày càng chuyển biến tích cực, một số mô hình đã cho hiệu quả kinh tế cao như mô hình trồng nhãn, bưởi, xoài… Trong năm 2020 này, huyện đã chuyển đổi 514 ha đất mía sang trồng cây ăn trái, rau màu và nuôi thủy sản.

             Ông Nguyễn Văn Đắc cho biết thêm, việc chuyển đổi từ cây mía sang trồng các loại cây trồng khác của nông dân trên địa bàn huyện được đẩy nhanh sau đợt hạn, mặn 2015-2016. Đến cuối năm 2020, nông dân trên địa bàn huyện chuyển đổi được trên dưới 3.000 ha mía. Việc chuyển đổi tập trung chủ yếu là cây ăn trái. Qua đánh giá, các vườn cây ăn trái đã chuyển đổi từ những năm 2016 đến nay đang phát triển rất tốt, nhiều vườn đã bắt đầu cho thu hoạch và mang lại nguồn thu nhập tương đối cho người nông dân. Nhất là khâu tiêu thụ được thuận lợi càng tiếp thêm động lực để nông dân đẩy mạnh việc chuyển đổi sản xuất.

Hiệu quả từ Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.

             Tại thị xã Ngã Năm, một trong những địa phương vùng sâu của tỉnh Sóc Trăng, sau nhiều năm tập trung, đẩy mạnh việc chuyển đổi sản xuất theo hướng nâng cao giá trị sản phẩm, đời sống kinh tế của người dân đã được nâng lên rõ rệt. Theo UBND thị xã Ngã Năm, nhiều năm qua, trong tổng số 18.000 ha diện tích lúa trên địa bàn thị xã thì có đến 65% diện tích được nông dân sử dụng các loại giống lúa đặc sản, cao sản và trên 55% diện tích sản xuất được ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm, giúp ổn định đầu ra, đảm bảo lợi nhuận, tạo sự an tâm cho người dân trong sản xuất. Trong vụ lúa Đông Xuân 2020-2021 này, nông dân Ngã Năm sản xuất lúa đặc sản, lúa thơm hơn 80% diện tích; trong đó, giống chủ lực là ST24.

             Ông Nguyễn Văn Nhanh - Trưởng Ban nhân dân khóm Tân Trung, Phường 2 (thị xã Ngã Năm) cho biết, nhờ được doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm, đảm bảo được lợi nhuận nên nông dân luôn yên tâm sản xuất. Đặc biệt là giống lúa ST24 được nông dân trên địa bàn chọn để canh tác vì hiệu quả kinh tế và năng suất, cùng các ưu điểm về kháng sâu bệnh.        
Thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, tỉnh Sóc Trăng xác định các sản phẩm nông sản chủ lực gồm cây lúa, hành tím Vĩnh Châu, cây ăn trái, bò sữa, gia cầm, tôm nước lợ…

              Đối với cây lúa, Sóc Trăng tập trung thúc đẩy sản xuất các giống lúa chất lượng cao, lúa đặc sản, đặc biệt nhóm giống lúa ST. Trong năm 2020, trong số 338.000 ha trồng lúa thì có gần 180.000 ha được nông dân chọn trồng các giống lúa đặc sản, lúa thơm các loại. Nhiều vùng sản xuất hàng hóa tập trung gắn với liên kết tiêu thụ. Ngoài ra, trong giai đoạn từ 2017-2020, có hơn 20.000 ha đất lúa và hơn 2.700 ha đất mía được các địa phương chuyển đổi sang trồng cây hàng năm, cây lâu năm và nuôi trồng thủy sản kết hợp với trồng lúa cho giá trị kinh tế hơn.

              Còn cây ăn trái thì ngày càng phát triển ổn định, mang lại nguồn thu nhập khá cho nhà vườn với nhiều sản phẩm có giá trị kinh tế cao như bưởi, vú sữa, mãng cầu gai… Đến nay, diện tích cây ăn trái trên địa bàn tỉnh đạt 32.000 ha (tăng 2.981 ha so với 2016) và đã hình thành các vườn cây ăn quả theo hướng VietGAP với tổng diện tích trên 373 ha.

              Thông qua dự án phát triển diện tích cây ăn trái đặc sản tỉnh, diện tích cây ăn trái theo hướng VietGAP ngày càng được mở rộng. Riêng năm 2020, ngành Nông nghiệp tỉnh đã hỗ trợ tổ chức lại sản xuất với 19 mô hình, xây dựng 10 vùng trồng được cấp 36 mã code với diện tích hơn 320 ha và 350 hộ. Nhiều sản phẩm được hỗ trợ liên kết xuất khẩu sang thị trường châu Âu, Hoa Kỳ như vú sữa, xoài, bưởi, nhãn...

              Ông Huỳnh Ngọc Nhã - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh cho biết, ngành Nông nghiệp nỗ lực chung tay cùng với các địa phương và nông dân trên địa bàn tỉnh trong việc thực hiện kế hoạch cơ cấu lại ngành Nông nghiệp tỉnh giai đoạn 2017-2020, từ đó có nhiều mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao đã được nhân rộng, chuỗi liên kết sản xuất được hình thành. Những mô hình sản xuất theo hướng hữu cơ, hướng sạch được phát triển nhanh, hiệu quả. Việc này giúp cho các sản phẩm nông nghiệp của Sóc Trăng tăng được tính cạnh tranh trên thị trường, nâng cao giá trị nông sản của địa phương mình.

              Ông Huỳnh Ngọc Nhã cho biết, để tái cơ cấu ngành Nông nghiệp hiệu quả hơn, thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị với các sản phẩm chủ lực; trong đó tập trung khai thác và tận dụng tốt lợi thế của địa phương để xây dựng và phát triển vùng sản xuất với quy mô lớn thích ứng với biến đổi khí hậu, nâng cao chất lượng, hiệu quả đầu tư xây dựng nông thôn mới, tiếp tục thúc đẩy phát triển đời sống của nông dân, góp phần xóa đói giảm nghèo, bảo vệ môi trường./.

Chanh Đa



Thông báo
Báo cáo - thống kê
Videos

 

lượt truy cập
  • Tất cả: 80210382

Cơ quan chủ quản: UBND tỉnh Sóc Trăng - Điện thoại: 0299.3822339 - Fax: 0299.3820473 - Email: phonghanhchinh-soctrang@chinhphu.vn
Đơn vị quản lý: Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Sóc Trăng
Giấy phép số 01/GP-STTTT do Sở Thông tin và Truyền thông cấp ngày 22/9/2021.
Điện thoại Ban biên tập: 02993.626252 - Email: banbientap@soctrang.gov.vn
Địa chỉ: 56 Lê Duẩn - Phường 3 - Tp Sóc Trăng.
@ Ghi rõ nguồn "Cổng thông tin điện tử tỉnh Sóc Trăng" khi phát hành lại thông tin từ Cổng thông tin này.