Hội nghị trực tuyến bàn giải pháp phát triển ngành tôm năm 2021
Trong 6 tháng đầu năm, ngành tôm Việt Nam duy trì tốt chuỗi sản xuất trước tác động tiêu cực của dịch bệnh Covid -19 với mức kim ngạch xuất khẩu đạt 1,5 tỉ USD. Tuy nhiên, để ngành tôm thật sự trụ vững trước diễn biến khó có thể lường trước của dịch bệnh Covid -19 trên toàn cầu rất cần có những giải pháp mang tính căn cơ hơn. Đó cũng chính là lí do mà sáng ngày 16/7, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến chủ trì hội nghị trực tuyến với 28 tỉnh, thành ven biển bàn giải pháp phát triển ngành tôm trong năm 2021. Tại điểm cầu Sóc Trăng, dự hội nghị có đồng chí Vương Quốc Nam - Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng một số đơn vị trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. 
Sản lượng tôm nước lợ Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2021 đạt 371 nghìn tấn (tăng 12% so với cùng kỳ năm 2020). Các tháng đầu năm 2021, do nước ta kiểm soát tốt dịch bệnh Covid-19 nên hoạt động sản xuất tiếp tục được duy trì ổn định; giá tôm nguyên liệu tăng cao, kéo dài từ cuối năm 2020 đã kích thích các doanh nghiệp, người nuôi mạnh dạn đầu tư sản xuất. Tuy nhiên, vài tháng gần đây, tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp tại các tỉnh phía Nam, dẫn đến giá tôm nguyên liệu giảm và khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm. Dự báo các tháng cuối năm 2021, nhu cầu nhập khẩu tôm của thế giới tăng trở lại, đặc biệt ở các thị trường lớn như: Châu Âu, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc; trong khi nguồn cung tôm từ một số quốc gia như Ấn Độ và một số nhà cung cấp khác sẽ giảm do chịu tác động xấu từ đại dịch Covid-19; ngành tôm Việt Nam tiếp tục có nhiều cơ hội do ưu đãi thuế quan của Hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới, đặc biệt là Hiệp định CPTTP và EVFTA. Theo đó, xuất tôm của Việt Nam những tháng cuối năm 2021 nhiều khả năng sẽ vẫn tiếp tục tăng trưởng tốt do có lợi thế từ FTA, đảm bảo được sự ổn định trong nuôi tôm thương phẩm và chế biến sản phẩm khi kiểm soát tốt dịch bệnh Covid-19. 
 
Các đại biểu dự hội nghị tại tỉnh Sóc Trăng 
 
Tại hội nghị; lãnh đạo các cục, hiệp hội và lãnh đạo UBND một số tỉnh, thành nuôi tôm trọng điểm đã tham gia “hiến kế” để ngành tôm Việt Nam hoàn thành thắng lợi mục tiêu kế hoạch đề ra trong năm 2021; nhiều ý kiến cho rằng, để ngành tôm có bước phát triển bền vững hơn trước tác động của biến đổi khí hậu cũng như yếu tố thị trường, các vùng nuôi cần quan tâm đẩy mạnh hơn nữa việc ứng dụng khoa học công nghệ mới để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và hiệu quả sản xuất, đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước và quốc tế; tăng cường công tác quan trắc, cảnh báo môi trường các vùng nuôi tôm tập trung để kịp thời đưa ra khuyến cáo và cảnh báo nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại cho người nuôi; tiếp tục thực hiện khẩn trương việc đăng ký đối tượng nuôi chủ lực theo quy định tại Điều 36 của Nghị định số 26/2019/NĐ-CP. Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho biết, để ngành tôm Việt Nam kịp thời nắm bắt được “cơ hội vàng”, ngay sau khi dịch bệnh Covid -19 được kiểm soát tốt, lãnh đạo các tỉnh, thành cần xây dựng giải pháp cụ thể để nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng cường hợp tác, liên kết sản xuất theo chuỗi để giảm khâu trung gian, giảm giá thành sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm; áp dụng các hình thức nuôi có chứng nhận: VietGAP, GlobalGAP, ASC… để con tôm Việt Nam rộng đường xuất khẩu sang các thị trường mới thay vì chỉ phụ thuộc vào một số thị trường truyền thống. Thứ trưởng cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giám sát dịch bệnh trên tôm nuôi cũng như công tác tuần tra, kiểm soát việc sử dụng hóa chất, kháng sinh cấm làm ảnh hưởng đến chất lượng và uy tín vùng nuôi. 
 
Dịp này, Tổng cục Thủy sản đã triển khai Quyết định 339/QĐ-TTg ngày 11/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam năm 2030, tầm nhìn 2045. Với những mục tiêu và giải pháp cụ thể cho từng giai đoạn, “Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam năm 2030, tầm nhìn 2045” được xem là cơ sở quan trọng góp phần thúc đẩy ngành thủy sản nói chung và ngành tôm Việt Nam nói riêng có bước phát triển quy mô hơn, đóng góp tích cực cho mức tăng trưởng kinh tế chung của cả nước .
 
Ngọc Thơ
 
Thông báo
Báo cáo - thống kê
Videos

 

lượt truy cập
  • Tất cả: 77665169

Cơ quan chủ quản: UBND tỉnh Sóc Trăng - Điện thoại: 0299.3822339 - Fax: 0299.3820473 - Email: phonghanhchinh-soctrang@chinhphu.vn
Đơn vị quản lý: Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Sóc Trăng
Giấy phép số 01/GP-STTTT do Sở Thông tin và Truyền thông cấp ngày 22/9/2021.
Điện thoại Ban biên tập: 02993.626252 - Email: banbientap@soctrang.gov.vn
Địa chỉ: 56 Lê Duẩn - Phường 3 - Tp Sóc Trăng.
@ Ghi rõ nguồn "Cổng thông tin điện tử tỉnh Sóc Trăng" khi phát hành lại thông tin từ Cổng thông tin này.