Đời sống đồng bào Khmer đổi thay nhờ chính sách dân tộc
      Kế Sách là huyện có đông đồng bào Khmer sinh sống trên hơn 4.809 hộ với 19.239 khẩu, có 11 xã, 2 thị trấn với 86 ấp. Trong đó, 6 xã thuộc khu vực 3, 2 xã thuộc khu vực 2 có ấp đặc biệt khó khăn, 3 xã đặc biệt vùng bãi ngang và 3 xã đảo. Những năm qua, nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, cho vay ưu đãi, hỗ trợ cây, con giống, chuyển giao khoa học, kỹ thuật trong sản xuất… nên cuộc sống của đồng bào Khmer nơi đây có bước phát triển rõ nét, số hộ khá không ngừng tăng lên, số hộ nghèo, cận nghèo giảm dần từng năm. Cùng với đó, diện mạo các xóm, ấp nơi có đông đồng bào Khmer sinh sống cũng ngày càng khởi sắc.

      Chúng tôi đến xã Trinh Phú vào những ngày cuối tháng 7, một trong những xã có khá đông đồng bào Khmer sinh sống nhất huyện Kế Sách. Trước đây, giao thông đi lại nơi đây còn gặp nhiều khó khăn. Ở đây, bà con chủ yếu sản xuất nông nghiệp, nhưng ít áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật nên năng suất không cao và hiệu quả kinh tế mang lại chưa lớn.


Kế Sách vừa tổ chức thành công Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số lần thứ III

      Gia đình ông Sơn Đất, ngụ ấp 1, xã Trinh Phú trước đây thuộc diện khó khăn trong ấp. Nhưng hiện nay, gia đình ông đã có bò để nuôi, có đất để sản xuất, lo cho con ăn học, đời sống gia đình ổn định không phải chạy ăn từng bữa như trước. Trò truyện với chúng tôi, ông Đất phấn khởi cho biết: “Lúc trước, thấy gia đình tôi nghèo khó, nhà nước hỗ trợ cho vay tiền lãi suất thấp mua hai con bò giống về nuôi. Từ đó, tôi quyết vượt khó, chí thú làm ăn, vươn lên thoát nghèo, mỗi năm tích lũy thêm vốn. Cuộc sống gia đình giờ đỡ hơn trước, được hưởng các chính sách dân tộc của Nhà nước nên được kéo điện miễn phí. Vốn đầu tư sản xuất cũng được xét cho vay với lãi suất thấp. Gia đình tôi giờ chỉ còn mỗi việc chăm chỉ làm ăn và áp dụng kỹ thuật vào chăn nuôi, sản xuất”.

      Đồng chí Lâm Sơn - Trưởng phòng Dân tộc huyện Kế Sách cho biết: “Từ năm 2015 đến nay, bằng nguồn vốn Chương trình 135, huyện còn đầu tư cho các ấp, xã đặc biệt khó khăn, xây dựng 49 công trình giao thông, 4 công trình thủy lợi; đầu tư 42 dự án phát triển sản xuất và xây dựng 42 giếng khoan, có 126 hộ thụ hưởng. Ngoài ra, nhà nước hỗ trợ trực tiếp cho 28.192 hộ với 116,431 khẩu, kinh phí thực hiện trên 10 tỷ đồng. Bên cạnh việc thực hiện các chương trình, dự án, chính sách hỗ trợ, Huyện ủy, UBND huyện còn đặc biệt quan tâm đến việc thực hiện chính sách người có công. Năm 2018, tình hình kinh tế của huyện tiếp tục phát triển, lĩnh vực văn hóa - xã hội có nhiều tiến bộ; các chương trình, dự án, chính sách an sinh xã hội được triển khai đồng bộ, hiệu quả; công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động được quan tâm thực hiện. Các chính sách an sinh xã hội, chăm lo cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số được thực hiện kịp thời. Hiện nay, huyện Kế Sách còn 1.568 hộ nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số. Vì vậy, mục tiêu cụ thể đến năm 2014, huyện Kế Sách phấn đấu hàng năm giảm hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số từ 3 đến 4%; lao động người dân tộc thiểu số trong độ tuổi được đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn đạt trên 70% và 99% hộ dân có điện sinh hoạt thường xuyên. Mặt khác, xóa nhà tạm, tất cả người dân sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh, hộ có nhà tiêu hợp vệ sinh 80%. Đồng thời, giảm tỷ lệ trẻ em người dân tộc thiểu số dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng còn 11%; tỷ lệ tăng dân số tự nhiên trong đồng bào dân tộc thiểu số 1,20%.
K.N

Thông báo
Báo cáo - thống kê
Videos

 

lượt truy cập
  • Tất cả: 80214940

Cơ quan chủ quản: UBND tỉnh Sóc Trăng - Điện thoại: 0299.3822339 - Fax: 0299.3820473 - Email: phonghanhchinh-soctrang@chinhphu.vn
Đơn vị quản lý: Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Sóc Trăng
Giấy phép số 01/GP-STTTT do Sở Thông tin và Truyền thông cấp ngày 22/9/2021.
Điện thoại Ban biên tập: 02993.626252 - Email: banbientap@soctrang.gov.vn
Địa chỉ: 56 Lê Duẩn - Phường 3 - Tp Sóc Trăng.
@ Ghi rõ nguồn "Cổng thông tin điện tử tỉnh Sóc Trăng" khi phát hành lại thông tin từ Cổng thông tin này.