Nông dân Đặng Chí Tình, ấp Đắc Thế, xã Hồ Đắc Kiện phát triển kinh tế gia đình bằng việc nuôi đa con
         3 năm nay, anh Đặng Chí Tình ở ấp Đắc Thế, xã Hồ Đắc Kiện rất tâm huyết với mô hình nuôi đa con, mà giờ đây cuộc sống gia đình anh khá vững chắc. Trò chuyện cùng anh Tình, thật khâm phục bởi đức tính cần cù, siêng năng, chịu khó, rất hiểu biết kiến thức, kỹ thuật nhưng lại khiêm nhường và gần gũi.

         Trước khi bắt tay thực hiện mô hình khép kín nuôi trùng quế, nuôi cá phi, nuôi lươn và rắn ri voi, anh Tình tham khảo rất nhiều kỹ thuật trên sách, internet, vì các loài thủy sản và bò sát này rất khó nuôi, anh còn đi tham quan mô hình nuôi lươn và mua con giống ở huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang. Nếu không am hiểu đặc tính của từng loài vật nuôi thì quá trình nuôi không đạt năng suất cao và rất dễ bị nhiễm dịch bệnh chết là khó tránh khỏi.

         Hiện tại anh đang nuôi với quy mô lớn, hình thức gia trại, 150 m2  chuồng nuôi trùng quế; 8.000 con lươn giống; 5.000 con lươn tơ, lươn thịt; 10 ao nuôi lươn bố, mẹ với 3.000 con; 300 con rắn ri voi và 2.000 m2  ao nuôi cá phi. Hiện đang chăm sóc tốt lươn giống các loại, dự kiến khoảng cuối tháng 3, đầu tháng 4 năm nay là có bán. 

       Với đặc tính lươn sinh sản xuyên suốt từ tháng 1 đến tháng 10. Để sản xuất ra lươn giống chất lượng, phải lựa chọn lươn bố mẹ giống tốt; lươn đực nuôi khoảng 1 năm rưỡi, lươn cái khoảng 9 tháng đến 10 tháng có thể để sinh sản, thả vào bồn nước ghép chung, nuôi khoảng nửa tháng là đẻ trứng; 1 con lươn cái đẻ 1 ổ trứng khoảng 100 con.

          Trước khi đưa vào hệ thống ấp trứng, anh Tình tiến hành diệt khuẩn, khử trùng trứng rồi thả vào thau, chậu, bồn nước có nhiệt độ, máy tạo ô xi thích hợp như môi trường tự nhiên, nên tỷ lệ thành công đạt khá cao 70% trứng ấp nở thành lươn con. 

          Từ trứng phát triển thành phôi đến giai đoạn lươn hương, lươn giống phải mất 3 tháng đến 4 tháng; quá trình này lươn chỉ ăn trứng nước và trùng chỉ, trùng quế; 1 ngày trung bình 1.000 con lươn giống cho ăn 2 lần, lúc sáng sớm và chiều tối, tốn khoảng 100 gram trùng và thức ăn. Anh Tình nói: “Khi lấy trứng vào, công đoạn vệ sinh sạch sẽ và diệt khuẩn là cực kỳ quan trọng. Nếu lấy vào không diệt khuẩn trứng sẽ bị nấm ký sinh và vi khuẩn tấn công làm trứng bị úng, ấp không nở được lươn con. Nhiệt độ ấp trứng thích hợp nhất từ 260C đến 320C. 


         Để lươn phát triển tốt phải bổ sung men tiêu hóa, hấp thu dinh dưỡng đạt 100%; lượng đạm đủ từ 40% trở lên mới đủ chuẩn cho con lươn phát triển, đạm thấp con lươn không lớn; môi trường vệ sinh sạch sẽ lươn phát triển tốt. Khi lươn cắn nhau gây ra lở loét trị bệnh bằng cách 10 ngày phải diệt khuẩn 1 lần; 10 ngày diệt vi sinh vật bám chỗ lở loét là lươn ổn”.


Mô hình nuôi lươn hiệu quả của nông dân Đặng Chí Tình, ấp Đắc Thế, xã Hồ Đắc Kiện.

          Khi lươn nuôi nhốt chung hay cắn nhau gây ra các vết xước đó rất dễ bị nấm thủy mi xâm nhập làm lở loét, lây lan các vết thương ra nhiều hơn sẽ xử lý bằng cách sử dụng thuốc diệt khuẩn, thuốc tím, nước muối có nồng độ 5%o đến 10%o pha vào nước; còn bệnh lở loét đường ruột do nội ký sinh thì bổ sung men tiêu hóa vào thức ăn hàng ngày và dùng thuốc diệt khuẩn 1 tháng 1 lần. Lươn nuôi càng lớn thì càng ít bệnh vì sức đề kháng ngày càng tốt.
 
         Tùy theo kích cỡ, trọng lượng mà giá bán lươn giống sẽ khác nhau; sau 3 tháng đến 4 tháng, lươn giống loại 1 có giá 6 ngàn đồng/con với 200 con đến 300 con/ký; 5 ngàn đồng từ 300 con đến 500 con/ký; loại 3 là 4 ngàn đồng với 500 con đến 700 con/ký; từ 700 con đến 1.000 con, đến 1.200 con/ký, giá bán 1 con là 3 ngàn đồng. Anh Tình cho biết: “Sắp tới sẽ mở rộng  thêm, khi bắt con giống ở trại thì thu gom lại lươn thịt theo giá thị trường. Lươn thịt trên thị trường xuất qua Trung Quốc và Nhật Bản hầu như không đủ hàng để cung cấp. 

           Từ lươn giống anh tiếp tục nuôi thành lươn thịt, khoảng 10 tháng lươn có trọng lượng loại 1 đạt 200 gram/con; loại 2 đạt 150 gram/con và loại 3 đạt 100 gram/con; giá bán trên dưới 100 ngàn đồng/kg lươn thịt. 

            Mô hình của anh đã mang lại hiệu quả kinh tế rất cao, nhưng chi phí đầu tư ban đầu là khá lớn, chỉ tính riêng chi phí mua con giống khoảng 100 triệu đồng, ngoài ra còn xây bồn xi măng, bồn bạt nhựa, cải tạo ao mương; mua máy bơm nước; máy tạo ô xi, nhiệt kế đo nhiệt độ... 
Mỹ Dung  

Thông báo
Báo cáo - thống kê
Videos

 

lượt truy cập
  • Tất cả: 81715314

Cơ quan chủ quản: UBND tỉnh Sóc Trăng - Điện thoại: 0299.3822339 - Fax: 0299.3820473 - Email: phonghanhchinh-soctrang@chinhphu.vn
Đơn vị quản lý: Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Sóc Trăng
Giấy phép số 01/GP-STTTT do Sở Thông tin và Truyền thông cấp ngày 22/9/2021.
Điện thoại Ban biên tập: 02993.626252 - Email: banbientap@soctrang.gov.vn
Địa chỉ: 56 Lê Duẩn - Phường 3 - Tp Sóc Trăng.
@ Ghi rõ nguồn "Cổng thông tin điện tử tỉnh Sóc Trăng" khi phát hành lại thông tin từ Cổng thông tin này.