Sức sống mới ở vùng căn cứ Mỹ Phước
         Là vùng căn cứ cách mạng của Tỉnh ủy, xã Mỹ Phước thuộc huyện Mỹ Tú phải gánh chịu những tổn thất nặng nề từ vết thương chiến tranh. Nếu như trong thời chiến, từng người con của quê hương Mỹ Phước đã chiến đấu kiên cường để giữ làng, giữ nước. Thì sau chiến tranh, ý chí bất khuất ấy lại được thể hiện rõ hơn khi người dân nơi đây đã từng bước khắc phục khó khăn để vươn lên làm giàu trên đất đai trũng phèn, nhiễm mặn. 

        Những năm đầu giải phóng,việc canh tác ở Mỹ Phước gặp không ít trở ngại khi đất đai còn trũng phèn, nhiễm mặn. Đến khi dự án ngọt hóa bán đảo Cà Mau phát huy hiệu quả với nhiều chính sách đầu tư giao thông thủy lợi đi kèm, cây lúa bắt đầu trở thành cây trồng chủ lực tại địa phương. Đất đai được rửa mặn, xổ phèn, nông dân không ngừng tăng vụ, chuyển đổi giống lúa phù hợp, giống chất lượng cao để tăng lợi nhuận. Nếu như trong những mùa vụ trước, nông dân nơi đây chủ yếu canh tác các giống PC - 10 hay OM - 5454 thì kể từ năm 2016, hơn 50% diện tích lúa tại đây đã được bà con chuyển đổi sang trồng lúa chất lượng cao với các giống RVT, ST; hầu hết diện tích này đều được Công ty TNHH xuất nhập khẩu và chế biến lương thực Cần Thơ bao tiêu với mức giá ổn định là 6.200 đồng/1 kg. Nông dân trồng lúa có lợi nhuận cao, điều kiện canh tác cũng thuận tiện hơn rất nhiều khi hệ thống trạm bơm được lắp đặt và vận hành có hiệu quả nên luôn yên tâm bám đồng, bám ruộng. Ông Nguyễn Văn Hải - hộ dân ở ấp Phước Ninh phấn khởi cho biết: “Từ lúc có thêm trạm bơm, việc tiêu thoát nước rất dễ dàng, bà con vô cùng an tâm sản xuất không còn sợ khi lũ về. Hiện giờ vấn đề liên kết tiêu thụ được đẩy mạnh nên lúa làm ra là có doanh nghiệp vô bao tiêu chứ không bấp bênh như lúc trước”.

         Về Mỹ Phước hôm nay cũng sẽ không còn nghe người dân than phiền về những mùa “mía đắng”. Bởi, sau nhiều năm bấp bênh về giá, phần lớn diện tích đã được bà con thực hiện chuyển đổi sang mô hình kinh tế hiệu quả hơn theo chủ trương tái cơ cấu cây trồng, vật nuôi mà địa phương phát động. Đoạn tuyệt với cây mía, đời sống kinh tế của nhiều bà con ở xứ này dường như đã có những cải thiện rõ rệt hơn từ ngày cải tạo đất để lên liếp trồng màu hay phát triển cây tràm úc. Riêng với những khu bưng biền, trũng phèn canh tác lúa kém hiệu quả vào mỗi mùa nước nổi cũng đã được người dân chủ động chuyển đổi sang mô hình nuôi cá đồng với hiệu quả kinh tế cao hơn từ 2 đến 3 lần. Nếu như diện tích nuôi cá đồng thay thế lúa thu đông của toàn huyện là gần 300 ha mỗi năm thì tại Mỹ Phước đã chiếm hơn 50% diện tích. Khởi đầu là một mô hình tự phát; nhưng đến nay, nuôi cá đồng trên ruộng đã trở thành một cách làm hay và trở thành phương thức sản xuất chính của nhiều người dân Mỹ Phước vào mỗi khi mực nước tràn đồng.

Vùng căn cứ Mỹ Phước giờ đã thay da đổi thịt

           Có thể nói, Đảng bộ và nhân dân vùng căn cứ Mỹ Phước đã phát huy tốt hào khí của thế hệ cha ông đi trước, tạo thành một khối đoàn kết với quyết tâm cao để có thể vá lành vết thương đạn bom năm xưa mà cùng chung sức, đồng lòng xây dựng quê hương ngày thêm căng tràn sức sống mới. Nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và sự hưởng ứng tích cực từ người dân địa phương, từng công trình hạ tầng nông thôn đã được đầu tư xây dựng kiên cố. Điện, đường, trường trạm hiện nay cũng đã phục vụ rất tốt cho nhu cầu hưởng thụ đời sống tinh thần của bà con nông thôn. Thu nhập bình quân đầu người đạt 39 triệu đồng/người/năm, tỉ lệ hộ nghèo giảm 3% mỗi năm là những điểm nhấn quan trọng ghi dấu sự chuyển mình mạnh mẽ của vùng đất vốn khô cằn, lam lũ thuở xưa. Tuổi đời nay đã ngoài 60, tận mắt chứng kiến sự thay da đổi thịt ở vùng quê kháng chiến năm nào, ông Võ Văn Suộn ở ấp Phước An xúc động chia sẻ: “Mỹ Phước là vùng căn cứ cách mạng trước đây. Thời gian qua, nhờ được Đảng, Nhà nước quan tâm nên bộ mặt nông thôn khởi sắc theo từng năm. Đường rộng rãi, thông thoáng thuận tiện cho xe lưu thông và vận chuyển hàng hóa. Đặc biệt dù là một xã vùng xa nhưng cũng được đầu tư xây dựng phòng khám đa khoa khu vực nên bà con rất vui mừng”.

          Những chuyển biến tích cực của vùng căn cứ Mỹ Phước là minh chứng rõ nét nhất cho quá trình phấn đấu và nỗ lực của cả hệ thống chính trị từ cấp huyện đến cấp xã. Thời gian tới, thực hiện tốt hơn việc chuyển đổi các mô hình kinh tế phù hợp để nâng cao đời sống nhân dân, tăng cường liên kết sản xuất để người dân được hưởng lợi nhuận chính đáng từ thành quả lao động sản xuất của mình sẽ là những nhiệm vụ trọng tâm mà Đảng ủy, UBND xã tiếp tục hướng đến. Đồng chí Phạm Minh Kết - Chủ tịch UBND xã Mỹ Phước thông tin thêm: “Hướng tới, tranh thủ sự đầu tư của trên, địa phương sẽ kêu gọi xã hội hóa trên các lĩnh vực như hiến đất đai, ngày công lao động để thực hiện các công trình phục vụ dân sinh; chú trọng kêu gọi các doanh nghiệp có sự đầu tư, liên kết bao tiêu nông sản cho nông dân; vận động bà con phát triển các hợp tác, hợp tác xã để thuận lợi hơn trong sản xuất, nhân rộng một số mô hình kinh tế có triển vọng như mô hình lúa - cá, mô hình cánh đồng một loại giống hay nuôi thủy cầm...”.

           Mảnh đất kiên cường, bất khuất trong thời chiến giờ đây đã có sự chuyển mình mạnh mẽ nhờ biết biến những khó khăn, trở ngại thành lợi thế để trở thành một vùng quê nông thôn đáng sống trong thời bình. Tự hào với bề dày lịch sử đấu tranh hào hùng của vùng căn cứ cách mạng năm xưa, càng thêm nể phục ý chí vươn lên của người dân Mỹ Phước được thể hiện qua kết quả trong công cuộc chuyển đổi cây trồng, vật nuôi để nâng cao thu nhập. Tất cả là nền tảng vững chắc để Đảng bộ và nhân dân nơi đây tiếp tục giữ vững truyền thống cách mạng vẻ vang, tích cực hơn nữa trong lao động sản xuất để xây dựng quê nhà ngày thêm đổi mới.

Ngọc Thơ



Thông báo
Báo cáo - thống kê
Videos

 

lượt truy cập
  • Tất cả: 81589622

Cơ quan chủ quản: UBND tỉnh Sóc Trăng - Điện thoại: 0299.3822339 - Fax: 0299.3820473 - Email: phonghanhchinh-soctrang@chinhphu.vn
Đơn vị quản lý: Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Sóc Trăng
Giấy phép số 01/GP-STTTT do Sở Thông tin và Truyền thông cấp ngày 22/9/2021.
Điện thoại Ban biên tập: 02993.626252 - Email: banbientap@soctrang.gov.vn
Địa chỉ: 56 Lê Duẩn - Phường 3 - Tp Sóc Trăng.
@ Ghi rõ nguồn "Cổng thông tin điện tử tỉnh Sóc Trăng" khi phát hành lại thông tin từ Cổng thông tin này.