Mỹ Tú: Đẩy mạnh thực hiện Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”
Theo đó, thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm, Ủy ban nhân dân huyện đã ban hành kế hoạch triển khai và tiến hành khảo sát các sản phẩm tham gia Chương trình OCOP cho cả giai đoạn 2018 - 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Đáng chú ý, huyện Mỹ Tú đã yêu cầu mỗi xã phải lựa chọn ít nhất một sản phẩm dựa trên cơ sở nền tảng các sản phẩm truyền thống, đặc trưng của địa phương, phù hợp thị hiếu tiêu dùng, bảo đảm chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm theo tiêu chuẩn trong nước và quốc tế...
Sau khi lựa chọn được đối tượng, huyện đã tổ chức hội nghị tập huấn cho các chủ thể kỹ năng hoàn thiện hệ thống tổ chức sản xuất, kinh doanh, xây dựng các chuỗi sản xuất; tư vấn, hỗ trợ thiết kế logo, mẫu mã, bao bì, tem truy xuất nguồn gốc, xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu cho sản phẩm...
Sau 02 năm (2018 - 2019) thực hiện Chương trình OCOP, với sự tích cực trong chỉ đạo điều hành của cấp ủy, chính quyền và sự nỗ lực của Nhân dân, đến nay trên địa bàn huyện Mỹ Tú có 05 sản phẩm được hội đồng đánh giá OCOP cấp tỉnh đánh giá, xếp hạng 3 sao: Đường phèn (cơ sở sản xuất Hùng Xuân, xã Hưng Phú); Rượu cam xoàn, mứt vỏ cam (HTX nông nghiệp Phương An, xã Hưng Phú); Mứt me, mắm tép (cơ sở sản xuất Mai Anh, xã Mỹ Thuận).
Các sản phẩm OCOP của huyện Mỹ Tú
Ông Võ Minh Quân - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mỹ Tú cho biết: Hiện nay, chúng tôi đang hoàn thiện hồ sơ thủ tục đề nghị tỉnh đánh giá công nhận thêm 03 sản phẩm: Đường trắng, Mứt mận và Dưa bồn bồn. Ngoài ra, trên địa bàn huyện còn có nhiều sản phẩm đặc trưng có giá trị, thế mạnh và tiềm năng phát triển, có thể tham gia Chương trình OCOP như: Hoa đất sét, bánh tét chay, chuối sấy, khô cá lóc, vịt trời, đậu phộng da cá, tắc xí muội… Có thể thấy tiềm năng để thực hiện Chương trình OCOP của Mỹ Tú trong thời gian tới là rất lớn, hứa hẹn có thêm các sản phẩm được đánh giá, xếp hạng, góp phần nâng cao thu nhập của bà con trên địa bàn.
Đạt được kết quả trên, song Mỹ Tú gặp không ít khó khăn trong thực hiện Chương trình OCOP. Do đây là chương trình mới nên các xã, thị trấn chưa có nhiều kinh nghiệm trong quá trình triển khai tổ chức thực hiện, đội ngũ cán bộ quản lý thực hiện Chương trình các xã, thị trấn hiện tại hoạt động theo hình thức kiêm nhiệm, dẫn đến chưa dành nhiều thời gian cho phát triển sản phẩm OCOP. Một số xã, thị trấn chưa vào cuộc cùng các tổ chức kinh tế trong quá trình thực hiện như đăng ký sản phẩm, hướng dẫn hồ sơ thủ tục tham gia Chương trình OCOP…
Ông Võ Minh Quân cho biết thêm: Chương trình OCOP là chương trình phát triển kinh tế quan trọng trong việc thúc đẩy sản xuất gắn với phát triển sản phẩm hàng hóa nông nghiệp; thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn theo hướng gia tăng giá trị, góp phần hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới. Thời gian tới, huyện Mỹ Tú tiếp tục nâng cao nguồn nhân lực; nâng cấp các sản phẩm đã tham gia OCOP và phát triển các sản phẩm đăng ký mới; đẩy mạnh tư vấn, hướng dẫn về chính sách hỗ trợ, thủ tục đăng ký nhãn hiệu; tăng cường xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm OCOP đã xếp hạng, nhằm tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm trên thị trường, giúp nông dân có thu nhập ổn định góp phần phát triển nền nông nghiệp theo hướng bền vững.
Quốc Tuấn