Nông dân Long Phú tạo khí thế thi đua từ phong trào sản xuất giỏi
Những năm qua, phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh danh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và thoát nghèo bền vững” ở huyện Long Phú đã tạo khí thế thi đua sôi nổi, góp phần động viên, khích lệ tinh thần, nghị lực vượt khó của hội viên vươn lên làm giàu chính đáng.

Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Long Phú Đỗ Thống Nhất cho biết: “Xác định việc thực hiện tốt phong trào nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi là động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, hội chú trọng tuyên truyền giúp hội viên hiểu rõ nội dung, mục đích, ý nghĩa của phong trào; quy định tiêu chuẩn hộ sản xuất, kinh doanh để hội viên đăng ký, phấn đấu thực hiện. Đồng thời hội tập trung triển khai các chương trình, đề án phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội ở nông thôn; phối hợp hỗ trợ, giúp đỡ nông dân về vốn, giống, khoa học kỹ thuật, đầu ra cho sản phẩm; xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất, kinh doanh giỏi, tổ chức cho hội viên tham quan, học tập, từ đó vận dụng phù hợp điều kiện thực tế tại gia đình”.

Tính đến nay, Hội Nông dân huyện phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện phát vay cho 2.944 hội viên, với tổng dư nợ gần 72 tỷ đồng. Từ nguồn vay này, nhiều hội viên, nông dân mở rộng sản xuất, thực hiện các mô hình như: Chuyển đổi giống lúa, nâng cấp và trồng mới bưởi da xanh, trồng rau, màu và chăn nuôi… mang lại hiệu quả kinh tế cao, thu nhập từ 100 - 300 triệu đồng/năm. Đặc biệt, có một số mô hình tiêu biểu, điển hình như: Mô hình làm vườn, rẫy kết hợp chăn nuôi của nông dân Dương Thị Phương ở xã Long Đức cho thu nhập hàng năm gần 1 tỷ đồng; mô hình trồng chanh bông tím, chanh không hạt của nông dân xã Phú Hữu cho thu nhập từ 1 - 1,5 tỷ đồng/năm; mô hình lúa - cá, cá - sen, trồng bồn bồn của nông dân ở các xã Long Phú, Tân Thạnh, Tân Hưng; mô hình chuyển đổi giống từ nhãn tiêu da bò sang bưởi da xanh và lai tạo, nhân giống chanh ngọt… Đặc biệt, có một số mô hình kinh tế tập thể đã và đang phát triển như: Cánh đồng lớn, tổ hợp tác, hợp tác xã và các chi, tổ hội nghề nghiệp. Các mô hình này đang được Hội Nông dân cơ sở phát huy và nhân ra diện rộng, làm động lực thúc đẩy hội viên nông dân hăng hái thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu kinh tế trong nông nghiệp, chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi, tích cực tham gia các hình thức kinh tế tập thể, tổ chức sản xuất hàng hóa theo hướng tập trung, có khối lượng lớn, đạt tiêu chuẩn, chất lượng, góp phần tích cực cho quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn và đáp ứng được tiến trình hộ nhập quốc tế.

Mô hình nuôi bò sinh sản góp phần xóa đói giảm nghèo bền vững.

Ông Đỗ Thống Nhất đánh giá: “Từ những mô hình sản xuất, kinh doanh mang lại hiệu quả được điển hình và nhân rộng, đã xuất hiện nhiều gương hội viên, nông dân tiêu biểu trên các lĩnh vực, cần cù lao động, ham học hỏi, chí thú làm ăn, học hỏi kinh nghiệm, sản xuất kinh doanh, tạo được sự hài hòa và gắn bó mật thiết hơn, tình làng, nghĩa xóm được thắt chặt và đoàn kết trong hội viên nông dân ngày càng được nâng lên, tinh thần tương thân, tương ái, tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau trong hội viên nông dân xuất hiện ngày càng nhiều, không những về kiến thức và trình độ ứng dụng khoa học kỹ thuật mà còn hỗ trợ nhau về vốn, giống cây trồng, vật nuôi để cùng nhau phát triển kinh tế hộ gia đình, giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và công tác giảm nghèo bền vững ở địa phương”.

Cùng với thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, tinh thần tương thân, tương ái của hội viên, nông dân được phát huy tích cực. Trung bình mỗi năm, các cơ sở hội huy động quỹ hùn vốn giúp nhau xoay vòng được gần 1 tỷ đồng, giúp hội viên có thêm vốn đầu tư phát triển kinh tế, thoát nghèo bền vững, vươn lên khá giàu. Từ đó góp phần cùng với huyện thực hiện tốt công tác giảm nghèo. Huyện Long Phú hiện còn 797 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 2,83%, và 1.550 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 5,50%. Từ phong trào trên, số hộ được công nhận nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi ngày càng tăng. Chỉ tính trong giai đoạn 2016 - 2019, toàn huyện có 41.350 lượt hộ nông dân đăng ký thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp, kết quả đã xét công nhận và tái công nhận được 24.912 lượt hộ, đạt 60,24% so với hộ đăng ký. Riêng trong năm 2021 này, toàn huyện có 16.885 hộ đăng ký nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp, đạt 63,62% (16.885/26.541) so với hộ dân.

Ông Đỗ Thống Nhất cho biết thêm: “Để phong trào nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi của huyện ngày càng đạt hiệu quả, Hội Nông dân huyện sẽ tiếp tục tuyên truyền hội viên, nông dân áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; tổ chức tham quan các mô hình kinh tế hiệu quả, giới thiệu cho nông dân tiếp cận các nguồn vốn đầu tư từ các chương trình hỗ trợ sản xuất, sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội để phát triển kinh tế. Song song đó, xây dựng tổ chức hội vững mạnh, làm nòng cốt trong phong trào vận động hội viên nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi”.

Sóc Ca

 
Thông báo
Báo cáo - thống kê
Videos

 

lượt truy cập
  • Tất cả: 78320560

Cơ quan chủ quản: UBND tỉnh Sóc Trăng - Điện thoại: 0299.3822339 - Fax: 0299.3820473 - Email: phonghanhchinh-soctrang@chinhphu.vn
Đơn vị quản lý: Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Sóc Trăng
Giấy phép số 01/GP-STTTT do Sở Thông tin và Truyền thông cấp ngày 22/9/2021.
Điện thoại Ban biên tập: 02993.626252 - Email: banbientap@soctrang.gov.vn
Địa chỉ: 56 Lê Duẩn - Phường 3 - Tp Sóc Trăng.
@ Ghi rõ nguồn "Cổng thông tin điện tử tỉnh Sóc Trăng" khi phát hành lại thông tin từ Cổng thông tin này.