Lượt xem: 333
Hội nghị tổng kết công tác năm 2023 và triển khai phương hướng, nhiệm vụ năm 2024 ngành tài nguyên và môi trường
Chiều ngày 09/01/2024, tại Hội trường số 2, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Sóc Trăng tổ chức Hội nghị tổng kết năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024 ngành tài nguyên và môi trường. 

              Dự Hội nghị có đồng chí Vương Quốc Nam - Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, đồng chí Ngô Thái Chân - Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh, các đồng chí Phó Giám đốc Sở và đại diện lãnh đạo Phòng Tài nguyên và Môi trường các huyện, thị xã, thành phố, đại diện lãnh đạo Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai các huyện, thị xã, thành phố cùng với lãnh đạo các phòng, đơn vị trực thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Sóc Trăng.

           Hội nghị được nghe đồng chí Huỳnh Tuyết Ngân – Phó Trưởng phòng Kế hoạch - Tài chính thông qua báo cáo hoạt động năm 2023 và triển khai kế hoạch thực hiện nhiệm vụ năm 2024 ngành tài nguyên và môi trường tỉnh Sóc Trăng.

Đồng chí Huỳnh Tuyết Ngân -  Phó Trưởng phòng Kế hoạch - Tài chính thông qua báo cáo kết quả hoạt động năm 2023 và kế hoạch thực hiện nhiệm vụ năm 2024 ngành tài nguyên và môi trường.

         Trong năm 2023, áp lực công việc ngày càng tăng, trong thực hiện nhiệm vụ ngành còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, qua đó ngành tài nguyên và môi trường đã tập trung triển khai nhiều giải pháp nhằm thực hiện các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội được Tỉnh ủy và UBND tỉnh giao. Cụ thể:

         Công tác cải cách hành chính tiếp tục được quan tâm, tổng số thủ tục hành chính cấp huyện là 25.628 hồ sơ, thực hiện đúng và trước hẹn 25.157 hồ sơ, chiếm tỷ lệ 98,2% số hồ sơ đã được giải quyết; Sở Tài nguyên và Môi trường giải quyết 354 hồ sơ, trong đó có 353 hồ sơ trước hẹn, chiếm tỷ lệ 99,7% hồ sơ đã được giải quyết.

           Công tác quản lý, sử dụng tài nguyên đất đai dần đi vào nề nếp; các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được phê duyệt; việc tự ý chuyển mục đích sử dụng đất, sử dụng đất trái quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất có chiều hướng giảm; việc chuyển quyền sử dụng đất không ra chính quyền giảm đáng kể so với trước đây; công tác giao đất, cho thuê đất, cấp giấy chứng chứng nhận quyền sử dụng đất cho các tổ chức, hộ gia đình cá nhân sử dụng được thực hiện chặt chẽ, đúng quy định của pháp luật; đất đai được khai thác, sử dụng có hiệu quả góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Công tác quản lý quỹ đất công, phát triển quỹ đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư được đẩy mạnh. Nhiều công trình trọng điểm thực hiện tốt công tác đo đạc giải phóng mặt bằng, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư như: Dự án Đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1; Dự án Tuyến đường trục phát triển kinh tế Đông Tây; Dự án cầu Đại Ngãi; Đường tỉnh 932; Đường tỉnh 933; Đường tỉnh 936; Đường tỉnh 938; Dự án nâng cấp mở rộng Quốc lộ 1A... Sở đã tham mưu UBND tỉnh giao 5 mỏ cát cho các nhà thầu thi công dự án lập thủ tục đăng ký khai thác theo quy định; triển khai và nghiệm thu nhiều dự án quan trọng; giám sát, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tài nguyên nước, đồng thời phối hợp các sở, ngành, đơn vị tổ chức giám sát, kiểm tra và thanh tra các hoạt động thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh và giám sát, thanh tra tình hình khai thác đất, khai thác cát trái phép.

         Công tác phòng ngừa và kiểm soát các nguồn gây ô nhiễm môi trường luôn được quan tâm chỉ đạo thực hiện. Trong năm 2023, trên địa bàn tỉnh không xảy ra các điểm nóng, bức xúc về ô nhiễm môi trường. Công tác thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường, kế hoạch bảo vệ môi trường, giấy phép môi trường được thực hiện theo đúng quy trình, quy định, đáp ứng các yêu cầu về bảo vệ môi trường. Công tác quan trắc môi trường được thực hiện định kỳ, kết quả quan trắc, phân tích, đánh giá đã cung cấp kịp thời cho các ngành, địa phương trong tỉnh về diễn biến chất lượng các thành phần môi trường; qua đó đề ra những biện pháp hạn chế, khắc phục khi phát hiện ô nhiễm. Công tác thanh tra, kiểm tra được quan tâm, kết quả: cấp tỉnh đã triển khai 17 cuộc thanh tra, kiểm tra đối với 106 tổ chức, cá nhân, theo đó phát hiện và xử lý 12 trường hợp vi phạm với tổng số tiền hơn 1,7 tỷ đồng; cấp huyện thực hiện thanh tra, kiểm tra 352 cá nhân và tổ chức, qua đó xử lý 87 trường hợp vi phạm với tổng số tiền là 651,2 triệu đồng.

         Bên cạnh những kết quả đã đạt được, trong năm 2023 ngành tài nguyên và môi trường cũng ghi nhận nhiều khó khăn, hạn chế như: vẫn còn trường hợp khai thác sử dụng tài nguyên nước chưa đúng theo quy định; một số thủ tục hành chính về tài nguyên và môi trường còn thực hiện chậm; tình trạng ô nhiễm môi trường nước mặt cục bộ do một số doanh nghiệp có lưu lượng nước thải lớn; tình trạng phát sinh các điểm rác thải tự phát vẫn còn xảy ra; một số bãi xử lý rác tập trung đã quá tải, xuống cấp chưa kịp thời phân bổ kinh phí để giảm thiểu ô nhiễm; gặp nhiều khó khăn trong việc quản lý đối với khoáng sản là đất làm vật liệu xây dựng thông thường, tình trạng khai thác trái phép diễn ra thường xuyên, gây ô nhiễm môi trường; các dự án nhà ở thực hiện theo hình thức nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất và chuyển mục đích sử dụng đất chưa có hướng giải quyết, vấn đề thu hồi đất 2 bên đường các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng chưa được sự đồng thuận của người dân ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ giải phóng mặt bằng; việc xây dựng cơ sở dữ liệu của ngành còn chậm do nguồn ngân sách của tỉnh còn gặp khó khăn,…

Đồng chí Đỗ Xuân Nam- Trưởng phòng tài nguyên và Môi tường thành phố sóc Trăng trao đổi những khó khăn, vướng mắc tại địa phương

         Tại Hội nghị, đại diện Phòng Tài nguyên và Môi trường các huyện, thị, thành phố đã tập trung thảo luận những vấn đề phát sinh trong thực tế; đồng thời đề xuất những giải pháp tháo gỡ khó khăn, qua đó nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường. Trong đó, nhiều ý kiến tập trung vào công tác xác định giá đất cụ thể, công tác cấp, đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, công tác chuyển mục đích sử dụng đất; công tác phê duyệt Kế hoạch sử dụng đất, Quy hoạch sử dụng đất; xây dựng bảng giá đất; công tác thu gom rác tại địa phương, hỗ trợ kinh phí sửa chữa các Lò đốt rác xuống cấp và các vấn đề quan trọng khác,…

Đồng chí Vương Quốc Nam- Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu chỉ đạo Hội nghị.

         Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Vương Quốc Nam biểu dương sự nỗ lực của ngành trong thực hiện nhiệm vụ năm 2023. Trên cơ sở kết quả đạt được, trong năm 2024 đề nghị tiếp tục tham mưu tốt cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh thực hiện công tác quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường, đồng thời tập trung thực hiện các nhiệm vụ như: khẩn trương quyết toán các dự án, trình phê duyệt Kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh, huyện, trong đó quan tâm theo dõi, đôn đốc các địa phương hoàn thiện hồ sơ kế hoạch sử dụng đất các năm. Chỉ đạo các đơn vị, địa phương rà soát, hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng đối với các Dự án, đồng thời xác định giá đất làm cơ sở bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất thực hiện các công trình, dự án. Tăng cường các giải pháp nhằm tháo gỡ bức xúc về rác thải sinh hoạt trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, cần triển khai hiệu quả, đảm bảo tiến độ thực hiện các nhiệm vụ như: xây dựng báo cáo hiện trạng môi trường nông thôn, làng nghề; xây dựng mô hình xử lý nước thải, bùn thải trong nuôi tôm siêu thâm canh; xây dựng mô hình thí điểm về kinh tế tuần hoàn và thích ứng biến đổi khí hậu. Đối với tài nguyên khoáng sản, cần tăng cường công tác tham mưu, quản lý, giám sát việc khai thác và sử dụng cát sông phục vụ Dự án thành phần 4 và khẩn trương tham mưu thủ tục hồ sơ để xúc tiến công tác bàn giao mỏ cát biển cho đơn vị khai thác; quan tâm về công tác quản lý, sử dụng hiệu quả tài nguyên nước mặt.

         Tiếp thu ý kiến chỉ đạo tại buổi Hội nghị, đồng chí Ngô Thái Chân đề nghị các phòng, đơn vị, Phòng Tài nguyên và Môi trường các huyện, thị xã, thành phố chủ động, tập trung trong thực hiện nhiệm vụ được giao, trong đó tiếp tục triển khai tốt công tác quản lý đất công, lập dự toán xây dựng 11 trụ sở Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai cấp huyện, thành lập Đoàn kiểm tra trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường tại địa phương, sớm tổ chức tập huấn công tác xác định giá đất cụ thể,..; Bên cạnh đó, kịp thời báo cáo, xin ý kiến những khó khăn vướng mắc, nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế trong năm 2023 và phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ trong năm 2024 của ngành tài nguyên và môi trường./.

Trần Thị Thúy Diễm - Văn Phòng Sở
1 2 3 4 5 
Thông báo - hướng dẫn

Thống kê truy cập
  • Đang online: 39
  • Hôm nay: 1108
  • Trong tuần: 4 188
  • Tất cả: 2289443