Tết nguyên đán của người Việt Nam_phần 2: Ngày cuối năm và đón giao thừa
Như vậy, tất cả các cuộc chuẩn bị đều phải hoàn thành, mọi nợ nần đều phải được thanh toán trước giờ cuối của năm. Các cửa được đóng sau lúc sẩm tối. Người ta làm cho xong mọi việc dọn dẹp nhà cửa. Người chủ gia đình mặc lễ phục đứng trước bàn thờ tổ tiên để thỉnh các vị về ăn Tết cùng con cháu. Và người ta thức sau bữa ăn tối để chờ năm cũ nhường chỗ cho năm mới. Người lớn quây quần điểm lại mọi sự kiện của quá khứ, và rút ra những bài học cho tương lai. Bọn trẻ con cũng không ngủ. Chúng chờ năm mới đến, bên cạnh những tấm áo của chúng được gấp nếp cẩn thận đặt trên giường, chẳng phải để đón một ông thần nào đó mang đồ chơi cho những đứa bé ngoan như ở phương Tây, mà chỉ để “xem” người lớn đón các thần mới như thế nào, và người cha trong gia đình rút ra các bánh pháo quý báu đang nằm đó trong tầm mắt đầy thèm thuồng của chúng.
Dựng nêu - tranh của Henri Oger
Quá nửa đêm, người ta kê một cái bàn ở giữa sân cúng Thượng đế cùng Táo quân sắp từ trời trở về sau khi dâng từ tâu trình hàng năm. Người ta đặt trước các mũ thần bằng giấy nhiều màu những đĩa kẹo, những chén trà, rượu, hương, nến, v.v... Ở nhiều nhà, người ta bày lên bàn thờ một con gà trống mà chân gà sẽ nói cho chủ nhân biết, nhờ sự giải thích của các thầy cúng và thấy bói, điều ông ta phải chờ đợi trong năm đang bắt đầu.
Chủ nhà quỳ lạy trước bàn thờ này, và cũng lạy cả bốn phương trời, để cầu xin ân huệ của tất cả các thần trên thế gian. Bàn thờ tổ tiên cũng được thắp đèn sáng, và kẹo bánh được dâng cúng giữa khói hương dày đặc. Những nghi lễ hoàn toàn có tính gia đình này được đánh dấu bằng tiếng nổ đinh tai của những tràng pháo dài. Và trong nhiều giờ, từ 11 giờ đêm tới 2, 3 giờ sáng, cả thành phố và nông thôn dường như phải nghe một tràng tiếng nổ không dứt. Tràng tiếng nổ đó làm vui tất cả mọi người, lớn cũng như bé. Nếu không có nó và, như ngạn ngữ thường nói, nếu không có thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ, không có bánh chưng, không có cây nêu, thì chẳng có Tết thật sự. Vì thế, mỗi gia đình đều cố gắng tích trữ sẵn pháo dùng cho ba ngày Tết.
Múa lân. Tranh của Henri Oger
Đêm giao thừa này còn được đánh dấu bằng những cuộc đi lễ đền chùa. Ai cũng lấy làm vui thích và tự thấy mình có bổn phận phải ra đình, và đến các đền chùa. Chẳng đêm nào thú vị và đẹp như đêm ấy. Đúng là một điều vui thích hiếm có khi được thức đêm đó ngoài trời. Ở tất cả các đền chùa này, nghi ngút đèn hương, mọi người, cả già lẫn trẻ, đến dâng lên chư Phật cùng những thần linh khác những lời cầu nguyện đầu tiên. Ta có cảm tưởng sống một cuộc sống thật thanh bình sâu lắng giữa đám đông sùng mộ, giản dị và thành tâm. Một lần, một người bạn trẻ từ Tây về tâm sự với tôi: “Tôi luôn luôn nhớ lại cái đêm năm mới này lúc tôi thật sự tìm lại được đất nước chúng ta sau một thời gian dài sống ở Pháp, nơi mà tôi đã qua mười hay mười hai cái Tết của mình hoặc trong các vũ hội sinh viên đã dần dà trở nên nhàm chán, hoặc một cách đơn giản, nhưng trong lòng cũng không kém trống trải và da diết nhớ quê hương, trước một cốc rượu mạnh Mỹ hay một đĩa trứng tráng giăm bông trong một quán rượu Paris cùng vài người bạn cũ. Thật ra, tôi cũng chưa tìm thấy lại được đất nước, xứ sở của chúng ta lúc đặt chân lên đất Sài Gòn hay cập bến Hải Phòng. Chỉ có đêm Tết này, giản dị là thế, yên bình là thế và vĩ đại là thế mới gây cho tôi ấn tượng sâu sắc, và lập tức đặt tôi trở lại trong cái vòng truyền thống cổ của dân tộc”. Thật là những lời lẽ cảm động của một người bị tước mất quá khứ thể hiện niềm vui của mình khi tìm lại được những gốc rễ cốt tử của mình. Những lời đó làm ta cảm thấy tất cả sức mạnh làm cho con người ta khỏe lại của cãi không khí vừa giàu kỷ niệm về quá khứ vừa chứa chan hy vọng tương lai đến thế.
Cuộc đi lễ đêm ở các đền chùa nổi tiếng của Hà Nội đã trở thành truyền thống. Mọi người đều muốn đi lễ đền chùa trước khi cử hành lễ đón giao thừa trong gia đình. Sau khi đi thăm các đền chùa trở về, và coi là đã thấm nhuần ân huệ của các thần, người ta vững tâm xông đất nhà mình. Vì ai cũng muốn yên trí rằng người đầu tiên bước vào nhà mình là người đem theo những dấu hiệu tốt lành. Nếu chẳng có ai tốt hơn, thì không ai chắc chắn bằng chính mình là người có khước, từ chốn của thần thánh trở về nhà, mang về từ đó một nén hương đốt sẵn để cắm lên bàn thờ tổ tiên.
(trích Nguyễn Văn Huyên, Hội hè lễ tết của Người Việt, Nxb Thế giới- Nhã Nam, 2017, tr.21-24)