Lượt xem: 118
Nghệ thuật Dù Kê và sân khấu Cải Lương Nam bộ- tương đồng và dị biệt.
Quá trình lịch sử tộc người của các cư dân trên vùng đất Nam Bộ nói chung và Tây Nam Bộ nói riêng đã để lại những dấu ấn văn hóa rất riêng biệt. Với văn minh sông nước, kênh rạch và tính chất mở, động, tính cách con người phóng khoáng, hào sảng, trọng nghĩa khinh tài, bao dung, bộc trực, … cùng những yếu tố khác đã tạo nên một bức trang văn hóa rất phong phú với nhiều gam màu khác nhau. Vùng đất Nam Bộ đã sản sinh ra hai loại hình nghệ thuật sân khấu đặc sắc: Nghệ thuật Dù kê Bassac của người Khmer và nghệ thuật Cải lương của người Kinh. Hai loại hình này có những nét tương đồng và dị biệt cơ bản khá thú vị.

 Những điểm tương đồng

        Dù kê và Cải lương đều có những bước tiếp thu rất linh hoạt cho phù hợp với nhu cầu của thời cuộc và thị hiếu của người xem. Nếu như trong Cải lương ngoài những yếu tố ban đầu cấu thành như: Đờn ca tài tử, thanh ca dân gian Nam bộ; nhạc lễ cung đình, … thì còn có cả sự kết hợp kịch nói của phương Tây. Và trong nội dung các vỡ diễn ngoài những nội dung liên quan đến đời sống của người Việt thì Cải lương còn vay mượn các tích tuồng từ truyện Tàu, phim Tàu. Dù kê cũng vậy, khi mới ra đời còn đơn giản, nhưng sau một thời gian thì còn tiếp thu cả những điểm hay của hát bội, Cải lương, hát Quảng, hát Tiều từ các truyện Tàu. Về mặt nội dung, ngoài những vở diễn truyền thống, thì Dù kê còn biểu diễn cả những tuồng tích của người Kinh như: Tấm Cám; Thạch Sanh chém chằn tinh, … Dù kê và Cải lương đều linh hoạt trong việc thay đổi, cải tiến các nội dung vở diễn sao cho mới hơn; phù hợp với thực tế khán giả và đời sống xã hội. Cũng giống như Cải lương, Dù kê cũng đã có những vở nói về đề tài kháng chiến, như vở “Nghĩa tình trong giông bão” Đây là vở Dù kê đầu tiên nói về thời hiện đại ra đời trong giai đoạn chống Pháp của (tác giả Thạch Voi). Tích chuyện dựng lại một giai đoạn cách mạng, qua đó khán giả thấy được tình đoàn kết của hai dân tộc Việt – Khmer. Nội dung tư tưởng của hai loại hình nghệ thuật này cũng thường là ca ngợi cái tốt và phê phán cái xấu, bảo vệ lẽ phải, bảo vệ những điều tốt đẹp, lên án cái xấu, cái phản diện.
 
         Nhân vật Hề trong Dù kê và Hề trong một số vở Cải lương xưa có vai trò giống nhau. Ngoài việc là một nhân vật thuộc hệ thống nhân vật chính diện thì anh Hề chính là nhân vật dẫn chuyện, giải thích những điều chưa rõ và nhất là làm cho vở diễn trở nên nhẹ nhàng hơn sau những tình tiết bi kịch, nặng nề, căng thẳng. Cải lương xưa và Dù kê còn giống nhau ở điểm là đều có những lúc các nghệ sĩ biểu diễn hát theo ngẫu hứng, còn gọi là (hát cương).
         Cũng giống như sân khấu Cải lương (có 07 hơi nhạc cơ bản là: Bắc, Nhạc, Đảo, Quảng, Xuân, Ai và Oán, mỗi hơi nhạc biểu cảm một sắc thái cung bậc khác nhau, tạo nên sự phong phú, giàu tính kịch để có thể phục vụ mọi tình huống sân khấu); sân khấu Dù kê cũng có những bài bản có sẵn dành cho các tâm trạng khác nhau và người sáng tác chỉ viết các lời ca mới với các bài bản cho phù hợp với các hoàn cảnh (thường có 04 điệu chính như: Buồn khổ sẽ hát bài “Angkoreat”; biệt ly, hay các tình huống bị đánh đập, gồm ba điệu: “Phon, tàng, thu” sẽ hát bài “Xòmpôông”; nữ buồn sẽ hát bài: “Môhâury”; giận dữ sẽ hát bài: “Phăchca”. Và một số giọng khác như: Gặp gỡ, mới quen sẽ hát bài: “Lôm thu”; Trữ tình sẽ hát bài: “Champicaết”; Ru sẽ hát bài: “Bompê”; Chằn ca (tiết tấu nhanh) sẽ hát bài: “phácheayeat”. Cải lương có những vũ đạo biểu diễn để thể hiện tính cách các nhân vật khác nhau, thì ở Dù kê trong vũ đạo cũng được chia thành 03 loại: Người, Chằn và thú. Tất cả gồm 13 tiết tấu cơ bản trong vũ đạo của Dù kê (nhân vật người có 10 tiết tấu cơ bản; nhân vật Chằn có 02 tiết tấu cơ bản; nhân vật thú có một tiết tấu cơ bản), …
 
         Trong hình thức tổ chức biểu diễn, nếu Cải lương thường có các tiết mục tân nhạc (hát để đón khách), thì Dù kê cũng vậy, có cả dàn nhạc Tây để biểu diễn trước khi chính thức vào chương trình với các nhạc cụ như: Man-do-lin, ghita điện, trống, … cũng nhằm mục đích thu hút khán giả, trước khi chương trình chính thức diễn ra, cả hai đều sử dụng chuyển cảnh bằng phông màn sơn thủy. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, chính Dù kê đã tiếp nhận cách làm cảnh trí của Cải lương “Các tích truyện Dù kê diễn ra giữa phông màn, đạo cụ đầy đủ, và ngày nay dưới ánh sáng điện, kể cả ánh sáng của đèn chiếu hắt từ dưới đất lên sân khấu. Riêng về mặt này người ta nghĩ ngay đến sân khấu Cải lương của người Việt, …”.  Nếu như Cải lương từ Đồng bằng Sông Cửu Long đã vượt hàng ngàn cây số, có mặt khắp vùng, với sự hình thành những đoàn nghệ thuật Cải lương (những vở diễn chất lượng, các nghệ sĩ tài danh), thì Dù kê Bassac đã vượt biên giới trở thành một bộ môn nghệ thuật được yêu thích của Campuchia. Không những thế, loại hình Dù kê này được đánh giá là phong phú hơn, màu sắc hơn, hấp dẫn hơn cách diễn của loại hình nghệ thuật này tại chính quốc. Khi công diễn Dù kê thì người Kinh cũng đi xem và ngược lại những đêm diễn Cải lương khi một câu vọng cổ được cất lên và xuống xề thì không kể người Kinh hay người Khmer đều vỗ tay tán thưởng. Hình thức sở hữu tư nhân, với những “Ông Bầu”, “Ông chủ gánh hát” cũng chính là điểm giống nhau của hai loại hình sân khấu này, điều đó chính tỏ sức thu hút của chúng đối với nhu cầu người dân vùng Đồng bằng Sông Cửu Long.

Những nét dị biệt

        Trong vở diễn chính thức Cải lương có dàn nhạc cổ và nhạc tân đi kèm nhau trong khi đó Dù kê Bassac chỉ có một dàn nhạc. Đặc biệt, ngoài những nhạc cụ trong dàn nhạc ngũ âm thì Cải lương có một sự tiếp thu và cải tiến một cách mạnh mẽ hơn đó chính là hai nhạc cụ Vi-0-lon và ghita; đặc biệt ghita được chấp nhận với điều kiện là phải khoét lõm phím đàn, tạo nên một hiệu ứng âm thanh rất độc đáo. Trong khi đó dàn nhạc của Dù kê vẫn có những nhạc cụ rất riêng, được kế thừa từ nhạc cổ Khmer, như nhạc cụ đàn bán nguyệt Khưm và các nhạc cụ dân tộc khác nữa của người Khmer, … Nhạc cụ trong sân khấu Dù kê chủ yếu là bộ dây và bộ gõ, với nhạc cụ không thể thiếu là “trô u” (đàn gáo), …
          
         Cải lương có số lượng bài bản chính thường được gọi là 20 bản tổ, bao gồm: Ba bản Nam (Nam xuân, Nam ai, Nam đảo); Sáu bản Bắc (Lưu thủy, Phú lục, Bình bán, Cổ bản, Xuân tình, Tây thi), Bảy bản nhạc, còn gọi là Bắc lớn: (Ngũ đối thượng, Ngũ đối hạ; Long đăng, Long ngâm, Vạn giá, Tiểu khúc, Xàng xê); Bốn bản Oán: (Phụng cầu, Phụng hoàng, Giang nam, Tứ đại oán). Và một số hệ thống các bài bản khác, đáng kể nhất là hệ thống 08 bản Ngự: Đường Thái Tôn, Vọng phu, Chiêu quân, Ái tử kê, Bát man tấn cống, Trường tương tư, Duyên kỳ ngộ, Quả phụ hàm oan của ông Ba Đợi (có người cho rằng ông cũng chính là tác giả của 04 bản Oán trong 20 bản tổ). Kế đến là Ngự giá đăng lâu, Ái tử kê của ông Hai Khị; Văn Thiên Tường của ông Trần Quang Quờn và ông Mười Hơn; Bình sa lạc nhạn của ông Trần Quang Quờn, … Còn Dù kê Bassac, có số lượng bài bản là 155 bài, từ bốn loại nhạc, bài ca dòng nhạc Bassac gồm 28 bài như: Lôm thú, Lôm tân, Thạch chea; bài ca từ dòng nhạc Quảng, Tiều gồm có 22 bài; bài ca từ các điệu theo nhạc Tây như các điệu: Tango; Chinoise, Panoma, Mexico, … là 16 bài; có 89 bài từ sân khấu Mahôri (Di kê), nhạc cổ Khmer, dân ca Khmer đã cải tiến cho phù hợp (Dù kê hóa hay sân khấu hóa) theo loại hình âm nhạc Dù kê Bassac. Cải lương rất hiếm hoặc không có các nhân vật vẻ mặt nạ trong khi Dù kê thì thường xuyên xuất hiện các nhân vật này.
 
         Cải lương, thường được công diễn trên sân khấu đầy đủ âm thanh, ánh sáng và sân khấu được thiết kế đầy đủ hơn, hiện đại hơn. Trong khi đó, dù có những cải tiến về cảnh trí, nhưng Dù kê thường diễn ở những nơi đơn giản, (chùa, khu vực dân cư, …) nên việc thiết kế và trang thiết bị cho Dù kê vẫn còn đơn giản hơn. Cải lương được biểu diễn thường xuyên và bất kể thời điểm nào, còn Dù kê thường được sử dụng trong các buổi lễ như, lễ Dâng bông; Tết Chôl Chnăm Thmây, lễ Cầu an, … các đoàn Dù kê đều tới hát làm phước ở chùa, hay tại địa điểm cử hành lễ như, lễ hội đua Ghe ngo, … để phục vụ khán giả suốt đêm ở đó. Số lượng các đoàn Cải lương, nghệ sĩ Cải lương phong phú hơn so với sân khấu Dù kê Nam bộ; số lượng các suất diễn hiện nay của Cải lương cũng nhiều hơn. Cải lương được xem như là thích ứng với thời cuộc nhanh hơn, nên số lượng các vở diễn với những đề tài hiện đại nhiều hơn. Trong khi đó, Dù kê Bassac, còn rất khó khăn trong việc sáng tác và dàn dựng các tiết mục mới, hiện đại, thường chỉ diễn một vài tuồng tích cũ. Trong khi Cải lương mạnh về Bắc tiến thì Dù kê lại hướng về phía Tây nhiều hơn.
 
          Bên cạnh nghệ thuật Cải lương, thì người dân Nam bộ đã có thêm một loại hình nghệ thuật đặc sắc và hết sức độc đáo đó là sân khấu Dù kê Bassac. Cải lương và Dù kê Nam Bộ đã tồn tại và gắn bó với nhau “Hai loại hình nghệ thuật này như anh em sinh đôi”,Khán giả người Việt đi xem Dù kê và người Khmer vẫn say xưa với những câu vọng cổ của người Việt. Và cả Dù kê hay Cải lương đều có một lượng khán giả đón xem là bà con người Hoa, đó là một điều hết sức đặc biệt trong văn hóa của dân tộc ta. Với sự năng động và vị thế quan trọng không thể thiếu trong đời sống tinh thần của bà con vùng đất Nam Bộ nói chung và người dân Sóc Trăng nói riêng, nên trải qua quá trình hình thành và phát triển, nghệ thuật Cải lương cũng như Dù kê đã luôn tiếp nhận thêm cái mới, thậm chí là tiếp cận cái mới lẫn nhau, nhưng vẫn giữ được nét đặc thù. Đây là hai loại hình nghệ thuật đáng quí, độc đáo của vùng Đồng bằng Sông Cửu Long, cần có những chính sách đồng bộ để bảo tồn và phát huy hai loại hình nghệ thuật này trong cuộc sống hiện nay. Đây là giá trị văn hóa đặc sắc trên vùng đất phương Nam của Tổ quốc.
Bài và ảnh: Sóc Ca

 

 

video
  • Ngành Tuyên giáo Sóc Trăng (04/04/2025)
  • Hoa kèn hồng (16/03/2025)
1 
Thống kê truy cập
  • Đang online: 56
  • Hôm nay: 1289
  • Trong tuần: 7 122
  • Tất cả: 1400275
Cơ quan chủ quản: Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Sóc Trăng
Địa chỉ liên hệ: 50 Lê Duẩn, TP. Sóc Trăng, Tỉnh Sóc Trăng 
Điện thoại: (02993) 821704 Fax: (02993) 825702 Email: sovhttdl@soctrang.gov.vn
Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp trên internet
Số: 03/GP-TTĐT ngày 13/01/2010 do Cục quản lý Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử Bộ Thông tin và Truyền thông cấp
@ Ghi rõ nguồn "Cổng thông tin điện tử Sở VHTTDL tỉnh Sóc Trăng" khi phát hành lại thông tin từ Cổng thông tin này.