Lượt xem: 3
Ý nghĩa lễ cầu an, văn hóa tâm linh của đồng bào Khmer
Hằng năm, vào những ngày sau Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây (khoảng cuối tháng Ba, đầu tháng Tư Âm lịch), đồng bào Khmer lại tổ chức hội làng, hay còn gọi là lễ Cầu an (tiếng Khmer gọi là Banh Kom Sal Srok). Tuy không phải là lễ lớn, nhưng lễ Cầu an  là loại hình tín ngưỡng dân gian đặc sắc, mang nhiều giá trị văn hóa truyền thống của người Khmer vùng sông nước Đồng bằng Sông Cửu Long.
         Văn hóa dân gian của người Khmer, mang nhiều nét độc đáo, trong đó có tín ngưỡng văn hóa đặc sản lễ hội Cầu an (Banh Kom Sal Srok). Tín ngưỡng này được xem là một giá trị văn hóa tinh thần của cộng đồng người Khmer nói chung. Bên cạnh việc vui chơi giải trí, hội làng còn có thêm một nghi thức tôn giáo, là cầu cho mưa thuận, gió hòa, mùa màng năm mới được bội thu và cầu cho muôn vật được sống an vui. Thượng tọa Thạch Thươl, Trụ trì chùa Bưng Cro Chắp Thmây, xã Tân Hưng, huyện Long Phú cho biết: “Lễ hội Cầu an thường được tổ chức vào mùa khô, sau Tết Chôl Chnăm Thmây, có nơi còn chọn thời gian cho phù hợp với thời điểm các em học sinh Khmer được nghỉ hè và các lớp Phật học dành cho các vị sư sãi trong các chùa Phật giáo Nam Tông Khmer bước vào khai giảng năm học mới. Trong thời gian tổ chức lễ, đồng bào Khmer ở các Phum sóc lân cận thường kéo nhau đến dự rất đông, tùy theo lứa tuổi, mà mục đích của người đi có quan niệm và tính chất khác nhau. Người lớn tuổi thường đến đây để thắp nhang lạy Phật, nghe chư tăng tụng kinh, thuyết pháp và cầu nguyện để mong thoát được sự rủi ro. Còn lớp trẻ đến đây để vui chơi giải trí, thưởng thức văn nghệ, nhảy múa rô băm, rom vông, saraval. Lớp trẻ đến dự lễ ban đêm là chủ yếu. Hiện nay, lễ hội Cầu an được tổ chức từ 2 đến 3 ngày đêm. Quy mô tổ chức lớn nhỏ tùy theo điều kiện thực tế”.

Bà con Khmer ở Tà Lời, ấp Tư thị trấn Long Phú, bước vào lễ Cầu an

         Theo quan sát của chúng tôi ở một số nơi trên địa bàn huyện Long Phú, lễ hội Cầu an được bà con tổ chức đầy đủ phần Lễ và phần Hội. Lễ bái Tam bảo và thỉnh các vị sư mở khóa kinh cầu an; nghi thức quan trọng nhất trong ngày lễ, thỉnh Kim thân Phật, lập bàn thờ Bác Hồ, bái chư thiên cầu cho mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu. 
 
         Theo ông Thạch Thanh, Trưởng ban quản trị chùa Sâng Ke, xã Trường Khánh, để chuẩn bị cho ngày lễ Banh kom Sal Srok, vào ngày cuối cùng của Tết Chôl Chnăm Thmây, các hương phụ lão trong Phum sóc ngồi lại chọn ngày tốt và thông báo cho mọi người biết thời gian và địa điểm tổ chức lễ Cầu an. Trước ngày lễ, Ban tổ chức họp bàn cách tổ chức, như chi phí bao nhiêu, rồi phân công người đi vận động đồng bào phật tử đóng góp. Trai tráng trong phum sóc thì tập trung lại, chặt cây dựng lều ngoài đồng ruộng để làm nơi tổ chức lễ; còn các bà, các hương thân phụ lão thì lo việc tâm linh; chuẩn bị bàn thờ Phật, nơi dành riêng cho các sư, nơi biểu diễn văn nghệ và các trò chơi dân gian giải trí; đồng thời chuẩn bị hoa đăng, nhang đèn để phục vụ ngày hội. Chú Lâm Si Thu, trưởng ban tổ chức lễ hội Cầu an, ở ấp Trường Lộc, xã Trường Khánh, huyện Long Phú, nói: “Nghi thức lễ hội Cầu an, là dịp để người dân trong Phum sóc gặp gỡ, thăm hỏi sức khỏe, trao đổi kinh nghiệm sản xuất cũng như cầu cho mưa thuận, gió hòa, mùa màng xanh tốt, vạn vật sinh sôi nẩy nở, phum sóc no đủ lâu bền. Đây cũng dịp là để vui chơi, giải trí trước khi người nông dân Khmer bước vào mùa vụ gieo trồng trong nông nghiệp. Xưa kia, lễ Cầu an thường được tổ chức trong hai ngày đêm, bao gồm các nghi thức như: Thỉnh các vị sư đi sớt bát theo từng hộ gia đình để cầu siêu, cầu an cho gia đình được mạnh khỏe, hạnh phúc; thỉnh chư thiên, mời các vị sư đọc kinh cầu an, để tế các vị thần bảo vệ đất đai và làm lễ gọi hồn lúa để cầu cho mùa màng được bội thu, cuối cùng là nghi thức thả đèn gió để mong ước nhiều điều may mắn, suôn sẻ, an vui đến mọi nhà”.

Lễ cúng hỷ, một nghi thức không kém phần quan trọng trong lễ cầu an, được Ban tổ chức chuẩn bị rất chu đáo, gồm gạo, nhu yếu phẩm, hiện vật, dành cho những hoàn cảnh khó khăn trong Phum sóc.

         Do lễ hội Cầu an bắt nguồn từ việc lao động sản xuất nông nghiệp, trồng lúa nước, trồng trọt, làm vườn và chăn nuôi, cho nên các loại vật phẩm dành cho việc cúng kiến cũng xuất phát từ ngành nghề nông nghiệp. Các lễ vật dành cho lễ hội Cầu an thường có, 1 hoặc 2 đầu heo luộc, một con gà hoặc vịt luộc, những buồng dưa tươi, buồng chuối xiêm, một ít cốm, trầu cau, bánh trái, thuốc lá và rượu trà, … Năm nào có hạn hán kéo dài, người ta thường đem các vật cúng này đến tại miếu của thần Neat ta Srê (ông Tà đồng ruộng) để làm lễ cầu xin nước mưa, một nghi thức không thể thiếu trong lễ hội Cầu an, là lễ an vị tượng Phật và lễ cúng hỷ. Ban tổ chức lễ chuẩn bị áo Cà sa, một cây dù, một bình bát và bình bông, nhang đèn. Còn bổn đạo, phật tử thì lo tắm rửa và lau chùi tượng Phật, hoặc tranh đức Phật của nhà mình cho sạch sẽ, rồi đem đến nơi tổ chức làm lễ an vị tượng Phật. Bà con mang tranh và tượng Phật đến, sắp đặt nơi trang trọng nhất để đốt nhang niệm Phật; sau đó mời một vị Achar đại diện kể lại tiểu sử của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, từ khi mới sinh đến khi nhập niết bàn. Trong lễ cúng hỷ, thường là bà con mang tập, sách, viết đến cúng, số vật phẩm này sau đó sẽ chuyển đến cho các em học sinh nghèo.

         Lễ hội Cầu an, còn góp phần trong việc xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở, như vận động tham gia xây dựng các cơ sở hạ tầng, điện, đường, trường, trạm và giữ gìn vệ sinh môi trường, đồng thời còn gắn liền với việc bảo vệ, trùng tu, tôn tạo, chùa chiền, miếu mạo, … Nổi bật nhất là ấp Khoan Tang, thị trấn Long Phú, và ấp Bưng Thum, xã Long Phú, mỗi năm các địa phương này, bà con đều tổ chức lễ hội Cầu an, với quy mô lớn, có hàng ngàn bà con phật tử đến tham gia, số tiền vận động được hàng trăm triệu đồng, Ban tổ chức lễ hội cùng với Ban quản trị chùa, kết hợp cùng chính quyền địa phương, tổ chức xây dựng và sửa chữa đường, xây cầu, gắn đèn thắp sáng, hỗ trợ xây dựng nhà ở cho những hoàn cảnh khó khăn, mỗi năm bà con bổn sóc đến đóng góp hàng chục tấn gạo, vài tấn lúa, để giúp đỡ cho hộ nghèo, những hoàn cảnh khó khăn, cơ nhở, … Trong những ngày diễn ra lễ Cầu an, ngoài cúng theo phong tục, bà con còn tổ chức biểu diễn văn nghệ và các trò chơi dân gian giải trí mang đậm nét văn hóa của đồng bào Khmer trong từng Phum sóc. Ngày nay, lễ hội Cầu an của đồng bào Khmer đã được lược bớt những nghi thức rườm rà, tốn kém, nhưng nhìn chung vẫn giữ được nét truyền thống đặc sắc của đồng bào Khmer. Tín ngưỡng dân gian lễ hội Cầu an không thể thiếu trong đời sống văn hóa tinh thần, tâm linh của người Khmer, thể hiện niềm tin của con người vào thiên nhiên, thể hiện tính cộng đồng cao là yếu tố liên kết, tập hợp cư dân trong phum sóc.

Bà con đồng bào Khmer, ở ấp Trường Lộc, xã Trường Khánh, mời các vị sư thọ thực trong buổi lễ Cầu an

         Qua lễ hội dễ nhìn ra yếu tố hiện thực, các sản phẩm, vật phẩm có trước mắt đều mang bản sắc truyền thống dân tộc. Các phong tục lạc hậu được hạn chế, các hình thức xin xăm, đồng bóng, bắt ma, bói toán không tồn tại trong lễ hội Cầu an, nó lại nhường chỗ cho việc tổ chức văn nghệ, múa hát, giải trí cho thanh thiếu niên sinh hoạt giao lưu, mang tính đoàn kết theo truyền thống dân tộc. Đặc biệt hơn nữa là, thông qua thời gian cộng cư, giao lưu văn hóa với người Việt, người Hoa, nên lễ hội có sự tham gia của toàn cộng đồng, thể hiện tính cộng đồng cao, là sợi chỉ kết nối 03 dân tộc Kinh – Khmer – Hoa lại với nhau. Đây cũng được xem như là một di sản văn hóa phi vật thể nên cần phải bảo tồn, tôn tạo và phát huy.
Bài và ảnh: Sóc Ca

 

 

video
  • Ngành Tuyên giáo Sóc Trăng (04/04/2025)
  • Hoa kèn hồng (16/03/2025)
1 
Thống kê truy cập
  • Đang online: 77
  • Hôm nay: 1329
  • Trong tuần: 1 329
  • Tất cả: 1406185
Cơ quan chủ quản: Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Sóc Trăng
Địa chỉ liên hệ: 50 Lê Duẩn, TP. Sóc Trăng, Tỉnh Sóc Trăng 
Điện thoại: (02993) 821704 Fax: (02993) 825702 Email: sovhttdl@soctrang.gov.vn
Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp trên internet
Số: 03/GP-TTĐT ngày 13/01/2010 do Cục quản lý Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử Bộ Thông tin và Truyền thông cấp
@ Ghi rõ nguồn "Cổng thông tin điện tử Sở VHTTDL tỉnh Sóc Trăng" khi phát hành lại thông tin từ Cổng thông tin này.