Những quy định về định giá tài sản và giám định thiệt hại
Ngày 15/5/2018, Chính phủ ban hành Nghị định số 68/2018/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2017 thay thế cho Luật Trách nhiệm bồi thường Nhà nước năm 2009 và chính thức có hiệu lực.
Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trong đó quy định cụ thể việc xác định thiệt hại do tài sản bị xâm phạm quy định tại Điều 23 của luật. Cụ thể, nghị định của Chính phủ hướng dẫn việc định giá thiệt hại do tài sản bị xâm hại trong các trường hợp sau: Giá thị trường của tài sản cùng loại hoặc tài sản có cùng tính năng, tiêu chuẩn kỹ thuật, tác dụng và chất lượng trên thị trường quy định tại Khoản 1, Điều 23 của luật là giá giao dịch phổ biến trung bình trên thị trường của 3 tài sản đó do 3 cơ sở kinh doanh khác nhau trên thị trường cung cấp. Thị trường quy định tại Khoản 1, Điều 23 của luật là thị trường trong phạm vi huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh nơi phát sinh thiệt hại thực tế. Trường hợp thị trường cấp huyện nơi phát sinh thiệt hại thực tế không có tài sản cùng loại hoặc tài sản có cùng tính năng, tiêu chuẩn kỹ thuật, tác dụng và chất lượng thì thị trường là thị trường cấp huyện gần nhất với nơi phát sinh thiệt hại thực tế trong phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Còn việc xác định thiệt hại do tài sản bị xâm phạm quy định tại các Khoản 3, 4 và 5, Điều 23 của luật thì Điều 4 nghị định của Chính phủ hướng dẫn thực hiện gồm: Khoảng thời gian để tính thu nhập thực tế bị mất quy định tại Khoản 3, Điều 23 của luật do tài sản đã bị phát mại, bị mất được tính từ ngày tài sản bị phát mại, bị mất đến thời điểm thụ lý hồ sơ yêu cầu bồi thường theo quy định tại Điều 43 của luật hoặc đến thời điểm Tòa án cấp sơ thẩm xác định giá trị thiệt hại đối với trường hợp quy định tại Khoản 1, Điều 52 và Điều 55 của luật. Khoảng thời gian để tính thu nhập thực tế bị mất quy định tại Khoản 3, Điều 23 của luật do không được sử dụng, khai thác tài sản bị thu giữ, tạm giữ, kê biên, tịch thu trái pháp luật hoặc do tài khoản bị phong tỏa được tính từ ngày không được sử dụng, khai thác tài sản đến ngày tài sản được trả lại hoặc đến ngày tài khoản được giải tỏa. 

Đối với việc định giá tài sản, giám định thiệt hại quy định tại Khoản 1, Điều 45 của luật, tại Điều 17 nghị định của Chính phủ hướng dẫn thực hiện trong các trường hợp như: Không xác định được giá thị trường theo quy định tại các Khoản 1 và 4, Điều 3 nghị định này; không có tài sản cùng loại hoặc tài sản có cùng tính năng, tiêu chuẩn kỹ thuật, tác dụng và chất lượng với tài sản bị thiệt hại trên thị trường tại thời điểm tiến hành xác minh thiệt hại; có sự thay đổi về hiện trạng của tài sản bị thiệt hại tại thời điểm xác minh thiệt hại so với ngày phát sinh thiệt hại thực tế dẫn đến làm thay đổi tính năng, tiêu chuẩn kỹ thuật, tác dụng và chất lượng của tài sản.

Chi phí định giá tài sản, giám định thiệt hại được thực hiện trong quá trình xác minh thiệt hại, người giải quyết bồi thường có trách nhiệm xác định những trường hợp cần định giá tài sản, giám định thiệt hại và đề xuất thủ trưởng cơ quan giải quyết bồi thường cấp kinh phí định giá tài sản, giám định thiệt hại; trong thời hạn 1 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đề xuất cấp kinh phí định giá tài sản, giám định thiệt hại đủ căn cứ theo quy định tại nghị định này và còn dự toán quản lý hành chính được cấp có thẩm quyền giao, thủ trưởng cơ quan giải quyết bồi thường hoàn thành việc cấp kinh phí định giá tài sản, giám định thiệt hại.

K.N


Thông báo
Báo cáo - thống kê
Videos

 

lượt truy cập
  • Tất cả: 81306508

Cơ quan chủ quản: UBND tỉnh Sóc Trăng - Điện thoại: 0299.3822339 - Fax: 0299.3820473 - Email: phonghanhchinh-soctrang@chinhphu.vn
Đơn vị quản lý: Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Sóc Trăng
Giấy phép số 01/GP-STTTT do Sở Thông tin và Truyền thông cấp ngày 22/9/2021.
Điện thoại Ban biên tập: 02993.626252 - Email: banbientap@soctrang.gov.vn
Địa chỉ: 56 Lê Duẩn - Phường 3 - Tp Sóc Trăng.
@ Ghi rõ nguồn "Cổng thông tin điện tử tỉnh Sóc Trăng" khi phát hành lại thông tin từ Cổng thông tin này.