Long Phú - phum sóc bừng sáng sắc xuân 2021
              Những năm gần đây, đặc biệt là năm 2020, trong điều kiện huyện còn gặp nhiều khó khăn, thách thức, thời tiết và dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhưng dưới dự lãnh đạo của Huyện ủy, các cấp ủy đảng, chính quyền và nhân dân trong huyện, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số, từ diện mạo nông thôn đến mọi mặt đời sống của đồng bào Khmer Long Phú đã có những bước phát triển đáng tự hào. Thành tựu này được tạo dựng bởi sức mạnh đồng tâm hiệp lực của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương và đồng bào trong từng phum sóc.

               Về vùng đồng bào Khmer hôm nay, chúng ta sẽ được nghe những âm thanh rộn ràng và cảm nhận rõ hơn một luồng sinh khí mới đang bừng trỗi dậy. Phum sóc hôm nay đã thật sự “thay da đổi thịt”. Nhờ Đảng, Nhà nước, Huyện ủy, HĐND, UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện hết lòng chăm lo, đặc biệt là sự nỗ lực không mệt mỏi của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương và đồng bào Khmer. Đồng chí Thạch Chanh Cha - Phó trưởng phòng Dân tộc huyện Long Phú cảm nhận rõ nhất sự đổi thay của vùng có đông đồng bào dân tộc, không chỉ trực tiếp làm “cầu nối” đưa các chính sách dân tộc về với phum sóc, đồng chí còn tích cực cùng các địa phương tìm cách giúp người dân phát triển sinh kế. Việc từng bước chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với đặc thù vùng đồng bào, đặc biệt là tăng cường áp dụng những tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, đã giúp đời sống kinh tế đồng bào Khmer ngày càng khởi sắc. Tại các xã, thị trấn có đông đồng bào Khmer sinh sống, thu nhập bình quân đầu người của đồng bào đạt từ 48 - 50 triệu đồng/năm. Đồng chí Thạch Chanh Cha phấn khởi cho biết: “Đến nay, huyện đã giải ngân hoàn toàn nguồn vốn từ các chính sách, dự án của Trung ương về đầu tư cơ sở hạ tầng, hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo 5 xã thuộc khu vực II và 3 xã thuộc khu vực III, với tổng kinh phí thực hiện trong giai đoạn 2016 - 2020 là 25 tỷ 924 triệu đồng. Mặc dù kinh phí đầu tư không nhiều, nhưng đã thấy rất rõ sự đổi thay mạnh mẽ tại những địa bàn có đông đồng bào dân tộc Khmer. Nhìn lại một năm, từ diện mạo nông thôn đến mọi mặt đời sống của đồng bào như vừa bước sang một trang mới. Hiện huyện Long Phú chỉ còn 309 hộ đồng bào Khmer nghèo, chiếm tỷ lệ trên 3%”.

               Đi qua từng con đường, ngõ xóm, chúng tôi bắt gặp một sắc màu mới toanh ở địa bàn có đông đồng bào Khmer như xã: Trường Khánh, thị trấn Long Phú, xã Tân Hưng và xã Long Phú “lột xác” khi hàng chục tỷ đồng của Trung ương của tỉnh cũng như huyện đã đầu tư cho phum sóc những nhà văn hóa, công trình thủy lợi và những tuyến đường bê tông mới trải lối về tận xóm, ấp. Đối với đồng bào Khmer xã Trường Khánh, những ngày xuân đang về có ý nghĩa rất đặc biệt. Sức mạnh của ý Đảng và lòng dân đã giúp xã Trường Khánh chuẩn bị “chạm đích” danh hiệu nông thôn mới nâng cao. Chưa khi nào người dân Khmer nơi đây tự hào đến như thế khi những cố gắng đã đến ngày “thu hoạch”, từng là những xóm nghèo của xã, nhưng nay ấp Trường Thành B, ấp Trường Thọ đã được phủ lên mình một diện mạo mới. Từ trung tâm xã dẫn về các ấp, sự khang trang đến từ những căn nhà tường, trường học và chùa Khmer làm cho phum sóc thêm phần rạng rỡ trước mùa xuân mới.

               Chúng tôi tìm đến gia đình chị Kiên Thị Diệp, ngụ tại ấp Ko Kô, xã Tân Hưng, gia đình chị Diệp là tấm gương sáng trong lao động sản xuất và vươn lên thoát nghèo, có cuộc sống no ấm. Năm 2013, chị xin vay vốn hộ nghèo từ ngân hàng chính sách xã hội số tiền 30 triệu đồng, với lãi suất ưu đãi. Chị Diệp mua 2 con bò sinh sản để làm vốn sinh sống. Hàng ngày, vợ chồng chị tranh thủ dậy sớm đi cắt cỏ cho bò ăn, thời gian còn lại thì đi làm thuê để duy trì thu nhập. Sau 3 năm chăn nuôi, đến hạn, chị Diệp đã bán bê để hoàn tất nợ vay cho ngân hàng. Nhận thấy hiệu quả từ nguồn vốn vay ưu đãi, vợ chồng chị đề nghị xin được vay tiếp tục với số tiền là 50 triệu đồng. Lần này gia đình chị quyết định mở rộng chuồng trại, mua thêm 3 con bò sinh sản và trồng cỏ nuôi bò ngay trong vườn nhà. Bò được chăm sóc tốt nên sinh sản ổn định, bán được giá cao, kinh tế gia đình nhờ đó mà phát triển. Đến nay, gia đình chị đã thoát được nghèo, tết nay gia đình chị vừa mới xây dựng được một căn nhà khá khang trang. Chị Diệp phấn khởi nói: “Nhờ nguồn vốn vay của ngân hàng, gia đình tôi kiên trì nuôi bò, cũng nhờ nuôi bò, nên năm nay tôi mới cất được căn nhà này, tết năm nay chắc vui hơn mọi năm rất nhiều”.

Xuân về no ấm trên từng phum sóc.

               Đến ấp Bưng Thum, xã Long Phú, là một trong những ấp nghèo nhất của xã, ấp có gần 100% đồng bào Khmer sinh sống, cuộc sống nghèo nàn, lạc hậu thuở nào nay chỉ còn lại là câu chuyện của quá khứ. Chúng tôi bị đắm chìm trước vẻ đẹp của làng quê và những con người đang ra sức xây dựng ấp nông thôn mới kiểu mẫu. Tiếng nô đùa của các em học sinh đi trên con lộ mới, cảnh người nông dân Khmer cần mẫn chăm sóc rẫy hoa màu, hay niềm vui của các chị em chi hội phụ nữ trong lúc chăm sóc tuyến đường hoa đón tết… tạo nên một bức tranh sống động, tuyệt đẹp trước thềm xuân mới. Theo chân Bí thư chi bộ, Trưởng Ban nhân dân ấp Bưng Thum Thạch Vành Na, chúng tôi tìm đến nhà ông Lâm Hoài, một nông dân Khmer tiêu biểu về sự cần cù lao động, quyết chí vươn lên làm giàu. Qua rồi những tháng ngày vất vả, cuộc sống gia đình ông nay đã khấm khá với thu nhập từ 500 triệu đồng/năm, ông Lâm Hoài chia sẻ: “Được Đảng và Nhà nước hết lòng chăm lo, đồng bào Khmer ở khắp nơi trên đất Long Phú đang ra sức thi đua lao động sản xuất, xây dựng gia đình ấm no và tiến bộ, bảo tồn và phát huy  bản sắc văn hóa dân tộc… Không chỉ vậy, đồng bào dân tộc còn tích cực thực hiện nhiều phong trào để góp sức vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương”.

                Đồng chí Huỳnh Đức - Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Long Phú cho biết: “Trong giai đoạn 2016 - 2020, Huyện ủy đã ban hành nghị quyết chuyên đề về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giảm nghèo bền vững. Từ đó, đã huy động nhiều nguồn lực để tạo cơ hội và điều kiện cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, nhất là hộ đồng bào dân tộc Khmer tự lực vươn lên phát triển kinh tế, tăng thu nhập, thụ hưởng các chính sách xã hội nhằm cải thiện và từng bước nâng cao điều kiện sống; tăng cường đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, tạo điều kiện cho phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo nhanh và bền vững. Long Phú đã thực hiện lồng ghép các chương trình mục tiêu quốc gia, các chính sách hỗ trợ cho đồng bào dân tộc thiểu số... Đồng thời, phân công cụ thể cán bộ, đảng viên phụ trách giúp đỡ hộ nghèo, hộ cận nghèo là đồng bào dân tộc, phấn đấu hàng năm giảm tỷ lệ hộ nghèo đồng bào dân tộc từ 3% - 4%.”

               Sự đổi thay trên những vùng có đông đồng bào Khmer đã góp phần hòa vào niềm vui thắng lợi của toàn Đảng, toàn dân Long Phú. Trong bức tranh của mùa xuân quê hương, vẻ đẹp của phum sóc như những “bông hoa” rực rỡ sắc màu. 

Sóc Ca



Thông báo
Báo cáo - thống kê
Videos

 

lượt truy cập
  • Tất cả: 81273517

Cơ quan chủ quản: UBND tỉnh Sóc Trăng - Điện thoại: 0299.3822339 - Fax: 0299.3820473 - Email: phonghanhchinh-soctrang@chinhphu.vn
Đơn vị quản lý: Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Sóc Trăng
Giấy phép số 01/GP-STTTT do Sở Thông tin và Truyền thông cấp ngày 22/9/2021.
Điện thoại Ban biên tập: 02993.626252 - Email: banbientap@soctrang.gov.vn
Địa chỉ: 56 Lê Duẩn - Phường 3 - Tp Sóc Trăng.
@ Ghi rõ nguồn "Cổng thông tin điện tử tỉnh Sóc Trăng" khi phát hành lại thông tin từ Cổng thông tin này.