Thạnh Trị chú trọng phát triển đàn bò thịt gắn với mục tiêu thoát nghèo bền vững
     Trong đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của huyện Thạnh Trị thì chăn nuôi bò thịt được xem là mô hình chủ lực giúp phát triển kinh tế hộ, góp phần giảm nghèo bền vững cho các hộ khó khăn, ít đất sản xuất, đặc biệt là các vùng có đông bà con Khmer. Theo thống kê, hiện toàn huyện Thạnh Trị hiện có gần 10.000 con bò. Thực hiện theo dự án phát triển đàn bò thịt của tỉnh Sóc Trăng, thì trong năm 2020 Thạnh Trị phấn đấu tăng thêm trên 10 ngàn con. Do đó,  việc duy trì và mở rộng mô hình chăn nuôi bò được các cấp, ngành huyện quan tâm, chú trọng thực hiện. Ông Nguyễn Văn Sô - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Thạnh Trị cho biết: Cùng với dự án phát triển đàn bò của tỉnh thì huyện cũng đang tập trung tranh thủ các nguồn vốn để hỗ trợ cho các hộ khó khăn, và xác định đây là một trong những mô hình hiệu quả thiết thực trong công tác giảm nghèo của huyện, bởi thực tế cho thấy nhiều hộ nuôi bò trên địa bàn huyện thời gian qua đều thoát nghèo bền vững.

     Cùng với cây lúa và cây màu, thì chăn nuôi được xem là thế mạnh của huyện thuần nông như Thạnh Trị, việc tận dụng nguồn phụ phẩm từ nông nghiệp, đảm bảo được nguồn thức ăn khi tăng đàn đã góp phần làm cho mô hình này nhiều hiệu quả thiết thực. Kết quả rõ nét nhất chính là đến nay nhiều hộ gia đình đã cải thiện kinh tế, vươn lên thoát nghèo bền vững. Tính đến cuối năm 2019, tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện chỉ còn 6,68%. Là một trong những hộ Khmer nuôi bò thịt nhiều năm nay, anh Sơn Thương ở ấp  Kiết Lập A, xã Lâm Tân phấn khởi nói: So với các mô hình chăn nuôi khác thì nuôi bò thịt thu nhập khá hơn, đặc biệt là mình có thể tranh thủ những lúc rảnh rỗi để đi cắt cỏ, lấy rơm, thời gian còn lại mình đi làm những việc khác được. Chủ yếu là lấy công làm lời, ít tốn chi phí, thức ăn, giá cả cũng ổn định hơn.

Trang trại chăn nuôi bò của anh Sơn Thương ở ấp Kiết Lập A, xã Lâm Tân, huyện Thạnh Trị

     Những năm gần đây, ngoài phát triển về số lượng thì người chăn nuôi cũng đã chú trọng nâng cao chất lượng đàn bò. Việc thay thế giống bò cỏ truyền thống bằng giống bò lai đã và đang đem lại hiệu quả kinh tế cho các hộ chăn nuôi. Minh chứng rõ nét nhất chính là hiện toàn huyện có hơn 90 mô hình liên kết sản xuất, trong đó có hơn 50% mô hình đang hoạt động hiệu quả theo hướng tổ hợp tác, hợp tác xã, và mô hình chăn nuôi bò đang chiếm phần lớn, góp phần đáng kể trong đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của huyện, nâng cao chất lượng sản phẩm trên thị trường. Ông Sơn Thanh Phong - Giám đốc HTX sản xuất Nông nghiệp ấp Kiết Lập B,  xã Lâm Tân cho biết: bây giờ bà con chăm nuôi không chỉ chú trọng số lượng mà tiêu chí hàng đầu là chất lượng , nên những năm gần đây công tác cải tạo giống được bà con chú trọng rất nhiều, đặc biệt là khi có dự án phát triển đàn bò thịt của tỉnh thì bà con ở đây càng thuận lợi hơn nhiều trong việc chăn nuôi, từ đó mà hiệu quả ngày càng cao, đời sống bà con cải thiện đáng kể.

     Với hiệu quả thiết thực từ mô hình chăn nuôi bò thịt mang lại, hiện tại ngoài việc được hỗ trợ dự án phát triển đàn bò thịt của tỉnh, Thạnh Trị cũng đang tranh thủ các nguồn vốn để hỗ trợ cho bà con khó khăn, đặc biệt là chú trọng vào các vùng có đông đồng bào Khmer, nhằm phấn đấu kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 2% đến 3% /năm, góp phần hoàn thành tiêu chí hộ nghèo và thu nhập trong chương trình xây dựng nông thôn mới của huyện.

Hồng Duyên

Thông báo
Báo cáo - thống kê
Videos

 

lượt truy cập
  • Tất cả: 81686367

Cơ quan chủ quản: UBND tỉnh Sóc Trăng - Điện thoại: 0299.3822339 - Fax: 0299.3820473 - Email: phonghanhchinh-soctrang@chinhphu.vn
Đơn vị quản lý: Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Sóc Trăng
Giấy phép số 01/GP-STTTT do Sở Thông tin và Truyền thông cấp ngày 22/9/2021.
Điện thoại Ban biên tập: 02993.626252 - Email: banbientap@soctrang.gov.vn
Địa chỉ: 56 Lê Duẩn - Phường 3 - Tp Sóc Trăng.
@ Ghi rõ nguồn "Cổng thông tin điện tử tỉnh Sóc Trăng" khi phát hành lại thông tin từ Cổng thông tin này.